Công nghệ mới giúp phá vụ án chỉ từ 15 tế bào

Thứ Bảy, 31/07/2021, 14:29

Thông thường, các chuyên gia pháp y cần khoảng 4.000 tế bào DNA để có thể giám định một mẫu DNA, tuy nhiên vào ngày 22-7-2021, phòng thí nghiệm Othram đã giúp cảnh sát Las Vegas, Mỹ phá giải một vụ án mạng xảy ra năm 1989 chỉ bằng vỏn vẹn… 15 tế bào DNA. Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử khoa học pháp chứng hiện đại.

Tìm ra thủ phạm vụ giết người sau 30 năm

Ngày 1-6-1989, cô bé Stephanie đi bộ một mình tới trường nhưng sau khi giáo viên báo cho bố em biết em  không đến lớp, ông Isscson đã báo cảnh sát. Cảnh sát Las Vegas ngay lập tức tiến hành tìm kiếm nạn nhân và sau vài ngày, họ tìm thấy thi thể nạn nhân ở một bãi đất trống.

Bà Murga giải thích rằng những mẫu DNA thu thập được tại hiện trường và trên cơ thể nạn nhân đã được xét nghiệm nhiều lần trong 30 năm vừa qua tuy nhiên do công nghệ trong quá khứ chưa được hiện đại, những lần giám định này cũng không mang lại kết quả gì.

Vụ án chỉ thực sự tiến triển vào năm 2021 sau khi nhà hoạt động xã hội Justin Woo đóng góp một khoản tiền từ thiện khá lớn để hỗ trợ cảnh sát Los Angeles lật lại những vụ án mạng chưa tìm ra thủ phạm. Nhờ sự giúp đỡ của Woo, cảnh sát Los Angeles đã có thể thuê phòng thí nghiệm Othram sử dụng những phương pháp kĩ thuật tối tân nhất nhằm xác minh chủ nhân mẫu DNA để lại trên thi thể nạn nhân.

Chỉ trong 7 tháng, Othram đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài suốt 30 năm qua bằng một phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới; được biết đây cũng chính là cách cảnh sát California bắt giữ tên sát nhân hàng loạt Joseph James DeAngelo năm 2018. Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ “nuôi béo” mẫu DNA ít ỏi, và khi đã có đủ lượng tế bào DNA cần thiết, họ sẽ đối chiếu DNA với các mẫu trong kho dữ liệu quốc gia cho đến khi tìm thấy một mẫu khớp.

Quá trình đối chiếu gen sẽ tiếp tục trong nhiều tháng để các chuyên gia có thể vẽ ra một cây phả hệ và cuối cùng, họ tìm thấy những người thân có quan hệ rất gần với chủ nhân mẫu DNA họ cần tìm. Khi đã đến bước này, cảnh sát sẽ vào cuộc để khai thác người thân của kẻ tình nghi và từ đó truy tìm tung tích của chúng.

3 năm trước khi sát hại Stephanie, thủ phạm Darren Roy Marchand đã từng bị bắt khi mới 20 tuổi do bị tình nghi siết cổ một phụ nữ địa phương tên Nanette Vanderberg; tuy nhiên hắn được trả tự do vì không đủ chứng cứ. Darren có tiền sử bị tâm thần và hắn đã tự sát năm 1995.

Nhưng đây chỉ là 1 trong 15 vụ án mà phòng thí nghiệm non trẻ Othram giúp cảnh sát tìm ra hung thủ trong 3 năm vừa qua.

Ông David Mittelman vốn là một nhà khoa học danh tiếng và ông đã từng làm việc 5 năm trong dự án Hệ gen người - một nghiên cứu trải dài từ năm 1990 đến năm 2003 với mục tiêu giải mã bản đồ gen của con người. Sau khi dự án kết thúc, nhà khoa học này bắt đầu nhận ra những dịch vụ mà ngành nghề của mình có thể cung cấp như giúp cha mẹ xác định đột biến gen ở thai nhi, giúp cơ quan hành pháp phá án hoặc hỗ trợ khách hàng tìm người thân…

Năm 2018, ông Mittleman thành lập Othram và quyết định sử dụng kiến thức khoa học của mình để phá án. Hiện tại khách hàng của Othram chủ yếu là các sở cảnh sát toàn quốc có nhu cầu điều tra các vụ án nhiều năm chưa có lời giải. 

Ông David Mittelman, giám đốc phòng thí nghiệm Othram.

Đoàn tụ với em gái nhờ kho DNA

Công nghệ của Othram cũng đã giúp một gia đình đoàn tụ với người con xấu số tại New Jersey. Khi sắp qua đời tại một bệnh viện ở Bắc Jersey, Mỹ vào năm 2000, bà Aurelia Torres vẫn gắng gượng khuyên nhủ con trai cả Luis Colon tìm kiếm Evelyn - cô con gái út đã bỏ nhà ra đi cuối năm 1976, khi mới 15 tuổi. 

Vào đầu năm 1977, cả gia đình nhận được một bức thư của Evelyn cho biết cô đang sống chung với bạn trai và đã hạ sinh một bé trai khoẻ mạnh. Họ lập tức đến báo cảnh sát, nhưng cảnh sát địa phương nói rằng bức thư cho thấy Evelyn chủ động bỏ đi, hiện vẫn còn sống và khoẻ mạnh, vậy nên họ sẽ không tiến hành điều tra.

Từ đó trở đi, bà Torres vẫn chờ đợi và nỗ lực dò la tung tích của cô con gái cưng. Có lẽ sự thật sẽ khiến bà vô cùng đau lòng: cuộc đời Evelyn đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 15 vì em bị giết hại chỉ vài ngày sau khi bà Torres được gặp con lần cuối.

Tại nghĩa trang hạt Carbon, Philadelphia có một ngôi mộ của một người mẹ vô danh và đứa con sơ sinh xấu số. Tháng 5-2021, gia đình của Evelyn nhận được tin đó chính là ngôi mộ của em và đứa con chưa kịp chào đời.

Con trai của anh Luis là Luis Jr. đã nộp mẫu DNA của mình cho 2 kho dữ liệu gen khổng lồ là 23andMe.com và FamilyTreeDNA.com nhằm tìm kiếm người cô Evelyn và những người em họ, thế nhưng cậu không ngờ cái cậu nhận được lại là một cuộc điện thoại từ sở cảnh sát Pennsylvania thông báo DNA của cậu bé có liên quan đến một vụ án mạng để ngỏ. Trước đó, Trung tâm Tìm kiếm trẻ em mất tích Mỹ đã hợp tác với Othram để lật lại những vụ án có nạn nhân là thiếu niên và Othram đã tìm ra người thân của Evelyn nhờ đối chiếu mẫu DNA của nạn nhân với các mẫu trong 2 kho dữ liệu.

Luis Sierra, người bạn trai đã dụ dỗ Evelyn bỏ nhà ra đi, đã bị bắt vì tội giết hại cô gái trẻ vào tháng 4-2021. Lúc đầu, hắn ta khẳng định mình không hề quen biết Evelyn nhưng cuối cùng Luis cũng phải thừa nhận mình chính là hung thủ và cũng chính là kẻ đã mạo danh Evelyn viết thư về trấn an gia đình nạn nhân năm 1977.

Từ năm 1976 đến năm 1983, thi thể hai mẹ con Evelyn nằm lại trong một nhà xác ở Philadelphia. Khi nhà xác hết chỗ vào năm 1983, một mục sư và một số cảnh sát đã cử hành tang lễ cho hai nạn nhân, rồi cho chôn cất họ ở nghĩa trang hạt Carbon.

Anh Luis cũng rất day dứt về việc mẫu DNA của mình cuối cùng lại đưa đến tin buồn cho cả gia đình về cái chết thê thảm của Evelyn và con gái.

Gia đình nạn nhân đã đặt tên em bé sơ sinh xấu số là Emily Grace, và hiện họ đã gây quỹ thành công để xây cho hai mẹ con một ngôi mộ mới.

Huyền Thi
.
.