Đằng sau câu chuyện Binh Mã Dũng của Tần Thủy Hoàng

Thứ Năm, 03/05/2018, 07:36
Khi một cuộc triển lãm về Binh Mã Dũng của Trung Quốc bắt đầu diễn ra tại Bảo tàng thế giới ở thành phố Liverpool (Anh), tác giả Dan Snow viết trên Chương trình lịch sử của BBC trong đó hé lộ về câu chuyện thực sự đằng sau việc sáng tạo ra Binh Mã Dũng của Tần Thủy Hoàng.


Lăng mộ đệ nhất hoàng đế

Mùa xuân năm 1974, tiết trời ở tỉnh Thiểm Tây (Bắc Trung Quốc) nóng và hanh hao khó chịu. Khi sông suối gần khô cạn, nước dùng ngày một giảm, người dân bắt đầu đổ xô đi tìm nguồn nước mới. Cánh nông dân xắn tay áo, hì hục khơi thông các giếng mới và khoảng cuối tháng 3 năm 1974, một trong số các giếng đã phát sinh hiện tượng lạ. Đào càng sâu, màu đất càng thay đổi. 5m đất dưới giếng, một nông dân đột nhiên tìm thấy một cái mặt bằng đất nung.

Tin tức lạ lan truyền nhanh chóng và đến tháng 7 năm 1974, một nhóm các nhà khảo cổ học kỳ cựu từ Bắc Kinh đã kéo tới Thiểm Tây để điều tra thực hư sự lạ. Rất nhanh chóng họ đã tìm thấy hằng hà sa số các hình nhân đất nung có kích thước như người thật nằm rải rác.

Tin lạ cũng nhanh chóng phủ sóng khắp toàn cầu. Những người nông dân đó đã làm nên một trong những phát hiện khảo cổ học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Cách nơi tìm thấy các hình nhân đất nung khoảng 1 dặm về hướng Tây là một gò đất nhân tạo chính là lăng mộ của  hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng .

Bà Jane Portal, người phụ trách triển lãm Đệ nhất hoàng đế (Tần Thủy Hoàng) của Bảo tàng Anh, nơi đã trưng bày di tích Binh mã dũng.

Chỉ trong vòng vài tháng khai quật đã hình thành nên một mối dây liên kết rõ ràng rằng bộ sưu tập các hình nhân đất nung có gắn liền với lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Trên thực tế, chúng là cả một đội quân khổng lồ để “canh gác cho lăng mộ của Tần Thủy Hoàng Đế”, dẫn lời giải thích của bà Jane Portal, người phụ trách triển lãm Đệ nhất hoàng đế của Bảo tàng Anh, nơi đã trưng bày di tích Binh mã dũng kể từ năm 2007. Lần đầu tiên bà Jane viếng thăm di tích Binh mã dũng năm 1979 lúc còn là sinh viên và mê mệt ngắm nhìn “một phần nhỏ” của di tích được tìm thấy.

Bà Jane Portal công bố: “Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được dựng lên để ông có thể tiếp tục cai trị ở thế giới bên kia. Nó bao gồm một hệ thống cung điện ngầm mà đội quân đất nung chỉ là một phần nhỏ. Khi chúng tôi đào lên, chúng tôi nhận ra mình đang đi vào một thế giới phi thường không thể tả xiết”. Đáng kinh ngạc là những hình nhân đất nung không phải là trọng tâm chính của lăng mộ. Họ chỉ đơn thuần là đội lính gác cho đại nghĩa địa.

30 năm và hàng ngàn giờ khai quật kể từ lần viếng thăm đầu tiên của bà Jane Portal, quy mô và kích cỡ của phức hợp lăng tẩm của Tần Thủy Hoàng vẫn còn khá bí ẩn. Mặc dù đã khai quật trên một diện tích lên đến 56 km² với nhiều phát hiện thú vị, nhưng nhiều người tin rằng sẽ còn nhiều thứ đáng ngạc nhiên hơn vẫn chưa được tìm thấy.

Khoảng năm 221 trước Công Nguyên (TCN), Doanh Chính (Tần Vương) đã thống nhất các tiểu quốc (làm nên Trung Hoa ngày nay) trong một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt 250 năm. Một thập kỷ hành binh thần tốc đã khiến Tần Vương Doanh Chính hợp nhất các tiểu quốc như nhà Chu, nhà Triệu.

Năm 221 TCN, còn lại nước Triệu đã đầu hàng nước Tần mà không phát sinh một cuộc chiến. Cái danh hiệu Tần Vương không chỉ nói lên người đàn ông đã tạo ra công lý mà còn là người thống nhất các chiến quốc thành một đại đế quốc duy nhất.

Di tích Vạn Lý Trường Thành, công trình để đời của Tần Thủy Hoàng, giúp ngăn chặn giặc ngoại xâm từ thảo nguyên phương Bắc.

Doanh Chính tự đặt ra một tên đế của mình gọi là Tần Thủy Hoàng Đế (có nghĩa là “Uy vũ Tần hoàng đế”. Thực tế, Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên trong số 1 vạn “Thần vũ hoàng đế” đã cai trị đất nước Trung Hoa rộng lớn.

Tần Thủy Hoàng Đế là một trong những nhân vật chính trị quan trọng nhất trong lịch sử đã sát nhập các tiểu quốc thành một nhà nước thực thể thống nhất và tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Mặc dù Trung Quốc đã trải qua không ít thời kỳ biến động và chia rẽ, thế nhưng ý tưởng về một nước Trung Hoa thống nhất đã không bị thách thức nghiêm trọng kể từ thời điểm đó. Tần Thủy Hoàng đã biết cách khai thác guồng máy làm việc của bộ máy quan lại trong thời bình lẫn trong thời chiến. Đội quân đông đến hàng chục vạn người đã làm việc quần quật ở các tuyến lộ và kênh đào.

Vô số đoạn trường thành đã giúp bảo vệ các chiến quốc tránh họa xâm lăng của các bộ lạc du mục hung hãn từ thảo nguyên phương Bắc và cùng sát lại để tạo nên Vạn Lý Trường Thành đầu tiên của Trung Hoa, khoảng 1500 năm trước khi bức tường thành của nhà Minh thu hút luồng du khách khổng lồ như chúng ta thấy ngày nay. Chính Tần Thủy Hoàng đã biết cách định lượng và các quy tắc để làm nên một loại tiền tệ mà có thể kéo dài đến thế kỷ 20, áp đặt chiều dài quy chuẩn của các trục xe trên khắp chiều dài của đế quốc Tần, thống nhất chữ viết ở Trung Quốc.

Muốn duy trì vị trí độc tôn ngay cả khi đã băng hà?

Tần Thủy Hoàng muốn xây lăng để giữ vững ngôi vị độc tôn cả sau khi băng hà: người đàn ông mạnh nhất trên quả đất. Trước thời điểm khám phá ra Binh mã dũng vào năm 1974, người ta chắc chắn rằng phức hợp lăng mộ Tần Thủy Hoàng Đế chính xác hạ lạc tại một cái gò đất trung tâm.

Tượng chiến binh đất nung tại di tích Binh mã dũng ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), được cho là canh gác khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Ngày nay, đó là một gò kim tự tháp cao 76m, nhưng chắc chắn khi xưa chiều cao của nó là 100m ngay khi xây dựng xong. Bản mô tả duy nhất về khu lăng mộ này là đến từ một trước tác lịch sử được biên soạn khoảng 100 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng: Sử ký Tư Mã Thiên. Theo cuốn sử ký này thì bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một kho tàng khổng lồ cũng như bản sao của một vũ trụ thu nhỏ với vô số châu báu được đính lên trần nhà tượng trưng cho các vì sao.

Trên mặt đất đặt mô hình của Tần Thủy Hoàng và được bao bọc xung quanh bởi những sông suối và biển cả đổ đầy thủy ngân. Việc tìm ra di tích Binh mã dũng chưa đề cập đến sử gia Tư Mã Thiên, đã khiến giới sử gia tin rằng những câu chuyện thần thoại về sức mạnh của Tần Thủy Hoàng và độ giàu có xa hoa bên trong tòa lăng mộ quả rất đáng tin cậy.

Những phát hiện tiếp theo cũng như thông qua các xét nghiệm khoa học càng chứng minh sử ký của Tư Mã Thiên là đúng đắn: lượng thủy ngân cao đã được tìm thấy trong lớp đất của gò mộ, và qua công nghệ radar xuyên mặt đất đã hé lộ một khu hầm ngầm cao 30m nằm ẩn sâu ngay bên dưới gò mộ. Khoảng 70 vạn nhân công được cho là dùng để xây nên lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Một số hài cốt người đã được khai quật tại các hố chôn nằm gần gò lăng mộ. Mặc dù khai quật suốt 40 năm, nhưng bà Jane Portal vẫn đinh ninh rằng những gì đã được tìm thấy mới chỉ là bề nổi, bà Jane tuyên bố: “Tần Thủy Hoàng băng hà đột ngột vào năm 210 TCN và khi đó lăng mộ vẫn chưa được hoàn tất, bởi vì một trong số 4 hố chôn được cho là lấp đầy tượng đất nung thì lại trống rỗng”.

Gò đất khổng lồ hình kim tự tháp ngày nay cao 76m, chính là phức hợp lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Mặc dù vậy cho đến năm 2007, người ta đã tìm thấy hơn 8.000 tượng đất nung gồm 7.000 tượng nam giới và 700 tượng ngựa, tất cả được đặt trong 3 hố chôn. Hố chôn số 1 có không gian rộng lớn tới 14.260 m2 với các tượng hình nhân đứng trong tư thế sẵn sàng lâm trận cùng các võ tướng ngồi trong những chiếc mã xa. Hố chôn số 2 gồm các tượng lính kỵ binh và bộ binh. Hố chôn số 3 có chôn theo nhiều tượng quan đại thần và một hố kiểm soát. Các pho tượng được đặt trong những địa đạo ngầm có mái lợp.

Những pho tượng tại di tích Binh mã dũng cao gần 2m, mỗi tượng lại có dáng vẻ riêng, hết sức sống động nếu khi nhìn toàn cục. Chúng được sản xuất thủ công theo kiểu đại trà. Những hình dáng cùng kích thước của cơ thể người được đúc từ các khuôn, chúng được dán tem từ xưởng đúc để đảm bảo chất lượng, và sau đó được các nghệ nhân điều chỉnh lại.

Kết quả là không có 2 tượng giống hệt nhau, mắt cũng khác, và ngay cả những sợi tóc cũng đặc biệt ấn tượng. Thẩm tra phía sau đầu các pho tượng, còn tìm thấy có cả những bím tóc hay tóc bện công phu. Râu ở tượng các binh lính cũng khác nhau, có tượng râu khác hẳn so với những tượng khác. Nhiều đơn vị lính khác nhau được phân biệt phẩm trật rất rạch ròi. Có các tượng quan đại thần uy nghi và tay đặt bên hông, tượng lính bộ binh nhẹ và tay cầm cung tên, lính kỵ binh, võ tướng...

Để tăng tính sống động cho các pho tượng, các nghệ nhân xa xưa đã phủ lên tượng một lớp sơn mài không màu, rồi sơn lại. Dấu vết lớp sơn còn tìm thấy trên một vài tượng chiến binh và một phương pháp sơn tiên phong được phát minh bởi các nhà khảo cổ học người Đức cho phép sơn sẽ không bị bung ra khi tượng được khai quật. Những khuôn mặt, áo khoác, quần và giày hia hài hòa với các màu xanh nước biển, đỏ, vàng và xanh lá cây. Tất cả tượng đều cầm vũ khí tương ứng với vai trò của họ như gương đồng, cung nỏ và giáo mác. Tuy vậy, rất ít vũ khí được phục hồi thành công.

Nhà nghiên cứu Jane Portal phát biểu: “Có những ý kiến chỉ trích sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà. Giữa các năm 210 TCN và 206 TCN, Trung Quốc thật sự hỗn loạn. Có các cuộc khởi nghĩa của nông dân, và nạn trộm cướp ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Những vũ khí có giá trị đã được lấy đi, và những kẻ thù của Tần Thủy Hoàng đã cố gắng để hủy diệt phần lớn phức hợp lăng mộ”. Lửa thiêu cháy các địa đạo ngầm. Một số tượng đất nung bị hủy hoại do khói và lửa, và cuối cùng sập bể. Công tác khai quật lăng mộ vẫn đang tiếp diễn.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.