Lịch sử u ám của viên thuốc tránh thai

Thứ Hai, 20/08/2018, 14:52
Mặc dù thử nghiệm của Sanger đã mở đường cho các thế hệ thuốc ngừa thai về sau hiệu quả hơn, an toàn hơn nhưng các nhà xã hội học vẫn cho rằng việc dùng phụ nữ làm vật thí nghiệm là tội ác…

Tháng 6-1955, bác sĩ sản khoa Margaret Sanger và bác sĩ sinh hóa Gregory Pincus - cả hai đều là người Mỹ - bắt đầu tiến hành một chương trình thử nghiệm một loại thuốc ngừa thai có tên Enovid với những phụ nữ sống trong các khu dân cư nghèo nàn nằm ở ngoại ô thành phố San Juan, Puerto Rico, Nam Mỹ, bởi lẽ nếu thực hiện thử nghiệm này ở Mỹ, họ sẽ phải đi tù vì thời điểm ấy nước Mỹ vẫn cấm việc kiểm soát sinh sản.

Cho đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số phụ nữ Puerto Rico chết hoặc phải gánh chịu những phản ứng phụ của thuốc ngừa thai Enovid ngoại trừ 3 trường hợp tử vong được báo cáo chính thức. Và mặc dù thử nghiệm của  Sanger đã mở đường cho các thế hệ thuốc ngừa thai về sau hiệu quả hơn, an toàn hơn nhưng các nhà xã hội học vẫn cho rằng việc dùng phụ nữ làm vật thí nghiệm là tội ác…

Những thử nghiệm liều lĩnh

Sinh ngày 14-9-1879 tại New York, Mỹ, sau khi tốt nghiệp bác sĩ, năm 1916 Margaret Sanger mở phòng khám thai đầu tiên ở New York và cũng là phòng khám thai đầu tiên trên toàn nước Mỹ. Tại đó, trong quá trình thăm khám, Sanger lặng lẽ chuyền tay cho các thai phụ một tập tài liệu do bà biên soạn với tựa đề “Kiểm soát sinh sản” nhằm giúp phụ nữ tránh được cảnh trớ trêu mang thai ngoài ý muốn.

Bác sĩ sản khoa Magaret Sanger, ảnh chụp năm 1962.

Do y học ngày ấy chưa phát triển nên các biện pháp mà Sanger đề ra với các phụ nữ chỉ là yêu cầu bạn tình phải mang bao cao su khi quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục vào giữa giai đoạn của hai kỳ kinh nguyệt nhưng việc này đã vi phạm Luật Kiểm soát sinh sản của Chính phủ Mỹ vì luật nghiêm cấm không được phổ biến các phương pháp ngừa thai bằng bất kỳ hình thức nào.

Bị bắt và phải ra tòa mà nguyên nhân là một nữ cảnh sát giả dạng bệnh nhân, đến phòng khám xin Sanger tập tài liệu làm bằng chứng, chứng minh bà đã vi phạm Luật Kiểm soát sinh sản. Sau nhiều phiên xét xử, năm 1918, Sanger được tuyên không có tội vì theo lời bào chữa của bà: “Phụ nữ chỉ có thể tự do nếu họ có quyền kiểm soát bản thân họ. Họ có quyền được xác định là đến khi nào trong cuộc đời họ, họ sẽ có con chứ không phải có con thụ động theo kiểu ván đã đóng thuyền”. Cũng kể từ đó, tất cả các bác sĩ sản khoa ở Mỹ được miễn trừ luật cấm phổ biến các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nếu nó nằm trong giới hạn y khoa.

Về phía Sanger, lợi dụng điều khoản miễn trừ, năm 1921 bà thành lập “Liên đoàn kiểm soát sinh sản Mỹ” để phổ biến rộng rãi các phương pháp tránh thai - chủ yếu vẫn là dùng bao cao su.

Cũng thời điểm này, bác sĩ sinh hóa Gregory Pincus và bác sĩ sản khoa John Rock bí mật tiến hành nghiên cứu chất progesterone - là một chất nội tiết (hormon) do cơ thể phụ nữ tạo ra trong quá trình mang thai - có thể sử dụng làm thuốc ngừa thai hay không. Trong phòng thí nghiệm, cả Pincus lẫn John Rock đều thấy thỏ và chuột khi được tiêm progesteron thì nó không thể mang thai nhưng ở phụ nữ, họ chưa chắc vì chẳng phụ nữ nào dám đưa mạng sống của mình ra để thí nghiệm.

Bên cạnh đó, nếu có chăng nữa thì họ cũng sẽ phải vào tù vì Luật Kiểm soát sinh sản không cấm phổ biến các biện pháp tránh thai, nhưng vẫn cấm bác sĩ trực tiếp thực hành các biện pháp ấy .

Và thế là Pincus đến “Liên đoàn kiểm soát sinh sản” gặp bác sĩ Sanger. Sau nhiều lần thảo luận, cả hai nhận thấy Puerto Rico là nơi thử nghiệm hoàn hảo. Vào thời điểm ấy, quốc gia Nam Mỹ này đang ở giữa một đợt bùng nổ dân số, dẫn đến nghèo đói tràn lan. Việc thử nghiệm nhận được sự tài trợ bí mật của Hãng Dược phẩm Procter & Gamble, do nhà tài phiệt Clarence Gamble trực tiếp điều hành.

Theo Gamble, những phụ nữ Puerto Rico sống trong cảnh nghèo khó không nên mang thai để nhường chỗ cho những người “phù hợp” hơn, và thuốc ngừa thai là một phần của tầm nhìn đó. Nhà sử học Nancy Ordover giải thích: “Những người phù hợp là những người có điều kiện kinh tế tốt. Do vậy khi họ sinh con, đứa bé sẽ được nuôi dưỡng đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Sự ra đời của Enovid - Thuốc ngừa thai đầu tiên trên thế giới

Tháng 6-1955, Margaret Sanger và Gregory Pincus đến San Juan, Puerto Rico với vài trăm chai thuốc, mỗi chai chứa 50 viên, được đặt tên là Enovid. Nó là hỗn hợp của hai chất mestranolvànorethynodrel. Và mặc dù khi thử nghiệm trên thỏ, chuột, nó đã chứng minh hai loài động vật này không thể mang thai nhưng ở con người, Sanger và Pincus không rõ phải cần đến liều lượng bao nhiêu mới có thể ngăn cản quá trình thụ thai.

Bác sĩ Gregory Pincus, đồng cha đẻ của thuốc ngừa thai Enovid.

Vì vậy, để chắc ăn, họ tăng hàm lượng hai chất mestranol, norethynodrel lên khá cao, trong đó norethynodrel là 9,85mg còn mestranol là 0,15mg (đến năm 1961, khi thuốc ngừa thai Enovid được công nhận và được phép bán rộng rãi trên thị trường thì hàm lượng chất norethynodrel chỉ còn 4mg và mestranol là 0,05mg trong mỗi viên)

Tại những khu ổ chuột ở thành phố San Juan, sau nhiều ngày vận động, một số phụ nữ nghèo đói, học thức kém, ghi tên tình nguyện uống Enovid. Tất cả những người uống chỉ biết nó là thuốc ngừa thai chứ không hề biết rằng họ đang trực tiếp tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Họ cũng không hề được cung cấp thông tin về loại thuốc ấy trong lúc những khảo sát về sau cho thấy mestranol, norethynodrel liều cao sẽ gây ra hiện tượng buồn nôn, suy gan, béo phì và nguy hiểm nhất là hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch. Nếu cục máu đông ấy di chuyển lên não, họ sẽ chết hoặc liệt toàn thân hay liệt nửa người vì nhồi máu não. Nếu nó di chuyển vào ruột, họ sẽ bị chứng nhồi máu mạc treo, nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ sản khoa Pamela Verma Liao, người Puerto Rico, đã chứng kiến cuộc thử nghiệm cho biết: “Vài tuần sau khi uống Enovid, một số phụ nữ được mời đến để nói về những triệu chứng mà họ gặp phải. Hầu hết đều cho rằng mình bị nhức đầu, buồn nôn nhưng theo bác sĩ Pincus, nó không đáng tin cậy vì mối quan tâm duy nhất của cả Pincus lần Sanger là Enovid thật sự có tác dụng ngừa thai trên người hay không”.

Chai thuốc ngừa thai Enovid khi được phép lưu hành.

Trong một tiểu luận của mình, bác sĩ Pamela Verma Liao viết: “Mặc dù Enovid có hiệu quả ngừa thai rất đáng kể nhưng hiệu quả ấy được xây dựng bằng sự thiếu thông tin đầy đủ, thiếu những cứu lâm sàng về nguy cơ gây ra bởi những tác dụng phụ, dẫn đến người tham gia thử nghiệm không có được sự lựa chọn đúng đắn…”.

Và nguy cơ ấy là có thật. Cho đến nay, vẫn chưa có một thống kê nào nói về những phụ nữ Puerto Rico gặp phải tai biến khi uống Enovid, ngoại trừ 3 trường hợp tử vong nhưng việc khám nghiệm tử thi lại không được thực hiện cũng như không hề có một cuộc điều tra nào. Theo bác sĩ Pamela Verma Liao, việc thử nghiệm của Pincus và Sanger không chỉ dừng lại ở những phụ nữ tình nguyện, mà còn được tiến hành trên những phụ nữ mắc bệnh tâm thần ở những bệnh viện tâm thần, nơi họ thường bị bệnh nhân nam cưỡng hiếp.

Trả lời nhà báo Mike Wallace của tờ Washington Post, bác sĩ sản khoa Sanger nói: “Việc kiểm soát sinh sản bị tố cáo là vi phạm luật tự nhiên nhưng nó chính là quá trình thúc đẩy việc loại bỏ những gì không thích hợp, ngăn ngừa sự ra đời của những đứa trẻ khuyết tật hoặc những đứa trẻ  sẽ trở thành những kẻ khuyết tật, tạo ra sự tiến bộ về mặt chủng tộc…”.

Trả lời một cuộc phỏng vấn khác, bà Sanger nói: “Tôi nghĩ tội lỗi lớn nhất trên thế giới là đưa những đứa trẻ có cha mẹ mắc phải bệnh tật vào đời - những đứa trẻ không có cơ hội để trở thành người. Việc kiểm soát sinh sản trong trường hợp này đã tổng hợp toàn bộ triết lý của chúng ta. Nó có nghĩa là xã hội sẽ chỉ bao gồm những yếu tố tốt đẹp, loại bỏ các cá thể khiếm khuyết, những loài cỏ dại đe dọa sự nở rộ của những bông hoa đẹp nhất của nền văn minh Mỹ…”.

Công hay tội?

Năm 1957, sau 2 năm tiến hành thử nghiệm thuốc ngừa thai Enovid ở Puerto Rico, Pincus và Sanger trở về Mỹ, mang theo các kết quả nghiên cứu. Cũng trong năm ấy, Enovid được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận nó là “thuốc điều hòa kinh nguyệt”. Nó được đựng trong những chai màu nâu do Công ty GD Searle ở Chicago, bang Illinois sản xuất,  được tiếp thị như là cách an toàn cho phụ nữ đã lập gia đình để điều trị rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của nó mạnh như một quả bom. Nó là viên thuốc ngừa thai đầu tiêntrên thế giới.

Một buổi tuyên truyền về Enovid ở thành phố San Juan, Puerto Rico.

Ngay lập tức, Enovid trở thành một cơn sốt - không chỉ ở tầng lớp phụ nữ nghèo khổ mà cả những phụ nữ trung lưu cũng sẵn sàng uống nó, bất chấp mọi nguy cơ để đổi lấy việc kiểm soát sinh đẻ một cách kín đáo, rẻ tiền và hiệu quả. Năm 1960, Enovid đượcFDA chấp thuậnlà thuốc ngừa thai rồi năm 1961, Anh và Canada cũng cho phép lưu hành, mở ra một kỷ nguyên mới về sức khỏe sinh sản của phụ nữ nhưng tác dụng phụ của thuốc vẫn chưa được khảo sát đến nơi đến chốn.

Các nhà khoa học bước đầu mới chỉ tìm hiều về chứng trầm cảm ở những người uống Enovid thường xuyên. Và phải mất gần 1 thập kỷ, các tác dụng phụ của nó mới được nghiên cứu một cách hệ thống, và  đầy đủ.

Vậy thì bác sĩ Sanger có công hay có tội? Jonathan Eig, tác giả cuốn “The Birth of the Pill - Sự ra đời của một viên thuốc” viết: “Để Enovid trở thành phổ biến, rất nhiều phụ nữ đã bị đối xử như động vật thí nghiệm nhằm mang lại cho bà Sanger một phương pháp kiểm soát sinh đẻ. Những phụ nữ ấy đã phải trả giá vì sức khỏe của họ bị thay đổi bởi viên thuốc mà họ chưa bao giờ được biết sự thật…”.

Còn với tiến sĩ OConner Karen, Trưởng khoa Sản Đại học North Carolina thì cho rằng: “Bằng cách sử dụng ngôn ngữ thời đại, Sanger lập luận rằng “kiểm soát sinh đẻ có thể giúp quét sạch mối đe dọa lớn nhất hiện nay cho nền văn minh, phát xuất từ những người sống trong nghèo đói cùng cực và những người mắc bệnh tâm thần hoặc khuyết tật thể chất” nhưng theo tôi, sự nghèo đói có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp chứ không nhất thiết phải ép những người nghèo không được sinh con. Với người bệnh tâm thần hay khuyết tật thể chất cũng vậy, chưa hề có một nghiên cứu nào khẳng định rằng những đứa trẻ sinh ra có cha hoặc mẹ bị tâm thần hay khuyết tật, cũng sẽ bị như cha mẹ chúng”.

Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng Enovid đã mở đường cho rất nhiều những loại thuốc ngừa thai an toàn hơn, hiệu quả hơn về sau này. Nó góp phần hạn chế bùng nổ dân số ở những quốc gia chậm phát triển, đói nghèo và lạc hậu. Nó cũng giúp cho rất nhiều phụ nữ quyền được chọn lựa thời điểm thích hợp để sinh con cũng như nhiều phụ nữ khác không lo rằng mình sẽ có con khi chưa phải lúc!

Magaret Sanger mất năm 1966 ở thành phố Tucson, bang Arizona vì chứng suy tim sung huyết. Năm đó bà 86 tuổi. Cho đến nay, Y học vẫn công nhận bà và bác sĩ Gregory Pincus là cha đẻ của thuốc ngừa thai dù rằng sự ra đời của nó dựa trên nền tảng của những điều u ám…

Vũ Cao (theo InSight Crime)
.
.