Những công nghệ độc đáo dành cho người khuyết tật

Thứ Sáu, 17/02/2017, 08:15
Nhà biên đạo múa Chris Fonseca dạy học trò khiếm thính nhảy múa thông qua thiết bị mang trên người độc đáo gọi là SubPac - truyền âm thanh và điệu nhạc qua cơ thể mà không qua tai.

SubPac được sử dụng rộng rãi trong thế giới âm nhạc giúp cho các nhà sản xuất âm nhạc cảm nhận được âm điệu bằng cơ thể mà không gây tổn hại cho tai. SubPac cũng là cơ hội cho người khiếm thính đam mê nhảy múa với âm nhạc.

Video âm nhạc và nhảy múa là niềm đam mê của Chris Fonseca. Nhưng, bệnh viêm màng não đã cướp đi thính giác của anh từ nhỏ đồng thời cũng làm tiêu tan giấc mơ trở thành nhà biên đạo múa. James Williams, nhà phát triển SubPac, cho biết thiết bị là cơ hội tuyệt vời cho những người khiếm thính như Chris tiếp tục trải nghiệm âm nhạc và thực hiện ước mơ của mình.

Chris Fonseca (trái) sử dụng công nghệ SubPac để dạy múa cho người khiếm thính.

Công nghệ hiện đại còn giúp cho người khiếm thị chơi thể thao như người bình thường và thậm chí trở thành vận động viên - như trường hợp của Simon Wheatcroft, người bị mất thị giác lúc 17 tuổi. Simon Wheatcroft chào đời với chứng bệnh di truyền gọi là viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa) gây suy giảm thị lực trầm trọng dẫn đến mù lòa. Nhưng, đôi mắt bị mất đi ánh sáng vẫn không ngăn cản Simon trở thành vận động viên chạy marathon ngoại hạng.

Simon kể: "Tôi sử dụng một con chó dẫn đường để chạy ngoài trời hay cùng chạy với những người khác". Simon từng tham dự cuộc đua marathon ở New York cũng như nhiều cuộc chạy đua đường dài khác và thường có sự hướng dẫn của con người.

Nhưng, làm thế nào để Simon có thể chạy một mình? Để chuẩn bị cuộc chạy ultramarathon khắc nghiệt với quãng đường dài 250km trên sa mạc Namibia diễn ra hồi tháng 5-2016, Simon đã liên kết với IBM Bluemix - bộ phận phát triển ứng dụng thông minh của IBM. Ultramarathon (hay còn gọi là Marathon des Sables) là cuộc chạy đua kéo dài nhiều ngày với quãng đường dài hơn 200km - tương đương với 6 cuộc thi marathon thông thường.

Ứng dụng được phát triển cho Simon gọi là eAscot (đặt theo tên con chó dẫn đường của Simon) sử dụng bộ cảm biến - tương tự như bộ cảm biến đỗ xe ôtô - và định vị vệ tinh giúp chạy đúng đường trên sa mạc. Nếu Simon chạy lạc sang hướng phải, ứng dụng sẽ phát ra tiếng bip với âm cao và ngược lại tiếng bip âm thấp sẽ vang lên khi lạc sang hướng trái.

Lớp học múa của Chris Fonseca.

Ứng dụng không phát ra âm thanh có nghĩa là Simon đang chạy đúng đường. Simon nói: "Mặc dù rất mệt mỏi và đau nhừ chân sau những cuộc đua marathon, song tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng bản thân đã thực hiện được những gì mà tưởng chừng không thể làm được trước đó. Tất cả cũng nhờ công nghệ trợ giúp người mù".

Những vận động viên tham dự Paralympics cũng nhờ cậy vào công nghệ để giúp họ giành huy chương. Những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ in 3D, những chất liệu siêu nhẹ và thiết kế máy tính tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực - từ xe lăn dành riêng cho cuộc đua cho đến những chi giả khí động học.

Nick Braund, Giám đốc công nghệ và sáng kiến của Công ty quảng cáo PHA Media đặt trụ sở tại London (Anh), đánh giá: "Công nghệ đang tiến hóa từng ngày và chúng ta dễ dàng nhìn thấy hàng loạt những tiến bộ mới tại sự kiện thể thao Paralympics giúp cho các vận động viên khuyết tật đạt được thành tích cao hơn trong mọi bộ môn thi đấu". Ví dụ, Designworks - công ty con chuyên về thiết kế của BMW - tiến hành scan toàn bộ cơ thể các vận động viên điền kinh trong đội tuyển người khuyết tật Mỹ để tạo ra những chiếc xe lăn đua độc đáo.

Anthony Netto, một golfer chuyên nghiệp chào đời ở Nam Phi và cũng là cựu binh Mỹ - bị liệt sau khi bị bắn xuyên hông trong cuộc chiến tranh ở Iraq và kể từ đó anh tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể chơi golf trở lại được nữa.

Thế nhưng, với quyết tâm cao độ, Anthony Netto mày mò sáng chế ra Paragolfer - cỗ máy nâng người từ thế ngồi sang tư thế đứng - để giúp cho anh cũng như những người có chung cảnh ngộ như anh có cơ hội trở lại sân golf. Phát minh năm 2001 và cuối cùng Paragolfer được giới thiệu trong năm 2016 tại Câu lạc bộ Mearns Castle Golf ở thành phố Glasgow (Scotland).

Anthony phát biểu: "Từ những giọt nước mắt vui sướng cho đến những nụ cười và những cái ôm hôn thắm thiết thể hiện sự cảm ơn của những người khuyết tật. Tôi cảm thấy như mình đã giúp cho họ sống thật sự trở lại". Nick Braund kết luận: "Những phát minh công nghệ mới như Paragolfer cho phép nhiều người trước đây không thể tham gia thi đấu thể thao hay luyện tập có được cơ hội thi đấu và thành công".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.