Nước - mục tiêu nguy hiểm trong các cuộc chiến

Thứ Bảy, 23/02/2019, 14:11
Từ Lưỡng Hà cổ đại đến nhà nước Iraq hiện đại, mối đe dọa tới nguồn cung nước trong vùng là nỗi sợ nghiệt ngã nhất đối với mọi người. Lợi và hại của việc dùng “vũ khí” nước trong các cuộc chiến từ xưa đến nay ra sao?


Nước – Vũ khí lợi hại

Đó là một ngày Chủ Nhật tiết trời nóng nực trong tháng 8-2014, khi đó quân IS đổ tới thành phố Snune của Iraq. Âm thanh ồn ã vang khắp chân núi Sinjar (cực Tây Bắc của đất nước Iraq), những tay chiến binh áo đen đã lùa cả đám đàn ông, phụ nữ và trẻ em là những người chưa thể trốn khỏi Iraq sau khi nước này và các lực lượng người Kurd cạnh bên đã sụp đổ trước sự gia tăng quân lực của IS.

Đàn ông và đàn bà cao tuổi bị lính IS khát máu giết sạch và chôn xác họ xuống những ngôi mộ tập thể, số người sống sót bị bán làm nô lệ. Sau khi tàn phá Snune thành hoang địa, đám lính Thánh chiến bắt đầu vét sạch bất kỳ thứ gì miễn có giá trị gồm nhiều tuyến đường dây điện và hàng vạn con gia súc. Thứ gì không tha được, chúng liền cho "bà hỏa" dọn giùm.

Những ngôi làng tan tác còn trơ lại những gốc cây ô liu một thời giờ cháy khét lẹt. Dã man hơn, đám lính IS chưa hả cơn giận, chúng liền đầu độc toàn bộ các giếng nước mà chúng nhúng đôi tay tanh máu vào đó và rút êm trước khi một liên minh chống "khủng bố" tập hợp lại. Ở làng Sheikh Romi (hướng Đông của Snune), bọn IS cho đổ dầu vào một giếng nước, rồi còn vất cả đống rác kim loại xuống dưới.

Tại các ngôi làng nằm ở phía Nam của núi Sinjar, bọn ác ôn chèn cả đống đá và xà bần xuống mấy cái giếng nước. Đòn hiểm của IS đã lộ rõ: một vùng nông nghiệp tươi tốt sẽ biến thành một vùng hoang hóa, khô cằn và bụi bặm. Vào cái lúc đám phá hoại mải "hôi của" và phá hủy, hầu như không còn cái cửa xả nước nào còn hoạt động. Bọn IS quẳng lại phía sau thông điệp đểu giả: "Nếu có người dân nào còn sống sót thì cũng chả thể yên được khi nước sạch không còn".

Những ngôi làng quanh núi Sinjar (Iraq) từng bị IS đầu độc các giếng nước để triệt đường sống của dân sinh.

Kể từ buổi bình minh của cuộc xung đột, các tổ chức có vũ trang đã nhắm mục tiêu nguồn nước như là một loại vũ khí chiến lược và tiềm năng của chiến tranh. Sông, giếng, hồ và các nguồn nước khác, kẻ thù đẩy người dân vào sự thiếu hụt nguồn nước  - không có nước thì buộc phải đầu hàng hoặc chí ít biến đất đai trở nên hoang hóa cằn cỗi. Và bằng cách chế ngự nguồn nước, đối phương có thể gây lũ lụt hoặc bỏ đói kẻ thù.

Trong các thế kỷ 16, 17, 18, Hà Lan đã khơi rộng các hào nước nhằm bảo vệ bờ cõi của họ thoát khỏi những đội quân hung hãn ngoại quốc. Cho dù xã hội loài người phát triển hiện đại đến cỡ nào, thì dân thường trong các cuộc xung đột vẫn là đối tượng chịu rủi ro cao nhất. IS là một minh chứng điển hình. Hành vi của lực lượng này đôi khi bị cho là một loài ác quỷ bạo chúa, một làn sóng khát máu của các hành vi chặt đầu và tàn sát.

Những cuộc chiến tranh nước

Các chiến binh Thánh chiến dường như cuồng đắm trong các hành vi thảm sát thì theo một số cách nào đó, đám người này chỉ đơn giản là tái tạo lại những đòn thù hung bạo thời xa xưa. Trong một thời đại mà sự khan hiếm nước ngày càng gia tăng, các chuyên gia khuyên rằng nên tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận nước càng sớm càng tốt.

Ông Peter Gleick, nhà khoa học kiêm chuyên gia nước tại Viện nghiên cứu Thái Bình Dương ở California, phát biểu: "Giá trị cốt lõi của nước đối với sự sống đã khiến nó trở thành một mục tiêu hấp dẫn trong các cuộc chiến. Ngày nay chúng ta hiểu rằng đó là sự vi phạm nhân quyền, biết vậy nhưng khó đề phòng ngay cả khi sang thời hiện đại, mất nước hình thành nên thương vong vì chiến tranh".

Mọi chuyện bắt đầu từ một sự tranh chấp thời cổ đại diễn ra ở 2 vương quốc Lagash và Umma (ngẫu nhiên ngày nay nằm ở miền Nam Iraq hiện đại), những cuộc xung đột liên quan đến nước đã hình thành nên một dạng chiến tranh sơ khai (dù thiếu tài liệu để kiểm chứng).

Theo các bản khắc còn sót lại ở Louvre, thì những nhà nước Sumeria cổ đại đã tung đòn gây hấn vào khoảng năm 2450 trước Công nguyên liên quan đến quyền dùng nước và kiểm soát một vùng đất nông nghiệp quan trọng, mà cuối cùng vương quốc Lagash đã giành chiến thắng sau khi chọc thủng phòng tuyến của kẻ thù. Trong suốt trận chiến dữ dội đó, quốc vương Eanatum của vương quốc Lagash, người được cho là đã cắt đứt quyền tiếp cận kênh đào của đối phương cũng như làm khô hạn các vùng đất khác, khiến cho vương quốc Umma trở nên khô cằn. Đó là đòn khổ đau mà Umma phải nếm.

Một trong những dòng thư tịch cổ đại được khắc trên Bia Kền Kền - một phiến đá sa thạch của người Lagash viết theo dạng chữ hình nêm - nói về tuyên bố của vua Eanatum có đoạn: "Ta, Eanatum tối thượng, xưng danh là Ningirsu (Thần Lagash), kẻ địch hãy nghe cho rõ: Với tất cả cơn cuồng nộ của ta. Vương tử Umma, bất kỳ lần nào khi binh lính của ngươi ăn Gu-edina (vùng đất màu mỡ của Ningirsu) thì khi đó danh dự của người đã bị hạ thấp".

Nước ngọt ngày càng khan hiếm, nếu không biết cách quản lý thì nó sẽ biến mất trong tương lai.

Chiến lược giữ nước dường như đã được hoàn thiện bởi người Assyria, và lực lượng IS là kẻ hậu thế đã học theo khi chúng tiếp quản miền Bắc Iraq và Syria. Vua Assurbanipal (668 TCN - 627 TCN) từng hạ lệnh làm cạn mọi giếng nước để vây hãm Tyre, mà trước đó ông ta đã phái lính của mình tới để canh giếng tránh để kẻ thù lấy nước từ một cuộc chiến trước đó.

Dòng hồi ký của vua Assurbanipal có đoạn viết: "Cả trên biển và trên đất liền, ta thống trị mọi tuyến đường của hắn (vua xứ Tyre). Ta cắt ngắn mạng sống của chúng". Một lần nữa giới sử gia lại đòi bằng chứng và họ cho rằng các lực lượng Assyria có lẽ đã làm cạn giếng để khiến kẻ thù khát khô cổ. Không hề ngẫu nhiên nếu biết rằng ở một số vùng đang diễn ra chiến sự trên thế giới như Trung Đông chẳng hạn, việc phá hủy hay tiếp quản các giếng nước và những nguồn tài nguyên nước khác có thể trực tiếp khiến đối phương rơi vào kiệt quệ.

Hạ độc giếng nước thời xưa

Trong một thiên niên kỷ sau đó, khi sử liệu ngày càng được củng cố, đã có nhiều báo cáo về những vụ hạ độc giếng nước diễn ra độc ác và kịch tính hơn. Vào thế kỷ 12, Hoàng đế La Mã thần thánh Frederick Barbarossa được cho là đã chôn xác người dưới giếng trong khi ông ta chinh phạt nước Ý vào năm 1155, đây là dạng thức sơ khai của chiến tranh sinh học. Hay vua Hồi giáo Saladin (vị chỉ huy Saracen vĩ đại) đã khiến cho quân đội Thập Tự Chinh rơi vào thế quẫn bách khi họ không tiếp cận được nước ngọt tại Đất Thánh (vương quốc Israel) vào năm 1187, góp phần vào sự thất bại của họ tại Hattin.

Sau đó, Saladin đã đổ cát vào giếng nước của người Kitô giáo như một đòn trừng phạt kẻ thù của họ. Tại khu vực Balkan, nơi mà các hoàng đế Ottoman đều chăm chăm tìm cách sát nhập các lãnh thổ mới vào đế quốc của họ, cả quân đội hoàng gia lẫn các phiến quân địa phương như Vlad Người Xiên Que (Dracula, Ma Cà Rồng) được cho là đã phá hoại nguồn nước của đối phương.

Tuy nhiên còn có những cáo buộc hạ độc giếng nước khét tiếng mà chỉ là lời nói vu vơ. Khắp Châu Âu thời kỳ Trung cổ, người Do Thái và các cộng đồng dân tộc ít người khác hay bị chụp mũ là hạ độc nguồn nước ở ngay cái thời mà những căn bệnh liên quan đến nước là căn nguyên gây nên nhiều cái chết.

Hàng ngàn người đã chết trong những tình huống khó giải thích, đặc biệt là ở những đô thị phát triển thần tốc và không vệ sinh như Prague và Wroclaw (tên cũ là Breslau) ở Ba Lan, đám đông hoảng loạn tìm cách có một "vật tế thần". Khi thảm họa bùng phát vào năm 1348, nhiều lời buộc tội cay nghiệt đã tăng mạnh.

"Suốt thời kỳ diễn ra Hắc Dịch, dịch hạch khiến nhiều người chết, và người ta cho rằng người chết là do bị đầu độc hàng loạt", dẫn lời ông Tzafrir Barzilay, sử gia về xã hội Châu Âu thời Trung Cổ tại Đại học Do Thái Jerusalem.

Trong vài trường hợp, những người bệnh phong ở Pháp và Bỉ đã bị cáo buộc là bị hạ độc nguồn nước vào đầu thế kỷ 14 và nạn nhân bị thiêu sống - "họ bị người Do Thái làm hư hỏng", theo một số nguồn tin trích dẫn. Nhiều quy định oái oăm đã được trưng ra ở một số nơi, như ở Vienna (Áo) lại cấm người Do Thái ăn uống đồng nghĩa rằng người Công giáo lo sợ họ bị hạ độc.

Cho mãi đến giữa thế kỷ 15, sự giận dữ vô cớ bắt đầu thuyên giảm. Sang thế kỷ 20, những báo cáo về hạ độc giếng nước cũng lác đác xuất hiện, ít nhất là tại Châu Âu. Các loại vũ khí mới đã rút ngắn nhiều cuộc xung đột, trong khi đó một số khái niệm về tiến hành quân sự chuyên nghiệp vẫn được giữ vững. Những vụ hạ độc giếng cũng giảm đi khi mà nhiều hiệp hội công nghiệp đã hạn chế xảy ra những lỗ khoan nhỏ trong giếng nước.

Hạ độc giếng thời hiện đại

Chiến tranh thế giới thứ I (ĐCTGI) đã sớm đâm toạc bất kỳ ý nghĩa tiến bộ nào. Đầu năm 1917, quân Đức đã rút 25 dặm (40 km) tuyến phòng thủ ở miền Bắc nước Pháp, đây là một kế hoạch tập trận gọi là Chiến dịch Alberich. Chiến đấu trên Mặt trận phía Đông đã làm hao tổn nhiều binh lực, Kaiser (Vua Đức) nghĩ cách làm giảm thiểu tối đa tác động lên các sư đoàn đông đảo ở phương Tây.

Bên cạnh đó, Kaiser còn muốn chắc chắn rằng không bị mất đất khi mà quân Đồng minh đã nắm quyền kiểm soát suốt 2,5 năm trong cuộc chiến, Kaiser cũng nghĩ kế không để cho đối phương được hưởng lợi. Khi quân Đức lui binh, họ đã làm ô nhiễm các giếng nước, phá hủy đường sá, đốn sạch cây cối và rải nhiều bom mìn.

Năm 1942, quân đội Đức Quốc xã vẫn tiếp tục dùng kế hạ độc giếng khi vương quốc của họ bắt đầu suy yếu lần đầu tiên. Quân đội kháng chiến Hy Lạp từ nơi nương náu vùng sơn cước của họ đã nổ ra tấn công quân Đức. Lính Đức đáp trả bằng các hoạt động chống quân du kích không ngừng nghỉ.

Sử gia Mark Mazower, tác giả cuốn sách "Bên trong cuộc chiến Hy Lạp của Hitler: Những ngày chiếm đóng, 1941-1944" đã viết: "Chẳng mấy chốc, miền Trung và miền Bắc Hy Lạp đã biến thành tử địa, nhà cửa bị tàn phá, thây chết thối rữa. Nông dân sợ ra đồng bởi ngại biến thành "bia thịt"; trong một số trường hợp, lính Đức cấm dân Hy Lạp gieo hạt hay thu hoạch mùa màng của họ". Trong suốt những giai đoạn cuối cùng của sự rút lui Trục phát xít, một số làng mạc đã bị san phẳng hoàn toàn, giếng nước của họ ngợp ngụa xác la.

Trong khi đó, ở mặt trận Thái Bình Dương, các nhà khoa học Nhật Bản đã lây nhiễm căn bệnh dịch tả cho hàng ngàn giếng nước ở Trung Quốc vào cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940 nhằm kiểm tra các triệu chứng bệnh trên cơ thể dân thường. "Quân đội và viên chức y tế Nhật thời chiến đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên con người mà không cần họ cho phép, và tội ác còn cay đắng hơn cả các "bác sĩ đao phủ" của Đức quốc xã", dẫn tư liệu của sử gia Sheldon H. Harris, tác giả của cuốn sách "Những nhà máy tử thần: Chiến tranh sinh học Nhật Bản, 1932 - 1945 và Sự che đậy sự thật của Mỹ". Nhiều viên chức Nhật tham gia vào các thí nghiệm tàn bạo đã thoát khỏi công lý khi mà họ đạt được các thương thảo với quân đội Mỹ - người Mỹ muốn học các nghiên cứu của người Nhật.

Trong những thập kỷ gần đây, IS đã cung cấp những bằng chứng rõ nét về việc dùng nước trong chiến tranh. Ngoài việc hạ độc giếng nước, lực lượng này còn phá hỏng các con đập để tràn nước ra ngoài khiến cho hàng ngàn hộ nông dân ở hạ du khốn đốn. Chính quyền của Saddam Hussein đã hạ độc các giếng nước của người Kurd bao gồm một giếng lớn ở miền Bắc Halabja trong thời kỳ Saddam thực hiện một cuộc tấn công hóa học vào thành phố nhỏ này vào năm 1988. Nhiều thập niên sau đó, các chuyên gia nước vẫn tìm cách để sửa chữa hành vi phá hoại. Hay những vụ tranh chấp gây chết người liên quan đến giếng nước ở quốc gia khô hạn Somalia...

Dựa vào nước ngầm để uống không còn là chuyện đơn giản trong thế giới đang phát triển, hơn 1/3 người dân Mỹ vẫn đang lệ thuộc nguồn nước ngầm, bao gồm hơn 40 triệu người khác đang khai thác nước từ các giếng tư nhân. Khi biến đổi khí hậu làm giảm lượng mưa, và dân số gia tăng cùng sự quản lý bất ổn của các chính phủ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ở nhiều nơi, thì các nhà thủy văn cảnh báo rằng sự phá hủy sẽ diễn ra trong các năm tới.

Chuyên gia về nước Peter Gleick cảnh báo: "Hiện cũng đang có những khuynh hướng rõ ràng về sự gia tăng các cuộc tấn công những nguồn nước, tôi cho rằng nó phản ánh áp lực đang lớn dần của nhu cầu nước trên toàn cầu. Nước ngày càng có giá trị, ngày một khan hiếm, và nhiều cuộc xung đột hơn. Không gì có thể bù đắp nếu nước ngọt biến mất!".

Phan Bình
.
.