Phá án bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt sau 32 năm

Thứ Hai, 25/05/2020, 15:05
Một người đàn ông Trung Quốc bị bắt cóc khi còn nhỏ đã được đoàn tụ với cha mẹ ruột sau 32 năm. Đó là nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt, đã mang lại kết thúc tốt đẹp cho một trong những vụ trẻ em bị bắt cóc nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

Mất tích 32 năm

Vào năm 1988, cậu bé Mao Yin 2 tuổi mất tích ở Tây An - thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Cậu bị bán cho một gia đình khác để làm con nuôi. Ở nhà cha mẹ nuôi, Mao được đặt tên là Gu Ningning.

Tuy nhiên, anh đã được đoàn tụ với cha mẹ ruột là Mao Zhenjing và Li Jingzhi hôm 18.5 tại một cuộc họp báo do Công an Trung Quốc tổ chức và phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

Mao Yin hiện điều hành một doanh nghiệp trang trí nội thất. Anh được Cảnh sát Tây An phát hiện ra từ đầu tháng 5 bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, phân tích những bức ảnh cũ khi anh còn bé. Sau đó, Mao Yin được xét nghiệm ADN để xác nhận lần nữa.

Bức ảnh Mao Yin chụp với người mẹ Li Jingzhi khi còn nhỏ. Photo: SCMP.

Cảnh sát thông báo cho bà Li Jingzhi vào Ngày của Mẹ rằng, con trai của bà đã được tìm thấy. Quá bất ngờ và xúc động, bà Li rơi nước mắt và nói: "Đây là món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được trong Ngày của Mẹ".

Tại cuộc họp báo, vợ chồng ông bà Mao lã chã nước mắt khi ôm chầm lấy con trai. "Tôi không muốn phải chia tách khỏi con trai mình một giây phút nào nữa" - bà Li cầm tay con trai nói. Anh Mao Yin cũng cho biết, sẽ sớm đến sống cùng cha mẹ ruột.

Còn Mao Yin nói rằng, trước đó, anh từng thấy bà Li nói về hành trình tìm kiếm đứa con trai mất tích trên truyền hình. Và anh cảm động về sự kiên trì của người mẹ này. Nhưng ít ai nhận ra anh chính là cậu bé mà chính bà Li đã tìm kiếm hàng thập niên.

Mao Yin mất tích năm 1988, gần khách sạn Jinling ở Tây An sau khi cha anh để anh một mình trong vài phút để đi lấy nước. Suốt 32 năm qua, cha mẹ Mao Yin cố công tìm kiếm con trai khắp Trung Quốc. Bà Li đã bỏ việc để chuyên tâm đi tìm con. Bà đã phát hơn 100.000 tờ rơi tìm trẻ mất tích.

Hệ thống dữ liệu ADN  - chìa khóa tìm trẻ mất tích

Kể từ năm 1999, bà Li đã xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình ở Trung Quốc để nâng cao nhận thức về việc hàng nghìn trẻ em mất tích trên khắp đất nước. Bà nói rằng, bà hy vọng một ngày nào đó con trai mình có thể xem một trong những chương trình này.

Năm 2007, bà Li trở thành tình nguyện viên tại một nền tảng phi chính phủ lớn mang tên "Baby come home" chuyên tìm những trẻ em bị bắt cóc và giúp 29 người trong số đó đoàn tụ với gia đình. "Lúc đó, tôi đã tìm kiếm con trai hơn hai thập kỷ. Tôi hiểu là nó khó tới mức nào. Tôi cũng tự hỏi, liệu có ai đó trao sự giúp đỡ tương tự như vậy để con trai tôi có thể tìm thấy gia đình mình hay không" - bà Li chia sẻ hồi tháng 1 năm nay.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Ảnh: KCRA.

Trong cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm, bà theo khoảng 300 trường hợp tiềm năng để xem đó có phải con trai mất tích của mình không nhưng kết quả đều không trùng khớp.

Theo cảnh sát, hồi cuối tháng 4, họ nhận được thông tin rằng một người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên đã mua một đứa trẻ từ Thiểm Tây vào cuối những năm 1980. Cặp vợ chồng không có con mua với giá 6.000 nhân dân tệ (khoảng 845 USD). Thông tin về cha mẹ nuôi của Mao Yin không được công bố. Vụ bắt cóc này vẫn đang được điều tra, Theo SCMP.

Tuy nhiên, CCTV cho hay, Mao Yin đã được nuôi dạy trưởng thành ở tỉnh Tứ Xuyên và đi học đại học trước khi thành lập công ty thiết kế nội thất.

Sau một loạt các cuộc điều tra và so sánh, cảnh sát đã lần theo dấu vết của một người đàn ông ở thành phố Miên Dương khi thấy có nhiều điểm giống với hình ảnh cũ của Mao Yin. Sau đó, người đàn ông này được xác nhận chính là Mao Yin qua xét nghiệm ADN, CNN dẫn nguồn Tân Hoa xã cho biết.

Theo CNN, không có con số chính thức về trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc hàng năm. Trên trang web "Baby come home" chuyên đăng tải các thông báo về trẻ em mất tích, thì có hơn 51.000 gia đình đã đăng tin tìm kiếm con cái.

Năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc thiết lập một cơ sở dữ liệu ADN để chống nạn buôn người ở Trung Quốc. Theo giới chức, kể từ đó, hơn 6.300 trẻ em mất tích đã được tìm thấy thông qua cơ sở dữ liệu này. Năm 2016, Bộ Công an Trung Quốc cũng ra mắt hệ thống theo dõi trực tuyến. Hệ thống này giúp tìm ra 4.385 trong số 4.467 trẻ em bị mất tích - Gong Zhiyong, Phó Giám đốc Cục Điều tra Hình sự của Bộ Công an Trung Quốc, cho biết.

Hệ thống nhận dạng khuôn mặt là gì?

Hệ thống nhận dạng khuôn mặt là một ứng dụng máy tính tự động xác định hoặc nhận dạng một người nào đó từ một bức hình ảnh kỹ thuật số hoặc một khung hình video từ một nguồn video. Một trong những cách để thực hiện điều này là so sánh các đặc điểm khuôn mặt chọn trước từ hình ảnh và một cơ sở dữ liệu về khuôn mặt.

Hệ thống này thường được sử dụng trong các hệ thống an ninh và có thể được so sánh với các dạng sinh trắc học khác như các hệ thống nhận dạng vân tay hay tròng mắt.

Một xu hướng mới nổi lên cải thiện được độ chính xác, là nhận dạng khuôn mặt ba chiều. Kỹ thuật này sử dụng các cảm biến 3D để nắm bắt thông tin về hình dạng của khuôn mặt. Thông tin này sau đó được sử dụng để xác định các tính năng đặc biệt trên bề mặt của một khuôn mặt, chẳng hạn như các đường viền của hốc mắt, mũi và cằm.

Tập đoàn Tencent Holdings Ltd giới thiệu công nghệ nhận diện khuôn mặt của mình tại một cuộc triển lãm ở Vũ Hán, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Một lợi thế của nhận dạng khuôn mặt 3D là nó không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong ánh sáng như các kỹ thuật khác. Nó cũng có thể xác định một khuôn mặt từ một loạt các góc nhìn, trong đó có góc nhìn nghiêng. Các điểm dữ liệu ba chiều từ một khuôn mặt cải thiện lớn độ chính xác cho nhận dạng khuôn mặt.

Tuy nhiên, ngay cả một kỹ thuật 3D hoàn hảo cũng có thể gặp khó khăn bởi các sắc thái biểu cảm trên gương mặt. Để đạt được mục tiêu đó, một nhóm tại Technion - Viện công nghệ Israel tại Haifa (Israel) - đã áp dụng các công cụ từ hình học metric để giải quyết các biểu lộ cảm xúc.

Một xu hướng mới nổi nữa là sử dụng các chi tiết hình ảnh của da, được chụp trong các hình ảnh kỹ thuật số hoặc máy scan tiêu chuẩn. Kỹ thuật này được gọi là phân tích kết cấu da, đưa các đường đặc trưng, hình dạng, và các điểm nốt trên làn da của một người vào một không gian toán học. Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng, với việc bổ sung các phân tích cấu trúc của da, hiệu quả trong việc nhận ra khuôn mặt có thể tăng 20-25%.

Các hệ thống ứng dụng công nghệ nhận diện nổi bật

Khu Newham ở London (Anh) trước đây từng thử nghiệm một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được xây dựng thành hệ thống camera quan sát cả khu phố.

Cảnh sát Liên bang Đức sử dụng một hệ thống nhận dạng khuôn mặt để cho phép các khách hàng tình nguyện vượt qua các điểm kiểm soát biên giới hoàn toàn tự động tại sân bay quốc tế Frankfurt Rhein-Main. Khách hàng phải là công dân của Liên minh Châu Âu, hoặc công dân Thụy Sĩ. Kể từ năm 2005, Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức cung cấp nhận dạng khuôn mặt tập trung đối với ảnh thẻ cho tất cả cơ quan cảnh sát Đức.

Hệ thống nhận dạng cũng được sử dụng bởi các casino để bắt những kẻ gian lận hoặc những cá nhân nằm trong danh sách đen.

Dịch vụ Hải quan Úc và New Zealand có một hệ thống xử lý biên giới tự động gọi là SmartGate sử dụng nhận dạng khuôn mặt. Hệ thống so sánh gương mặt của cá nhân với các hình ảnh trong các microchip hộ chiếu điện tử, xác nhận rằng người giữ hộ chiếu là chủ sở hữu hợp pháp.

Mạng Tư pháp Pennsylvania (Mỹ) tìm kiếm hình ảnh hiện trường vụ án và cảnh quay camera quan sát trong cơ sở dữ liệu ảnh thẻ của đối tượng bị bắt giữ trước đó. Hàng loạt các tình huống nhạy cảm đã được giải quyết kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động vào năm 2005. Các cơ quan thực thi pháp luật khác ở Mỹ, bao gồm toà án Los Angeles, sử dụng cơ sở dữ liệu ảnh thẻ vào công việc điều tra pháp y của họ. Tính đến năm 2013, không có cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc về hình ảnh khuôn mặt nào được lập cụ thể, nhưng có một số nỗ lực để tạo ra một hệ thống như vậy. Bộ Ngoại giao Mỹ điều hành một trong các hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất trên thế giới với hơn 75 triệu bức ảnh được chủ động sử dụng để xử lý visa.

Sân bay quốc tế Tocumen ở Panama điều hành một hệ thống giám sát toàn sân bay sử dụng hàng trăm camera nhận dạng khuôn mặt trực tiếp để xác định các cá nhân đi qua sân bay.

Ứng dụng vào các hoạt động khác

Ngoài việc được sử dụng cho các hệ thống an ninh, nhà chức trách đã tìm thấy một số ứng dụng khác cho các hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Sau vụ 11/9, thử nghiệm được công bố đã triển khai. Gần đây, hiếm có các công bố như vậy do tính chất bí mật.

Tại Super Bowl XXXV, vào tháng 1/2001, cảnh sát ở Vịnh Tampa, Florida (Mỹ) sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt Viisage để tìm kiếm tên tội phạm và khủng bố tiềm năng có mặt tại sự kiện này. 19 người có hồ sơ tội phạm vị thành niên đã có khả năng xác định.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, chính phủ Mexico sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để ngăn chặn gian lận bầu cử. Một số cá nhân đã đăng ký bầu cử dưới nhiều tên khác nhau trong nỗ lực để đạt được nhiều phiếu. Bằng cách so sánh hình ảnh gương mặt mới cho những người đã có trong cơ sở dữ liệu của cử tri, chính quyền có thể giảm các cử tri trùng lặp. Công nghệ tương tự đang được sử dụng ở Mỹ để ngăn chặn những người lấy thẻ căn cước giả và giấy phép lái xe.

Ngoài ra còn có một số ứng dụng tiềm năng của nhận dạng khuôn mặt hiện đang được phát triển. Ví dụ, công nghệ này có thể được sử dụng như một biện pháp an ninh tại các máy ATM. Thay vì sử dụng một thẻ ngân hàng hoặc số nhận dạng cá nhân, máy ATM sẽ chụp một hình ảnh của khuôn mặt của khách hàng, và so sánh nó với các bức ảnh của chủ tài khoản ngân hàng trong cơ sở dữ liệu để xác nhận danh tính của khách hàng.

Ngoài ra, thêm vào tính năng sinh trắc học, các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại thường kết hợp một hệ thống phát hiện khuôn mặt cho phép máy ảnh tập trung và đo lường độ phơi sáng trên khuôn mặt của đối tượng, do đó đảm bảo lấy được rõ nét bức chân dung của người được chụp.

Hay hệ thống nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để chấm công người lao động tại nơi làm việc trong các giờ quy định...

Tuy nhiên, các tổ chức quyền công dân, và các nhà vận động quyền riêng tư... bày tỏ lo ngại về sự riêng tư đang bị tổn hại khi sử dụng công nghệ này để giám sát. Nhiều cơ quan quyền lực đã lạm dụng đặc quyền truy cập của mình để duy trì sự kiểm soát.

Huyền Anh (Tổng hợp)
.
.