Siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đe dọa Ấn Độ và thế giới

Thứ Tư, 17/12/2014, 14:25
Một trận dịch nguy hiểm chết người có thể đe dọa toàn cầu đang quét qua Ấn Độ, và trong số nhiều nạn nhân có đến 58.000 trẻ sơ sinh chết năm 2013 do nhiễm siêu vi khuẩn kháng với phần lớn thuốc kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng và viêm phổi. Một cuộc nghiên cứu tiết lộ mỗi năm có gần 800.000 trẻ sơ sinh chết ở Ấn Độ. Theo bác sĩ Vinod Paul, Trưởng khoa Bệnh nhi Viện Y khoa Toàn Ấn Độ và lãnh đạo cuộc nghiên cứu, nếu những dạng nhiễm trùng kháng thuốc tiếp tục tăng trong khi tiến bộ y khoa không theo kịp thì đó sẽ là thảm họa không chỉ riêng cho Ấn Độ mà còn cả thế giới.
Bác sĩ Neelam Kler - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Sir Ganga Ram ở New Delhi, một trong những bệnh viện tư nhân hàng đầu Ấn Độ - cho biết: "Cách đây 5 năm, hầu như không có những dạng nhiễm trùng kỳ lạ như thế này. Nhưng hiện nay, gần 100% trẻ sơ sinh bị những dạng nhiễm trùng đa kháng thuốc kháng sinh. Đó là điều đáng lo ngại".
Bác sĩ Soumya Swaminathan - Giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh lao Quốc gia.

Ngày càng có thêm nhiều nhà nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy hiện nay vi khuẩn hiện diện rất nhiều ở Ấn Độ - trong nước sinh hoạt, nước thải, động vật, đất và thậm chí nơi cơ thể người mẹ - kháng với gần như hầu hết các loại thuốc kháng sinh! Không chỉ có trẻ sơ sinh chết do nhiễm trùng mà cả người lớn cũng vậy - Uppalapu Shrinivas, nhạc sĩ nổi tiếng ở Ấn Độ, chết ngày 19/9 vừa qua ở tuổi 45 do một dạng nhiễm trùng mà bác sĩ  phải bó tay. Và, trong khi thuốc kháng sinh mới chưa sản xuất được thì những dạng nhiễm trùng kháng thuốc ở Ấn Độ đang bắt đầu "di trú" đến các nước khác.

Bác sĩ Timothy R. Walsh, giáo sư Khoa Vi trùng học Đại học Cardiff (Anh), giải thích: "Tình trạng vệ sinh tồi tệ cũng như sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi ở Ấn Độ đang tạo nên cơn sóng thần kháng thuốc kháng sinh đe dọa lan ra toàn cầu". Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một nhóm "siêu vi khuẩn" mang mã gene - gọi là NDM-1 (New Delhi metallo-beta lactamase 1) - kháng thuốc kháng sinh được xác định đầu tiên ở Ấn Độ đang lan ra một số nước trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Oman và Mỹ.

Năm ngoái, bé gái mới sinh của Anju Thakur, 21 tuổi, là một trong những nạn nhân của đại dịch kháng thuốc kháng sinh ở thành phố Amravati, miền Trung Ấn Độ. Bụng em bé to lên, các chi cứng lại và da trở nên sẫm màu - những dấu hiệu của nhiễm trùng máu. Bác sĩ đã cho dùng 2 loại thuốc kháng sinh mạnh nhưng bé chỉ sống được 7 ngày. Xét nghiệm cho thấy dạng nhiễm trùng của bé kháng với gần như mọi loại thuốc kháng sinh và các bác sĩ cho rằng vi khuẩn có lẽ đến từ người mẹ.

Theo kết quả từ một số nghiên cứu, tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở các quốc gia đang phát triển cao hơn các quốc gia phát triển và Ấn Độ là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Thực tế cho thấy Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm trùng cao nhất thế giới và người dân nước này cũng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi hơn bất cứ quốc gia nào khác. Các chuyên gia về trẻ sơ sinh nghi ngờ những đứa trẻ mới chào đời bị nhiễm siêu vi khuẩn từ trong môi trường và thậm chí từ cơ thể người mẹ.

Theo một nghiên cứu đang thực hiện tại New Delhi đối với một số bệnh viện nhà nước, hơn 12.000 trẻ sơ sinh có nguy cơ cao và khoảng 70% dạng nhiễm trùng nơi trẻ kháng với rất nhiều loại thuốc kháng sinh mạnh. Hiện nay, các tổ chức y tế Ấn Độ đang kêu gọi có những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết. Thậm chí, chính quyền Ấn Độ cũng lo ngại "siêu vi khuẩn" kháng thuốc kháng sinh sẽ tác động tiêu cực đến ngành kinh doanh du lịch của nước này. Ấn Độ có nhiều ca bệnh lao nhất trên thế giới và khoảng 10% bệnh nhân không điều trị được do kháng thuốc.

Bác sĩ Soumya Swaminathan - Giám đốc Viện nghiên cứu bệnh lao Quốc gia (NIRT) - cho rằng, số bệnh nhân này nhiễm vi khuẩn kháng thuốc tại nhà chứ không phải tại bệnh viện khiến cho dịch bệnh rất khó kiểm soát. Nếu chính quyền không có những biện pháp mạnh tay thì lao sẽ trở thành bệnh không thể chữa khỏi ở Ấn Độ trong tương lai!

Tại các bệnh viện ở Ấn Độ, 2 - 3 sản phụ nằm chung một giường càng tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan. Năm 2013, một cuộc điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tiến hành ở bang Rajasthan, miền Bắc Ấn Độ, kết luận 70% trường hợp nhiễm trùng do nước, 78% do không rửa tay bằng xà phòng đúng cách và 67% do nhà vệ sinh… không vệ sinh! Các bác sĩ ở Ấn Độ thậm chí còn làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh một cách thoải mái. Ví dụ, ở bang Haryana những năm gần đây hầu như mọi trẻ sơ sinh đều được tiêm thuốc kháng sinh cho dù có hay không có dấu hiệu bệnh.
Sự quá tải tại các bệnh viện phụ sản ở Ấn Độ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan.

Phần lớn trẻ sơ sinh ở Ấn Độ bị nhiễm các loại vi khuẩn như là Klebsiella và Acinetobacter có trong chất thải của con người. Trong khi loại vi khuẩn như thế hiếm khi lây nhiễm cho trẻ sơ sinh ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, không chỉ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác đang đe dọa tương lai của thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Mỹ cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có 23.000 người chết do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Từ năm 2000 đến 2010, số lượng thuốc kháng sinh được bán ra tăng 36%, và các nước tiêu thụ nhiều nhất là: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.