Smartphone và ví tiền điện tử

Thứ Ba, 13/07/2021, 14:55
Chúng ta có thể sử dụng smartphone như "chiếc ví kỹ thuật số" để thanh toán hàng hóa mua trong cửa hàng, tìm kiếm web hay duyệt các catalogue sản phẩm, song khi cần mua sắm trực tuyến thì thiết bị di động lại thiếu các nền tảng hỗ trợ.

Bởi vì, chúng ta phải gõ phím theo yêu cầu quá nhiều - số thẻ tín dụng, tên họ, phiếu thanh toán và địa chỉ giao hàng.

Do đó, hơn 90% số người tiêu dùng từ bỏ giỏ hàng khi muốn mua thứ gì đó trên smartphone, so với khoảng 68% mua sắm qua máy tính hay máy tính bảng. 

Mua sắm trực tuyến ở Mỹ và châu Âu trị giá tổng cộng khoảng 582 tỷ USD (426 tỷ euro). Và, 10% trong số đó thực hiện qua smartphone ở Mỹ, và chỉ 7% ở châu Âu - theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Thị trường bán lẻ đặt trụ sở tại Nottingham (Anh).

James Gold, đồng sáng lập nhãn hiệu phụ kiện thời trang Skinny Dip ở London (Anh), thừa nhận: "Chúng tôi hoạt động còn chưa đủ tốt cho thương hiệu của mình. Khoảng 15% giao dịch đến từ smartphone, song tỷ lệ chuyển đổi mua hàng từ máy tính hay máy tính bảng sang loại hình di động thì thấp hơn nhiều. Do đó, chúng tôi đang cố gắng làm sao cho trải nghiệm mua sắm bằng smartphone trở nên hấp dẫn hơn".

Người dân Thái Lan đi chợ dùng smartphone để quét mã QR thanh toán.

Dan Wagner, người sáng lập công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Powa Technologies đặt trụ sở tại New York (Mỹ), tin tưởng công ty đã xây dựng thành công ứng dụng thương mại điện tử di động gọi là PowaTag, cho phép người dùng thao tác mua hàng một cách đơn giản và nhanh chóng mà không cần phải gõ quá nhiều thứ trên điện thoại. 

Bất cứ khi nào nhìn thấy biểu tượng PowaTag trên sản phẩm, người dùng chỉ cần đưa điện thoại trên mặt hàng để quét hình ảnh và sau đó gõ nút "buy now" (mua ngay). Yêu cầu là người dùng tải ứng dụng PowaTag, thiết lập tài khoản và đăng ký thẻ thanh toán.

Theo Wagner, hiện có 1.200 thương hiệu và nhà bán lẻ trên thế giới đã đăng ký nền tảng PowaTag - bao gồm L'Oreal USA, Carrefour và Samsonite. 

Công ty Powa Technologies cũng nhanh chóng cập nhật thêm tính năng nhận diện hình ảnh quảng cáo cho ứng dụng smartphone PowaTag - người dùng chụp ảnh sản phẩm quảng cáo và bắt đầu mua. 

Ngoài ra, ứng dụng cũng nhận diện được video cho nên người dùng có thể mua sản phẩm được giới thiệu trên video quảng cáo trực tuyến hay video blog. Dĩ nhiên, Amazon cũng đã thiết lập thành công lệnh đặt hàng chỉ với một cú chạm cho chủ tài khoản. 

Còn phải kể đến ứng dụng Zen Shopping cho phép người dùng duyệt sản phẩm từ hơn 100.000 cửa hàng - bao gồm những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới như Amazon và Walmart cho đến những shop nhỏ nhất - chỉ với một cú chạm nhẹ trên điện thoại.

Các nền tảng xã hội đang làm thay đổi cách khách hàng tương tác với các khách sạn, công ty hàng không và công ty du lịch.

Với ứng dụng Zen Shopping, người dùng không cần đăng ký, gõ mật khẩu hay điền những yêu cầu theo mỗi cửa hàng. Chưa dừng lại ở đó, Zen còn giúp tiết kiệm tiền cho người dùng. 

Thậm chí sau khi đã đặt mua hàng, Zen vẫn tiếp tục giám sát sự giảm giá của sản phẩm để làm việc với cửa hàng mà hoàn trả số tiền được giảm cho người dùng. Zen Shopping còn cam kết ứng dụng là cách an toàn nhất để sử dụng samrtphone hay máy tính bảng mua hàng. Bởi vì, mọi thông tin về thẻ tín dụng người dùng đều được giữ bí mật.

Tuy nhiên, Zen Shopping còn có mặt hạn chế là ứng dụng hiện tại chỉ được sử dụng trên các điện thoại iPhone của Apple. Nhưng, công ty tuyên bố một phiên bản quốc tế sắp sửa ra mắt cùng với phiên bản khác dành cho điện thoại Android. 

Ứng dụng thanh toán di động Apple Pay được công ty Apple thiết kế cho các máy iPhone và được hơn 200.000 cửa hàng tại Mỹ chấp nhận. Trong khi đó, PayPal mặc dù thành công trong nỗ lực đơn giản hóa tối đa loại hình thanh toán di động cho người dùng song hoàn toàn không có nhà bán lẻ nào chấp nhận! 

Các chuyên gia dự đoán cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực thanh toán di động giữa Apple Pay và Samsung Pay cũng như Google Wallet trong thời gian sắp tới sẽ vô cùng khốc liệt.

Nhưng, một điều đáng lo ngại là liệu "chiếc ví kỹ thuật số" của người dùng có an toàn khi được sử dụng ở mọi nơi? Emmanuel Schalit, giám đốc điều hành Dashlane - công ty công nghệ có chuỗi văn phòng ở 2 thành phố Paris (Pháp) và New York (Mỹ)  tin rằng sản phẩm phần mềm lưu trữ của công ty sẽ bảo đảm điều đó. 

Ứng dụng mã hóa (chứ không phải máy chủ các nhà bán lẻ) sẽ quản lý mọi mật khẩu, số thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, số điện thoại, giá trị giao dịch và địa chỉ giao hàng của người dùng. 

Mua sắm bằng smartphone đang phát triển mạnh và hứa hẹn sẽ là xu thế phổ biến của mọi người thay cho tiền mặt trong tương lai không xa bất chấp hiện thời vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua - theo đánh giá của Andy Mulcahy từ công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến Anh IMRG.

Trang Thuần (Tổng hợp)
.
.