Triển vọng về những thiên đường xanh trên trái đất

Thứ Ba, 16/07/2019, 18:45
Mối quan tâm đến môi trường thiên nhiên hiện đã trở thành một phần không thể tách rời trong chính sách của nhiều quốc gia.

Nói rộng hơn, đó là nhu cầu về một môi trường sinh thái trong lành, trong đó phải áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển năng lượng xanh, xử lý rác thải theo phương pháp thân thiện môi trường, dần từ bỏ các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch v.v… Bước tiếp theo là xây dựng các thành phố sinh thái hoàn chỉnh, một dự án quy mô theo xu hướng này mới được Hungary tuyên bố triển khai.

Tập đoàn FAKT AG đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỉ euro cho dự án xây dựng trung tâm trồng trọt hiện đại tại khu vực Tây Bắc Hungary, gần biên giới với Áo và Slovakia. Trong khuôn khổ dự án này, nhà đầu tư sẽ dành ra 80 ha trong và ngoài nhà kính để trồng rau và trái cây. Ngoài ra còn có trung tâm chế biến và logistics 15 ha, bao gồm các nhà kho, khu trữ lạnh có khả năng chế biến rau quả trồng trọt trên khắp Hungary.

Nhưng nếu chỉ nói tới trung tâm trên thì dự án có tên gọi Hegyeshalom-Bezenye chắc chắn sẽ không gây được nhiều sự quan tâm như vậy. Trong khuôn khổ dự án này, FAKT AG cùng các đối tác - hãng năng lượng lớn nhất của Đức E.ON và KEZS của Hungary - đang lập kế hoạch xây dựng cả một thành phố có diện tích 330 ha với dân số khoảng 5.000 người với đầy đủ các công trình tiện ích: trường học, nhà trẻ, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ga đường sắt và khu cắm trại cho khách du lịch v.v…

Điều đặc biệt hơn cả, Hegyeshalom-Bezenye sẽ là thành phố có lượng khí thải carbon bằng 0, với năng lượng phục vụ cho sinh hoạt tại đây hoàn toàn từ nguồn mặt trời và khí gas sinh học. Với dự án này, các nhà đầu tư có tham vọng muốn chứng minh, hoàn toàn có thể xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch về sinh thái và là nơi sinh sống của cả một cộng đồng quy mô.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Hungary Istvan Nagy và chủ tịch FAKT AG Hubert Schulte-Kemper giới thiệu dự án Hegyeshalom-Bezenye.

Theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy, Hegyeshalom-Bezenye là một dự án lớn nhất và phức tạp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm tại Trung Âu. “Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ trở thành một hình mẫu phát triển mới của EC” - ông Istvan Nagy nhấn mạnh.

Trong khi Hegyeshalom-Bezenye mới được coi là một dự án quy mô của tương lai, hiện đã có không ít hình mẫu tương tự đã được triển khai trên khắp thế giới. Điển hình như thành phố Freiburg của Đức đang được coi là một trong những đô thị đi đầu phong trào sinh thái trên thế giới.

Tại thành phố này hiện không còn bất cứ một cơ sở sản xuất công nghiệp nào. Nhiều khu phố lớn ngay tại trung tâm thành phố đã cấm các loại xe ôtô, người dân di chuyển tại đây chỉ bằng xe đạp hay đi bộ. Gần như toàn bộ các ngôi nhà tại đây đều được lắp đặt tấm năng lượng mặt trời với tổng công suất lên tới 4,3 megawatt, tương đương gần 21 watt năng lượng sạch trên mỗi đầu người dân.

Trung tâm sinh thái của thành phố là khu Vauban (xây dựng vào năm 2000 tại vị trí một căn cứ quân sự cũ của Pháp) được coi là nơi điển hình áp dụng các công trình trình xanh và nghiên cứu ứng dụng những công nghệ sinh thái mới, dự kiến đến năm 2040 sẽ hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Khu vực này cũng là nơi áp dụng nhiều hệ thống đặc biệt sưởi ấm cho mọi ngôi nhà, các pin mặt trời tích điện, thậm chí cả những máy bơm sử dụng bằng năng lượng địa nhiệt.

Theo kế hoạch, Freiburg đến năm 2046 sẽ có thể tự đảm bảo năng lượng sạch cho toàn bộ sinh hoạt, thậm chí chia sẻ cho các địa phương gần đó. Theo đạo luật về năng lượng tái sinh tại địa phương, nhà cung cấp điện có trách nhiệm mua lại điện sản xuất bằng năng lượng mặt trời với giá cao hơn gấp 2,5 lần giá bán cho người tiêu dùng. Tất cả thu nhập từ chương trình này sẽ tiếp tục được tái đầu tư để lắp đặt thêm tấm năng lượng mặt trời tại các ngôi nhà trên khắp nước Đức.

Châu Âu nói chung hiện phải đương đầu với tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn như mỏ than cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2018, tại Anh từ năm 2015, còn tại Pháp ngay từ năm 2004. Chính vì vậy, việc phát triển năng lượng tái sinh đối với lục địa này không chỉ là sáng kiến có lợi về mặt sinh thái mà còn là nhu cầu cấp thiết.

Sáng kiến về môi trường xanh cũng không phải là chuyện xa lạ với nhiều nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ rõ ràng nhất là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với dự án thành phố sinh thái đầu tiên trên thế giới trị giá 22 tỉ đôla được triển khai từ năm 2006. Dự án thành phố sinh thái Masdar nằm không xa thủ đô Abu-Dabi của UAE. Trong thành phố rộng 6 km vuông này, dự kiến sẽ xây dựng 1.500 trung tâm thương mại và nhà ở dành cho 50 ngàn người.

Năng lượng sử dụng cho thành phố chủ yếu lấy từ hơn 87 ngàn tấm pin mặt trời bố trí tại một khu vực rộng tới 21 ha ở ngoại ô, chưa kể một số không nhỏ khác đặt ngay trên mái các tòa nhà. Trong thành phố này gần như không phát hiện bất cứ công tắc hay vòi nước nào, tất cả đều sử dụng thiết bị cảm biến để bật tắt. Dự kiến, dự án xây dựng Masdar sẽ hoàn tất vào năm 2030.

Nếu như đối với UAE, những sáng kiến như Masdar phần nào để chứng tỏ ưu thế vượt trội về công nghệ của mình để hướng tới tương lai thì đối với nhiều quốc gia đang đương đầu với tình trạng môi trường xuống cấp trầm trọng, đây lại là nhu cầu sống còn. Chẳng hạn, Trung Quốc hiện nay đang “nghẹt thở” với bầu không khí nồng độ carbon dioxit cao, với thống kê trung bình 183 người chết mỗi giờ vì nguyên nhân thường xuyên hít thở phải khí thải công nghiệp.

Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề cấp bách trên bằng cách chuyển sang năng lượng tái sinh. Hiện, quốc gia này đang triển khai 6 dự án xây dựng thành phố sinh thái, một trong số này là thành phố không xe ôtô Great City tại Thành Đô. Dự kiến hoàn tất vào năm 2021, thành phố này được kỳ vọng sẽ trở thành một chuẩn mực mới về giảm số lượng rác thải xuống 89% và lượng carbon dioxit xuống 60% so với các đô thị thông thường.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.