Vì sao Không quân Mỹ loại máy bay ném bom chiến lược B-1B?

Thứ Bảy, 13/03/2021, 14:16
Không quân Mỹ quyết định cho ngừng hoạt động các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer. Ở giai đoạn đầu, họ sẽ loại biên 17 chiếc trong tổng số 62 máy bay hiện có. Vì sao Không quân Mỹ lại quyết định loại biên B-1B Lancer dù đây hiện là chiếc máy bay có tải trọng bom đạn lớn nhất thế giới?

"Kho" bom di động

Không quân Mỹ hiện có 62 máy bay ném bom B-1B Lancer. Tiền thân của B-1B Lancer là phiên bản B-1A được Rockwell International thiết kế vào giữa thập niên 1970, nhằm đáp ứng nhu cầu của không quân Mỹ về loại máy bay ném bom hạt nhân chuyên hoạt động ở độ cao lớn và đạt tốc độ trên 2.500 km/h. Tuy nhiên, chỉ có 4 chiếc B-1A được chế tạo trước khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hủy dự án vào tháng 6-1977.

Tháng 10- 1981, Dự án Lancer được tái khởi động lại theo lệnh của Tổng thống Ronald Reagan với hàng loạt thay đổi lớn. Thiết kế B-1B được tối ưu cho nhiệm vụ xâm nhập không phận ở độ cao nhỏ, đồng thời ứng dụng nhiều cải tiến để giảm diện tích phản xạ radar. Máy bay này không còn đạt được tốc độ 2.500 km/h như ban đầu, nó chỉ có thể bay với tốc độ tối đa 1.100 km/h ở độ cao dưới 150m, nhưng có khả năng sống sót cao hơn B-1A nhiều lần.

Tổng cộng có 100 chiếc B-1B được sản xuất trong giai đoạn 1983-1988. Tháng 10-1986, chiếc B-1B đầu tiên được chính thức biên chế trong Không quân Mỹ. Kể từ đó, B-1B trở thành máy bay ném bom chiến lược có tải trọng vũ khí lớn nhất của Mỹ khi có chiều dài 44,5m, cao 10,4m và có khối lượng rỗng 87,1 tấn. Máy bay ứng dụng cơ cấu cánh cụp cánh xòe, giúp cải thiện khả năng cất hạ cánh và giảm sức cản khi bay ở độ cao thấp. Sải cánh của B-1B rộng 42m ở trạng thái xòe và 24m khi cụp lại. 4 động cơ phản lực GE F101-GE-102 cung cấp sức đẩy cho phép B-1B đạt tốc độ tối đa 1.340 km/h ở độ cao 12.000m hoặc 1.100 km/h khi cách mặt đất 150m. Tầm bay tối đa của nó đạt tới 9.400 km, con số này bị rút xuống còn 5.545 km nếu mang tải vũ khí tối đa. Những chiếc B-1B ra đời nhằm thay thế vai trò máy bay ném bom chiến lược của "pháo đài bay" B-52.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không quân Mỹ loại bỏ khả năng mang bom hạt nhân trên phi đội B-1B, biến chúng thành nền tảng chuyên triển khai vũ khí thông thường. Năm 1998, lần đầu thực chiến của B-1B Lancer là trong chiến dịch "Cáo sa mạc", tiếp đến B-1B Lancer đã dội bom vào đối phương trong chiến tranh Afghanistan, Iraq và mới đây nhất là Syria. Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục bổ sung các hệ thống khí tài thông minh, đường truyền dữ liệu và cảm biến thế hệ mới để bảo đảm uy lực cho những chiếc B-1B. Một trong những gói nâng cấp lớn nhất là trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động SABR-GS, áp dụng nhiều công nghệ của radar trên tiêm kích F-22 và F-35.

B-1B Lancer hiện là chiếc máy bay có tải trọng bom đạn lớn nhất thế giới, khi có thể mang 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM, 12 bom lượn AGM-154 JSOW (còn gọi là vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm), hoặc 24 tên lửa AGM-158 JASSM tầm bắn 370km. Tổng tải trọng vũ khí của B-1B lên đến 57 tấn.

Máy bay B-1B Lancer có thể mang tới 56,7 tấn vũ khí.

Quá tốn kém chi phí nếu duy trì

Hiện B-1B đang đóng vai trò là lực lượng máy bay ném bom chiến lược và là lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, các phi đội máy bay ném bom B-1B phần lớn đã tạm dừng nhiệm vụ chiến đấu do chi phí duy trì kỹ thuật quá tốn kém. Các vấn đề với tình trạng kỹ thuật của máy bay B-1B Lancer đã xuất hiện từ lâu.

Lầu Năm Góc lưu ý, các hoạt động hỗ trợ liên tục cho máy bay ném bom B-1 Lancer trong 20 năm qua đã làm hỏng cấu trúc khung thân do khai thác quá mức, các máy bay này đã được sử dụng tích cực trong các chiến dịch quân sự, đã thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, chủ yếu là ở Trung Đông, mà những chiếc Lancer không phù hợp với các điều kiện khí hậu ở đó. Theo ước tính của chỉ huy, việc bảo dưỡng những chiếc máy bay già cỗi nhất cần từ 10 đến 30 triệu USD.

Mặc dù vậy, B-1B hiện vẫn được coi là máy bay rất quan trọng. Phạm vi triển khai các máy bay này ngày càng mở rộng. Mới đây Lầu Năm Góc đã chuyển một phi đội Lancer đến Na Uy để một lần nữa phô trương sức mạnh và khả năng sẵn sàng chống lại Nga ở phía Bắc. Mỹ đang cố gắng bằng mọi cách để kéo dài tuổi thọ của những máy bay chiến lược siêu thanh. Nếu không có chúng, Mỹ không có cách nào để đưa bom và tên lửa đến các khu vực xung đột - tình hình với các máy bay hạng nặng khác cũng không khá hơn là bao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, dù đã được nâng cấp, B-1B không thể sống sót trong các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc. Nó chỉ hoạt động tối ưu trong môi trường đe dọa mức trung bình, với sự yểm trợ của tiêm kích và cường kích đồng minh.

Giữa tháng 2- 2021, chiếc Lancer đầu tiên đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở Nam Dakota bay đến Nghĩa địa máy bay ở căn cứ quân sự Davis-Monthan, bang Arizona. Vào cuối năm nay, dự kiến sẽ có tới 17 máy bay B-1B sẽ được Mỹ cho ngừng hoạt động.

Sau khi loại biên một số chiếc máy bay, Không quân Mỹ sẽ chuyển hướng các nguồn lực được giải phóng cho 45 máy bay chiến lược còn lại. Chiếc B-1B cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2036.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.