Bên trong căn cứ giả lập sao Hỏa

Thứ Bảy, 23/10/2021, 16:23

Cảnh quan kém thân thiện. Các khu sinh hoạt chật chội. Thức ăn khô khan. Người nhiếp ảnh đang rất cố gắng để sống trên một hành tinh khác. Nhóm tác giả bài viết này: Cassandra Klos là một nhiếp ảnh gia tác nghiệp từ năm 2015 đến năm 2017 trong vai trò nghệ sĩ thường trú tại Trạm nghiên cứu hoang mạc Hỏa Tinh đặt ở Hanksville (tiểu bang Utah, Mỹ). Và bà Jennie Rothenberg Gritz là một biên tập viên cao cấp của tạp chí Smithsonian, trước đây bà làm biên tập cho báo Atlantic.

NASA hy vọng sẽ phái một phi hành đoàn 3 người lên sao Hỏa trong thập niên 2030, khi mà Trung Quốc và công ty tư nhân SpaceX đang làm việc để thiết lập sự hiện diện lâu dài trên sao Hỏa bằng các tàu vũ trụ để chở người đến và đi từ Trái đất.

Tuy nhiên trước hết cần phải hoàn thành một số việc. Thiết kế tàu vũ trụ và không gian sống phù hợp là một phần của thách thức. Ngoài ra con người sẽ tắm như thế nào khi mà nguồn nước hạn chế? Cần thứ gì để giúp rau trồng xanh tốt nhằm bổ sung dinh dưỡng khi mà thực phẩm đều khô khan? Và với các cư dân đến từ nhiều hoàn cảnh xuất thân khác nhau thì việc sống gần nhau trong các khu vực chật chội như môi trường sao Hỏa là thiên đường hay địa ngục?

Nhiệm vụ kéo dài 2 tuần mà bà Klos đã tham gia vào năm 2015 chính là được thiết kế nhằm trả lời những câu hỏi này. Nó diễn ra tại Trạm nghiên cứu hoang mạc sao Hỏa (MDRS) nằm ở phía Nam thành phố Salt Lake (tiểu bang Utah) khoảng 4 tiếng lái xe về hướng Nam, nơi mà người ta sống và nói chuyện y hệt như đang trên hành tinh đỏ. Một tốp 6 người sẽ sống trong một tòa nhà hình trụ cao 2 tầng.

3.jpg -0
Khu giả định HI-SEAS dựng trên đỉnh núi lửa Mauna Loa thuộc Hawaii. Các tấm quang điện cung cấp điện cho hoạt động. (Ảnh: Cassandra Klos)

Người chỉ huy của MDRS từng nguyên là thành viên của lực lượng Vệ binh quốc gia, đã giữ cho người tham gia trong dự án theo một lịch trình nghiêm ngặt khi tiến hành sửa chữa điện đóm, kiểm kê, thu dọn cơ sở vật chất và lấy mẫu trong đất. Mọi người cùng được giao một vai trò đặc biệt: chuẩn bị các báo cáo cho bà Klos để chia sẻ với công luận. Nhân viên an toàn y tế sẽ theo dõi sức khỏe của phi hành đoàn, trong khi kỹ sư giám sát mức độ carbon dioxide và điện mặt trời.

Trước khi bước ra ngoài trong bộ đồ vũ trụ, bà Klos cùng những người khác phải xin phép kiểm soát sứ mệnh trở lại Trái đất (thực tế là trạm điều phối được đặt ở thành phố bên cạnh). Cá nhân đó sẽ gửi các thông tin về gió và thời tiết, và quyết định xem mỗi người sẽ ở bao lâu bên ngoài căn cứ. Đôi khi cũng có các cơn bão bụi ập tới làm cắt đứt nguồn cung điện mặt trời khi họ ở trên “sao Hỏa”.

Được biết có khoảng hàng chục những môi trường sống giống hệt sao Hỏa ngay trên hành tinh chúng ta, chúng được mô phỏng để có thể sống từ 2 tuần đến cả năm. Một trong số đó là Chương trình nghiên cứu con người của NASA được đặt tại Trung tâm không gian Johnson (Houston, Texas). Còn những cơ sở khác được tài trợ bởi các tổ chức tư nhân. Hiệp hội sao Hỏa được thành lập bởi kỹ sư hàng không vũ trụ sống ở Brooklyn, Robert Zubrin, đã vận hành một môi trường sao Hỏa ở Utah nơi bà Klos đã làm việc trong sứ mạng hồi năm 2017, và một cơ sở khác là ở quần đảo Bắc Cực thuộc Canada.

Bà Klos cũng tham gia một sứ mạng sao Hỏa tại Cơ quan mô phỏng và thích ứng thám hiểm không gian Hawaii (HI-SEAS), cơ sở này được vận hành bởi Liên minh Căn cứ mặt trăng quốc tế (IMBA), một tổ chức do doanh nhân Hà Lan Henk Rogers, sáng lập. HI-SEAS nằm trên hòn đảo lớn nhất của Hawaii ngay tại độ cao 2.499m trên bề mực nước biển, ngay trên đỉnh núi lửa Mauna Loa đang hoạt động. Trung tâm chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA đang hợp tác với HI-SEAS để thu thập thông tin về các hang động núi lửa cùng các vi khuẩn sống trong các môi trường dạng sao Hỏa. HI-SEAS cũng đang nghiên cứu về những hạn chế làm việc trong lúc bận quần áo vũ trụ nặng nề.

Các sứ mạng này mở hướng đi cho những người không có nền tảng về khoa học, kỹ thuật hoặc đào tạo phi hành gia. Sau cùng, mục đích chính là đưa người bình thường lên vũ trụ vì vậy cần phải tìm hiểu xem liệu họ có thể sống ở đó như các môi trường sao Hỏa trên Trái đất hay không. Mỗi khu nhà 2 tầng tại các cơ sở mô phỏng sẽ có sàn rộng khoảng 111,4m2 (tương đương 2 căn hộ nhỏ được xếp chồng lên nhau), và chỉ vừa vặn chỗ cho 6 người dùng hít thở trong lúc đi quanh nhà. Để có một vị trí mô phỏng trên sao Hỏa hoặc Mặt trăng, bạn phải đề xuất một dự án mà các nhà lãnh đạo tin rằng nó khá hữu ích.

Một người tham gia vào HI-SEAS gần đây đã tập trung vào công nghệ in 3D như việc tạo ra viên gạch từ đá núi lửa. Những tế bào nhiên liệu hydro cũng đã được nghiên cứu. Trong khi những người khác đang cố gắng bằng nhiều cách để trồng rau diếp theo mô hình thủy canh. Nhiều dự án tập trung vào nghiên cứu tâm lý như quan sát các loại thực phẩm, tập thể dục và mùi ảnh hưởng tới cảm xúc của con người trong khi họ sống chen chúc trong khoang điều áp.

Các công đoạn chuẩn bị trên sao Hỏa được chứng minh là có lợi cho cuộc sống trên trái đất. Nghiên cứu đầu tiên về du hành không gian đã dọn đường cho những tiến bộ y học, chẳng hạn như chụp hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Dữ liệu mà các nhà khoa học thu thập hiện nay là điện mặt trời, lưu giữ nước và trồng cây trong các điều kiện khô ráo có thể hữu dụng nhất là khi chúng ta ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giám đốc HI-SEAS, nhà thiên văn học Michaela Musilova, 32 tuổi, phát biểu rằng cô đang tập hợp một nhóm phi hành đoàn khá đa dạng bằng cách dùng mạng để tuyển dụng các giáo viên, nhà báo, và cả nghệ sĩ. Michaela Musilova nhấn mạnh: “Nếu việc sống cùng nhau trên sao Hỏa có thể khiến chúng ta trở thành những phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình thì đó có thể là bước đột phá vĩ đại nhất”.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.