Chết cũng không yên

Thứ Năm, 17/11/2022, 14:22

Ai cũng biết đến tiểu thuyết kinh dị “Frankenstein” của nữ nhà văn người Anh Mary Shelley, nhưng ít người hiểu rằng tác giả dựa trên một nỗi sợ rất thực trong xã hội Anh Quốc khi đó. Vào thế kỷ 19, xác người trở thành món hàng giá trị ở Anh, và việc đào mộ để ăn trộm xác người xảy ra tràn lan.

Những tưởng xã hội phát triển đã loại trừ được tệ nạn này, nhưng sự thật không phải như vậy. Ngay tại một quốc gia văn minh như Mỹ vẫn đang hàng tuần xảy ra chục vụ buôn lậu xác người hiến thân cho nghiên cứu khoa học.

Máu thịt đổi tiền

Ở Mỹ, khi thân nhân người chết làm thủ tục giấy tờ cũng sẽ nhận được lời đề nghị sau: nhà xác sẽ tặng gia quyến toàn bộ chi phí mai táng, hỏa táng nếu như họ chấp nhận hiến xác người chết cho việc nghiên cứu khoa học. Với nhiều gia đình nghèo, đây là cách duy nhất để cho người đã khuất một đám tang đầy đủ. Nhưng cũng không ít cá nhân khi còn sống lựa chọn việc hiến thân do muốn khi chết vẫn giúp ích được cho xã hội. Dù gì đi nữa, cả người sống lẫn người chết đều tin rằng thi thể sẽ được nhà tang lễ đối xử thật tôn trọng và chu đáo.

Chết cũng không yên -0
Các đặc vụ FBI chuyển bằng chứng khỏi một nhà xác bị phát hiện buôn bán thi thể.

Khi những vụ việc buôn bán xác người chết bị bại lộ thường gây bàng hoàng cho cả xã hội Mỹ, như trường hợp xảy ra tại nhà xác Southern Nevada Donor Services ở bang Nevada. Mọi việc bắt đầu khi những người dân sống quanh kho xác của nhà tang lễ báo cho chính quyền việc ngửi thấy mùi thối rữa nồng nặc xuất phát từ sân kho. Cảnh sát và thanh tra y tế tiến hành kiểm tra đột xuất nhà kho và phát hiện một người làm công cho nhà xác đang rã đông các bộ phận thi thể người chết dưới nắng hè.

Trích báo cáo của thanh tra y tế: “Người đàn ông mặc quần áo bảo hộ y khoa và dùng vòi phun tưới cây để xịt nước ấm vào một bộ thân người còn đang đóng đá cứng”.

Southern Nevada Donor Services chỉ là một trong nhiều nhà xác, nhà tang lễ trên khắp nước Mỹ làm cái việc này. Họ thu thập xác chết, chặt nhỏ ra rồi bán từng bộ phận cho các trường đại học, bệnh viện, công ty y khoa,v.v… Trong khi hoạt động buôn bán nội tạng bị chính phủ Mỹ kiểm soát rất chặt, không có ai đứng ra quản lý việc buôn bán thi thể cả. Kể cả những người không có bằng cấp, chuyên môn gì cũng có thể mổ, phân tách và mua bán xác người chết.

Giáo sư - tiến sỹ Angela McArthur, Giám đốc chương trình hiến xác tại trường Đại học Y Minnesota, nhận xét: “Việc mua bán bộ phận thi thể người đang diễn ra tự do mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Chính vì thế mới có nhiều vụ ăn trộm, mổ xẻ xác người đem bán như vậy… Tôi phải nhấn mạnh rằng kiếm lời từ mua bán thi thể vi phạm mọi quy tắc về đạo đức y khoa”.

Ngành y tế dựa rất nhiều vào thi thể người hiến để thực hiện công tác giáo dục, huấn luyện và nghiên cứu. Hộ lý, y tá, bác sỹ đều được tập huấn từ việc đưa ống thở vào phổi đến phẫu thuật hiến tạng trên xác người chết. Các loại thuốc, thiết bị y tế mới cũng được thử nghiệm trên thi thể. Bác sỹ Armand Krikorian, Chủ tịch Hội Nghiên cứu y khoa Hoa Kỳ, cho biết: “Ngành y tế chỉ có thể phát triển nếu như nguồn cung xác người hiến được đảm bảo… Đơn cử như một loại thuốc chữa trị tiểu đường tuýp 1 mới được đưa vào lưu hành chỉ có thể được nghiên cứu thành công nhờ vào những bệnh nhân tiểu đường còn sống và đã chết đồng ý hiến cơ thể mình cho việc thử nghiệm thuốc”.

Chết cũng không yên -0
Thi thể người có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu y học.

Dawn Vander Kolk, một y tá và nhà hoạt động xã hội ở Illinois, nói về cách các nhà xác như Southern Nevada thu thập thi thể: “Họ lấy chủ yếu từ các gia đình nghèo. Không ít gia đình rơi vào cảnh điêu đứng vì có bao nhiêu tiền chữa trị đều đem chi hết cho việc chữa trị người thân. Họ chỉ có cách trông vào việc hiến thân để người đã mất được hỏa táng, an táng chu tất”.

Xã hội Mỹ bắt đầu chú ý đến vấn đề mua bán thi thể khi cảnh sát thành phố Detroit thu giữ được hai thùng lạnh chứa bộ phận cơ thể người khi hai chiếc thùng sắp sửa được chất lên máy bay. Sau một cuộc điều tra do FBI và Cục Quản lý và phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC) phối hợp thực hiện, nhà chức trách Mỹ bắt giữ Arthur Rathburn, Giám đốc nhà xác IBI. Nếu như nhân viên sân bay không phát hiện có gì chứa trong hai chiếc thùng, Rathburn đã có thể kiếm được khoảng 300.000 USD.

Thiếu chế tài

Ở Mỹ, việc buôn bán xác người bị pháp luật cấm. Các đối tượng buôn thi thể bèn lách luật bằng cách tính tiền các “dịch vụ” do mình cung cấp. Họ không tính tiền theo giá trị bộ phận cơ thể được bán mà tính tiền mổ xẻ, làm sạch và vận chuyển thi thể.

Hãng tin Reuters mới đây đã đăng tải một bài điều tra về 34 nhà xác, nhà tang lễ có tham gia buôn bán thi thể. 25 trong số này thuộc sở hữu của các công ty tư nhân. Trung bình một năm họ kiếm khoảng 12,5 triệu USD tiền lãi. Trong vòng 5 năm qua, các nhà xác, nhà tang lễ này đã nhận tổng cộng 62.000 thi thể và phân phối hơn 182.000 bộ phận cơ thể người.

Cũng như các loại hàng hóa khác, giá cả bộ phận người chết biến động theo quy luật cung - cầu thị trường. Thông thường một xác người chết còn nguyên vẹn có giá bán nằm trong khoảng 3.000 - 5.000 USD, nhưng cũng có những trường hợp mức giá tăng lên 10.000 USD. Theo các tài liệu nội bộ của họ, một bộ thân mình cùng đôi chân có giá khoảng 3.575 USD, đầu khoảng 500 USD và cột sống khoảng 300 USD. Một điểm đáng chú ý khác, các nhà xác, nhà tang lễ này có thể trả “hoa hồng” cho những chuyên gia giám định giới thiệu họ với gia đình người chết với mức giá khoảng 300-1.430 USD.

Chết cũng không yên -0
Nhiều người bất bình khi biết được cách nhà xác đối xử với thi thể người nhà của mình.

Giáo sư Michel Anteby tại trường Đại học Boston đã dành nhiều năm nghiên cứu thị trường chợ đen buôn bán xác người. Ông nhận xét: “Việc trao đổi thân xác người chết vì mục đích thương mại không chỉ riêng Mỹ mới có, nhưng chỉ có ở Mỹ hoạt động này mới tạo ra một thị trường trị giá tỷ đô… Khoảng 15 năm về trước tôi nhận thấy có một sự biến động lớn trong thị trường buôn bán thi thể. Những nguồn vốn lớn không biết từ đâu được chi vào việc đầu tư biến các nhà xác làm ăn nhỏ lẻ thành cá thể kinh doanh có quy mô, có mạng lưới thu thập thông tin về cả nguồn cung lẫn nhu cầu về xác người”.

Chuyên gia giám định thi thể Steve Palmer là thành viên ban giám đốc Hiệp hội Nhà tang lễ Mỹ nhận xét: “Nhiều ông chủ nhà tang lễ nói với tôi rằng việc tổ chức tang lễ không còn đem lại lợi nhuận như xưa nữa nên họ mới buộc phải buôn bán thi thể để tồn tại… Tôi chắc chắn rằng nếu như họ nói ra sự thật cho thân nhân người quá cố, sẽ chẳng còn ai chịu đi hiến cơ thể người thân nữa”.

Mới đây, quân đội Mỹ đã bị khởi kiện về vấn đề này. Một phòng thí nghiệm quân sự đã mua 20 thi thể từ một nhà xác tại bang Arizona để thử nghiệm… thuốc nổ. Phải mất 4 năm sau khi câu chuyện được báo chí đăng tải, 34 thân nhân những người chết bị dùng trong thử nghiệm mới có thể đệ đơn ra tòa.

Anh Jim Stauffer có mẹ là Doris mất vì bệnh Alzheimer. Jim đã hiến thi thể mẹ mình cho trung tâm nghiên cứu bệnh Alzheimer BRC, nhưng rồi bà Doris bị rơi vào tay phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ. Jim cho biết: “Tất cả những luật sư chúng tôi từng liên lạc đều nói rằng việc mua thi thể người vi phạm luật dân sự lẫn quân sự. Đã rõ ràng như thế rồi mà từ lúc đó đến nay quân đội Mỹ không hề có một lời xin lỗi nào. Họ còn tìm cách cản trở chúng tôi tiếp cận thông tin về thân xác người nhà. Tôi chỉ biết rằng họ dùng mẹ tôi để thử nghiệm mìn tự chế, loại mà phiến quân Taliban vẫn hay sử dụng”.

Chết cũng không yên -0
Ngay cả người chết cũng trở thành hàng hóa trên thị trường chợ đen.

Một điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở việc các cá thể mua bán bộ phận cơ thể người chết chịu quá ít sự kiểm soát của luật pháp. Không ít nhà xác hoạt động gần như bí mật hoàn toàn, gây khó khăn cho các nhà chức trách trong việc truy tìm đầu mối. Giáo sư luật Ray Madoff giải thích: “Một khi thi thể người mất rời tay thân nhân, chúng ta biết rất ít về chỗ những xác chết này sẽ đi đến đâu”.

Vấn đề nằm ở việc thiếu chế tài xử lý các đối tượng buôn bán thi thể người. Trong vụ việc của IBI và Arthur Rathburn, các nhà điều tra mất khoảng 5 năm để đưa các đối tượng chịu trách nhiệm ra tòa. Trong khoảng thời gian đó, IBI nộp đơn phá sản. Họ liệt những thi thể và bộ phận cơ thể người trong tay mình vào danh sách tài sản mình sở hữu. IBI ước tính giá trị của số thi thể này ở mức 160.900 USD.

Kể từ năm 2004 đến nay, các tổ chức hoạt động xã hội đã “gióng hồi chuông” cảnh báo về vấn nạn mua bán thi thể người hiến trái phép. Những biện pháp được các tổ chức này đưa ra gồm có việc buộc các nhà xác, nhà tang lễ phải thường xuyên chịu sự kiểm tra của nhà chức trách và thân nhân người chết; bất kỳ hoạt động trao đổi bộ phận cơ thể người chết phải có hồ sơ ghi chép; và hình sự hóa tội mua bán thi thể. Khó có thể chối từ tính logic của những biện pháp này. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính phủ có đủ động lực để áp dụng chúng vào thực tế không?

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.