Giấc mơ Arab Saudi - thung lũng Silicon của Trung Đông

Thứ Năm, 13/04/2023, 10:53

Riyadh cần nhiều trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng hơn nếu muốn trở thành gã khổng lồ web trị giá hàng tỷ USD của Vùng Vịnh. Tác giả bài viết, Paul Cochrane, là một nhà báo độc lập chuyên trách thực hiện phóng sự ở Trung Đông và Phi Châu. Ông sống ở Bilad Al Sham (Cyprus, Palestine và Lebanon) trong suốt 24 năm, chủ yếu là ở Beirut. Ông là đồng đạo diễn của một bộ phim tài liệu về kinh tế - chính trị ở Lebanon.

Arab Saudi đang tiêu hàng tỷ đô la và hy vọng sẽ thu hút thêm hàng tỷ đô nữa để trở thành trung tâm kỹ thuật số của Trung Đông, đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, vũ trụ ảo và cáp quang.   Microsoft, Google, Oracle, Meta và Apple đang đổ vào vương quốc này do bị cuốn hút bởi hầu bao rủng rỉnh, nhu cầu dùng internet cao và những kế hoạch tương lai. Kế hoạch kinh tế của Riyadh mang tên “Tầm nhìn 2030” nhằm đa dạng hóa năng lượng và dịch vụ bao gồm đổ tiền đầu tư vào các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ liên lạc (ICT).

33-1.jpg -0
Hình ảnh kỹ thuật số về Lăng mộ Lihyan (Arab Saudi), di chỉ đầu tiên của UNESCO tham gia vào vũ trụ ảo (siêu dữ liệu). Ảnh nguồn: Royal Commission for AlUla handout February 2023.

Hồi tháng 10 năm 2022, phát biểu với giới truyền thông, ông Fabad Alhajeri (Giám đốc điều hành của Center3, công ty con của Hãng viễn thông Saudi STC) nói rằng mục tiêu chi tiêu nhiều tiền là nhằm biến Arab Saudi thành “trung tâm kỹ thuật số chính kết nối với 3 lục địa Á, Âu và Phi, cũng như dẫn đầu thị phần lớn nhất thế giới về trao đổi internet và lưu lượng dữ liệu trong khu vực”.

Song để đạt được mục tiêu này, chính quyền Riyadh cần thêm nhiều trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng để xử lý một lượng lưu lượng dữ liệu khổng lồ bao gồm các tuyến cáp quang chạy trực tiếp đến bán đảo Arab từ Á, Âu và xa hơn. Riyadh cũng đối mặt với một vài thách thức khác bao gồm chiến tranh công nghệ đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh, những câu hỏi trăn trở về hướng tiếp cận của Riyadh đối với nhân quyền và quyền riêng tư kỹ thuật số; cùng khả năng kinh tế về tính chiến lược của vương quốc này. Liệu Arab Saudi có đủ khả năng để xây dựng Thung lũng Silicon trên bán đảo Arab?

Theo tổ chức Tình báo thị trường Goldstein (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) thì hiện thời Arab Saudi chiếm hơn 55% thị phần viễn thông lớn nhất khu vực và 51% các ngành công nghiệp công nghệ thông tin (IT). Tỷ lệ tiếp cận internet của người dân ở vương quốc này đạt 98%. Nhưng mức độ tiêu thụ IT lại chỉ là 0,7% GDP so với mốc 1,3% ở các thị trường phát triển. Đồng nghĩa sẽ còn nhiều đất để phát triển hơn.  Các dịch vụ đám mây ở Arab Saudi dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD vào thời điểm năm 2030.

Google đã tham gia vào một liên danh với gã khổng lồ dầu hỏa Aramco. Oracle thông tin rằng hãng này sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD để mở thêm các trung tâm đám mây. Microsoft đã đầu tư 2,5 tỷ USD vào một trung tâm đám mây mới. Mặt khác, gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc đã đầu tư 400 triệu USD trong khu vực đám mây. Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng mở học viện siêu dữ liệu đầu tiên ở Trung Đông nhằm đào tạo cho người dân làm thế nào để xây dựng các dạng môi trường kỹ thuật số mới ở Riyadh vào tháng 5. Hay hãng Apple đã định vị trung tâm phân phối đầu tiên ở Trung Đông gần Riyadh.

Ông James Shires, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) và đồng thời là tác giả cuốn sách “Chính trị an ninh mạng ở Trung Đông”, nhận định: “Các hãng công nghệ lớn nhận ra rằng tương lai không thuộc về phương Tây, vì vậy họ cần tham gia vào những khu vực khác mà đặc biệt là những nước như Arab Saudi đang ngày càng là những thị trường quan trọng cho họ”. 

Chính quyền Arab Saudi đang hậu thuẫn những kế hoạch lớn nhằm mục đích số hóa vương quốc này, đáng chú ý là Neom – một dự án siêu đô thị trị giá nhiều tỷ đô la được lên kế hoạch xây dựng ở phía Bắc vương quốc với ý đồ nó sẽ là đô thị thông minh. Năm 2022, Riyadh đang dự trù chi 6,4 tỷ USD cho các doanh nghiệp và công nghệ tương lai, bao gồm khoản ngân sách 1 tỷ USD cho Công ty kỹ thuật số & công nghệ Neom nhằm phát triển nên XVRS – vũ trụ ảo nhận thức đầu tiên trên thế giới với sự tích hợp thế giới ảo và thực tại.

Ngoài ra Bộ Thông tin và Truyền thông của nước này đang có kế hoạch thu hút 18 tỷ USD nhằm xây dựng một số trung tâm dữ liệu quy mô lớn. MIS (công ty các hệ thống thông tin đặt trụ sở của Arab Saudi) đã thành lập một quỹ đầu tư trị giá 320 triệu USD để phát triển 6 trung tâm dữ liệu. Tập đoàn nhà nước STC đã đầu tư 400 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu hỗ trợ đám mây lớn nhất trong khu vực”.

Và Aramco sẽ đầu tư 1 tỷ USD và một quỹ đầu tư mạo hiểm để tập trung vào công nghệ mới. Tuy vậy nhằm hiện thực hóa tham vọng trung tâm dữ liệu của mình, Arab Saudi cần tăng cường đáng kể công suất từ công suất dữ liệu hiện tại là 60 megawatt (MW) lên thành 1.300 MW vào cuối thập kỷ này, theo báo cáo của Qũy đầu tư trí tuệ nhân tạo Rajhi (Al Rajhi Capital).

Ông Paul Brodsky (nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu viễn thông TeleGeography ở Washington D.C) nói: “Yếu tố thúc đẩy hình thành một trung tâm là nội dung của nó, đó là cách người ta đang tìm kiếm trên máy tính và điện thoại thông minh (ĐTTM). Tại vùng Vịnh cũng không khác biệt mấy. Để trở thành một trung tâm, quý vị cần phải có hệ thống lưu trữ dữ liệu cục bộ và được đẩy gần hơn đến người dùng cuối. Quý vị cần một lượng lớn người có nhu cầu và muốn nội dung”. 

Chìa khóa cho sự tăng trưởng đó là cáp quang, những đường ống đang chở tới 95% lưu lượng mạng thế giới. Trung Đông đang kết nối với Châu Âu thông qua các tuyến cáp quang chạy vượt qua Địa Trung Hải và xuyên qua Ai Cập và Hồng Hải đến Vùng Vịnh. Cho đến nay, Arab Saudi đã nhường chỗ cho vai trò của Ai Cập vốn là đối thủ cáp thống trị khu vực. Song tình hình có lẽ sẽ phải thay đổi với việc lên kế hoạch phát triển cáp quang cần thiết để biến Arab Saudi thành trung tâm IT.

Tập đoàn STC cũng đang có các kế hoạch xây dựng cái gọi là Cáp tầm nhìn Arab Saudi dài 1.100km từ Jeddah chạy dọc theo Hồng Hải đến Al Haql, gần Neom. STC cũng được cho là đang hỗ trợ Hệ thống xuyên Âu Á (TEAS) – cáp mặt đất đầu tiên chạy dọc Arab Saudi, từ Ras al Khair (Vịnh Ba Tư) đến Amman (ở Jordan) và sau đó đến Israel. Một tuyến cáp thứ hai được lên kế hoạch chạy đọc theo Hồng Hải, rồi lên phía Bắc đến Aqaba và Israel.

Ngoài ra, tuyến cáp Blue-Raman (do Google đầu tư) sẽ chạy trên đất liền gần Neom. Hiện tại các tài năng trong khu vực được thu hút nhằm đảm bảo đủ nhân sự tay nghề cao để biến giấc mơ kỹ thuật số của Arab Saudi thành hiện thực. Mohamad Najem, CEO của SMEX (tổ chức phi chính phủ ở Beirut) đang làm việc để thúc đẩy các quyền kỹ thuật số ở Trung Đông và Bắc Phi, phát biểu: “Từ Ai Cập, Jordan và Tunisia, nhân tài ùn ùn đổ về Arab Saudi. Miễn có trình độ cao là được nhận, họ trả rất nhiều tiền cho những người nói lưu loát tiếng Anh”.

Song việc tạo ra một hệ sinh thái lớn như vậy không có nghĩa là ném thật nhiều tiền. Bà Rachel Ziemba (một thành viên cấp cao phụ trợ tại Trung tâm an ninh Tân Mỹ ở Washington) khẳng định: “Arab Saudi  có nhiều tham vọng. Nhưng khi xem xét trên khắp thế giới, quả thật rất khó để tái tạo một hệ sinh thái kiểu như Thung lũng Silicon của California. Nguyên nhân chính là bởi vì phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các học viện, thương mại và quản trị đúng đắn”.

Vương quốc này cũng phải quyết định xem lĩnh vực nào cần phải đổi mới và cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu. Bà Rachel Ziemba phân tích: “Họ sẽ ở đâu trong chuỗi cung ứng của ngành công nghệ để thoát khỏi vai trò của những người tiêu dùng lớn về các sản phẩm IT, phần mềm và đám mây dữ liệu, và thật sự là tự sản xuất được”.

33-2.jpg -0
Arab Saudi cần năng lực nhiều hơn cho các dự án như The Vault - một ngôi làng có thể gập lại, vốn là một phần của siêu dự án hàng tỷ đô la mang tên Neom.  Ảnh nguồn: NEOM.

Khát vọng của Riyadh đối với hệ sinh thái kỹ thuật số riêng cùng đến vào thời điểm hết sức khó khăn. Trong suốt 3 năm qua, Washington đã đẩy mạnh chiến tranh kinh tế với Trung Quốc và rõ ràng là không muốn nước nào dùng công nghệ Trung Quốc. Kết quả là, các gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc như Huawei đã mất hợp đồng trong việc phủ sóng mạng 5G ở Anh và Ấn Độ: ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đã tung lệnh để ngăn chặn các hãng công nghệ Mỹ nhúng tay vào các tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Bà Rachel Ziemba chỉ rõ: “Một vấn đề mà bất kỳ khu vực tài phán nào đang phát triển IT giờ đây phải đối mặt là: Họ dùng các thành phần, mạng, phần cứng hoặc phần mềm của Trung Quốc hay Mỹ? Nếu họ dùng công nghệ Trung Quốc thì họ có nguy cơ bị hạn chế từ Mỹ không, cũng như áp lực xoay quanh các thành phần và mạng của Huawei? Suốt nhiều năm rất nhiều quốc gia Vùng Vịnh đang đối mặt với nhiều câu hỏi về cách điều hướng cuộc cạnh tranh công nghệ Trung - Mỹ, và đây vẫn là một yếu tố”.  Arab Saudi đã tiến vào các hãng và đối tác liên danh với các công ty công nghệ toàn cầu bao gồm cả Huawei. Vương quốc này cũng đã tổ chức sự kiện Trung tâm công nghệ toàn cầu – một liên danh giữa Nga và Arab Saudi.

Bà Rachel Ziemba phân tích: “Arab Saudi đang hoạt động theo kiểu làm ăn với bất kỳ ai cũng được, song về lâu dài lại rất khó để áp dụng công nghệ trong mối quan hệ đối tác với những nhà sản xuất đang thịnh hành. Chúng tôi đặc biệt thấy rằng Mỹ đang tìm cách sử dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu như một thứ công nghệ có ý nghĩa hơn trong cưỡng chế kinh tế và chính sách đối ngoại”.

Bà Ziemba cũng tin rằng còn có những rủi ro đang nổi từ các hệ sinh thái công nghệ khác nhau và phân mảnh. Bà Ziemba nhấn mạnh: “Bất kể sự bận tâm nào đi chăng nữa giữa Mỹ và Arab Saudi thì công nghệ vẫn là lĩnh vực mà họ muốn tìm kiếm trong các lĩnh vực để làm việc cùng nhau, hơn là coi sự phát triển là mối đe dọa”.

Một lĩnh vực được quan tâm đối với các công ty đang làm ăn ở Arab Saudi là nhân quyền, quyền riêng tư và giám sát kỹ thuật số. Vương quốc này đã đưa ra Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPL) có hiệu lực đầy đủ vào tháng 3/2023, nhưng luật này đang hứng chịu chỉ trích bởi các tổ chức kỹ thuật số như SMEX khi tuyên bố rằng luật có thể cho phép tăng các hành vi vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Trong một báo cáo, SMEX khẳng định: “Vấn đề không nằm ở nội dung của luật mà là áp dụng và tiến hành ngay trong nước Arab Saudi, do chế độ độc tài toàn trị của nước này”.

Chính phủ Mỹ và lĩnh vực tư cũng đã lên tiếng lo ngại. Hồi tháng 7/2022, Cục quản lý thương mại quốc tế (ITA, một phần của Bộ Thương mại Mỹ) tuyên bố: “Ngành công nghiệp Mỹ đã lưu ý rằng có một sự khác biệt đáng kể giữa một số luật và quy định, điều này tạo ra sự mơ hồ. Có lẽ nhân tố quan trọng nhất là những yêu cầu nghiêm ngặt về nội địa hóa dữ liệu Arab Saudi, không phù hợp với các thông lệ tốt nhất toàn cầu đối với quyền riêng tư và bảo vệ cá nhân, đồng thời làm tăng chi phí kinh doanh ở Arab Saudi”.

Bất kỳ gã khổng lồ công nghệ Mỹ nào muốn làm ăn với Arab Saudi cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức khác về vấn đề nhân quyền và quyền riêng tư kỹ thuật số. Từ Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), ông James Shires nói rằng trong khi các hãng công nghệ muốn làm ăn ở Arab Saudi nhưng việc duy trì các cam kết đạo đức và những giá trị của doanh nghiệp có thể không dễ dàng. Những lo lắng như vậy có thể buộc một số người phải suy nghĩ, nhưng cuối cùng thì sự thành công hay thất bại của việc Arab Saudi muốn trở thành một trung tâm kỹ thuật số khu vực sẽ phụ thuộc vào khả năng kinh tế.

Ông Paul Brodsky (nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu viễn thông TeleGeography ở Washington D.C) kết luận: “Các chính phủ có thể làm bất kỳ việc gì họ muốn nhưng cuối cùng vẫn phải lệ thuộc vào thị trường. Có khả năng Arab Saudi có thể trở thành một trung tâm công nghệ thông tin (ICT) lớn”.

Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.