Mực tàng hình trong hoạt động tình báo

Thứ Năm, 01/06/2023, 13:48

Tháng 4/2011, CIA đã công bố những tài liệu mật lâu đời nhất và cũng là cuối cùng kể từ thời Thế chiến II. Có thời gian trong 2 năm 1917 và 1918, những tài liệu này chủ yếu bao gồm các công thức về “ký tự mật”: những hướng dẫn dành cho các điệp viên của Văn phòng tình báo Hải quân (ONI) về cách chế ra mực tàng hình.

Ngày nay, một phương pháp gián điệp thủ công như vậy nghe có vẻ kỳ lạ, song mực tàng hình đã từng là một ngành kinh doanh khá nghiêm túc và là công cụ quan trọng nhất trong các kỹ xảo của điệp viên.

Lịch sử của mực tàng hình

Có 2 loại mực tàng hình đã tồn tại trong lịch sử: dịch hữu cơ và mực hóa học. Loại thứ nhất bao gồm những phương pháp tự nhiên mà người ta đã thử dùng đến như nước cốt chanh, giấm, sữa, mồ hôi, nước bọt, nước ép hành tây, nước tiểu và cả máu loãng. Những loại mực tàng hình hữu cơ này có thể được sản sinh thông qua nhiệt, chẳng hạn như với lửa, bàn ủi hoặc bóng đèn, và có thể từ ánh sáng tia cực tím.

Mực tàng hình trong hoạt động tình báo -0
Điệp viên Đức, George Dasch, ra hàng FBI. Ảnh nguồn: The House History Man.

Dịch hữu cơ làm thay đổi sợi giấy để chữ bí mật có nhiệt độ cháy thấp hơn và chuyển sang màu nâu nhanh hơn khi tiếp xúc với nhiệt. Các loại mực hóa học là những thành phần phức tạp nhất. Loại mực này thường bao gồm một hay vài loại chất hóa học khác nhau và đòi hỏi phải có những loại thuốc thử riêng thì mới tạo nên chữ viết “tàng hình”. Cần khẳng định rằng lịch sử của mực tàng hình chủ yếu liên quan đến chiến tranh, vì trong bối cảnh đó các âm mưu, gián điệp và do thám mới hình thành, và cần tới nó.

Mực tàng hình đã ra đời từ hơn 2000 năm trước và người cổ đại Hy Lạp và La Mã đã sử dụng nó. Văn bản đầu tiên về nó có từ triết gia tự nhiên Pliny Già (Gaius Plinius Secundus) vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, ông đã đề cập đến việc dùng tinh chất của cây thuốc dấu làm mực tàng hình trong tác phẩm “Lịch sử tự nhiên”. Sang thời Phục Hưng, mực tàng hình tiếp tục được dùng, các chính khách đã dùng nó khi viết thư, và thi sĩ Publius Ovid đã dùng thứ này khi sáng tác tác phẩm “Nghệ thuật ái tình”. Hay học giả người Ý, Giovanni Battista della Porta, đã phát minh nên công thức chế mực tàng hình bao gồm 28 gram phèn chua và 1 lít giấm. Sau khi vẽ trên vỏ một quả trứng luộc chín, nó sẽ thấm vào lòng trắng và hiện chữ trên đó. Phải bóc vỏ trứng mới có thể đọc được nội dung. Sang thời chiến tranh cách mạng, cả người Anh và người Mỹ cùng dùng mực tàng hình.

Người Anh dùng cả dịch hữu cơ và những loại mực hóa học thông dụng. Thiếu tá John Andre (giám đốc tình báo Anh) đã yêu cầu các điệp viên đặt 1 chữ cái ở góc thư từ của họ nhằm thông báo cho người nhận rằng đó là một thông điệp mật; chẳng hạn như chữ “F” đặt ở góc của các chữ cái và nếu có nhiệt thì sẽ lộ nội dung mật; hay chữ “A” cần cho những chữ cái cần dùng tới acid.

Nhưng tướng George Washington thậm chí còn muốn hơn thế nữa: một loại mực mà chỉ có thể bị phát giác bằng cách dùng loại thuốc thử độc đáo riêng. Quý ngài James Jay đã vâng lệnh tướng quân. Ông Jay (có anh trai là nhà ái quốc John Jay cũng đồng thời là một bác sĩ nghiên cứu về hóa học) đã tạo ra “vết hóa học” và gửi cho tướng Washington. Washington liền chuyển nó cho bậc thầy gián điệp của Lục quân lục địa là Thiếu tá Benjamin Tallmadge, ông liền cung cấp thứ mực này cho các điệp viên trong mạng lưới điệp viên Culper nổi tiếng của mình với 2 điệp viên gan dạ Abraham Woodhull và Robert Townsend.

Để tránh bị nghi ngờ, tướng Washington liền chỉ đạo cho các điệp viên của mình viết một bức thư có vẻ bình thường nằm giữa những dòng thông điệp bí mật, hoặc viết chúng trên một trang trống của cuốn sách nhỏ (một cuốn sách bỏ túi thông thường) hoặc trên những trang trống ở mỗi cuối cuốn sổ đăng ký, các cuốn niên giám, hay bất kỳ ấn phẩm hoặc sách nào có giá trị tầm thường.

Mực tàng hình trong hoạt động tình báo -0
Một kỹ thuật viên đang viết thông điệp bằng mực tàng hình. Ảnh nguồn: Art of Manliness.

Thế chiến I

Trái ngược với các cơ quan tình báo có ngân sách hàng tỷ đô la ngày hôm nay, khi Mỹ đưa chân vào Thế chiến I, CIA chưa ra đời còn FBI mới tròn 15 tuổi. Văn phòng tình báo Hải quân (ONI) điều phối hoạt động thu thập tình báo nội địa. Trong một cuốn sách nhỏ có trong những tài liệu chưa được phân loại đã nhắc tới việc người Mỹ dùng những phương pháp cơ bản như nước cốt chanh và sữa.

Người Đức thì không như thế, họ đã tự phát triển những loại mực tàng hình tinh vi hơn. Ngay lúc bắt đầu chiến tranh, người Đức dùng các loại mực được làm từ những loại thuốc trị đau đầu, sốt và thuốc nhuận tràng; những thứ này rất tiện dụng vì chúng có thể dùng như những loại thuốc phổ biến. Nhưng khi Đồng Minh bắt kịp, họ buộc phải phát triển ra những loại mực nằm ngoài những thứ thuộc danh mục sinh hoạt gia đình. Họ sử dụng những loại mực làm từ muối sắt sunfat, đồng sunfat, và muối cô-ban, đồng thời dùng các loại thuốc thử natri carbonate, khói amoniac, và kali ferroscyanide.

Hai bên cùng chạy đua để tìm ra loại thuốc thử vạn năng mà từ đó có thể tạo nên mọi loại mực tàng hình bất kể thành phần hóa học bên trong nó. Phe Đồng minh đã phát hiện ra việc i-ốt bay hơi sẽ biến mọi loại mực tàng hình chuyển thành màu nâu. Nó hoạt động không phải bằng phản ứng hóa học mà bằng cách phơi bày sợi giấy bị biến dạng do độ ẩm. Song người Đức không hề nao núng khi tự tìm cách đối phó khá đơn giản: sau khi ghi một thông điệp mật, họ sẽ làm ướt toàn bộ tờ giấy bằng cách hấp nó dẫn đến làm thay đổi luôn sợi của tờ giấy. Một khi tờ giấy khô ráo, nó được gửi đến đích.

Cả 2 bên cùng lén lút nghĩ ra cách che giấu loại mực của mình. Các điệp viên Mỹ được khuyên nên ngâm cổ áo sơ mi và khăn tay của họ bằng dung dịch natri nitrate; những thứ này sau đó được ngâm trong nước nhằm tạo ra mực tàng hình. Phía điệp viên Đức dùng một chiến thuật tương tự bằng cách ngâm cà vạt của họ trong các loại hóa chất mà sau đó sẽ được hoàn nguyên.

Những loại mực làm sẵn thường được đặt bên trong que cạo râu, bánh xà phòng rỗng và bàn chải tóc. Điệp viên cũng nhúng que diêm vào mực và để khô; kế đó các que diêm có thể được mang theo mà không gây nghi ngờ và có thể dùng làm đồ dùng để viết nên thông điệp mật. Điệp viên Mỹ cũng viết thông điệp mật trên cơ thể họ và chữ sẽ lộ ra khi dùng máy phun sương. Thông điệp cũng được khắc lên móng chân và dùng bụi than có thể làm lộ ra những ký tự khắc đó.

Mực tàng hình trong hoạt động tình báo -0
 Sử dụng hóa chất để viết thông điệp mật. Ảnh nguồn: practical-jokes.wonderhowto.

 Thế chiến II

Trong suốt Thế chiến II, cả phe Đồng minh và phe Trục phát xít cùng bóp trán để phát triển ra những loại mực tàng hình của riêng họ, cũng như vạch trần cách dùng mực của đối phương. Cuộc chiến giữa các phòng thí nghiệm đã trở thành cuộc chạy đua vũ trang thực sự, mỗi bên cố gắng vượt mặt nhau để chế ra mực tàng hình trước tiên: một thứ không mùi có thể tạo ra từ ít thuốc thử nhất và không cần tiếp xúc với nhiệt, không bị phát giác bởi i-ốt hay ánh sáng cực tím.

Abwehr (Cơ quan tình báo quân sự Đức) có 5 cấp độ mực và chia theo những cấp độ phức tạp nhất dành cho những điệp viên đủ khả năng sử dụng chúng (những điệp viên kém tin cậy hơn có thể là điệp viên kép, người có thể chuyển giao bí mật cho Đồng minh). Để phát triển một trong các loại mực, người nhận phải làm ẩm giấy, rồi rắc một loại bột màu đỏ có chứa Naphthalene, làm nóng tờ giấy lên 60 độ C, và cho nó tiếp xúc với ánh sáng cực tím.

Cũng có một loại mực mà chỉ được thực hiện bằng máu: điệp viên chích ngón tay của họ và thêm một giọt hỗn hợp trước khi viết. Hai phe cũng cố gắng vượt mặt nhau khi tiết lộ những loại mực bí mật được dùng bởi phía bên kia. Trong suốt Thế chiến I, chính phủ Mỹ sàng lọc gắt gao thư từ đến và đi. Theo đó, 14.462 nhân viên bưu tá đã mở 1 triệu lá thư mỗi ngày; những lá thư bị nghi ngờ sẽ được gửi tới FBI để kiểm tra kỹ hơn.

Khoảng 4.600 lá thư đã được gửi tới các phòng thí nghiệm của chính phủ, và 400 thư trong số đó có chứa mật mã và thông điệp mật. Các nhà kiểm duyệt sẽ làm nóng, chiếu ánh sáng cực tím và làm bay hơi i-ốt với các lá thư. Họ cũng kẻ sọc chúng bao gồm một thứ dụng cụ gồm nhiều bàn chải được nối với nhau, mỗi chiếc bàn chải được nhúng với một loại thuốc thử khác nhau, dụng cụ cũng được quét trên trang giấy nhằm kiểm tra thử các phản ứng.

Sau đó người Đức đã chống lại phương pháp phát hiện này bằng cách tạo ra một loại mực mà đòi hỏi tới 3 lần bôi thuốc thử khác nhau cách mỗi 3 tiếng. Phe Đồng minh và phe Trục cũng tìm cách đánh lừa nhau tại nơi họ viết thông điệp mật. Biết rằng những bức thư đã được xem xét kỹ lưỡng, họ viết vào mặt dưới của nắp phong bì, bôi mực lên một số từ và cụm từ nhất định trong một tờ báo, và viết thông điệp mật lên khăn tay. Khi điệp viên Đức, George Dasch (người đã lên bờ cùng các đồng phạm từ một chiếc tàu ngầm ở Long Island) đầu hàng FBI, trong túi ông ta là chiếc khăn tay có khắc tên và địa chỉ của những người đã từng liên lạc bằng mực tàng hình.

Thời Chiến tranh lạnh

Trong suốt thời đại gián điệp vàng son này, các nước đã dành thời gian và nguồn lực nghiêm túc nhằm phát triển ra các công cụ và công nghệ gián điệp nhằm giữ họ đi trước quân thù. Điều này bao gồm việc nghiên cứu ra những loại mực tàng hình tinh vi và hiệu quả hơn lúc nào hết. Một tiến bộ mới đã hình thành nên phương pháp viết mới.

Kỹ thuật lâu đời là viết ướt: người viết viết trực tiếp với mực trên giấy, song quá trình này lại bộc lộ một số nhược điểm. Vì điệp viên phải hấp giấy, hong khô, viết tin nhắn rồi hấp lại tờ giấy nhằm loại bỏ những vết lõm do dụng cụ viết tạo ra, lại để khô lần nữa, và viết một thông điệp hữu hình nhằm che đậy thông điệp vô hình. Nhưng ngay cả khi đã hoàn thiện những quy trình này thì các kỹ thuật viên của địch vẫn có thể phát giác được chân tướng.

Thời thập niên 1950, KGB (Liên Xô) và Stasi (Đông Đức) đã tìm ra một cách thay thế: phương pháp truyền khô. Thay vì cho mực trực tiếp lên giấy thì người ta đặt một tờ giấy tẩm hóa chất vào giữa 2 tờ giấy viết thông thường. Thông điệp mật được viết ở tờ trên cùng sẽ được chuyển qua các hóa chất ở tờ giữa xuống tờ dưới cùng.

Tờ giấy trên cùng bị hủy hoàn toàn (nó thường làm bằng vật liệu hòa tan trong nước, có thể được rửa sạch hoặc hòa tan trong một cốc nước), và tờ dưới cùng được giữ lại với một thông điệp không ai có thể phát hiện được. Các tờ giấy hóa chất được tái sử dụng nhiều lần trước khi hoàn toàn bị loại bỏ. Phương pháp truyền khô này được tù binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nhằm lén đưa thông tin mật vào thư từ gửi về nhà. Sự phát triển của nhiều sản phẩm nhựa trong suốt thập niên 1960 cũng trao cho điệp viên nhiều cơ hội để viết thông điệp mật.

CIA nhúng hóa chất vào những sản phẩm phổ biến như thẻ tín dụng, nắp bút (viết), gọng kính, móc chìa khóa và cả tăm nhựa. Sau đó điệp viên chỉ đơn giản chà vật thể nhựa lên giấy để chuyển thành mực tàng hình. Những tiến bộ này cùng những thứ khác đã ra đời từ các nhân viên tài năng trong các phòng thí nghiệm của những cơ quan tình báo suốt 2 thập niên 1950, 1960.

Bộ phận hoạt động kỹ thuật (TOS) của Stasi có 50 nhân viên viết thông điệp mật, CIA có 36 chuyên gia viết thư mật được tuyển dụng trong nước và nước ngoài. Khi chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, số lượng các nhà hóa học và vật lý học làm việc với mực tàng hình đã suy giảm, cũng như sự tiến bộ trong công nghệ bưu chính đã khiến cho việc dùng mực tàng hình trở nên lỗi thời, hoặc là một thứ công nghệ gián điệp ít hiệu quả hơn.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.