Người giàu Mỹ và giấc mơ lắm con

Thứ Sáu, 02/12/2022, 17:37

Gia đình nhỏ của cặp vợ chồng Simone và Malcolm Collins không bao giờ thiếu tiếng trẻ em. Hai người đã có 3 đứa con với nhau: Octavian (3 tuổi), Torsten (18 tháng), và Titan Invictus (2 tháng). Tuy đã thuê người giúp việc nhưng vợ chồng Simone-Malcolm vẫn chẳng có lúc nào ngơi tay với mấy đứa con. Mệt vậy nhưng họ vẫn muốn có thêm con. Khi được phóng viên tờ Business Insider hỏi vì sao, Malcolm Collins trả lời: “Tôi không tự tin lắm về tương lai của loài người. Nếu không ai chịu đứng ra giải quyết vấn đề thì tất cả chúng ta có thể sẽ biến mất”. Những người có cùng suy nghĩ với vợ chồng nhà Collins không còn hiếm ở Mỹ. Họ tin rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây khác rơi vào khủng hoảng vì tỷ suất sinh giảm. Kết quả cuối cùng là nền văn minh hiện đại sẽ sụp đổ. Để tránh kịch bản này, những gia đình giầu có tại Mỹ và một số quốc gia khác cho rằng nếu như họ có thật nhiều con, rồi con cháu họ cũng có thật nhiều con thì sẽ cứu được loài người.

Những người thực tế

Việc nhiều quốc gia phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kéo theo bởi tỷ suất sinh giảm và dân số già hóa không phải là mới. Theo Liên hợp quốc, có đến hơn ¼ số chính phủ trên thế giới đang ban hành những chính sách khuyến khích sinh đẻ như miễn phí khám sức khỏe trước sinh, thưởng tiền cho mỗi em bé được sinh ra, v.v… Mặt khác càng ngày có nhiều công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ mang thai. Công ty nghiên cứu thị trường Pews dự báo tổng giá trị ngành công nghiệp “sinh đẻ” sẽ đạt 78,2 tỷ USD vào năm 2025.

Người giàu Mỹ và giấc mơ lắm con -0
Tỷ phú Elon Musk và 2 trong số 10 đứa con của mình.

Trong số những công ty mới nổi ở lĩnh vực này có Genomic Prediction, một startup đặt trụ sở ở North Brunswick, New Jersey. Genomic Prediction được biết đến nhiều qua dịch vụ PGT-P họ cung cấp. PGT-P là một phương pháp xét nghiệm gen cho phép các cặp vợ chồng đang thụ tinh trong ống nghiệm tìm xem phôi thai nào của họ “vượt trội” hơn những người anh em để mà chọn cấy vào người phụ nữ. Giá trị của phôi thai được Genomic Prediction chấm điểm dựa trên những tiêu chí về gen mà họ đề ra.

Vợ chồng Collins trở thành “gương mặt đại diện” cho PGT-P sau khi tạp chí Bloomberg đăng tải một bài về ba đứa con của họ đều được sinh ra bằng công nghệ này. Rất nhiều người đọc xong bài báo đã liên hệ với Malcolm và Simone để trò chuyện về vấn đề tuyển chọn gen cho những đứa con tương lai của họ. Cả hai vợ chồng đều hoan nghênh việc này. Họ tổ chức ngay tại tư gia ở Valley Forge, bang Pennsylvania các cuộc gặp mặt cho những người cùng chung quan điểm với mình.

 Hai vợ chồng Collins đều làm trong ngành đầu tư mạo hiểm. Mỗi năm họ kiếm được khoảng 50 triệu USD. Vì thế cũng không có gì lạ khi khách mời của họ cũng toàn là những người có tiền. Họ tập trung ở đây vừa để tranh luận về vấn đề sinh con, vừa để tìm kiếm bạn đời. Simone giải thích với phóng viên rằng tất cả mọi người tham gia đều đặt tình yêu và sự hiểu nhau lên đầu, nhưng bất kỳ mối quan hệ nghiêm túc nào cũng sẽ phải trải qua việc xét nghiệm gen để tìm xem hai bên có tương thích không.

Mục tiêu của nhà Collins là biến tư tưởng của họ thành phong trào xã hội mang tên “Pronatalism”. Cách đây hơn một năm, họ thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Viện Collins cho trẻ tài năng” với mục đích khuyến khích các cặp vợ chồng có nhiều con qua việc tuyển chọn gen. Đây không phải là việc dễ dàng, phần do tình hình kinh tế Mỹ không quá khả quan khiến lớp trẻ “sợ” có con, phần vì xã hội nước này vốn có định kiến đối với ý tưởng có nhiều con.

Vợ chồng nhà Collins phủ nhận mọi lời cáo buộc rằng họ là những kẻ điên rồ. Thay vì vậy, họ tự gọi mình là người “thực tế” muốn tìm cách xây dựng tương lai cho con cái mình và cả loài người. Simone cho biết: “Chúng tôi không thích khi thấy việc sinh con đẻ cái bị coi là chuyện riêng của mỗi gia đình. Macolm và tôi mong rằng bằng việc thật cởi mở, nhiều người khác sẽ bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận lại việc này.”

Người giàu Mỹ và giấc mơ lắm con -0
Triết gia Nick Bostrom.

Trên trang web của Pronatalist có đăng tải một tính toán như sau: Nếu như một gia đình sinh 8 đứa con, rồi mỗi đứa con ấy lại có thêm 8 đứa con nữa thì chỉ sau 11 thế hệ, phần lớn loài người trên trái đất sẽ là hậu duệ của dòng dõi đó. Vợ chồng Collins tin rằng nếu thật nhiều gia đình giàu có làm được như vậy, sẽ có đủ các cá nhân “xuất sắc” trong xã hội tương lai để ngăn chặn sự sụp đổ của nền văn minh. Tham vọng của họ thể hiện ngay trong cách đặt tên con: Octavian được đặt tên theo hoàng đế La Mã Augustus (tên thật: Gaius Octavius), còn Titan Invictus nghĩa là “Người khổng lồ vô địch” trong tiếng Latinh.

Tương lai thuộc về ai?

Tờ Wired nhận xét: “Kể từ đầu thập niên 2010, nhiều tỷ phú ở thung lũng Silicon đã và đang đầu tư mạnh và các công nghệ kéo dài tuổi thọ. Những người như Sergey Brin (đồng sáng lập viên Google), Jeff Bezos (cựu Chủ tịch Amazon) và Larry Ellison (Chủ tịch và CTO của Oracle) đã đổ hàng tỷ USD vào các công ty công nghệ sinh học nghiên cứu cách “hồi sinh” những cơ thể đã lão hóa. Đa phần các công ty kể trên gặp thất bại. Khi các tỷ phú hiểu ra rằng họ khó có thể kéo dài tuổi thọ, họ bèn quay ra nghĩ cách làm sao DNA “siêu việt” của mình được truyền lại và bảo tồn bởi càng nhiều người thế hệ sau càng tốt”.

Trong số ba tỷ phú nhắc đến bởi Wired, Sergey Brin và người vợ cũ Nicole Shanahan cùng thành lập viện Nghiên cứu Buck về bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ; Peter Thiel thì trở thành cổ đông đa số của startup TMRW, hoạt động trong lĩnh vực bảo quản phôi lạnh; còn Larry Ellison quyết định sẽ sinh thêm con với người bạn gái 31 tuổi trong khi bản thân ông đã ở tuổi 78.

Nhưng nói đến Pronatalism thì người đầu tiên công chúng nghĩ đến sẽ là Elon Musk. Ông chủ Tesla, SpaceX và Twitter có 8 người con cùng với 2 người vợ cũ (Musk kết hôn 3 lần), cộng với một cặp sinh đôi với người tình là Shivon Zilis (Giám đốc hoạt động của Tập đoàn Neuralink). Elon Musk cũng từng nhiều lần công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Thành Cát Tư Hãn. Vị đại hãn Mông Cổ có nhiều con đến mức vào năm 2003, các nhà khoa học điều tra ra rằng có khoảng 16 triệu người còn sống là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn.

Người giàu Mỹ và giấc mơ lắm con -0
Vợ chồng Malcolm và Simone Collins.

Bà Linda Avey, đồng sáng lập công ty xét nghiệm DAN 23andMe, trả lời phóng viên Bloomberg: “Những người tin vào Pronatalism thật sự nghĩ rằng con đường đến với sự bất tử là có con. Nhiều người trong số họ sống quanh Austin (thành phố ở Texas nơi đặt nhiều công ty công nghệ cao). Luke Nosek (đồng sáng lập PayPal) vừa mới tổ chức một cuộc gặp mặt tại nhà ông ở hồ Travis, Austin. Chủ đề của cuộc gặp là “Sự sụp đổ của nền văn minh phương Tây”.

Giới nhà giàu phương Tây đang chịu ảnh hưởng của triết gia người Thuỵ Điển Nick Bostrom, “cha đẻ” của chủ nghĩa dài hạn. Chủ nghĩa dài hạn cho rằng những con người trong tương lai cũng quan trọng như con người trong hiện tại, và trách nhiệm của thế hệ đang sống là đảm bảo sự phát triển và phồn thịnh của thế hệ tương lai. Ý tưởng tích cực như vậy nhưng lại bị “biến tướng” khi rơi vào tay giới thượng lưu. Nhà triết học Émile P. Torres (Đức) giải thích: “Họ nghĩ rằng người ở các nước giàu quan trọng hơn người ở các nước nghèo”. Những tỷ phú công nghệ cho rằng chỉ mình họ mới cứu được nhân loại nên họ có trách nhiệm đẻ càng nhiều con càng tốt.

Một người thân cận với Elon Musk tiết lộ cho tờ New York Times: “Elon giữ quan điểm rằng IQ của một người phụ thuộc trực tiếp vào số tài sản của người đó. Elon luôn khuyến khích bất kỳ người giàu nào anh gặp hãy sinh thêm con… Tôi tin rằng Elon chịu ảnh hưởng của William MacAskill (triết gia về chủ nghĩa dài hạn tại Đại học Oxford). William còn có quan hệ với Sam Bankman-Fried”. Sam Bankman-Fried là giám đốc của sàn giao dịch tiền ảo FTX đang bị điều tra vì đem tiền của khách hàng đi đầu tư mà không thông báo gì cả. Tờ The Guardian cho biết, Bankman-Fried có cả một “hậu cung” với nhiều bạn tình khác nhau trong căn biệt thự của mình trên đảo Bahamas.

Người giàu Mỹ và giấc mơ lắm con -0
Những gia đình giàu có ở Mỹ như nhà Collins muốn có thật nhiều con để cứu sống loài người.

Họ nghĩ gì?

Tư tưởng Pronatalism đang chịu không ít chỉ trích từ xã hội. Các nhà giáo dục cho rằng Pronatalism “quan trọng hóa” các yếu tố di truyền mà bỏ qua những nguyên nhân liên quan đến gia cảnh, giáo dục, kinh tế,… dẫn đến sự thành công của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Các nhà đạo đức học y khoa phản đối việc lựa chọn phôi thai dựa trên bộ gen và những quy chuẩn chưa hề được kiểm chứng. Các nhà hoạt động xã hội bày tỏ sự bất đồng trước tính bất bình đẳng và trọng người giàu của Pronatalism.

Những cá nhân như vợ chồng Collins và tổ chức như Genomic Prediction không hề nao núng trước lời chỉ trích của công luận. Malcolm và Simone có kế hoạch mở rộng hoạt động của Viện Collins ra các nước khác. Họ đã được mời diễn giảng tại các quốc gia châu Á có tỷ lệ sinh rất thấp như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Còn Genomic Prediction mới đây có thông cáo báo chí cho biết họ sẽ mở rộng khả năng xét nghiệm phát hiện những đặc điểm có lợi trong bộ gen của phôi thai. Đến nay xét nghiệm của họ chỉ mới có thể chắc chắn 100% trong việc tìm ra những khuyết tật trên một sắc thể duy nhất như bệnh xơ nang. Genomic Prediction mong phương pháp mới của họ sẽ cho khách hàng một bức tranh rõ nét hơn về tương lai của con họ dựa vào bản đồ gen của đứa trẻ.

Khi được hỏi về sự phản đối của công luận đối với Pronatalism, Malcolm Collins trả lời phóng viên Bloomberg: “Vợ tôi rất ghét những người nói rằng bạn không thể có mọi thứ trên đời… Điều quan trọng trong mỗi gia đình và xã hội nói chung là bạn phải tạo ra một nền văn hóa - đạo đức biết thưởng cho những người đạt được thành quả. Chúng tôi mơ đến ngày điều đó trở thành thực tế, nhưng tựu trung lại điều vợ chồng tôi muốn nhất vẫn là cho con mình cơ hội tốt nhất để thành công sau này”.

Lê Công Hội
.
.