Ung thư chưa phải 'án tử hình'

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:20
Đây là điều được bác sỹ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore), chuyên gia tư vấn và điều trị ung thư cấp cao, khẳng định nhân dịp ông có mặt ở Việt Nam để tư vấn về căn bệnh nan y này. Trước đây, mọi người quan niệm, đã mắc ung thư là vô phương cứu chữa, nhưng gần đây, với những thành tựu y khoa mới nhất, nhiều người bệnh vẫn có cơ hội được điều trị thành công.

Một tiến bộ mới của y khoa trong điều trị ung thư mà bác sĩ Ang Peng Tiam cho biết là chương trình Champions Tumorgraft®.

Đây là một thủ thuật mang tính phát kiến: Cấy ghép và phát triển khối u sống của bệnh nhân trên cơ thể chuột có miễn dịch yếu. Những bệnh phẩm sống này sau đó được thử nghiệm thuốc để xem loại thuốc nào hiệu quả nhất trong trường hợp khối u tái phát hoặc tiến triển.

Khối u này có thể được lưu trữ và bảo quản trong ngân hàng để sau này có thể kiểm tra sâu hơn.

Công cụ chẩn đoán Champions Tumorgraft® giúp chúng ta lựa chọn phác đồ điều trị có khả năng khối u đáp ứng nhiều nhất. Do đó, nó làm giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân phải chịu các tác dụng phụ từ những phác đồ không hiệu quả.

Các số liệu ban đầu cho thấy, loại thuốc có tác dụng trên mẫu chuột có hơn 80% cơ hội có hiệu quả trên bệnh nhân.

Bác sỹ Ang cho biết: Chúng ta ngày càng có nhiều thuốc điều trị đích cho nhiều loại ung thư và điều này sẽ tiếp tục phát triển vì ngày càng phát hiện ra nhiều tác nhân giúp ta khóa được mã gen gây ung thư.

Về quan niệm ung thư có di truyền hay không, bác sĩ Ang cho biết: Có một số bệnh ung thư có liên quan đến yếu tố gia đình, ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình.

Ví dụ, trong gia đình các thành viên có rất nhiều polyps và theo thời gian, nếu polyps này sẽ biến thành ung thư ở đại tràng. Nhưng hầu hết các bệnh ung thư không di truyền, những bệnh nhân có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư có rủi ro cao hơn.

Do đó, rủi ro con mang gen di truyền ung thư là 0%, nên các bệnh nhân mang thai trong khi mắc bệnh ung thư không phải lo lắng về nguy cơ di truyền từ mẹ sang con.

Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh ung thư có hiệu quả.

Các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư phổi, mà điển hình là những người nghiện thuốc lá, môi trường bị ô nhiễm, nhất là những người nhiễm bụi amiăng, hoặc bụi đá, là khá phổ biến ở Việt Nam. Song, bệnh ung thư phổi cũng có yếu tố gia đình và có thể xảy ra ở những người không hút thuốc lá.

Điều đáng mừng là hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ nhiều năm.

Riêng bệnh ung thư buồng trứng, GS. BS Đặng Văn Dương (Đại học Y Sydney và Đại học Y Hà Nội) cho biết có thể chữa khỏi được, tùy thuộc vào giai đoạn khi chẩn đoán. Tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90% và 33% với những người ở giai đoạn 3.

Ung thư vú cũng có thể chữa khỏi được, mà không cần phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung, vì hiện đã có các thuốc hóc môn điều trị ung thư vú hiệu quả ngang phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng.

Theo các bác sĩ, ung thư đại tràng có xu hướng tăng kể cả ở Việt Nam. Nhưng đây là bệnh có thể phòng ngừa được. 85% ung thư đại tràng xuất phát từ các polyps đại tràng. Thông thường các polyps này mất khoảng 7 -10 năm biến thành ung thư. Do đó, mọi người trên 50 tuổi nên đi nội soi đại tràng 5 năm/lần. Nội soi đại tràng thường kỳ sẽ phát hiện và cắt bỏ polyps, giúp loại trừ ung thư đại tràng.

Trước quan niệm kiêng ăn, thậm chí kiêng tuyệt đối thịt, rau có màu đỏ để hạn chế ung thư phát triển… các bác sĩ cũng cho biết, việc kiêng tuyệt đối thịt và thịt có màu đỏ sẽ giúp hạn chế phát triển ung thư. Nhưng thực tế thì cũng có nhiều người ăn chay trường mà vẫn mắc ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.

Việc dùng thực phẩm chức năng nào cho người bệnh ung thư, đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

GS. BS Đặng Văn Dương khuyên: Các bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị cần được nâng cao thể trạng, đặc biệt là hệ thống miễn dịch, để ngăn chặn sự phát triển và lan tràn của các tế bào ung thư, cũng như giúp cho cơ thể vượt qua được những tác dụng phụ do các phương pháp điều trị gây ra cho người bệnh. Vì vậy, có thể sử dụng một số loại thực phẩm chức năng đã được khoa học chứng minh có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch như đông trùng hạ thảo hay nấm linh chi...

Bác sĩ nhấn mạnh: Các bạn cần thận trọng. Không nên sử dụng những loại thực phẩm như sừng tê giác, mật gấu... vì chưa có bằng chứng khoa học về khả năng chống ung thư. Bệnh nhân ung thư cũng hoàn toàn có thể ăn hải sản, vì không ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị bệnh và cũng không làm cho bệnh bị nặng hơn.

Trong bối cảnh môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiều hóa chất như hiện nay, để hạn chế nguy cơ mắc ung thư, các bác sĩ khuyến cáo:  Một trong những mối quan tâm đối với đồ ăn chính là carcinogen (hoạt chất gây tế bào ung thư), ví dụ khi hạt lạc và hạt đỗ bị mốc có thể chứa aflavotoxin gây tăng nguy cơ ung thư gan. Mọi người không nên ăn nhiều đồ nướng bởi vì trong đồ nướng có các carcinogen gây nguy cơ ung thư dạ dày, mà nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả vì giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Cuộc chiến với ung thư có thể quá sức và nhiều khi bệnh nhân muốn từ bỏ. Nhưng bác sĩ Ang Peng Tiam khuyên các bệnh nhân: Nơi nào có sự sống, nơi đó có hi vọng. Ung thư không phải là án tử hình.

Thanh Hằng
.
.