Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Bên ta là biển rộng

Thứ Ba, 16/12/2014, 20:20
24 giờ trên máy bay từ Mỹ về Việt Nam để ra mắt suất công chiếu đầu tiên bộ phim “Hương Ga” do chính mình viết kịch bản dựa theo cuốn tiểu thuyết “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thị Minh Ngọc ở tuổi ngoài 60 vẫn năng động và những ngày ở Việt Nam lịch làm việc kín mít. Một buổi trưa, chúng tôi ngồi với nhau nói đủ thứ chuyện, loanh quanh thế nào vẫn là chuyện kịch bản sân khấu, điện ảnh, tình yêu…

Chu Thơm sốt ruột bảo: “Ngọc dại lắm, anh xót em, lúc nào cũng trên mây trên gió. Người gì mà cứ như từ trên trời rớt xuống vậy, lao lực về công việc, làm như trâu như ngựa mà không chức tước, danh hiệu, kinh tế. Chẳng bao giờ thấy có tiền. Bây giờ em phải có một cuốn sổ tiết kiệm, chứ lúc nhỡ ra đau ốm thì làm thế nào?”. Nhà báo Hương Sen nắc nỏm trêu: “Ngọc không chỉ “dại” giai đâu, mà “dại” cả gái nữa”. Chu Thơm lại bảo: “Từ giờ em ký hợp đồng với bất kỳ đối tác nào phải xem họ trả tiền có đàng hoàng không thì hãy làm chứ ai lại chăm chăm làm việc hai năm trời mà nhận được có một trăm đô…”. Minh Ngọc thì chả nói gì, mỉm cười dịu dàng, đầy nữ tính, ngó lơ ra đường, thốt lên: “Thu Hà Nội thật đẹp, lưu luyến chẳng muốn rời”.

Tra google bấm tên nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc có đến cả trăm bài báo viết về chị, một trong hai mươi nhà văn tiêu biểu của miền Nam, một nữ đạo diễn sân khấu TP HCM đầu tiên sau năm 1975, dựng khoảng hơn 30 vở truyền thống và đương đại, viết 70 vở kịch cho sân khấu, hơn 30 kịch bản phim cho điện ảnh, hàng trăm tập phim cho truyền hình. Là nhân vật sân khấu của năm 2004 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn. Được Liên hoan Phim quốc tế về người Việt  (VIFF) tại Mỹ chọn làm tâm điểm (2007). Là phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu off-off Broadway tại New York với cương vị tác giả, đạo diễn và diễn viên. Có vô số giải thưởng văn học, giải thưởng kịch bản sân khấu, giải thưởng kịch bản phim tài liệu. Và tên chị là nhà biên kịch điện ảnh mà các đạo diễn trẻ ưu tiên lựa chọn hàng đầu bởi kịch bản đậm chất văn học và thân phận con người.

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Nhiều người nhìn vào lịch làm việc dày đặc của Minh Ngọc hãi hùng. Gần như chưa lúc nào chị để cho cơ thể được nghỉ ngơi trọn vẹn. Cả tuổi trẻ chị dành cho công việc, cuộc sống xoay quanh con chữ, trong đầu lúc nào các nhân vật cũng nhảy múa đòi ra đời. Vừa viết kịch bản sân khấu, kiêm điện ảnh, làm diễn viên, đạo diễn, cả núi công việc cứ cuốn đi. Vốn nữ tính, Minh Ngọc cũng yêu, cũng say, cũng hết mình với những mối tình nhưng rồi duyên chưa đến, cứ như chim lẻ bóng, lạc bầy để đến khi ngoảnh lại thì đã quá lứa lỡ thì. Người phụ nữ đẹp vốn dĩ thường đa đoan. Đàn bà văn chương như Ngọc lại còn đẹp, giàu nữ tính đương nhiên lận đận sóng gió là điều dễ hiểu. Năm 2005, Minh Ngọc đến Tạp chí Sân khấu Hà Nội thông báo với bạn bè tin xanh rờn, chị chuẩn bị làm đám cưới. Chú rể là Việt kiều, một kỹ sư điện tử. Minh Ngọc bảo gặp nhau đâu có vài lần rồi người ta tỏ tình, Ngọc xúc động lắm nên nhận lời. Vậy là, ở tuổi ngoài 50 Ngọc lần đầu tiên mặc áo cưới cũng rộn ràng, xốn xang. Cuộc gặp gỡ cô dâu chú rể ra mắt bạn bè ở Đại Lải. Sau đó ít bữa Ngọc theo chồng sang Mỹ.

Nhưng, cuộc sống của chị hơn nửa đời người gắn liền với mảnh đất và con người Việt Nam, lúc nào quê hương cũng ở trong tâm khảm, và rồi, làm sao mà chị lại ngơi nghỉ viết lách để hưởng thụ cuộc sống một cách an nhàn. Ở Mỹ, chị vẫn hùng hục cày trên cánh đồng chữ. Cùng lúc viết kịch bản cho sân khấu, phim truyền hình, tất cả đều làm việc trên Internet. Một mình đảm nhận cả 3 vai, viết kịch bản sân khấu, chọn diễn viên, làm đạo diễn. Cốt là để quảng bá hình ảnh, có một vở kịch Việt Nam trên sân khấu nước ngoài. Lắm khi bỏ cả tiền túi đến đồng cuối cùng cùng để say với nghề. Có những lúc diễn người xem tưng bừng tấp nập nhưng cũng có lúc khán giả chỉ có một người, vậy mà, Ngọc vẫn diễn đấy.

Chị bảo: Hằng đêm, sau khi ông xã đã say giấc nồng, chị mới nhẹ nhàng trở dậy, và hì hụi viết. Các nhân vật túa ra, nghẹn ngào, đắng đót. Có những đêm, chồng tỉnh giấc không thấy vợ đâu, ho lên mấy tiếng, chị lại lật bật bỏ bàn viết, chạy vào với chồng, "ru" cho chồng ngủ xong, lại chạy ra cày tiếp. Chị tươi cười nói: "Chăm chồng mà cứ lách cách như nuôi con mọn". Minh Ngọc không có con, chỉ có cậu con riêng của chồng, tha thiết với điện ảnh, cũng "tập tọe" học hỏi làm phim. Nhưng chị có vô số học trò cưng, và nhiều lắm những người bạn. Ngọc là người cấp tiến, hiện đại. Chị thành thạo tất cả các kỹ năng máy tính. Vì ở xa nên chị kết nối với bạn bè bằng Internet. Làm việc trao đổi đều trên máy cả.

Gần chục năm theo chồng sống ở Mỹ nhưng chị vẫn có kịch bản phim gửi về nước. Đã thế, một số đạo diễn Việt đình đám cũng chọn kịch bản của chị để dựng thành phim truyện điện ảnh như "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Bộ phim "Ngọc Viễn Đông" đạo diễn Cường Ngô cũng do chị viết kịch bản. Bộ phim khiến các nhà làm phim Việt Nam và người trong nghề thấy hay nhưng khi công chiếu ở rạp số lượng người đến xem chỉ có giới hạn. Câu trả lời đơn giản chỉ là phim thuần tính nghệ thuật, khó mà hút khách. Trở lại lần này, có kinh nghiệm hơn, ê kíp làm phim ngày ấy với tác phẩm điện ảnh "Hương Ga" đã gây nên một cơn sốt tại các rạp chiếu phim toàn quốc. Tôi hỏi, chị bảo khi viết tác phẩm điện ảnh này bị áp lực dữ lắm. Kịch bản phải duyệt đi, duyệt lại đến 11 lần. Dựa trên câu chuyện có thật về bà trùm đất Cảng, Dung Hà, nếu viết không khéo, có điều gì sơ sẩy thì chị còn lo bị giới giang hồ, dân xã hội đen, tay chân, đàn em của Dung Hà xử lý. Thế rồi, các nhân vật của chị ra rạp thành công ngoài mong đợi. Bộ phim lập kỷ lục phòng vé trong nhiều ngày. Doanh thu hàng chục tỉ. Tò mò về cát sê của chị với vai trò tác giả kịch bản. Chị bảo bộ phim này cátsê được 4.000USD, trả làm ba lần, nên rút cuộc chẳng để được đồng nào. Có những phim chị viết kịch bản còn chẳng kịp lấy tiền, vì nhà sản xuất họ lấy lý do kêu lỗ. Đấy, viết như điên vậy mà hai năm trời nhận được có 100USD, cũng chả dám ủ ê đòi hỏi gì. Chu Thơm lúc này dậm chân kêu trời, nói: "Em tôi tội quá! Dại quá!". Nhà báo Hương Sen bảo: "Ngay cả khi Ngọc viết báo, người quen điện thoại bảo với chị là em vừa lấy ba bài nhuận bút cho chị đấy. Nhưng rồi có khi cả năm không trả nhuận bút, chị ngại cũng chả nói đến. Họ lờ đi, thế là cũng mất luôn tiền nhuận bút mấy bài viết". Hay có đồng nào trong túi, thấy bạn bè than khổ, nhiều khi chị móc túi cho luôn.

Chả ai còn lạ gì, lắm khi tiền nhuận bút truyện ngắn, tiểu thuyết, hay tiền thù lao đạo diễn, chị lại san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, đau khổ khác. Minh Ngọc thương những nghệ sĩ nghèo bởi chị thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Mọi người cũng xót cho chị lắm, làm cái nghề viết, ngơi tay là ngơi tiền. Có chút tiền là chị mang làm từ thiện. Bản thân chị cũng phải thừa nhận: "Tiền mình làm ra không đủ mua thuốc, ăn ngủ giờ giấc linh tinh cả nên phát sinh nhiều bệnh, bệnh tim mạch, đau bao tử... Hoặc làm việc như trâu vậy mà mỗi lần về Việt Nam cũng chỉ đủ tiền mua vé máy bay là hết. Đặt chân về quê hương rồi đến chỗ ở cũng không ra hồn. Người như chị, quảng giao, nhiều bạn bè, nhiều người trân quý lắm, tiến sĩ tâm lý nghệ thuật học, nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái mời chị về nhà mình ở mỗi khi chị ra Hà Nội, nhưng chị lại từ chối vì ngại làm phiền bạn bè. Lần ra mắt phim "Hương Ga", chị ở chung phòng với hai người nữa tại  một khách sạn. Điện thoại chị dùng có giá dưới 500 nghìn đồng. Laptop để làm việc vào loại nồi đồng cối đá. Chu Thơm bảo: "Em làm nghề viết, nghề viết nuôi sống em, thì máy móc dùng phải là hạng tối tân nhất chứ, cứ tùng tiệm khiêm tốn như thế này mãi sao?!".

Minh Ngọc rất đàn bà, nữ tính nhất trong những nữ nhà văn mà tôi đã gặp. Mặc dù, kể cả bây giờ ở tuổi ngoài 60 nhưng chưa bao giờ thấy chị ầm ào to tiếng, lúc nào cũng vẫn nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng, đầu đội mũ lệch, khăn nhẹ quàng vai, tay đeo đủ các loại dây vòng màu sắc gây ấn tượng. Trong tâm hồn đậm chất văn chương ấy đầy những ký ức về tuổi thơ, đó là hồi còn nhỏ chị được mẹ kể cho nghe những ngày bà đã phải sống trong tù của chế độ thực dân Pháp. Mẹ của chị có cây đàn măngđôlin để đánh các bản nhạc thời đấy, rồi có giai đoạn bà đi theo gánh hát. Tâm hồn thơ trẻ của chị đã ngấm chất bồng bềnh lãng mạn mây gió từ cái thuở ban đầu ấy. Ngay từ hồi học tiểu học, Minh Ngọc đã có nhiều bài đăng báo dành cho tuổi ngọc, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, rồi học Trường Sân khấu điện ảnh, ra trường được giữ lại làm giảng viên đến 20 năm có lẻ. Những năm đất nước vừa mới giải phóng, ngoài 20 tuổi Minh Ngọc đi bán cà  phê  thuốc lá ở vỉa hè để có tiền nuôi mộng ấp ủ chuyên tâm cho nghệ thuật. Chị thuộc khóa đạo diễn đầu tiên của miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, nghĩ khó mà chen chân vào các nhà hát toàn những cây đa cây đề chiếm lĩnh, chị cùng một số ít đồng nghiệp lập ra câu lạc bộ đạo diễn trẻ, sau này tiền thân sân khấu 5B Võ Văn Tần.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Cường Ngô.

Trò chuyện say sưa với chị, mới biết, ơ, thì ra đến giờ chị vẫn chưa có danh hiệu gì? NSƯT, NSND với chị là những gì xa vời và chị cũng không khi nào màng tới. Nói về việc này, chị bảo nó buồn cười giống như những vở kịch phi lý. Hai mươi năm đứng trên bục giảng, học trò của chị, Hữu Quốc, Tấn Giao, Hữu Châu… cũng NSƯT cả rồi. Thế là mừng cho trò. Còn về danh hiệu ư?! Có gì đáng phải chạnh lòng đâu khi mà, cô giáo của chị, nghệ sĩ nhà giáo Nguyễn Tường Trân (cô giáo của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Thành Lộc…) vắt kiệt cuộc đời mình cho nghề sư phạm, đã có thời gian cô sang Liên Xô học mà thầy giáo là học trò thế hệ thứ năm của Stanilapski, ông tổ về lý thuyết kịch. Những ngày học ở Liên Xô, tiết trời rất lạnh mà cô không có đủ áo ấm để mặc, khi về nước dạy học trò của mình, hôm nào cũng vậy, sáng sớm tinh sương trước giờ lên lớp cô tranh thủ đạp xe đi bỏ mối bánh mì để có chút tiền ít ỏi duy trì sự sống. Cô mất bởi một tai nạn giao thông trong khi đi bỏ mối bánh mì. Lúc qua đời cô chưa từng được nhận một danh hiệu nào, nhưng sau này học trò của cô ai cũng thành danh cả, và họ không bao giờ quên công ơn cô giáo của mình. Vậy thì mình có đáng kể gì, chỉ là hạt cát trên sa mạc mênh mông.

Cuộc sống của Minh Ngọc vô cùng phong phú, đa dạng. Chị được đi nhiều nơi trên thế giới. Toàn những dự án sân khấu, chị được mời đích danh. Thế cũng là lãi lớn, không tính được bằng tiền. Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Thụy Điển, Na Uy, Bangladesh, Philippines, Nigeria, Canada, Tanzania… Đi càng nhiều, chị càng thấy yêu mảnh đất hình chữ S như một dải lụa  vắt bên bờ biển Đông. Mảnh đất ấy trải qua biết bao thăng trầm trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Dân tộc ấy đã sản sinh ra những người con anh hùng và nhiều thân phận phụ nữ ở mỗi thời kỳ mà cả cuộc đời chị tìm hiểu và viết về họ cũng không hết. Những ngày cuối tháng 11, chị lên máy bay trở về Mỹ, trước khi đi nhà văn Y Ban có đưa cho chị quyển sách và bảo: "Chị cầm sách của em, lúc nào rảnh thì đọc nhé". Cùng phận đàn bà theo nghiệp văn chương, họ có mối liên hệ đồng cảm sâu sắc. Minh Ngọc cũng là người mau nước mắt lắm, trước khi đi, tối hôm ấy chị còn đứng trên sân khấu nhỏ của Phan Ý Ly độc diễn một kịch bản do chính mình vừa là tác giả, diễn viên, đạo diễn. Khán giả ở dưới vỗ tay rần rần. Mọi người ai cũng muốn xem lại. Chị bảo: "Hàng đặc sản, hiếm có khó tìm, mai Ngọc về bên chồng rồi, hẹn mọi người dịp sau, Ngọc về nước, nếu có duyên sẽ gặp lại…".

Nguyễn Thị Minh Ngọc đến và đi nhanh như một cơn lốc xoáy, khi đi rồi mà ai biết chuyện của chị đều thấy cay cay nơi khóe mắt…

Mỹ Trân
.
.