Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:

Đã từng có một Hà Nội như thế!

Thứ Tư, 14/12/2016, 17:00
Vở kịch "Những người con Hà Nội" của tác giả Phạm Văn Quý, Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang và dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội tái hiện về Hà Nội mùa đông năm 1946. Một Hà Nội đầy chất thơ, với những con người của huyền thoại đã làm nên lịch sử đã bước lên sân khấu giản dị, chân thật, không tô vẽ, không cường điệu; đúng với bản chất vốn có.

Khí chất người  Hà Nội hào hoa và thanh lịch, yêu tha thiết mảnh đất này, đất nước này, dân tộc này. Họ đã từng sống một thời như thế: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" .

NSND Doãn Hoàng Giang lại một lần nữa làm nức lòng người hâm mộ ngay sau khi vở "Những người con Hà Nội" trình diễn. MC Thảo Vân vẫn đang trong sự xúc động, bồi hồi nói với đạo diễn: "Cảm ơn anh vì vở kịch quá hay"; còn đạo diễn điện ảnh Đỗ Thanh Hải thì thốt lên "Quá tuyệt vời" ngay tối hôm đó trên trang facebook cá nhân.

Nhà phê bình sân khấu, PGS, TS Trần Trí Trắc nhận định: "Những người con Hà Nội" là vở diễn đã tái hiện chân thực không khí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh với ý chí Độc lập - Tự do của người dân Thủ đô và của cả nước chống thực dân Pháp ở những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Cả trăm diễn viên trên sân khấu tái hiện một thời lịch sử huy hoàng Hà Nội mùa đông năm 1946.

Vở diễn đã trở thành bài ca về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Hà Nội"....  Vâng, không chỉ có MC, hay đạo diễn tên tuổi, nhà phê bình sân khấu bị mê hoặc mà cả khán giả lại một lần nữa rưng rưng về thời kì lịch sử Hà Nội mùa đông năm 1946. Vở diễn đã thực sự để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng khán giả. Đã từng có một thời kì như thế. Đã từng có một Hà Nội như thế.

Trước khi chiến tranh Đông Dương nổ ra, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, hay cũng để chuẩn bị đối phó, đồng thời khéo léo tìm được thế bắt đầu chiến tranh tốt nhất có thể. Nhưng thực dân Pháp quyết gây chiến tranh, liên tục có các cuộc thảm sát ở Hải Phòng, Hà Nội.

Ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc, Hà Đông, sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, vào ngày 19 tháng 12, trên căn gác xép, nhỏ Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, để phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!". Bút tích được lưu lại tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Diễn viên Linh Huệ trong vở "Những người con Hà Nội".
Thanh thiếu niên cũng có mặt trên chiến tuyến không cân sức.

Những lời hiệu triệu này đã được đạo diễn họ Doãn khéo léo đưa vào vở kịch không chỉ giọng nói đầy truyền cảm thể hiện lời Bác và câu chuyện kịch cũng toát lên tinh thần của những người con thủ đô yêu tha thiết đất nước mình, dân tộc mình, đồng bào mình như lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Và, tháng 12 năm 1946 cũng là thời điểm Hà Nội mở đầu cho thời khắc lịch sử hào hùng 60 ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong trận quyết chiến giam chân quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp.

Tác giả kịch bản Phạm Văn Quý thổn thức lòng mình nhớ về một thời đã qua, đau thương mà kiêu hùng của người Hà Nội. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang trổ tài biến cốt truyện kịch lãng mạn, trữ tình trên giấy thành mizăngxen xuyên suốt vở diễn là đại cảnh sống động, cả dàn diễn viên hùng hậu 100 người của Nhà hát Kịch Hà Nội được huy động mấy mét vuông sàn gỗ để tái hiện một Hà Nội của quá khứ. Con người với số phận gắn với lịch sử và làm nên lịch sử.

Một câu chuyện kịch được kể với sự hấp dẫn không thể cưỡng lại khiến khán giả không thể rời mắt. Một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã đi vào sử sách như một bản anh hùng ca tráng lệ về một cuộc chiến không cân sức. Quân và dân ta với vũ khí thô sơ và ít ỏi chống lại quân thiện chiến của thực dân Pháp với vũ khí hiện đại, tối tân. Cuộc chiến dữ dội, khốc liệt ấy đã diễn ra trong 60 ngày đêm đầy khói lửa.

Tình yêu say đắm, nặng lòng của người Hà Nội với thành phố, với thủ đô, với trái tim cả nước, như được nhân lên, những mảnh đời, những cảnh ngộ của số phận, những mái ấm của gia đình, tình bạn, tình yêu, tất cả đều hòa chung một nhịp đập thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Không kể tuổi tác, địa vị, không kể giai tầng, trai gái, già trẻ, lớn bé tất cả vì một Hà Nội, không thể để mất Hà Nội. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch là lời hiệu triệu đến từng nhà, từng người và biến tình yêu thành sức mạnh để đánh đuổi quân xâm lược.

Tác giả Phạm Văn Quý chia sẻ: "Tôi không ép mình phải viết thật hay, mà tôi viết bằng tấm lòng đối với Hà Nội, bằng cảm giác thôi thúc, đau đớn, trăn trở  với những con người Hà Nội. Và một cách rất tự nhiên, tôi nghĩ về những năm tháng Hà Nội hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, nghĩ về những người Hà Nội và cả không phải người Hà Nội nhưng đã sống với tinh thần trách nhiệm, khát khao cống hiến cho mảnh đất này để từ đó tôi viết nên "Những người con Hà Nội".

Những người con Hà Nội nhất quyết bảo vệ mảnh đất này.

Vở kịch nhẹ nhàng len lỏi vào khán giả bởi những tình tiết logic hợp lý đời thường, bởi sự chân thực. Mà sự chân thực trong nghệ thuật luôn đáng trân trọng.

Ông nhớ về một thời đã xa, thời đấy, bên những chiếc xe tăng bọc thép, bên đội quân thiện chiến và vũ khí tối tân, người Hà Nội khi ấy là những sinh viên kiến trúc sư như Dương; là vợ chồng người bác sĩ; là nữ sinh như Khánh Linh; là người phụ nữ hiền hòa, đôn hậu ở làng hoa Ngọc Hà đi làm cô sen, cô ở; là một cậu bé đánh giày, là một chàng thanh niên đánh đàn ở quán bar như Sơn Ca; là một "Hạng Võ" khét tiếng ở khu bến bãi chợ trời; là một đấu sĩ thăng hạng trên võ đài hay ngay cả một kĩ nữ buôn phấn bán hương… tất cả những con người khác biệt về độ tuổi, giai tầng nhưng họ đều có tình yêu da diết với Hà Nội.

Không một ai không tỏ thái độ. Họ không khoanh tay ngồi nhìn Hà Nội rơi vào tay thực dân Pháp. Họ chiến đấu, anh dũng như bản sonate lãng mạn và trữ tình nhất. Họ đứng chung trên một chiến hào để chống lại quân xâm lược, quyết bảo vệ Hà Nội dù có phải trả giá đánh đổi hy sinh cả mạng sống của mình.

Người Hà Nội khi ấy không sợ khổ, không sợ cái chết, không run sợ trước súng đạn, xe tăng và không chịu đầu hàng kẻ thù. Người Hà Nội đồng lòng không tiếc máu xương vì một Hà Nội thanh bình, khao khát về một một nền độc lập, tự do. Vì vậy, cho dù có phải trả bằng máu, nước mắt, tổn thất, mất mát người Hà Nội vẫn vùng đứng lên. Nhưng cuộc chiến đấu của người Hà Nội không phải là một đội quân thiện nghệ được trang bị súng ống đạn dược.

Đội quân tự vệ trên chiến trường thành lũy của họ những người vừa mới đây thôi là một thư sinh thanh mảnh quen bút nghiên trên giảng đường đại học, là nhạc sĩ thường ngày với tay đàn tay trống, là người phụ nữ với gánh hàng hoa tươi mát ngạt ngào hương thơm, là ca sĩ với giọng hát trữ tình ngọt ngào, là người tưởng tay đao tay kiếm giang hồ bá đạo…

Họ đều có một điểm chung là tình yêu với Hà Nội, lòng tự trọng, không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó vẫn còn có số ít kẻ cơ hội, bán nước cầu vinh, làm tay sai cho kẻ thù để hưởng chút lợi lộc mà tự họ cho là thức thời.

Cuộc chiến đấu có tiếng súng, bom rơi, đạn lạc, thương vong, máu và nước mắt… nhưng không vì thế mà người Hà Nội đánh mất niềm tin, hy vọng. Người Hà Nội vẫn điềm nhiên hiên ngang ngay cả trong loạn lạc, lửa đạn. Người Hà Nội không dễ khuất phục, đầu hàng. Người Hà Nội không bỏ chiến tuyến, anh dũng đứng lên. Họ thà hi sinh chứ không chịu làm dân nô lệ.

Thông điệp ấy đã được gửi đi, tình yêu say đắm với thủ đô của người Hà Nội vừa hào sảng, phóng khoáng, lại quá đỗi dịu dàng, tha thiết. Cuộc chiến đấu một mất một còn, cuộc chiến đấu đầy thử thách và gian khổ nhưng đậm chất lãng mạn. Đi đến tận cùng của sự việc, người ta phải được thắp lên một ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, của hy vọng. Chính những điều đó là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng mà họ đã lựa chọn.

Những người tự vệ của Hà Nội năm ấy biết biến chiến lũy ngày đêm bắn phá ác liệt thành một nơi tràn ngập hoa. Những bông hoa ngát hương thơm và rực rỡ khoe sắc làm cho lòng người dịu lại. Ở nơi tưởng chừng như chỉ có máu và nước mắt vậy mà người Hà Nội vẫn lãng mạn. Ý chí căm hờn và lòng quyết tâm sôi sục, với sự lãng mạn ngọt ngào tất cả pha trộn trong người Hà Nội thành một vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường, tinh tế, hào sảng, bay bổng không dễ gì có được.

 Chiến tranh luôn đi kèm với mất mát. Đã có thương vong, cái chết của cô gái trẻ ngã xuống khi trúng phải đạn của lính Pháp khi cô trên đường đến Bắc Bộ Phủ cắm lá cờ đỏ sao vàng. Cô hy sinh, cái chết hiên ngang, bất khuất, không chịu đầu hàng lùi bước trước quân thù. Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội là tổng hợp những gì tốt đẹp nhất trong con người Việt Nam.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang tâm sự: "Tôi dựng nên vở kịch bằng tình yêu Hà Nội và qua đó gửi gắm niềm tự hào, trân quý đối với đất và người nơi đây. Cuộc chiến tranh nào cũng có tiếng súng nổ, cũng có người hi sinh nhưng ở Hà Nội sao thật lạ lùng? Lạ lùng nhất là ở chỗ con người bước vào cuộc chiến tranh ấy mang đầy phẩm chất hào hoa, thanh lịch. Đó cũng là cái chất của Hà Nội không bao giờ bị nhạt nhòa, bị hòa lẫn với bất kì cuộc chiến đấu ở thành phố nào khác". 

Đã từng có một Hà Nội như thế! Một Hà Nội ở đó tuyệt đẹp như nhạc phẩm của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm, đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...”.

Trần Mỹ Hiền
.
.