Đỉnh cao nghệ thuật chế tác kim hoàn

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:35
Hằng năm, vào đầu mùa xuân ở châu Âu, trong khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 lại diễn ra một trong những ngày lễ trọng đại nhất của nước Nga - ngày lễ Phục sinh. Tuy là một ngày lễ quan trọng của Chính thống giáo nhưng Phục sinh được tổ chức trong niềm hân hoan bởi cả những người theo đạo cũng như người ngoại đạo.

Lễ Phục sinh ở Nga mang trong mình những nét độc đáo và hương vị rất riêng, như việc bày biện bàn lễ với bánh kulich và những quả trứng đầy màu sắc đã tạo nên nét đặc thù không đâu có. Từ những quả trứng trong dân dã, một nghệ nhân người Nga gốc Đức đã nâng tầm nghệ thuật trang trí trứng Phục sinh lên đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác kim hoàn - Peter Carl Fabergé.

Trên khắp nước Nga, kể từ Thứ năm tuần Thánh bắt đầu bước vào kỳ lễ Phục sinh, người ta nướng bánh kulich, làm món pho mát Phục sinh và tô màu những quả trứng theo nhiều cách khác nhau.

Theo phong tục cổ xưa, người ta luôn cố gắng làm cho thực đơn ngày lễ thật phong phú, thậm chí ngay cả những gia đình bình dân cũng làm bánh kulich và tô vẽ trứng rất cầu kỳ. Bánh kulich là vật phẩm truyền thống bày biện lên cỗ bàn từ thời xa xưa nhất. Người ta nướng bánh kulich để tưởng nhớ chuyện Chúa Jesus đã thết đãi các môn đệ bằng bánh mì, để họ tin tưởng vào sự phục sinh thần kỳ của Chúa.

Kulich là một biến tấu của bánh mì, làm bằng thứ bột đặc biệt, có dạng hình trụ và có vị ngọt hơn vì trong ruột bánh thường có nho khô hay mứt quả. Cả thân bánh và trên mặt bánh được phủ bột đường, trang trí màu sắc và vẽ vời đẹp như những bức họa thu nhỏ. Còn trứng Phục sinh, biểu tượng phồn thực gắn kết với sự tái sinh của thiên nhiên được nhuộm màu rực rỡ (thường là màu đỏ - màu biểu tượng cho máu của Chúa và người dân Nga cũng yêu thích màu đỏ), tô điểm hoa văn nghệ thuật, trang kim óng ánh... luôn là niềm tự hào của mỗi gia đình.

Quả trứng “Nụ hồng” (trái) và trứng “Đăng quang”, bên trong là một bản sao thu nhỏ của cỗ xe ngựa đưa hoàng hậu Alexandra đến nơi tấn phong.

Mọi người tặng trứng cho nhau để cầu chúc điều may mắn, sức khỏe và vạn sự tốt lành. Người ta tin rằng, nếu trong ngày đầu tiên của lễ Phục sinh, quả trứng đầu tiên được mang ra lăn đúng một vòng quanh sân nhà thì có thể xua đuổi các linh hồn ma quỷ.

Có nhiều cách trang trí cho quả trứng Phục sinh, thậm chí cả những cuộc thi vẽ trên những quả trứng khổng lồ, nhưng để có những quả trứng kiệt tác, tinh xảo thì giới nghệ nhân Nga đều phải ngả mũ trước một thiên tài - Peter Carl Fabergé. Nghệ nhân Peter Carl Fabergé, tên thật là Karl Gustavovich Faberzhe sinh năm 1846 tại St. Petersburg. Cha ông là một nhà kim hoàn người Đức và mẹ là người Đan Mạch.

Ảnh chụp Peter Carl Faberge khi đang làm việc.

Ông nội của Peter Carl là người đầu tiên trong dòng họ trở thành công dân Nga. Được cha gửi đi nhiều nước châu Âu để học nghề kim hoàn, chàng Peter trẻ tuổi đã ghi vào tâm khảm những tuyệt phẩm như món hộp nữ trang hình trứng khảm đá quý của Le Roy. Sau một thời gian đặt chân đến những kinh đô nghệ thuật như Rome, Venice, Florence, London, Paris... Peter quay trở lại St. Petersburg để tiếp quản công ty của gia đình.

Cùng anh trai mình là Agathon, ông đoạt huy chương vàng trong hội chợ Pan-Russian năm 1882 nhờ những bức tượng động vật tinh xảo - những món tạo tác hoàn toàn mới mẻ so với những tác phẩm khảm đầy vàng và kim cương. Việc kinh doanh ngày càng phát đạt, lắm khi gần 700 nhân viên trong xưởng của gia đình ông không kịp hoàn thành hết những đơn đặt hàng tới tấp đổ về.

Tác phẩm gây kinh ngạc đầu tiên của Fabergé - Trứng “Gà mẹ”.

Trong số những người chú ý đến Peter có Nga hoàng Alexander III. Từ sau khi cha của ông bị ám sát (vụ ám sát này là một trong những nguyên nhân khiến Alexander III trở nên chuyên quyền), Hoàng hậu Maria Fedorovna rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Lễ Phục sinh năm 1885 cũng trùng với kỷ niệm 20 năm ngày cưới của Nga hoàng Alexander III và Hoàng hậu Maria Fedorovna. Từ thời thơ ấu, Hoàng hậu đã mê mẩn món quà trang sức hình quả trứng của bà cô Công chúa Đan Mạch.

Nhân kỷ niệm ngày trọng đại, Nga hoàng Alexander III đã tin tưởng giao sứ mệnh chế tác một món đồ kim hoàn thật đặc biệt lấy cảm hứng từ quả trứng cho Fabergé. Và quả trứng đầu tiên trong bộ sưu tập 50 quả trứng Fabergé đã ra đời với cái tên Trứng gà mẹ (Hen Egg).

Hoàn toàn làm bằng vàng, Trứng gà mẹ được tráng một lớp men trắng đục giống như vỏ trứng gà thật, với một đường ráp bằng vàng ở giữa. Khi mở đường ráp vàng, quả trứng tách làm hai, lộ ra một lòng đỏ trứng cũng bằng vàng. Bên trong lòng đỏ trứng là một chú gà vàng dát ngọc với đôi mắt đính hồng ngọc. Bên trong chú gà lại có hai điều ngạc nhiên nữa (mà bây giờ đã mất): một vương miện tí hon và một sợi dây chuyền mặt hồng ngọc.

Hoàng hậu Maria Fedorovna khi nhận món quà tuyệt đẹp ấy đã ngạc nhiên và cảm động đến tuôn trào nước mắt! Từ sau đấy, Peter Fabergé được Nga Hoàng Alexander III chỉ định làm nhà kim hoàn của triều đình, được toàn quyền chế tác những quả trứng - đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn, chỉ với một điều kiện: quả trứng nào cũng phải đem lại một điều ngạc nhiên.

Trong cuốn sách của mình, H.C. Bridge mô tả Fabergé là một người nhạy cảm, ít nói nhưng cũng nóng tính, luôn đóng bộ chỉnh tề trong những chiếc áo bằng vải tweed, kể cả khi làm việc. Ông phải làm việc với một áp lực rất lớn, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có yêu cầu “hãy làm gì đó mới lạ!”. Khách hàng của ông không chỉ bao gồm hoàng gia Nga, mà còn có Vua Edward III của Anh, và Vua Rama Thái Lan.

Trên bàn ông luôn có một chiếc búa nhỏ để ông kiểm tra từng lỗi nhỏ trên các tác phẩm tại đó. Nếu một tác phẩm nào không làm ông hài lòng, Fabergé sẽ đập nát nó ngay lập tức. Một quả trứng mang chủ đề sáng tạo mới có thể lấy mất của ông một năm làm việc; tính từ khi lên ý tưởng cho tác phẩm - ra bản vẽ chi tiết - chế tác - nghiệm thu.

Khi con trai Alexander III là Nicolai II lên ngôi, nhà vua tiếp tục chỉ định Fabergé làm nhiệm vụ chế tạo những quả trứng tinh xảo và càng xa hoa, cầu kỳ bao nhiêu càng thể hiện mức độ giàu có và tinh tế của hoàng gia Nga bấy nhiêu. Quả trứng đầu tiên Nicolai II tặng cho vợ mình mang tên “Nụ hồng” (Rosebud) bởi Hoàng hậu Alexandra Feodorovna luôn nặng lòng tưởng nhớ về những vườn hồng ở nơi chôn nhau cắt rốn Darmstadt.

Khi mở quả trứng ra, một nụ hồng màu vàng xuất hiện, bên trong lại chứa một mặt đá hồng ngọc và vương miện đá quý tí hon - biểu tượng cho ngôi vị của Alexandra. Suốt 32 năm (từ năm 1885 đến năm 1917), các hoàng hậu của vương triều Romanov đều mong ngóng được nhận món quà Phục sinh tinh xảo từ Fabergé - nghệ nhân triều đình.

Những quả trứng được tô vẽ rực rỡ.
Những quả trứng phục sinh đắt giá do Faberge chế tác.

Kể từ khi xuất hiện trước công chúng tại triển lãm Paris Exposition Universell năm 1900, những quả trứng của Fabergé đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia phê bình và nhà sưu tập. Giữa những lời khen tặng và kính phục vì sức sáng tạo vô tận, bàn tay thiên tài và quá trình lao động miệt mài đến mức cầu toàn là những lời chỉ trích hoàng gia Nga thừa mứa đến vô cảm trước cuộc sống lầm than, xã hội nước Nga kiệt quệ.

Sau khi nước Nga tuyên chiến với Đức, Fabergé vẫn cố gắng chế tạo những quả trứng cho triều đình, mặc dù một phần xưởng kim hoàn của ông bị chiếm làm nơi sản xuất vũ khí. Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, chính quyền về tay đảng Bolshevik. Năm 1918, Fabergé bỏ trốn khỏi Nga sau khi đóng giả làm một người khuân vác cho Đại sứ quán Anh. Những người Bolshevik vẫn tiếp tục điều hành công ty của Fabergé, tìm cách hoàn thành các tác phẩm dang dở của ông, hoặc sao chép những tác phẩm đã được chế tạo. Nhưng cuối cùng, tất cả các thợ thủ công trong xưởng đều bỏ đi.

Toàn bộ sản nghiệp của nhà Fabergé tiêu tan. Bản thân Fabergé qua đời vào năm 1920, theo như nhiều người nói vì ông không thể vực dậy nổi từ cú sốc triều đại Nga hoàng sụp đổ. 14 quả trứng Phục sinh của Fabergé đã được Chính phủ Liên Xô bán cho nước ngoài để huy động ngoại tệ theo chủ trương thời đó “Biến của cải thành máy móc”.

Bánh kulich - vật phẩm truyền thống không thể thiếu trên bàn ngày lễ Phục sinh….

Hiện có 43 trên tổng số 50 quả trứng Phục sinh do đích thân Fabergé chế tác được lưu giữ trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân. Trong số đó, có 9 quả trứng Phục sinh được nhà tài phiệt Nga Viktor Vekselberg mua lại từ bộ sưu tập Malcolm Forbes trong một buổi đấu giá năm 2004, với mức giá 100 triệu USD. Những quả trứng này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Fabergé - được khai trương vào năm 2013 tại cung điện Shuvalev ở thành phố St. Petersburg.

Năm 2015, một quả trứng Phục sinh được chế tác vào năm 1887 với trị giá ước tính 33 triệu USD được tìm thấy tại một cửa hàng bán đồ cổ ở Anh. Tháng 10-2016, quỹ từ thiện British Royal Collection Trust của Hoàng gia Anh thông báo đã tìm thấy quả trứng Diamond Trellis được chế tác vào năm 1892. Đó là quả trứng bên trong có con voi bằng ngà được gắn đồng hồ, từng được Vua George V mua lại vào năm 1935.

Tại một hội thảo diễn ra tại Bảo tàng Fabergé, quản lý cao cấp của quỹ British Royal Collection Trust phát biểu trong niềm thán phục: “Không lời nào có thể diễn tả được hết cảm xúc của chúng tôi khi chiếc chìa khóa vừa khít với bộ phận lên dây cót, và lần đầu tiên trong 80 năm qua, con voi bắt đầu bước đi, cử động bốn chân rồi gật gật đầu”.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.