Giá như… “bà hỏa” không đến đây

Chủ Nhật, 22/11/2015, 21:20
Đa phần các vụ cháy lớn, cháy nhiều căn nhà xảy ra tại TP HCM đều rơi vào các khu dân cư lao động hằng ngày kiếm sống bằng việc tay chân, buôn bán nhỏ lẻ, bán vé số dạo… Để có được một chỗ chui ra chui vào trú mưa tránh nắng, tạm gọi là nhà trong thành phố đắt đỏ này những người lao động phải ky cóp hàng chục năm trời mới có được. Nhưng đùng một cái lại bị "bà hỏa" cướp mất!?
Đa phần các vụ cháy tại khu dân cư lao động là do bất cẩn.

Nhà bị cháy rụi, tài sản nhiều khi không còn cái áo lành lặn để mặc. Đã quá vất vả với cuộc mưu sinh rồi giờ lại phải làm lại từ đầu, bao nhiêu thứ lo toan ập đến khiến những hộ dân này lại càng khốn khó. Giá như mọi người ý thức được chuyện phòng cháy, có thể những mất mát trên sẽ không diễn ra nữa…

Ấm tình người trong đám cháy

Trước hết, bên cạnh những lo toan bộn bề thì điều mà người viết muốn đề cập đến trong bài viết này, đó là phía sau những vụ hỏa hoạn người ta vẫn thấy tình người của những người cùng cảnh ngộ… Chứng kiến tình người trong vụ cháy 11 kiốt trên đường Bến Bình Đông, phường 14, quận 8 khiến 1 người tử vong vừa qua mới thấy trong hoạn nạn luôn có tấm lòng nghĩa hiệp dang tay giúp đỡ.

"Lửa càng lúc càng lan rộng trong khi 25 tấn gạo vẫn nằm trong kiốt, khó mà xoay sở nếu như những người đi đường không ngại nguy hiểm lao vào cùng gia đình di dời 500 bao gạo ra ngoài" - ông Phạm Văn Bộ, chủ vựa gạo cho hay.

Mới hay những người giúp đỡ gia đình ông Bộ trong cơn hỏa hoạn ấy chẳng họ hàng thân thích, chẳng hàng xóm láng giềng. Họ là những người đi đường khi phát hiện đám cháy đã lao vào giúp gia đình ông. Anh Tống Văn Phương, 43 tuổi, làm nghề xây dựng tự do trên đường đi làm thấy chủ vựa gạo hò hét xin giúp đã bỏ luôn chiếc xe máy trên vỉa hè nhào vào phụ vác gạo ra ngoài. Anh chẳng nhớ đã vác được bao nhiêu bao gạo nữa bởi cứ rinh ra ngoài ném lên xe gắn máy để người khác chở ra khỏi đám cháy.

Người nhễ nhại mồ hôi, mặt dính đầy bụi gạo, anh Nguyễn Thành Tâm, 29 tuổi, nhà gần đám cháy thì xởi lởi. "Vừa đi phụ xe về nhà chưa kịp ăn cơm thì thấy mọi người nhốn nháo vì cháy. Thấy nhiều người đi đường còn bỏ cả xe máy không người trông coi lao vào cứu hàng, mình là hàng xóm làm sao có thể đứng nhìn!".

Có lẽ day dứt nhất của những người tham gia chữa cháy hôm đó là không cứu được nạn nhân tên Loan. Chị Loan năm nay 27 tuổi, con của bà Nguyễn Thị Huệ, nhà cùng dãy kiốt. Khi đám cháy bao trùm toàn bộ 11 kiốt mọi người mới biết chị Loan còn mắc kẹt trong căn phòng khóa cửa ngoài. Nhiều người luồn phía sau đám cháy mong tìm được đường để vào căn phòng cứu chị nhưng đành bất lực cầu nguyện điều tốt đẹp và may mắn đến với cô gái xấu số. Đau khổ nhất là bà Huệ.

Vật vã đau đớn tại một góc tường bà Huệ cho hay, Loan bị tai nạn giao thông dẫn đến việc không được bình thường. Sợ Loan tâm trí không bình thường đi lung tung ra ngoài, buổi trưa bà Huệ khóa cửa ra ngoài mua thuốc cho Loan giữa đường thì nghe thông tin cháy. Đến khi những người lính cứu hỏa đưa thi thể chị Loan ra khỏi đám cháy, bà Huệ như ngất lịm. Những cái ôm, những vòng tay chia sẻ của những người xa lạ xiết chặt lấy bà Huệ với chút mong muốn làm ấm lòng người mẹ vừa mất con…

Những bữa cơm thấm đẫm tình hàng xóm sau các vụ cháy.

Còn nhiều lắm tình người trong đám cháy, ví như vụ cháy ở phường 1, quận 4 khiến 8 căn nhà bị thiêu rụi cùng tài sản ky cóp của những gia đình lao động nghèo. Cả trăm người dân sống trong 8 căn nhà này tài sản còn lại vỏn vẹn chỉ là bộ đồ mặc trên người ướt sũng. Ấy vậy mà từ trong hỏa hoạn, tình làng nghĩa xóm lại được vun đắp hơn bao giờ hết. Những bữa cơm chung của 100 người dân trong vụ cháy đều được hàng xóm quyên góp chung tay nấu, khiến những thìa cơm trở nên ngọt ngào chứa đựng bao nhiêu nghĩa tình.

Chị Hà, một người dân sống trong khu vực này cho hay: "Cùng là dân lao động không giúp nhau lúc này thì giúp nhau lúc nào nữa? Nhà mình may mắn là đám cháy không lan đến nên chia sẻ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu!".

Ngày thường tất bật lo toan kiếm sống, việc ai nấy làm đôi khi câu chào nhau cũng khó tìm thấy, vậy mà trong hoạn nạn tình người lại ấm áp một cách lạ thường!

Mẹ của nạn nhân tử vong trong đám cháy ở phường 14, quận 8.

Tiêu tan "gia tài" sau hỏa hoạn

Căn nhà chỉ vài mét vuông, tường gạch mái tôn nhưng đó là gia tài, là công sức dành dụm hàng chục năm trời của người lao động. Khi đám cháy được dập tắt thì căn nhà của họ chỉ còn là đống hoang tàn. Nhà cháy, tài sản không còn nên chuyện phục dựng lại căn nhà cũng là một vấn đề quá lớn đối với họ, cho nên nhiều khi hỏa hoạn đã xảy ra hàng tháng trời họ vẫn "màn trời chiếu đất" là chuyện thường.

Nhiều tháng trôi qua, vụ cháy ở phường 1, quận 4 vẫn còn là một đống hoang tàn, những bức tường nám khói, mục rỗng đã được phá bỏ, nhiều hội dân vẫn còn dựng tạm bợ căn chòi gần mảnh đất của mình để lấy chỗ nghỉ ngơi, đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong hẻm. Anh Phát (37 tuổi) đứng trước đống gạch ngổn ngang xưa kia là căn nhà cấp 4 mà ba mẹ để lại rầu rĩ: "Căn nhà là tài sản cha mẹ để lại phút chốc cháy rụi, tài sản chẳng còn gì, giấy tờ cũng thành tro. Thân làm thuê, làm mướn nên chẳng biết đến bao giờ  tôi mới cất lại được nhà?".

Căn nhà tạm vừa mới được anh em chị Chế Thị Lệ Dung cất lên nhờ số tiền 100 triệu của UBND phường 1, cùng những nhà hảo tâm hỗ trợ tuy sơ sài nhưng cũng đủ để 15 người trong gia đình có chỗ chui ra chui vào. Còn lại nhiều hộ gia đình vẫn giăng tạm bạt, lót sàn gỗ để sống tạm qua ngày. Đâu đó trong con hẻm ở phường 1, quận 4 này chúng tôi thấy những gương mặt khắc khổ lo toan. Bởi công việc hằng ngày của họ chỉ là buôn bán dạo, chạy xe ôm, bán vé số, rửa xe, phụ hồ… nên việc xây lại được căn nhà như cũ sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Nhớ lại cảnh bới tìm và nhặt nhạnh những gì sót lại sau vụ cháy 4 căn nhà ở đường 22, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, chị Yến Phương không khỏi chạnh lòng. Chị Phương cho hay, sau nhiều năm tích cóp nhờ thúng xôi vỉa hè, vợ chồng chị Phương mua được căn nhà cấp 4 để an cư lạc nghiệp. Buổi sáng khi đang gói xôi cho khách chị nhận được điện thoại nhà bị cháy nên tức tốc chạy về. Vợ chồng chị Phương dường như suy sụp khi căn nhà của họ chỉ còn là đống đổ nát, tài sản bên trong đã bị cháy thành tro. 3 căn cạnh nhà chị Phương cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Tìm kiếm những gì còn sót lại sau một vụ cháy.

Tuy suy sụp nhưng vợ chồng chị Phương vẫn cố tìm kiếm trong đống tro tàn những gì còn sót lại. Hơn một năm trôi qua, dù căn nhà cháy đã được dựng lại nhờ vào tiền vay mượn bà con, bạn bè nhưng lúc nào vợ chồng chị cũng nơm nớp lo sợ "bà hỏa" lại ghé thăm lần nữa...

Bên cạnh những tấm lòng san sẻ lúc hoạn nạn thì lại cũng không thiếu kẻ vô lương tâm lợi dụng lúc hỗn loạn, mọi người lo việc dập lửa để ra tay cuỗm tài sản. Chị Đào Thị Nhàn, quê Thanh Hóa, thuê trọ ở hẻm 84, đường Rạch Bùng Binh, phường 9, quận 3 cho đến giờ này vẫn còn vằn mắt nhắc đến chuyện đối tượng lợi dụng việc giúp chữa cháy trộm 25 triệu đồng của chị. Số tiền này chị dành dụm nhiều năm từ công việc bán báo dạo, định gửi về quê trả nợ nhưng chưa kịp thì bị cuỗm mất.

Chị Nhàn cho hay, rạng sáng giữa tháng 7, khu nhà trọ của chị bốc hỏa, nhiều người dân đến hỗ trợ chữa cháy. Nghe tiếng kêu cứu chị Nhàn lao ra khỏi phòng trọ và không quên mang theo túi đựng tiền. Lợi dụng mọi người hoảng loạn, xô đẩy, một đối tượng đã giật mất chiếc giỏ  chị mang trên người.

Hay tại vụ cháy 8 căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, trong lúc mọi người chung tay chữa cháy thì có hai đối tượng lợi dụng đám đông bẻ khóa xe gắn máy. May mắn cho chủ nhân chiếc xe là hành vi của hai đối tượng này bị người dân phát hiện báo cho Cảnh sát 113 bắt đưa về trụ sở. Còn nhiều đối tượng táng tận lương tâm khi trà trộn vào hiện trường các vụ cháy để trộm tài sản.

Vụ cháy 8 căn nhà tại phường 1, quận 4, bà Dung phát hiện một người đàn ông chạy vào nhà bà lục lọi. Tưởng người dân giúp nên bà Dung cứ thế chạy ra ngoài mà không để ý. Đến khi đám cháy được dập tắt, số vàng dành dụm bên trong hòm đồ khiêng ra ngoài đã bị lấy mất, chỉ còn sót lại cuốn sổ tiết kiệm cháy nham nhở…

Lo lắng khi tài sản bị “bà hỏa” thiêu rụi.

Đừng để tài sản ky cóp biến thành tro

Đa phần các khu dân cư lao động nhà cửa được xây cất tạm bợ, cơi nới bằng ván ép, dù bạt nhếch nhác, lụp xụp nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM, tính đến tháng 10/2015, thành phố đã xảy ra hơn 500 vụ cháy, trong đó  cháy ở các khu dân cư chiếm hơn 50%, nguyên nhân do chập điện chiếm hơn 80%.

Trong khi đó, khảo sát tại các khu dân cư cho thấy hệ thống dây điện hầu như được câu mắc một cách cẩu thả, chồng chéo, các mối đấu nối không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn. Các con hẻm trong khu lao động vốn nhỏ lại bị lấn chiếm làm chỗ đậu xe, buôn bán gây cản trở cho việc thoát nạn cũng như vận hành các phương tiện chữa cháy.

Khi xảy ra sự cố chập điện, những khu dân cư được lắp ghép tạm bợ bằng ván ép gỗ dễ bị bắt lửa gây cháy nhất và cũng thường là nhân tố khiến cho lửa lan sang các căn bên cạnh "hiệu quả" nhất. Vì toàn là những vật dụng dễ cháy nên hầu hết các vụ cháy xảy ra ở khu dân cư, nhất là khu lao động thường là cháy lớn, cháy lan, cháy nhiều nhà gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn thiệt hại về người…

Sau vụ cháy tài sản còn lại là đống tro tàn.

Bởi vậy, dù người viết đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ cháy, nhìn thấy không biết bao nhiêu hình ảnh khổ sở của những người lao động nghèo trong các vụ cháy, đau xót khi tài sản ky cóp hàng chục năm trời phút chốc bị biến thành tro nhưng vẫn có thể tĩnh tâm nhận ra một điều rằng nếu những hộ dân ý thức được việc phòng cháy chữa cháy, hiểu được khu vực mình ở có nguy cơ cháy cao, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, hoặc có thể chỉ là những biện pháp phòng ngừa đơn giản như để bếp xa vách gỗ, đấu nối dây điện an toàn, kiểm tra các thiết bị điện chống quá tải, tắt nguồn điện khi ra khỏi nhà thì những tài sản phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong nhiều năm trời mới có được sẽ không đến nỗi làm mồi cho "bà hỏa". Tính mạng con người vì thế cũng sẽ an toàn hơn thay vì nơm nớp lo sợ hỏa hoạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Huyền Đức
.
.