Gloomy Sunday – Bí ẩn bài hát tử thần

Thứ Bảy, 25/08/2018, 13:53
Âm nhạc được coi là liều thuốc tinh thần cho đời sống con người. Một bài hát có thể khiến chúng ta cảm thấy hứng khởi, yêu đời hoặc u buồn, trầm uất nhưng hiếm có bài hát nào có thể khiến người nghe tự tử vì nó. Chính vì lẽ đó Gloomy Sunday được coi là một trong những bài hát bí ẩn nhất từng được tạo ra trong lịch sử âm nhạc.

Cha đẻ của bài hát - Rizzo Seress sinh ra tại Hungary, một số người nói rằng ông sống tại Paris, số khác lại cho rằng ông sống ở Budapest. Câu chuyện kể rằng chính sự tuyệt vọng và đau khổ khi bị người yêu bỏ rơi là nguồn cảm hứng để ông sáng tác giai điệu bài hát “Gloomy Sunday”. Giai điệu này được phổ lời bởi người bạn của Seress, nhà thơ Laszlo Javor. Do đó một số nguồn cho rằng người bị bạn gái bỏ là ông Javor và đó mới là nguồn cảm hứng của bài hát. Một số nguồn khác cho rằng Seress tự viết lời riêng về chiến tranh và sự khải huyền, sau đó mới được Javor chuyển thể thành một bản ballad trầm buồn.

Dù sao thì cái tên ban đầu của bài hát “Szomorú Vasárnap” có nghĩa là “Ngày chủ nhật u ám” trong tiếng Hungary không nhận được nhiều sự chú ý. Phải đến 2 năm sau phiên bản ghi âm của Pál Kálmar mới trở nên nổi tiếng khi được cho rằng có liên quan tới nhiều vụ tự tử tại Hungary, dù khó để xác minh được điều này khi đất nước Hungary trong lịch sử là nơi có tỉ lệ tự sát cao nhất trên thế giới, khoảng 46 người trong số 100.000 người tự tử mỗi năm. Tuy nhiên ít nhất cũng có hàng chục vụ tự tử liên quan tới bài hát vào thời điểm nó được phát hành

Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài hát được phát hành, hàng loạt những vụ tự sát bí ẩn liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là cái chết của một người đàn ông ở Budapest. Anh ta bước vào quán cà phê và yêu cầu dàn nhạc chơi bài Gloomy Sunday. Sau khi nghe dàn nhạc chơi xong, anh ta trở về nhà và tự tử bằng một phát súng vào đầu sau khi than phiền với người thân rằng anh ta cảm thấy cực kì tuyệt vọng và không thể thoát ra khỏi giai điệu u ám của bài hát. 

Bản gốc bài hát.

Chỉ một tuần sau tại Berlin, một nữ nhân viên bán hàng cũng được tìm thấy treo cổ tự sát ngay trong chính căn hộ của cô. Cảnh sát điều tra tìm thấy bản sao của bài hát Gloomy Sunday trên giường cô gái. Tuy nhiên những cái chết kì lạ vẫn chưa dừng lại ở đó. 

Hai ngày sau ở New York, một nữ thư kí trẻ xinh đẹp đã tự tử bằng hơi ga và trong bức thư tuyệt mệnh cô yêu cầu chơi bản nhạc “Gloomy Sunday” trong tang lễ của mình. 

Vài tuần sau đó, một người đàn ông 82 tuổi đã nhảy xuống từ cửa sổ căn hộ tầng bảy của mình sau khi chơi bài hát chết người này bằng piano. Cũng trong khoảng thời gian ấy, một thiếu niên khác ở Rome cũng nhảy cầu tự sát sau khi nghe giai điệu của bài hát tử thần. 

Trường hợp khác ở London, một người phụ nữ cũng tự tử bằng cách sử dụng thuốc an thần quá liều sau khi nghe bài hát “Gloomy Sunday” 78 lần với âm lượng tối đa. Xác của bà chỉ được phát hiện khi hàng xóm phá cửa do quá phẫn nộ khi bị tiếng ồn từ bài hát làm phiền. Những vụ án mạng liên quan tới bài hát “Gloomy Sunday” trong những năm 1930 nhiều đến mức Chính phủ Hungary đã phải ban hành lệnh cấm biểu diễn bài hát công khai và Đài BBC cũng cấm phát hành bài hát bị nguyền rủa này trên sóng. 

Mộ nhạc sĩ Rizzo Seress - tác giả của bài hát tử thần.

Ngay cả cha đẻ của ca khúc “Gloomy Sunday” dường như cũng không thể thoát khỏi lời nguyền của bài hát tử thần này. Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng, ông viết thư cầu mong quay trở lại với vị hôn thê nhưng chỉ vài ngày sau đó ông biết được một sự thật kinh hoàng. Vị hôn thê của ông đã tự sát bằng thuốc độc và bên cạnh xác của bà là bản sao bài hát “Gloomy Sunday”. 

Vào năm 1968, Rizzo Seress cũng được xác nhận là đã tự tử bằng cách nhảy lầu vài ngày sau sinh nhật 69 tuổi. Trong lá thư tuyệt mệnh, ông viết “Tôi sống như một người mang tội lỗi trong sự thành công chết chóc này. Sự nổi tiếng làm tôi tổn thương. Tôi đã trút tất cả sự thất vọng trong trái tim mình vào bài hát và có vẻ những người có chung cảm nhận với tôi đã tìm thấy nỗi đau của riêng họ trong bài hát”.

Liệu tất cả những cái chết trên có thực sự là do bài hát? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra một lời giải thích hợp lý nhằm phá bỏ sự lo lắng của công chúng về lời nguyền của “bài hát sát nhân”.  

Họ giải thích rằng vào thời điểm bài hát ra đời, kinh tế xã hội đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ tử vong vì chiến tranh gia tăng… Những điều này có ảnh hưởng lớn tới tâm lý con người khiến họ dễ lâm vào trạng thái trầm cảm, bi quan, tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống. Khi đó chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài như một bộ phim, một bài hát sầu thảm  rất dễ khiến họ đưa ra những quyết định tiêu cực như tự sát.

Bài hát “Gloomy Sunday” với giai điệu buồn bã gây ám ảnh của nó trở thành “tác động từ bên ngoài” cộng với sự thêu dệt và lan truyền của dư luận đã tạo nên hiệu ứng “tự tử dây chuyền” vào thời điểm đó.

Trang Đặng (tổng hợp)
.
.