Hai mặt của “cỗ máy gây chiến” Uber

Thứ Tư, 17/12/2014, 12:25
Lấy cái tên sặc mùi thuốc súng “Phòng Chiến tranh” để đặt tên cho phòng họp tại trụ sở mới ở California, triết lý kinh doanh của ông chủ Uber Travis Kalanick là chiến đấu không ngừng nghỉ. Đặt chân đến Việt Nam, Uber đã ngay lập tức đánh thẳng vào hầu bao những hãng taxi lớn nhất trên địa bàn TP HCM, gây ra một cơn bão truyền thông nóng hổi đến tận hôm nay. PV Chuyên đề ANTG đã cố gắng tìm hiểu một trong những công ty công nghệ đang phát triển nóng nhất trên thế giới này, để thấy trong đó cả những điều tốt đẹp, và cả những mảng tối…

1. Chiếc Toyota Fortuner màu bạc, không phải là phiên bản đời mới nhất, nhưng vẫn còn bóng lộn, từ từ cập vào vỉa hè. Tôi bước lên xe. Không chút mùi khó chịu. Hàng ghế bọc da sạch sẽ tinh tươm, thảm để chân không dấu đất cát. Người lái xe ăn vận lịch sự tươi cười quay lại chào khách, rồi điều khiển chiếc xe từ từ lăn bánh hướng về phía quận 1.

…Trước đó chừng 10 phút, chỉ với vài thao tác: mở ra phần mềm Uber, lựa chọn điểm xuất phát, lựa chọn điểm đến và nhấn nút yêu cầu xe, tôi đã có ngay thông tin phản hồi từ hãng với đầy đủ chi tiết về hình ảnh và tên của tài xế, tài xế đã được những khách hàng trước đây đánh giá về chất lượng phục vụ như thế nào, loại xe được sử dụng và thời gian ước chừng xe đến điểm đón, giá thành ước tính cho toàn bộ hành trình…

Song song với thông tin được gửi đến trên giao diện ứng dụng, tài xế ngay lập tức gọi tới số máy của khách hàng, thông báo vị trí hiện tại của xe và đang di chuyển đến điểm đón. Trong lúc chờ xe đến, tôi yên tâm thích thú ngồi quan sát mô hình giả lập của chiếc taxi đang dần tiến tới vị trí của mình trên màn hình điện thoại.

Khi đưa khách tới nơi, người lái xe vui vẻ và lịch sự chào rồi lái xe đi. Còn khách hàng, không cần trả tiền mặt, không cần quẹt thẻ, xuống xe và nhanh chóng thoát khỏi con đường đông đúc. Chừng một phút sau, một email được gửi đến, thông báo số tiền khách hàng đã được trừ vào thẻ tín dụng đã đăng ký sẵn khi mở tài khoản.

Một trải nghiệm chưa từng có, rất khác biệt!

2. Tại Việt Nam, cụ thể hơn là TP HCM, với tư cách một khách hàng sử dụng dịch vụ thuần túy, thật khó có thể từ chối sự tiện nghi và hấp dẫn về mặt kinh tế mà phần mềm dịch vụ Uber đã đem lại. Chưa nói đến yếu tố giá cả luôn chỉ bằng và thấp hơn so với mặt bằng chung của các hãng taxi, Uber còn khiến người dùng tràn ngập trong các khuyến mãi hấp dẫn.

Gã khổng lồ được định giá thị trường lên tới 17 tỉ USD này sẵn sàng tặng ngay khách hàng Việt mới đăng ký một chuyến đi đầu tiên miễn phí trị giá tới 200.000đ! Sau khi khách hàng đã sử dụng xong chuyến đi đầu này, Uber lại nhấn chìm họ trong khuyến mại khác: nếu giới thiệu thêm được một người khác sử dụng dịch vụ, Uber sẽ tặng cả người mới lẫn người cũ 100.000đ/người vào tài khoản.

Không những vậy, "kẻ thù của các hãng taxi" còn liên tục chạy những chương trình đánh thẳng vào tầng lớp trung lưu hoặc công chức văn phòng: cà-phê hạng sang miễn phí, quà cho phụ nữ, liên kết với các điểm ẩm thực và mua sắm cuối tuần, tung ra những chiếc sedan hạng sang có giá trị như một gia tài để đưa đón khách trong những ngày đặc biệt… Tất cả đã tạo nên một cơn sóng ngầm dữ dội trong giới "cổ cồn trắng" Việt Nam.

V., một nhân viên tài chính sống ở quận 2 làm việc tại quận 1, có xe hơi riêng, nhưng từ ngày Uber xuất hiện, đã trở thành một tín đồ của phần mềm cung cấp dịch vụ vận chuyển này. Theo ước tính của V., tổng chi chí hàng ngày cho việc đánh xe riêng đến cơ quan, đánh xe đi ăn trưa, phí gửi xe… còn cao hơn khoảng 1/3 so với sử dụng dịch vụ của Uber, trong khi chất lượng xe là tương đương, mà không phải lái xe.

Nhưng điều khiến V. đánh giá cao dịch vụ của Uber chính là ở cung cách phục vụ của các tài xế. Dù có thẻ thành viên được ưu tiên phục vụ của V., một hãng taxi lớn được đánh giá chiếm tới 45% thị phần của TP HCM, nhưng nhiều khi V. vẫn gặp phải những chi tiết không hài lòng: xe có mùi, tài xế nói điện thoại khi lái xe, chạy ẩu… Đặc biệt, với những quãng đường ngắn, V. thi thoảng vẫn nhận được sự phản ứng của các bác tài, nhẹ thì vừa lái xe vừa thở dài, nặng thì vừa lái xe vừa chửi đổng.

Với mối quan hệ dày đặc của mình, V. cũng tận dụng khả năng quảng bá tới bằng cách cung cấp mã khuyến mại của Uber tới bạn bè. Người được tặng cũng có lợi, mà riêng đối với V., tài khoản chuyên dùng để đi xe qua dịch vụ Uber cũng đã lên một con số đáng nể.

3. Theo điều tra của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng trên địa bàn TP HCM đã có khoảng 300 xe ôtô ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải cho Uber.

300 đầu xe này không ký trực tiếp với nhà cung cấp Uber, mà thông qua tư cách là thành viên của các công ty TNHH hoặc công ty cổ phần có chức năng kinh doanh vận tải. Tất cả những thao tác này hoàn toàn phù hợp với những quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam.

Mỗi một công ty, tùy quy mô, sẽ tung ra trung bình khoảng 10-20 đầu xe, trong đó đa phần là xe SUV đa dụng đang là hàng "hot" về kinh doanh vận tải như Toyota Innova, Toyota Fortuner…

Tùy theo tiềm lực tài chính mà mỗi công ty vận tải sẽ quyết định tung thêm vào dàn xe một hay hai "điểm nhấn": đó là những chiếc sedan hạng sang như Mercedes hay BMW. Những chiếc xe này có tác dụng rất lớn trong công tác PR cho dịch vụ Uber.

Ít ai ngờ tới là sự phát triển chóng mặt của Uber cũng khiến cho thị trường mua bán xe cũ của TP HCM nổi sóng. Những chiếc xe đa dụng 7 chỗ ngồi cũ, có tuổi đời 3-6 năm bỗng trở thành hàng hot, không đủ cung cấp cho nhu cầu.

Một thợ xe ở quận 8 cho biết, bình thường, những chiếc Innova đời 2007-2008 platform cũ bỗng trở nên đắt hàng, chỉ vừa kịp làm thủ tục đổi biển 5 số, thậm chí chưa kịp dọn rửa mông má, là đã có khách xuống tiền lấy ngay.

A., một lái xe chạy dịch vụ cho Uber, cho biết, tuy dịch vụ mới nhưng thu nhập cũng rất khả quan. Người lái xe xin giấu tên này cho biết, công ty vận tải sau khi trừ đi hết chi phí (xăng dầu, lương tài xế, phụ phí…) cũng thu được trung bình tầm 20-25 triệu/đầu xe/tháng.

Không những vậy, vì đặc thù của lái xe cho dịch vụ của Uber là giao dịch toàn bộ qua phần mềm trên điện thoại thông minh, nên nếu công ty vận tải có những hợp đồng đột xuất đưa khách đi tỉnh xa, người lái xe chỉ cần thoát ra khỏi ứng dụng Uber, là hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến công việc bình thường.

Không những vậy, vì luồng tiền giao dịch sẽ chạy theo chiều "thẻ tín dụng của khách=>Uber=>công ty cung cấp dịch vụ vận tải" nên công ty cung cấp dịch vụ vận tải đỡ đi được một khoản chi phí quản lý tiền bạc đáng kể. Họ chỉ cần gắn GPS vào xe rồi theo dõi qua phần mềm chuyên dụng về tình trạng di chuyển của xe là đủ, thay vì phải giám sát toàn bộ từ xe cộ cho đến con người, tiền bạc…

4. Đối với bản thân lái xe, chạy dịch vụ cho Uber cũng khiến họ cảm thấy thoải mái, bớt bị áp lực hơn. Khách hàng nằm ở phân khúc cao hơn, khiến họ cảm thấy được đối xử lịch sự. Không những vậy, tiền lương và tiền thưởng cố định, không bị áp lực doanh số… khiến các bác tài chạy cho Uber cũng thoải mái hơn nhiều.

Bản thân anh A., khi chạy dịch vụ cho Uber, cũng thừa nhận mình đã đằm tính hơn nhiều so với lúc chạy vận tải hành khách bình thường. "Khách hàng họ lịch sự lắm, nhiều lần họ lên xe, thấy đồ của khách để quên, lại nhắc chính mình cất đi hộ khách. Có nhiều khách để quên đồ, gọi điện lại, còn bảo thôi em cứ cầm hộ chị, tiện thì ngày hôm sau lên trung tâm chị lấy lại. Khách lịch sự như vậy, mình không lịch sự lại không được", anh giải thích.

Có một điều ít ai ngờ tới, là sự việc 5 chiếc xe chạy dịch vụ cho Uber bị các cơ quan chức năng kiểm tra hành chính và lập biên bản, tiếp theo là hàng trăm bài báo đưa tin, phân tích, bình luận… lại là một sự kiện quảng bá miễn phí cực kỳ ấn tượng đối với Uber. Tốc độ nhận diện dịch vụ tăng trưởng chóng mặt. Các tài khoản mới liên tục được kích hoạt.

Tài xế A. cho biết, kể từ thời điểm báo chí đồng loạt đưa tin, anh nhận được rất nhiều lệnh đặt xe mới. Khi liên lạc lại, có nhiều người còn giật mình nói lời xin lỗi, rằng họ tải thử ứng dụng về, làm quen với phần mềm, vô tình lại kích hoạt lệnh gọi xe. Anh cũng cho biết, theo cảm quan của cá nhân, lệnh đặt xe phải tăng trưởng trong khoảng 30-50%, chỉ trong 2 ngày sau khi việc kiểm tra hành chính 5 xe ôtô cung cấp dịch vụ Uber diễn ra.

… Nhưng tất cả những điều được xem như là tốt đẹp ở trên, dường như chỉ đến với những đối tượng trực tiếp thụ hưởng và sử dụng dịch vụ của Uber. Vậy những đối thủ của Uber, hoặc những người đang cố gắng tìm hiểu rõ về Uber, hoặc những người đang cổ xúy cho ý tưởng kinh doanh một cách có đạo đức, họ đã nhìn thấy gì, và chịu đựng những gì từ gã khổng lồ công nghệ lấy tôn chỉ "gây chiến" làm mục đích kia?

Uber là công ty công nghệ cung cấp nền tảng (platform) là một ứng dụng dịch vụ kết nối giữa người lái xe và khách hàng thông qua định vị GPS, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, chạy trên hệ điều hành Android, iOS và Windows.

Uber xử lý tất cả các khoản thanh toán liên quan bằng thẻ tín dụng của khách hàng, giữ lại 5-20% và chuyển phần tiền còn lại vào tài khoản của người lái xe hoặc công ty cung cấp dịch vụ vận tải.

Uber được thành lập vào tháng 3/2009 bởi Travis Kalanick và Garrett Camp, tại San Francisco, Mỹ.

Uber hiện diện tại 45 quốc gia và hơn 220 thành phố trên thế giới. Tháng 6/2014, Uber được định giá tới 17 tỉ USD, và đang tiến gần tới mức 35-40 tỉ USD trong đợt huy động vốn sắp diễn ra.

Việt Đông
.
.