Lệ Rơi lên sóng truyền hình quốc gia(!)

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:25
Lệ Rơi (anh thanh niên có cái tên hiền khô Nguyễn Đức Hậu, ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), lên sóng trong một chương trình trò chuyện, trao đổi của Đài Truyền hình Quốc gia VTV.

Vẫn là sóng của VTV, Lệ Rơi đã từng xuất hiện trong một chương trình liên quan đến phụ nữ. Lần ấy, Lệ Rơi… hát.

1. Lệ Rơi có phải là hiện tượng mạng năm 2014 không(?). Chắc chắn, Lệ Rơi là một hiện tượng mạng.

Lệ Rơi không có khả năng ca hát, Lệ Rơi hát sai nhịp, giai điệu, trông rất tội nghiệp. Nhưng đám đông thì thường đùa dai. Đám đông vỗ tay mãi khiến Lệ Rơi lâm vào trạng thái, “lời nói dối được lặp đi lặp lại thì thành sự thật”.

Ban đầu, clip Lệ Rơi xuất hiện trên trang haivl. Thời ấy, haivl là nơi tập trung nhiều nam thanh nữ tú trong độ tuổi “nữ thập tam, nam thập lục” thích lấy chuyện náo nhiệt làm vui nên họ ấn like, rồi comment (bình luận) dưới các đoạn clip của Lệ Rơi những bình luận có đại ý như nhau, kiểu “Một nghìn năm trước không ai hát hay như Lệ Rơi, một nghìn năm sau chắc chắn không tìm thấy người như anh nữa”.

Lệ Rơi, ban đầu thừa hiểu “Tôi là một người hát không hay, nhưng thích hát”. Nhưng Lệ Rơi quên mất rằng, khi mình hát không hay nhưng người ta gào tên mình theo lối “Thiên hạ đệ nhất danh ca”, thì chắc chắn thiên hạ phải có một ý đồ sâu sa, hiểm nguy gì đó.

Tiếc thay, thói quen thích nghe tung hô biến thành một thứ biệt dược mà không phải ai cũng đủ khả năng để suy xét. Cứ nghe khen là sướng rơn rồi, khen thiệt hay khen ảo, khen giả dối hay khen chân thành, khen động viên hay lối khen cho mày chết… lại là chuyện rất không cần quan tâm.

Lệ Rơi làm một clip, người ta vỗ tay. Hai clip, người ta vỗ tay. Ba clip, người ta vỗ tay… Lệ Rơi thừa thắng xông lên, làm cả trăm clip, người ta bảo “Đủ rồi, Lệ ơi. Phải tỉnh táo, phải trồng ổi cho tốt”. (Nhà Lệ Rơi có vườn ổi, đó là thu nhập chính của cả gia đình).

Quá khó cho Lệ Rơi để phải tỉnh táo trong tình huống ấy. Và ngay cả trong chúng ta cũng rất ít người có thể tỉnh táo khi đã được tung hô đến cỡ ấy.

Đám đông trong trường hợp Lệ Rơi, thật vô lương tâm.

2. Haivl bị đóng cửa, một kênh quan trọng để Lệ Rơi tiếp cận với “người hâm mộ” đã không còn. Một vài trang khác cố gắng ủng hộ Lệ Rơi nhưng thất bại, Lệ Rơi đã không còn sức hút như thời đoạn ấy. Cái thời mà đến hot girl cũng muốn đu theo tên tuổi của Lệ Rơi bằng cách: “Tôi muốn được kết hôn cùng Lệ Rơi”.

Trong thời điểm mà Lệ Rơi gần như đã sắp có thể trở về cuộc sống thường nhật sau quãng thời gian rong chơi quá dài, thì Đài Truyền hình Quốc gia (VTV) lại tiếp lửa cho Lệ Rơi.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nếu VTV mời Lệ Rơi tham gia chương trình vào thời điểm cách đây vài tháng, khi Lệ Rơi vẫn đang được trải chiếu hoa mời anh ca anh hát, thì biết đâu còn có lý do để giải thích. Chứ mãi cho đến giờ, VTV lại “khai quật” thì tội cho Lệ Rơi biết mấy(?). Lại nữa, VTV để Lệ Rơi hát trong một chương trình (mà tôi nghĩ là liên kết với công ty nào đó để sản xuất chương trình) phát trên VTV, điều này là không được, tuyệt đối không chấp nhận được. Bởi liên kết hay không liên kết, bán sóng hay không bán sóng, những người có trách nhiệm phải kiểm soát tốt nội dung của chương trình.

VTV là Đài Truyền hình Quốc gia, là diện mạo truyền thông của đất nước. Có những thứ, rất nhiều đài truyền hình hay cơ quan truyền thông khác có thể thực hiện (như trang báo mạng Dân Việt mở cả diễn đàn giao lưu với Lệ Rơi) vậy, nhưng VTV thì không thể làm.

Tất nhiên, Truyền hình Quốc gia không phải chỉ là những chương trình thời sự, chính trị, khoa giáo, chuyên đề cứng nhắc. Truyền hình Quốc gia vẫn phải đảm bảo các tiêu chí, giáo dục, giải trí, nhân văn…

Và tôi rất nghi ngờ giá trị giải trí hay nhân văn khi VTV mời Lệ Rơi tham gia chương trình phát sóng trên VTV. Có những thứ bắt buộc phải được đặt đúng vị trí, và không nên tìm cách khơi lại vì bất cứ lý do gì.

Lệ Rơi không kiểm soát được bản thân, thì lãnh đạo VTV phải kiểm soát được biên tập viên của họ chứ. Thậm chí là trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, người ta còn chế hàng loạt logo với tính chất châm biếm VTV. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một Đài truyền hình như VTV lại lâm vào tình trạng “tứ phương thọ địch” như vậy.

Điển hình như vụ cầu thủ Công Phượng. Vào ngày 30-12-2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt Đài Truyền hình Việt Nam 15 triệu đồng vì đưa thông tin sai khi thực hiện phóng sự "Công Phượng gian lận tuổi". Quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết VTV đã có các hành vi vi phạm hành chính như: Thông tin về độ tuổi cầu thủ Nguyễn Công Phượng trong chương trình Chuyển động 24 giờ phát sóng trên VTV1 có một số nội dung sai. Cụ thể: “Năm sinh 1995 của Công Phượng bắt đầu xuất hiện từ năm 2006” (chương trình phát ngày 8-11-2014); “Đến thời điểm này, tất cả các giấy tờ khác, như chúng tôi đã chứng minh, là vô hiệu” (phát sóng ngày 16/11/2014).

Sau đó thì VTV có cải chính theo đúng như luật định và VTV cải chính với đại ý như sau, “Ngày… chúng tôi có phát sóng phóng sự về số tuổi của Công Phượng, chúng tôi nói điều này là theo lời của ông… Chủ tịch UBND xã nơi cầu thủ này sinh sống từ bé đến lớn”.

Đúng là, không biết phải nói cái gì nữa(!).

Ngô Nguyệt Hữu
.
.