Loạt bê bối tình dục nhấn chìm Hollywood

Thứ Sáu, 08/12/2017, 12:08
Sở cảnh sát Beverly Hills cho biết đang điều tra ít nhất 12 vụ cáo buộc lạm dụng tình dục trong kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood - nơi đang lún sâu trong loạt vụ bê bối tấn công và lạm dụng tình dục mà những người bị cáo buộc là những tên tuổi đình đám trong làng giải trí.

Một loạt tên tuổi dính chàm buộc phải bước ra ánh sáng và người ta hi vọng rằng sau loạt vụ bê bối này, Hollywood sẽ không còn che giấu được những thứ được mô tả là “bí mật mở” nữa.

Nhiều tố cáo lạm dụng tình dục

Cảnh sát Beverly Hills từ chối tiết lộ tên tuổi cụ thể nhằm duy trì tính toàn vẹn của các cuộc điều tra. Trước đó, cảnh sát Beverly Hills chỉ công bố hai cái tên đình đám là nhà sản xuất phim Harvey Weinstein và nhà làm phim James Toback. Cả hai đều bị cáo buộc hàng chục vụ tấn công tình dục.

Trước đó không lâu, Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết họ đang điều tra ít nhất 20 vụ tội phạm liên quan tới tình dục trong ngành điện ảnh. Các cuộc điều tra trong ngành này đang đặt các sở cảnh sát vào tình thế chưa từng có tiền lệ khi phải xử lý hàng loạt vụ việc mà nghi phạm là các tên tuổi nổi tiếng và liên quan tới một khoảng thời gian kéo dài nhiều thập kỷ.

Sở Cảnh sát Los Angeles đã phải sắp xếp nhiều thám tử để xử lý các vụ, lập riêng 5 nhóm, mỗi nhóm 2 thám tử để điều tra các cáo buộc ở Hollywood.

Vụ gây bão dư luận lớn nhất liên quan tới ông Harvey Weinstein, người bị nhiều sao nữ, trong đó có những tên tuổi như Angelina Jolie hay Gwyneth Paltrow, tố cáo lạm dụng tình dục trong một bài viết trên tờ The New York Times số ra ngày 5-10. Danh tiếng của Weinstein từ đó tụt dốc không phanh.

Harvey Weinstein, Kevin Spacey và Louis CK.

Ông này đã bị chính công ty do mình sáng lập sa thải, bị bạn bè và cộng sự thân thiết tẩy chay, bị vợ bỏ và bị các lãnh đạo chính trị đảng Dân chủ xa lánh. Công ty Weinstein thì đang tính tới chuyện bán mình cho Colony Capital.

Ngoài cái tên “bự” nhất là Harvey Weinstein, còn có một loạt nhân vật khác. Mới đây nhất, ông John Lasseter, một trong những giám đốc quan trọng nhất của Walt Disney và là đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Pixar thuộc Walt Disney, ngày 21-11 tuyên bố sẽ “nghỉ phép sáu tháng” sau khi có những hành vi sai lầm khiến một số nhân viên cảm thấy “không được tôn trọng và không thoải mái”.

Ngay sau thông báo của ông Lasseter, tờ Hollywood Reporter đã đăng một bài báo nói rằng ông Lasseter liên tục lặp lại các hành vi như “sờ mó, hôn, bình luận về cơ thể” của phụ nữ. Nữ diễn viên Rashida Jones đã bỏ hợp đồng ký với Pixar sau khi bị ông Lasseter “lấn tới”.

Ngày 9-11, diễn viên hài Louis C.K bị 5 phụ nữ cáo buộc có hành vi tình dục không đứng đắn, trong đó có hành vi không đúng đắn ngay trước mặt họ. Ngày 10-11, diễn viên C.K thừa nhận: “Những chuyện đó có thật”. Đáp lại, nhiều công ty truyền thông đã cắt đứt hợp đồng với ông này và buổi ra mắt bộ phim mới của ông ta cũng bị hủy bỏ.

Cáo buộc lạm dụng tình dục nhằm vào một trong những nam diễn viên nổi tiếng nhất Hollywood đồng thời là chủ nhân giải Oscar Kevin Spacey xuất hiện ngày 29-10, hơn một tuần sau khi cả chục người đàn ông ra mặt cáo buộc bị Spacey quấy rối, tấn công tình dục, thậm chí tìm cách cưỡng hiếp họ.

Trong số những người tố cáo, có những người chỉ ở tuổi vị thành niên vào thời điểm bị Spacey quấy rối. Việc Kevin Spacey công khai mình là đồng tính cũng không đánh lạc hướng được dư luận.

“Căn bệnh” từ lịch sử

Không chỉ bây giờ mà ngay từ thời kỳ ban đầu, Hollywood đã là nơi có nhiều tai tiếng về lạm dụng và lợi dụng phụ nữ. Một trong những bí mật của Hollywood trong thế kỷ đầu tiên phát triển là đạo diễn thường chọn nữ chính dựa trên kích cỡ vòng một và liệu diễn viên đó có sẵn lòng ngủ với đạo diễn không.

Đạo diễn Elia Kazan (1909-2003) từng tuyên bố rằng ông ta quyết định chọn nữ chính bằng câu hỏi “Mình có muốn ngủ với cô ta không?”. Ông ta lý giải nếu đạo diễn không có hứng thú với diễn viên thì đạo diễn không thể làm cho khán giả có hứng thú với nhân vật đó.

Tương tự với Louis B. Mayer, người đồng sáng lập hãng phim MGM, ông này đã đuổi nữ diễn viên Jean Howard xung quanh phòng. Khi cô tuyên bố: “Không được”, bỏ đi và kết hôn với đạo diễn Charles K. Feldman, Mayer đã cấm cửa Charles và không cho phép bất kỳ khách hàng nào của Charles làm việc tại MGM. Mayer còn bị tố sờ soạng diễn viên tuổi teen Judy Garland và vừa họp vừa đặt tay lên ngực cô bé.

Một số sao nữ Hollywood tố cáo bị quấy rối tình dục.

Diễn viên Marylin Monroe từng kể trong hồi ký My Story (Chuyện của tôi) về Hollywood: “Tôi gặp bọn họ. Họ bốc mùi rởm đời và thất bại. Một số xấu xa và gian đối. Nhưng họ gần với bộ phim mà bạn muốn đóng. Vì thế bạn ngồi với họ, nghe những kế hoạch và lời dối trá của họ. Và bạn nhìn Hollywood với con mắt của họ: một nhà thổ quá tải, một vòng quay không phải bằng ngựa gỗ mà bằng giường”.

Nữ diễn viên sẽ mất cơ hội nghề nghiệp nếu từ chối yêu cầu tình dục từ người có vai vế. Joan Collins phát hiện ra điều này khi mất vai nữ chính trong phim “Cleopatra” vì không ngủ với chủ hãng phim. Dù là người nổi bật nhất khi thử vai nhưng sau khi từ chối “tốt” với ông chủ, vai diễn Cleopatra đã rơi vào tay Elizabeth Taylor.

Nữ diễn viên Tippi Hedren cũng tiết lộ trong hồi ký Tippi rằng đạo diễn Alfred Hitchcock đã lạm dụng tình dục cô khi quay phim “The Birds”.

Màn bí mật bị bóc trần

Sự kiện một loạt tên tuổi lớn bị phơi bày hành vi quấy rối tình dục cho thấy những phương pháp cũ mà người nổi tiếng ở Hollywood sử dụng để che đậy tội lỗi đã không còn tác dụng. Các vòng bảo vệ họ, từ luật sư, tiền dàn xếp hay các thỏa thuận cấm tiết lộ thông tin giờ đây không còn mua được sự im lặng nữa. Bức màn bí mật của Hollywood đã bị chọc thủng.

Sự đồng lõa không còn được dung thứ tại Hollywood. Như bình luận viên truyền hình Wendy Walsh nói: “Chúng ta đang chiếu ánh sáng vào những người gây hấn và người có tội đầy quyền lực, coi đây là một ví dụ cho tất cả những người khác”.

Danh sách những người cáo buộc và bị cáo buộc dài ra từng ngày. Hollywood dường như đang có sự thay đổi lớn với hi vọng rằng ngành giải trí Mỹ sẽ thay đổi, sẽ tự vấn lương tâm. Dư luận không còn chờ đợi các nhân vật lớn trong ngành điện ảnh ra tuyên bố trấn an chung chung sau các vụ bê bối. Họ đòi hỏi những người có trách nhiệm trong ngành phải đối thoại sâu sắc để làm sao cải thiện được môi trường, văn hóa làm việc ở Hollywood, sao cho những người tố cáo được ủng hộ và thủ phạm không còn được hưởng những đặc ân và được xóa bỏ trách nhiệm.

Tuy nhiên, người ta phải đặt câu hỏi, rằng liệu ngành điện ảnh Mỹ đã sẵn sàng thay đổi, khi mà chính ngành này đã trao giải Oscar cho một người bị kết án tội cưỡng hiếp như Roman Polanski hay ngó lơ trước các hành vi của Weinstein với phụ nữ? Liệu vụ bê bối tình dục hàng loạt này có buộc các hãng phim tạo ra một môi trường không dung thứ cho những người quyền lực lạm dụng diễn viên và người thấp cổ bé họng mà vẫn bình an vô sự?

Trong vụ của Weinstein, một cựu cộng sự của ông này kể rằng Weinstein đã dùng các mối quan hệ để che giấu bất kỳ thông tin tiêu cực nào. Ông ta gọi điện cho các nhà xuất bản hay tổng biên tập các báo quen biết, một là hứa hẹn đặc ân, hai là đe dọa pháp lý. Weinstein đã không thể làm thế với tờ The New York Times và The New Yorker, hai tờ báo đã bóc trần bí mật của Weinstein.

Weinstein cũng như nhiều người khác có thể bịt miệng báo chí nhưng không thể bịt miệng mạng xã hội. Nhiều nạn nhân của họ đã lên mạng xã hội thay vì tìm đến báo chí.

Sau khi một loạt vụ bị vạch trần, phụ nữ bị lạm dụng trong ngành điện ảnh Mỹ đã có động lực, trở nên mạnh dạn hơn khi tố cáo. Gretchen Carlson, cựu dẫn chương trình kênh Fox News, tin rằng phụ nữ đang được tiếp thêm sức mạnh: “Phụ nữ trước đây không đủ dũng cảm để tố cáo vì không có gì tốt đẹp diễn ra sau đó. Bây giờ thì khác!”.

Hollywood cần tự vấn lương tâm và thay đổi sau loạt vụ bê bối.

Có một lý do nữa giải thích cho sự im lặng của phụ nữ bị quấy rối. Đó chính là môi trường làm việc trọng nam khinh nữ. Những năm gần đây, Hollywood bị chỉ trích vì thiếu sự đa dạng về giới tính. Số lượng lãnh đạo nam giới áp đảo nữ giới. Đạo diễn nữ chỉ là số lẻ. Nữ diễn viên thì bị trả công bèo bọt hơn nam diễn viên. Hầu như không thấy mấy phụ nữ làm nhà sản xuất phim.

Chính môi trường phụ nữ bị lép vế này tạo điều kiện chín muồi cho hành vi lạm dụng. Nếu có nhiều phụ nữ trong các vị trí quyền lực hơn thì tình trạng lạm dụng ít xảy ra hơn. Theo Kirby Dick, đạo diễn phim “The Invisible War”, đó là cách ngắn chắc chắn nhất để ngăn chặn những “yêu râu xanh” trong Hollywood.

Nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ trong một tổ chức mà chiếm ít nhất 30% vị trí quyền lực thì tổ chức đó bắt đầu có sự thay đổi đáng kể. Với Hollywood, con số này còn lâu mới đạt được. Và do đó, trong suốt hàng chục năm qua, xu hướng lạm dụng quyền lực của đàn ông ở Hollywood trở thành một bệnh dịch.

Theo những chuyên gia trong ngành, phơi bày tội lỗi của các nhân vật nổi tiếng ở Hollywood và sa thải họ không phải là chấm dứt mọi chuyện mà mới chỉ là khởi đầu. Tiếp đó, các hãng phim cần phải coi đây là một cơ hội mạnh mẽ để bắt đầu cải thiện văn hóa làm việc tại Hollywood.

Các chuyên gia hi vọng rằng loạt vụ bê bối này đã đủ lớn và sự thực đã đủ sốc để có thể đặt ra một tiêu chuẩn mới về những điều có thể chấp nhận được ở Hollywood. Thay đổi quan điểm còn quan trọng hơn là luật hóa các biện pháp chống lại quấy rối tình dục. Có thể thay đổi luật, chính sách, quy định nhưng nếu văn hóa ở Hollywood được xây dựng để bảo vệ những người như Weinstein thì luật và quy định cũng chả có ích gì.

Theo ông Paul Feig, đạo diễn phim “Bridesmaids”, điều khiến các nhân vật quyền lực ở Hollywood khó bị xử lý là ở chỗ họ chính là người gác cổng. Ông nói: “Họ là người giữ chìa khóa mở ước mơ và hi vọng của người khác. Nên mọi người nghĩ mình phải chịu đựng và im lặng vì với một cuộc gọi điện, họ có thể cho mình vào danh sách đen”. Ông Feig cho rằng cần có một đường dây nóng để nạn nhân bị quấy rối có thể tố cáo nặc danh.

Trong khi đó, bà Nina Jacobson, đạo diễn phim “Hunger Games”, cho rằng cần thay đổi luật về thỏa thuận cấm tiết lộ thông tin. Cấm tiết lộ thông tin về công việc thì được nhưng che giấu hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức lại là chuyện khác. Bà nói: “Chúng tôi muốn có một nơi mà cái giá của im lặng lớn hơn cái giá của việc tố cáo. Chúng tôi muốn kẻ bắt nạt phải hứng chịu xấu hổ thay vì nạn nhân”.

Nhật Minh
.
.