Mỹ - châu Âu và Nga: Rồi mèo nào sẽ cắn mỉu nào?

Thứ Tư, 05/07/2017, 17:00
Vào ngày 15-6, phần đông thượng nghị sĩ trong Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp áp chế và trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom vì họ cho rằng, dự án này “tác động tiêu cực đến vấn đề an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), sự phát triển của thị trường khí đốt tại khu vực Trung Âu và Đông Âu, cũng như quá trình cải cách năng lượng ở Ukraine”.

Ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, vào ngày 20-6, Mỹ cũng đã tiếp tục giáng các đòn trừng phạt vào Nga trong đó có 38 cá nhân và tổ chức. Tài sản của những người này bị đóng băng và bị cấm hoạt động kinh doanh với công dân, công ty Mỹ hoặc tiến hành huy động tài chính ở Mỹ.

Tiếp đó, nhóm 23 thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ vào ngày 22-6 đã đưa ra dự luật mới về răn đe quân sự Nga. Xuất phát từ luận chứng nước Mỹ phải xây dựng kế hoạch nâng cao tiềm lực quân sự như các thiết bị bay không người lái, trang bị điện tử và vũ khí tầm xa có độ chính xác cao để đối phó với chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga, các tác giả dự luật nhấn mạnh: Cần phải đưa vào sử dụng các tàu ngầm tốc độ cao để ngăn chặn Nga trên biển. 

Việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt Dự án Dòng chảy phương Bắc với đoạn đường ống dầu khí chạy qua lãnh thổ nước Đức - được xem là điểm sáng trong mối quan hệ giữa Nga và Đức - đã lộ ra chủ ý của nước Mỹ muốn giành giật thị trường chiến lược của Moscow. Từ khi còn nằm trên giấy, dự án này đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia EU, đa phần là các nước Tây và Bắc Âu bởi nó liên quan tới sự phụ thuộc vào Nga của quốc gia được cho là đầu tàu của Liên minh châu Âu sau khi nước Anh rời khỏi khối này.

Trong khi đó, Mỹ đang hướng đến xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang các thị trường mới, trong đó có châu Âu. Ngày 16-6, Steffen Seibert, người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ mối quan ngại bởi các biện pháp trừng phạt có thể dẫn tới việc phạt các công ty châu Âu liên quan đến một số dự án năng lượng của Nga.

Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào thị trường năng lượng của châu Âu đã thể hiện rõ ràng nhất sự ảnh hưởng mạnh mẽ của khí đốt Nga đến châu Âu thế nào. Thế nhưng, phản ứng của Đức dường như quá yếu ớt. Hàng loạt lệnh trừng phạt liên tiếp đối với Nga được phía Mỹ đưa ra trong tháng 6 có vẻ đã lôi kéo được giới lãnh đạo Liên minh châu Âu tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Moscow.

Ngày 22-6, Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết, liên minh này sẽ tiếp tục các đòn trừng phạt đối với Nga bắt đầu từ ngày 31-7 vì các cam kết ngừng bắn ở Ukraine không được tuân thủ.

Ra đòn trừng phạt lẫn nhau, Mỹ - châu Âu và Nga tỏ rõ sẽ đương đầu quyết liệt.

Trong buổi đối thoại với nhân dân Nga diễn ra vào ngày 15-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Moscow sẽ quyết định các biện pháp đáp trả tương xứng “sau khi xem xét tình hình”. Cần nhắc lại rằng, từ tháng 8-2014, Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ EU và các nước khác, trong đó có Mỹ, nhằm đáp trả lệnh cấm vận của phương Tây đối với kinh tế Nga, từ sau “sự kiện Crimea”.

Có thể thấy rằng, lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm từ Mỹ và EU là một trong những biện pháp đáp trả của Moscow, được thiết kế dựa trên những hiệu ứng từ lệnh cấm vận của phương Tây đối với nước Nga, về thời gian và biện pháp.

“Chúng tôi sẽ xem xét mối quan hệ của chúng ta tiến triển thế nào với các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt. Nếu những đối tác trừng phạt của chúng ta dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, chúng ta sẽ làm tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, ông Vladimir Putin nói.

Và nói là làm - vào ngày 30-6, Tổng thống Nga đã ký Nghị định về việc gia hạn các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây cho đến ngày 31-12-2018. Cụ thể, lệnh cấm nhập của Nga được áp dụng với nông sản, các sản phẩm làm từ sữa, thịt và hầu hết các thực phẩm khác từ châu Âu.

Sở dĩ nước Nga mạnh mẽ đáp trả như vậy vì gần 3 năm “chịu” sự cấm vận, Nga đã biết cách “vượt lên chính mình”. Như Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Aleksander Tkachev vào tháng 2 năm nay từng bày tỏ mong muốn: Chính phủ Nga cần mạnh dạn tiếp tục cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây để giúp cho tình hình sản xuất thực phẩm trong nước thêm phát triển ổn định vì “không có yếu tố bên ngoài chi phối”, ngành nông nghiệp và chế biến nông sản của Nga đã lấy lại được thế chủ động cho nông dân và doanh nghiệp Nga ngay trên thị trường nước nhà.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao Moscow luôn đáp trả việc gia hạn lệnh cấm vận 6 tháng đối với nước Nga bằng việc gia hạn từ 1 năm trở lên với lệnh cấm nhập khẩu lương thực - thực phẩm từ các nước châu Âu. Như vậy, bằng việc gia hạn thời gian cấm vận dài hơn so với đòn trừng phạt của các chính sách thiển cận, Chính phủ Nga đã tương kế tựu kế, chuyển từ bị động, phụ thuộc vào việc gia hạn cấm vận của phương Tây sang chủ động cho kế hoạch chấn hưng quốc gia của mình.

Một thị trường mở sẽ là điều kiện bất lợi với các sản phẩm nông nghiệp phi truyền thống của Nga, và thay thế vào đó là các dòng sản phẩm ngoại nhập. Trong trường hợp này, lệnh cấm nhập khẩu kéo dài giống như là một hàng rào bảo hộ mậu dịch, đảm bảo cho doanh nghiệp Nga có thêm điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của mình.

H.T. (tổng hợp)
.
.