NSND Trần Phương: Chàng A Phủ cô đơn…

Thứ Ba, 16/05/2017, 15:10
Tôi đến gặp NSND Trần Phương trong căn phòng đôi sạch đẹp, gọn gàng. Ông ngồi trên ghế, yên lặng cầm báo đọc, khi tôi đến chào, ông dừng lại, nhìn và gật gật nở nụ cười xã giao. Rồi tôi ngồi cạnh ông, để bắt đầu những câu chuyện về một thời xa xưa của người diễn viên đóng vai A Phủ nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt Nam.

Bây giờ, NSND Trần Phương đối diện với nhiều bệnh tật của tuổi già như huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Các con, vì những điều kiện, lý do khác nhau, họ không thể chăm sóc bố và trông nom ông hằng ngày, nên khi thuyết phục ông đồng ý, họ đã đưa ông đến sống ở trung tâm dưỡng lão để các y tá, điều dưỡng chăm sóc ông đúng theo quy định sức khỏe tuổi già. Họ thường xuyên tới thăm ông vào cuối tuần, tại trung tâm cũng có nhiều cụ là nghệ sĩ nên bạn bè vẫn thường xuyên tới thăm hỏi, động viên...

1. Tôi đến gặp NSND Trần Phương trong căn phòng đôi sạch đẹp, gọn gàng. Ông ngồi trên ghế, yên lặng cầm báo đọc, khi tôi đến chào, ông dừng lại, nhìn và gật gật nở nụ cười xã giao. Rồi tôi ngồi cạnh ông, để bắt đầu những câu chuyện về một thời xa xưa của người diễn viên đóng vai A Phủ nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt Nam.

NSND Trần Phương vai A Phủ.

NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Trước khi đến với điện ảnh, ông chưa từng qua học bất cứ trường lớp đào tạo diễn viên hay đạo diễn điện ảnh nào. Năm 16 tuổi, ông rời trường học, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Ông tham gia nhiều thể loại, theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam, tham gia đóng ca kịch “Hòn đá” của Đỗ Nhuận...

Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam. Sau đó, năm 1959, ông tham gia đóng bộ phim đầu tiên “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Trong bộ phim này, ông đã khắc họa thành công hình ảnh chàng thanh niên người Mông A Phủ (đóng vai Mỵ là cố NSƯT Đức Hoàn).

Sau thành công của vai A Phủ, ông tiếp tục đóng thành công nhiều vai trong nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Cách mạng như vai Khoa - chồng Tư Hậu - trong “Chị Tư Hậu” (1962); vai Khiêm trong “Tiền tuyến gọi” (1969); vai Sơn trong “Biển gọi” (1967); vai Tiệp trong “Ngày lễ Thánh”; vai Lực trong “Vợ chồng anh Lực”... Với những vai diễn này, ông được xếp vào hàng một trong những diễn viên kì cựu của điện ảnh Cách mạng cùng Trà Giang, Lâm Tới, Đức Hoàn...

2. NSND Trần Phương từng chia sẻ: "Tôi sinh ra trong một gia đình nhà quê, bố làm thợ may, mẹ buôn bán ở chợ Thái Nguyên. Điện ảnh là một cái gì đó thật xa vời. Tôi may mắn gặp được anh ruột của anh Phạm Duy là cụ Phạm Duy Nhượng, là thầy giáo văn hóa của tôi. Ông cụ cũng lãng mạn lắm. Ông mê sân khấu, tổ chức những buổi biểu diễn và cho tôi làm diễn viên, như vở "Lưu Bình - Dương Lễ".

Rồi làm quen dần với nghệ thuật sân khấu. Sau này, tôi được cụ Thế Lữ dạy về sân khấu và được ở gần với các cụ, tôi học được ở các cụ rất nhiều điều. Thế Lữ là người dạy tôi rất nhiều, rồi tự mày mò, học hành mà tìm ra. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Rồi tôi đi theo cách mạng. Thái Nguyên giải phóng, con trai Thái Nguyên đi làm thợ. Số tôi rất may, tôi lại được làm thợ tiện cho ông Trần Đại Nghĩa, ông ấy luôn có những ý nghĩ rất lạ lùng.

Tôi hỏi ông: "Bác đi Đức, đi Pháp, bác thấy những người thợ bên đó giỏi thế nào?". Ông (Trần Đại Nghĩa) hóm hỉnh: "Không có ai giỏi bằng cháu đâu!". Số tôi may thế, làm ở lĩnh vực nào cũng được gặp những người nổi tiếng... Rồi do một lần bất cẩn, tôi bị cụt ngón tay, không làm thợ được nữa, chuyển qua bộ đội, vào Phòng Chính trị khu 1, lại ở chung với Hội Văn nghệ Trung ương, tôi được gặp nhà thơ Tố Hữu và được mời làm thư ký cho ông. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Đi làm phim, tôi chỉ nghĩ, mình phải sống như thật.

3. Bây giờ, trong trí nhớ đã có lúc lẫn lộn, ông nhớ nhớ quên quên nhiều chuyện, nhưng dường như, những ký ức mạnh mẽ khi vào vai A Phủ khiến ông không thể quên. Hồi đó, nhà văn Tô Hoài, vừa là tác giả truyện ngắn, vừa là người viết kịch bản phim "Vợ chồng A Phủ" cũng là một người bạn của NSND Trần Phương đã khuyên ông trước khi vào vai A Phủ phải sống cùng người dân tộc trên miền núi, phải thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim. Chính nhà văn Tô Hoài cũng đã kể nhiều câu chuyện thời ông cùng đi, cùng ăn, cùng ở với bà con trên đó để viết nên "Vợ chồng A Phủ”. Chính vì thế, NSND Trần Phương đã đi lại con đường mà nhà văn Tô Hoài đã trải qua.

Các nghệ sĩ và bạn bè đến thăm NSND Trần Phương.

Có lần, ông còn gặp nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế ở Tuần Giáo, Điện Biên, ông đi thâm nhập viết tùy bút Sông Đà. Ông ấy hỏi Trần Phương: "Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?". Hồi ấy tôi ngây ngô lắm, trả lời đúng kịch bản của nhà văn Tô Hoài: "A Phủ là người nông dân nghèo khổ, sau này vùng dậy tự giải phóng bản thân".

Ông Nguyễn Tuân cười khà khà, bảo thế là cậu đếch hiểu gì về A Phủ cả. Cái thằng A Phủ, trước tiên nó cưỡi ngựa rất giỏi, cậu phải biết cưỡi ngựa. Thứ hai là phải biết ghẹo gái. Người dân tộc quen nhau là rủ nhau đi suốt cả đêm. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này".

Những lời của nhà văn Nguyễn Tuân như găm vào đầu cậu diễn viên Trần Phương trẻ tuổi hồi ấy. Cái vế thứ 2, đi ghẹo gái thì ông không thực hiện được, nhưng việc cưỡi ngựa là một câu chuyện dài trong suốt hành trình thực hiện phim "Vợ chồng A Phủ". Kỷ niệm nhớ nhất đối với ông trong suốt chiều dài bộ phim cũng là câu chuyện học cưỡi ngựa.

Hồi ấy, đoàn làm phim mua cho NSND Trần Phương một con ngựa để tập cưỡi, nhưng thật không may, con ngựa đó vô cùng dữ tợn, bất kham, nên ông cứ trèo lên là lại bị nó quật ngã lên xuống. Lần bị nặng nhất là con ngựa hất ông ngã... suýt chết và cho đến giờ, vết sẹo vẫn to dùng trên đầu. Do ngựa của người Mông không có yên cũng không có dây cương nên việc ngồi lên nó để trèo đèo, lội suối là rất khó khăn... Cứ thế, ông chật vật hàng tháng trời tập cưỡi ngựa và chịu nhiều thương tích.

Nhìn chàng thanh niên A Phủ trong phim tự tin cưỡi ngựa không khác gì trai bản, thậm chí còn có khi phách, dũng mãnh hơn, ít ai nghĩ rằng ông đã chịu nhiều vất vả và sự kiên trì để chinh phục chú ngựa bất kham, cũng là để chinh phục trái tim của bao khán giả xem phim. Điều hạnh phúc nhất với ông, là sau khi bộ phim hoàn thành, đồng bào khư khư giữ ông lại không cho ông về xuôi vì họ coi ông là một người thân thích, một người trai của bản. Đi đến đâu từ đầu bản đến cuối bản ai cũng bảo với ông, nó là người của bản tôi đó.

Đóng đôi cùng NSND Trần Phương, cố nghệ sĩ Đức Hoàn, người vào vai Mỵ đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc: "Hồi đó Đức Hoàn đẹp lắm. Hai anh em cùng đi thâm nhập trên đấy. Tôi kiếm con ngựa tập cưỡi, cho Đức Hoàn ngồi sau lưng. Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn còn đây, vậy mà đến giờ, ở thế hệ diễn viên chúng tôi, nhiều người đã ra đi. Đức Hoàn hồi ấy là gái Hà Nội trẻ đẹp thế mà cả tháng trời lên tận Bắc Yên, Sơn La, để "ba cùng" với bà con dân tộc.

Cũng lên nương làm lụng, cũng đi xuống suối gùi nước hàng mấy cây số đường rừng về bản... Cô ấy hăm hở đi, hăm hở vào cuộc đến nỗi khi chưa đóng vai đã thấy một cô gái Mông ở nơi Đức Hoàn rờ rỡ, từ cái cách đi, điệu bộ ngoáy mông... y như thật. Thế cho nên chúng tôi vào vai rất tốt. Anh Trịnh Thịnh cũng thế. Giờ thì hai người đã mất cả rồi...

Còn Trà Giang đóng với tôi trong phim "Chị Tư Hậu" thì thỉnh thoảng có dịp ra Hà Nội cũng đến thăm tôi. Ngày xưa cô ấy với tôi thân lắm. Hồi làm diễn viên chúng tôi hay đóng cặp. Khi làm đạo diễn tôi cũng hay mời cô ấy đóng. Năm trước Trà Giang ra Hà Nội có gặp nói chuyện với tôi. Tôi bảo, cô tưởng tôi chết nên ra đây viếng à. Tôi cứ đùa thế. Cô ấy bảo không, em nhớ anh nên đến thăm anh. Cô ấy lại bảo anh em mình gặp nhau lần này chắc là lần cuối. Tôi mới nói, năm kia cô cũng đến và bảo như thế, rồi anh em cùng cười.

Bây giờ thỉnh thoảng có đàn em như Đức Lưu, Trịnh Thanh Nhã, ông Lê Phương bớt chút thời gian lên Trung tâm chăm sóc người cao tuổi thăm nom, chuyện trò cùng tôi, nhưng cũng đều già cả rồi. Bản thân tôi đã đi tiễn nhiều bạn bè về chín suối, nhưng nói dại mồm, nếu một ngày mình ra đi, thì chỉ có bạn bè đón ở dưới đó, còn mấy ai đưa..."

4. Sau nhiều vai diễn thành công, sau này, NSND Trần Phương trở thành đạo diễn và ông là số ít những người từ diễn viên trở thành một đạo diễn đình đám và nhiều dấu ấn. Ban đầu, ông đi làm phó đạo diễn cho Nghệ sĩ nhân dân Trần Vũ trong hai bộ phim nổi tiếng "Chuyến xe bão táp" và "Những người đã gặp". Sau đó, ông chuyển qua làm đạo diễn phim đầu tiên về đề tài an ninh mang tên "Mưa rơi trên thành phố" (1978) dựa theo tác phẩm nhà văn Nguyễn Khắc Phục, biên kịch Mai Thanh. 

NSND Đức Lưu tới thăm NSND Trần Phương tại trung tâm dưỡng lão.

Bộ phim tiếp theo "Dưới chân núi trắng" là bộ phim truyền hình màu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, thực hiện năm 1979. Năm 1980, ông cho ra mắt bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc. Trong bộ phim này, diễn viên Phương Thanh đóng vai Hiền "cá sấu", còn nam tài tử Trần Quang đóng vai tướng cướp Long Vân. Bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất và viết ca khúc "Đời gọi em biết bao lần" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với bộ phim này, Trần Phương đã giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Ông tiếp tục thực hiện những bộ phim khác như: "Hi vọng cuối cùng" (1981); "Đứng trước biển" (1985); "Hoàng Hoa Thám" (1987); "Dòng sông hoa trắng" (1989)... Bộ phim "Dòng sông hoa trắng" có sự diễn xuất của Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang (đây là vai diễn sau cùng của bà trước khi tuyên bố giải nghệ). Bộ phim "Hi vọng cuối cùng" (1981) với sự tham gia của Tất Bình và Như Quỳnh đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, riêng NSND Trần Phương giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

Thập niên 1990, khi trào lưu phim "mì ăn liền" phát triển, ông cũng tích cực tham gia với hàng loạt bộ phim "Vụ án hồ Con Rùa"; "Dòng thác"; "SBC"; "Thủ môn từ trên trời rơi xuống"; "Tình ngỡ đã phôi phai"; "Vệt sáng ngược"; "Hai năm nữa anh về"... đạt doanh thu rất cao. Nhiều bộ phim trong số này nội dung về đề tài an ninh trật tự, giúp ông ghi dấu là một trong những đạo diễn có nhiều bộ phim hay về đề tài an ninh trật tự nhất. Trong những phim của mình, Trần Phương luôn cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường. Ông đã chia sẻ rằng, thời còn sung sức nhiều người vẫn bảo ông có duyên với đề tài công an, hay được cơ hội làm phim về lĩnh vực này, bản thân ông cũng nghĩ thế.

Phim "Vụ án hồ Con Rùa" là bộ phim màu đầu tiên của Điện ảnh Công an nhân dân, cũng là sợi gắn kết mối tình của ông với những người lính trên mặt trận bảo vệ bình yên cho nhân dân. Làm phim về đề tài công an, hình sự, ông được tiếp xúc nhiều với các đơn vị công an, những người lính, cả những người chỉ huy tài ba. Sau này, vào những năm 2000, mặc dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn tiếp tục thực hiện nhiều bộ phim như "Đêm Bến Tre" hay "Khi người ta yêu nhau"...

NSND Trần Phương ngồi chuyện trò, có nhiều câu chuyện lặp lại, có lúc tôi hỏi gì thì ông nói, nếu không biết nói gì ông chỉ cười mỉm, thỉnh thoảng lại ngó lơ đầy xa vắng, tôi cảm giác được nỗi cô đơn tận cùng của ông trong hành trình cuộc sống. Ông cô đơn và buồn bởi người vợ yêu quý đã ra đi 12 năm có lẻ. Ông cô đơn vì bạn bè thân thương nhiều người đã vắng bóng... Nỗi cô đơn không thể gọi thành tên của một chàng A Phủ từng cưỡi ngựa chạy xuyên rừng đêm trong tiếng gọi của khát khao tình yêu và tuổi trẻ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.