Nhớ “Người ơi, người ở” và kỷ niệm với nhà thơ Phạm Tiến Duật

Thứ Hai, 23/01/2017, 17:45
Lệ Ngải - Cô gái ở miền đất quan họ là cảm hứng và là nguyên mẫu để nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác bài thơ (Người ơi, người ở) đăng trên tạp chí Quân đội sau khi hai người gặp nhau được hai tháng.

Sinh ra từ nôi của làng quan họ vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh, NSƯT Lệ Ngải là một trong những người đầu tiên học ở Đoàn Quan họ Bắc Ninh  khi bố chị là người thành lập đoàn này (nay là Nhà hát Quan họ Bắc Ninh). Tết năm 1970, Lệ Ngải là một trong hai học sinh ưu tú của Đoàn quan họ được cử đi phục vụ chiến đấu ở chiến trường. Và Tết năm Canh Tuất đã để lại dấu ấn sâu đậm khi cuộc gặp gỡ thân tình giữa nhà thơ Phạm Tiến Duật và cô gái của đoàn văn công - Lệ Ngải.

NSƯT Lệ Ngải.

Cô gái ở miền đất quan họ là cảm hứng và là nguyên mẫu để nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác bài thơ (Người ơi, người ở) đăng trên tạp chí Quân đội sau khi hai người gặp nhau được hai tháng.

Nếu ai yêu tiếng hát quan họ, hẳn chả lạ gì tiếng hát của "chị hai" Lệ Ngải. Chỉ cần bật trên thanh công cụ google để tìm về tiếng hát quan họ Bắc Ninh, sẽ ra hàng chục bài của hai liền chị nổi đình nổi đám Lệ Ngải và Lê Phức (mẹ của danh hài Tự Long). Hai nghệ sĩ, nghệ nhân của làng quan họ. Lệ Ngải thuộc lớp đàn chị của NSND Thúy Cải và là thầy của NSND Thúy Hường.

Thật cũng chả khó khăn gì khi tìm nhà "chị" (gọi là chị theo lối nói liền chị, chứ thực ra bà đã lên chức bà từ lâu rồi), và người bạn chỉ đường thì cũng thật kì khôi, người ấy bảo, chỉ cần đi qua cầu Hồ vào trung tâm thành phố, nhà chị nằm trên con phố nghệ sĩ, nơi mà hàng chục gia đình nghệ nhân quan họ sinh sống - phố Nguyễn Trãi. Đến đấy hỏi nhà chị thì ai cũng biết. Quả đúng vậy, nhà chị nằm ngay gần kề Nhà hát quan họ.

Ngôi nhà mặt đường 4 tầng vuông vức to rộng nhưng không để kinh doanh buôn bán. Ngay khi cánh cửa mở ra, không gian của phòng khách trên vách treo những bức ảnh lớn lưu lại những dấu ấn của thời gian về một thời để nhớ. Đó là ngày chị được Chủ tịch Nước trao danh hiệu NSƯT.

NSƯT Lệ Ngải và con gái (chị đang sửa soạn áo tứ thân cho con).

Hay bức ảnh chị mặc áo tứ thân hát trên Đài truyền hình Việt Nam, gặp gỡ nghệ nhân quan họ vào dịp Tết đến, xuân về. Cạnh đấy là bức ảnh chị đang hát trên sân khấu phục vụ cho các chiến sĩ ngày kỉ niệm những người lính Trường Sơn năm xưa… và tất nhiên còn có cả ảnh gia đình, con trai, con gái.

Trên sàn nhà chị trải chiếu pha trà tiếp khách, mặc dù nhà có hẳn cả bộ salon, nhưng cả chủ và khách lại ngồi dưới chiếu. Điều này khiến tôi đang liên tưởng đến khi người ta đến một nhà liền anh liền chị quan họ nào thì việc ngồi dưới chiếu cũng khiến người ta nghĩ là đang chuẩn bị nghe hát: "Mấy khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước chuyên trà khách xơi/ Trà này ngon lắm người ơi/ Mỗi người mỗi chén, bõ công tôi chuyên trà". Nhưng, hôm nay chúng tôi không nghe hát mà nghe lại câu chuyện giữa một thi nhân và một cô gái làng quan họ.

Bây giờ đang độ vào xuân mưa lây phây và đào quất rung rinh khắp các con phố, từ rất nhiều năm nay chẳng còn nghe tiếng pháo râm ran nhưng nhìn hoa đào khoe sắc thắm là người ta lại thấy không khí xuân đang tràn ngập gọi cửa muôn nhà. Tôi đến chơi với chị cũng trong một buổi chiều vào độ những ngày Tết đang cận kề, và chị trải lòng về một thời đã qua, đã xa, xa lắm nhưng nhớ lắm, yêu lắm, cũng liên quan đến Tết, một cái Tết đáng nhớ mà suốt mấy chục năm rồi chị chẳng thể nào quên.

NSƯT Lệ Ngải và những liền anh liền chị quan họ.

Năm 1969, cha chị thành lập Đoàn quan họ Bắc Ninh. Ông bố thấy tố chất cô con gái rượu nên cho gia nhập đoàn, và cô gái vào đoàn năm vừa tròn 18 tuổi. Vào dịp gần Tết năm Nhâm Tuất 1970, Ty Văn hóa có giấy gửi xuống đoàn cử người đi phục vụ bộ đội ở chiến trường trong Nam. Chị là người đầu tiên được đoàn quan họ cử đi. Chuyến đi đó ngoài người bên đoàn quan họ còn có các đoàn nghệ thuật khác như tuồng, chèo, cải lương, múa, cả trưởng đoàn và diễn viên tất cả có 14 người.

Mọi người được đưa đến tỉnh Savannakhet biểu diễn văn nghệ cho những chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào đón Tết năm ấy. Đến nơi, cô ngỡ ngàng khi bộ đội ta đào những đường hầm, những ngôi nhà bí mật nằm trong lòng đất, có sức chứa hàng trăm người. Dưới lòng đất sáng trưng bởi ánh đèn neon. Các anh bộ đội cũng thật khéo tay. Các anh tự tay trồng rau, nuôi lợn, làm thịt mỡ, củ kiệu, dưa hành, bánh chưng, bánh tét đầy đủ cả.

19 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, đặt chân đến chốn lạ lẫm lại chưa quen về thổ nhưỡng khí hậu, cô gái ốm lên ốm xuống. Một tối, có một người con trai dáng thư sinh mảnh khảnh đến nơi binh trạm của Lệ Ngải đang ở. Sau khi trò chuyện thăm hỏi, cô được biết đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật, anh bảo với cô gái: "Sáng mai, em qua chỗ anh chơi, anh ở gần chỗ em thôi". Cô gái đang sốt ,hai má đỏ hồng nói: "Nhưng em ốm lắm, sợ không đi được đâu!". Người thanh niên bảo: "Yên tâm, cứ qua chỗ anh, chỗ anh có lá chua ăn vào sẽ khỏi sốt, anh biết em đang sốt nên mang cho em một ít lá chua".

Nhà thơ trẻ chìa bàn tay ra, có một nắm lá. Lá này ăn vào có vị chua mát, con gái rất thích, nhất là ai đang bị sốt, háo nước có được nắm lá này và chỉ có vùng đất này mới có. Cô gái nhìn nắm lá chua trên tay nhà thơ trẻ, vừa thẹn thùng, vừa vui sướng, xòe tay ra.

Như đã hẹn, sáng hôm sau đến chỗ nhà thơ trẻ, cô thấy rất nhiều các chiến sĩ bộ đội ngồi ở đấy từ bao giờ. Cô ngại quá, nói với nhà thơ: "Em tưởng chỉ ít người thôi chứ nhiều người như thế này à". Các anh bộ đội đều cười vui vẻ trêu: "Bọn anh ở đây để đợi em đến hát cho nghe đấy". Cô gái nhẹ nhàng nói: "Nhưng em đang sốt, hát chắc không hay đâu". Các anh xúm lại an ủi: "Không sao đâu, em cứ hát đi, hát không hay nhưng có tiếng hát là các anh vui rồi".

Giữa những người lính tha thiết như vậy, mặc dù đầu còn váng vất, toàn thân nhức mỏi, Lệ Ngải cũng đánh liều ca liền mấy bài. Lúc đầu một vài người xung quanh mình khóc, rồi lan ra nhiều người mắt đỏ hoe. Các anh nhớ nhà, nhất là dịp Tết nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc. Có những anh bộ đội xa nhà đã 3 năm, 5 năm thậm chí 7 năm… Lần này, được nghe tiếng hát từ người con gái của vùng quê quan họ, các anh lại thấy ấm lòng, và bồi hồi nỗi nhớ quê nhà.

Đến giờ chia tay các anh chiến sĩ, Lệ Ngải ra về, nhà thơ Phạm Tiến Duật nắm chặt tay Lệ Ngải bảo: "Ngay tối nay anh sẽ có bài thơ viết tặng riêng cho em, mai anh sẽ mang qua chỗ em". Không ngờ, ngay buổi chiều hôm đó, đoàn văn công lại nhận được lệnh đi Pleicu, Kom Tum. Chẳng kịp từ biệt những người chiến sĩ trẻ và nhà thơ thư sinh, cô gái theo đoàn văn công rời binh trạm tỉnh Savannakhet về nước để vào Pleicu.

Lạ khí hậu, chưa quen sương gió dãi dầu, cả đoàn có 14 người mà có đến 9 người bị sốt rét rừng hành hạ. Vậy là cứ đến điểm binh trạm bộ đội nào, đoàn có ai sốt lại phải gửi lại binh trạm ấy. Chẳng còn đủ người để biểu diễn, sức khỏe lại hao mòn, đoàn không vào Pleicu như dự định mà ra Quảng Trị, Quảng Bình hát phục vụ các đơn vị bộ đội ở đây.

Ra đến Bắc cả đoàn còn lại có 5 người trong đó có Lệ Ngải. Khoảng nửa năm sau trong một dịp tình cờ, Lệ Ngải gặp nhà thơ Trần Ninh Hồ, ông biết Lệ Ngải là người con gái đầu tiên của quê hương quan họ tham gia đoàn văn công vào chiến trường miền Nam và sang đất bạn Lào như một bài thơ ông đã đọc: "Người ơi, người ở" trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông bảo: "Em có bài thơ của Phạm Tiến Duật viết tặng cho riêng em trên tạp chí Văn nghệ quân đội đấy". Lệ Ngải biết nhà thơ trẻ và kỉ niệm Tết năm đấy đã giữ đúng lời hứa, nhưng biết vậy cô gái trẻ cũng chưa biết bài thơ đấy viết ra sao?

Khi đất nước thống nhất vừa tròn được một năm, năm 1976, trong một dịp vô tình nhà thơ Đồng Đức Bốn gặp Lệ Ngải bảo: "Anh còn giữ quyển tạp chí Văn nghệ quân đội có bài thơ nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng em, anh đã cẩn thận giữ gìn, nay gặp được em anh trao quyển sách này cho em". Lệ Ngải rưng rưng xúc động, cầm quyển tạp chí và lần giở bài thơ mà nhà thơ trẻ đã viết tặng mình trong tết năm đó.

Tiêu đề bài thơ là "Người ơi người ở": "Bao nhiêu người đã hát/ Bây giờ lại đến em/ Bao nhiêu người hồi hộp/ Bây giờ lại đến anh/ Ở hai thung lũng xanh/ Kề nhau thành hàng xóm/ Công việc như nước cuốn/ Chẳng bao giờ thăm nhau/ Nắng đã tắt từ lâu/ Tiếng ve như kéo mặt/ Dáng em ngồi trước mặt/ Như cây nhỏ trong vườn/ Chẳng thể gặp nhau luôn/ Hãy ngồi thêm lát nữa/ Hai người hai cánh cửa/ Khép mở hai vùng trời/ Gặp biết bao nhiêu người/ Nhớ bao nhiêu khuôn mặt/ Con đường thì tít tắp/ Mặt trận thì mênh mông/ Chẳng nhớ nữa mùa đông/ Đi qua bao hang đá/ Cũng quên rồi mùa hạ/ Ở bao nhiêu nhà hầm/ Công việc cùng tháng năm/ Hát vui cùng chiến sĩ/ Những ngày đi đánh Mỹ/ Bao nhiêu người quen nhau".

NSƯT Lệ Ngải hướng ánh mắt buồn ra ngoài khung cửa, gió se se lạnh, mưa lắc rắc bay, chị bảo: Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, cũng vào dịp Tết, ra xuân… Trước đó, ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Bắc Ninh năm 2005, nhà thơ Phạm Tiến Duật và Lệ Ngải lại gặp nhau. Lệ Ngải lên đọc bài thơ "Người ơi, người ở" của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng mình cách nay đã lâu.

Nhà thơ lúc này tuổi đã ngoài 60, khuôn mặt hằn lên những dấu vết của thời gian, khi Lệ Ngải đọc hết bài thơ, nhà thơ cầm một bông hồng đỏ lên tặng, đôi mắt đỏ hoe nói: "Bao nhiêu năm rồi mà em vẫn còn thuộc bài thơ à?". Lệ Ngải trả lời: "Em đã thuộc từ lâu và lúc nào bài thơ cũng nằm trong tâm hồn em, lúc nào em cũng có thể đọc được, trước đây, bây giờ và cả mãi mãi sau này".

Sau dịp đấy, họ còn gặp nhau một lần nữa ở nhà của nhà văn Đỗ Chu, trước cái Tết năm nhà thơ Phạm Tiến Duật mất. Nhà văn Đỗ Chu có cái thú phong lưu của văn nhân thi tửu, cứ mỗi độ Tết ra là ông lại tổ chức các bạn bè xôm hội tại nhà mình ngâm thơ ca hát. Tết năm 2007, Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng có mặt trong cuộc vui bạn bè ấy, nhà thơ bảo với nhà văn: "Anh gọi Lệ Ngải đến đây đi".

Đỗ Chu điện thoại, Lệ Ngại tới. Những người bạn cũ lại gặp nhau. Lệ Ngải không ngờ sau cái Tết năm đầu tiên chị hát ở nhà nhà văn Đỗ Chu cũng là lần cuối cùng chị gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Vào cuối năm đó, nhà thơ mắc bệnh hiểm nghèo ra đi. Nhà thơ Phạm Tiến Duật mất cách nay chín năm, vậy mà chín năm sau đó, cứ mỗi độ sau Tết, vào dịp tháng giêng là chị lại cùng với những người bạn khác đến nhà nhà văn Đỗ Chu cất tiếng hát quan họ đón chào năm mới và tưởng nhớ về người bạn, người anh đã ra đi - nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Cuộc đời của chị gắn liền với tiếng hát quan họ, chị bảo làng quê của chị  trẻ 5 tuổi cũng biết hát quan họ. Ngoài việc hát chị còn là giáo viên dạy quan họ cho khắp các trường ở Bắc Ninh và trường nghệ thuật ở Bắc Giang. Đã có không ít học trò của chị thành danh như NSND Thúy Hường, Tân Nhàn…

Chị dặn tôi ngày 25 tháng Giêng âm lịch về làng chị để nghe quan họ, đó là những canh hát mừng hội, mừng xuân mới, và chúc thọ các cụ già trong làng. Ngày hội làng vui lắm, mà lại là ngày hội của làng quan họ thì càng vui hơn. Ngoài trời mưa vẫn bay, chị hai quan họ tiễn tôi về. Người đàn bà quan họ đã bước vào tuổi 65 nhưng vẫn mặn mà sắc đẹp của vùng đất quan họ.

Mỹ Trân
.
.