Dịch vụ truyền hình trả tiền dựa trên internet

Khi nền tảng xuyên biên giới vẫn chưa thể kiểm soát

Thứ Ba, 25/08/2020, 20:46
Các kênh dịch vụ truyền hình trả tiền đang hoạt động dưới chế tài của Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó, yêu cầu việc cung cấp dịch vụ phải có giấy phép, đối tượng cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị định 06 chưa quy định đối với doanh nghiệp OTT (dịch vụ truyền hình có trả tiền dựa trên các nền tảng internet) xuyên biên giới.

Giải quyết khi sự đã rồi

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có công văn yêu cầu công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.

Theo đó, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu Netflix gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt. Cục cũng nhấn mạnh, nếu có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, Netflix cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Bộ phim “Madam Secretary” gây tranh cãi khi chú thích một cảnh ở Hội An (Việt Nam) là Phù Lăng (Trung Quốc).

Cục PTTH&TTĐT chỉ ra trong phim tài liệu “Vietnam War” có nội dung xuyên tạc lịch sử; trong phim điện ảnh “Madam Secretary” có nội dung xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam; trong “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”... có nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm.

“Các nội dung này không được biên tập để phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; khi chuyển ngữ tiếng Việt, sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp với trẻ em”, văn bản của Cục PTTH&TTĐT nêu rõ.

Phía lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cũng xác nhận, đại diện Công ty Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Singapore đã nhận được văn bản nêu trên của Cục PTTH&TTĐT. Hiện Cục PTTH&TTĐT đang chờ động thái chính thức từ phía Công ty Netflix.

Trước đó, Bộ TT-TT đã có công văn số 2348/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 25/6/2020 gửi các cơ quan báo chí, cảnh báo về các nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam, trong đó có Netflix. Bộ TT-TT cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm thông tin, quảng bá cho các dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước đã có giấy phép.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, được yêu cầu gỡ từ cuối tháng 7/2020 nhưng đến ngày 10/8, bộ phim “Vietnam War” và “Madam Secretary” đã không còn tìm thấy, các bộ phim có chứa yếu tố của Netflix bạo lực, khiêm dâm được Cục PTTH&TTĐT nhắc tới như “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”... vẫn còn trên hệ thống.

Trong quá khứ, Netflix  bị cơ quan quản lý tại Việt Nam cảnh báo khi cung cấp nội dung trên dịch vụ không được thực hiện biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Năm 2019, Cục PTTH&TTĐT đã trực tiếp gửi bằng chứng vi phạm này đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam. Song, những sai phạm này của Netflix chỉ bị cơ quan chức năng xử lý kiểu “sự đã rồi” sau khi bị người dùng tại Việt Nam phát hiện và phản ánh.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Khoảng vài năm trở lại đây, các dịch vụ OTT xuyên biên giới đang có mặt tại Việt Nam như: Netflix, Iflix, Amazon (Mỹ); WeTV, iQIYI (Trung Quốc).. đã nhanh chóng phát triển và mở rộng thị trường, tạo nên thị trường sôi động. Statista (một công ty chuyên về thống kê của Đức) đã cung cấp một báo cáo, tính đến giữa năm 2020, Netflix có hơn 192 triệu thuê bao, trong đó, có gần 73 triệu thuê bao tại Mỹ, còn lại là người dùng từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, con số người dùng Netflix tại thời điểm hiện tại không được công bố. Nhưng số liệu từ tháng 10/2018, ước tính có hơn 300.000 thuê bao sử dụng với 3 mức phí có thể lựa chọn từ 180.000-260.000 đồng/tháng. Đáng nói, người dùng trong nước trực tiếp thanh toán cước phí qua thẻ cho Netflix, Nhà nước Việt Nam hoàn toàn thất thu thuế từ nguồn này.

Báo cáo của Bộ TT-TT cũng ghi nhận, hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu được một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ, chưa đóng các loại phí, thuế, chưa thực hiện biên tập về nội dung.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, việc Netflix chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật Việt Nam doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam theo quy định tại điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Ngoài ra, Điều 8 của quyết định 20/2011/QĐ-TTg cũng quy định:“Đơn vị cung cấp nội dung trên truyền hình trả tiền là đơn vị có giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực truyền hình (báo hình) của Việt Nam, được phép cung cấp chương trình, kênh chương trình cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền”.

“Mặc dù Netflix đang có sự vi phạm rất rõ ràng nhưng hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về các chế tài xử phạt đối với các sai phạm của các loại hình doanh nghiệp OTT xuyên biên giới nên việc xử phạt Netflix đang là một điểm còn vướng mắc”, luật sư Hòe nói thêm. Bản thân lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, Cục Điện ảnh (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thừa nhận, Luật Điện ảnh chưa có quy định điều chỉnh, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của loại hình này.

Việc chưa có hành lang pháp lý khiến nội dung trên nền tảng OTT xuyên biên giới bị thả nổi, dễ dàng cung cấp dịch vụ mà không phải triển khai hạ tầng, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, phí. Điều này tạo nên một cuộc cạnh tranh thiếu sòng phẳng với các đơn vị dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước như VTVCab, SCTV, K+... 

“Truyền hình trả tiền của Việt Nam phát triển từ hơn 20 năm nay, với thị trường rộng khắp trên cả nước. Từ năm 2012-2015, truyền hình trả tiền của Việt Nam còn phổ cập đến 90% các địa bàn, kể cả vùng sâu vùng xa.

Đến năm 2016, OTT xuyên biên giới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam chiếm khoảng 10-15% thị phần và tăng rất nhanh. Hiện tại rất nhiều địa bàn, truyền hình OTT của nước ngoài cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ở các thành phố lớn, có thể chiếm đến 50% thị phần”, ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhìn nhận.

Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam.

Ông Cường cho biết thêm, nếu tình trạng này còn kéo dài, nó sẽ trở thành sự “bảo hộ ngược” cho các kênh truyền hình OTT xuyên biên giới. Trong khi các đơn vị trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt thì các đơn vị nước ngoài không những không thực hiện các quy định cần thiết mà còn vi phạm pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Thực tế, từ năm 2018 đến nay, phía Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã có nhiều văn văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước. Nhà nước cũng đã có hơn 20 cuộc hội thảo về vấn đề sửa đổi bổ sung Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.

Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản gửi Thủ tướng yêu cầu khẩn thiết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ TT-TT, Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý khác liên quan kiến nghị sớm hoàn thiện văn bản pháp lý là Nghị định 06 sửa đổi bổ sung; để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.

Đồng thời quản lý, cấp phép cho tất cả các đối tượng trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật khi thực hiện cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong kiến nghị của hiệp hội cũng nêu rõ, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì cần tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới đối với các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như: Netflix, iFlix, Amazon, Facebook, WeTV, iQIYI...

Làm sao để có thể truy thu thuế đối với Netflix?

Tại Hàn Quốc, những phản ứng về việc Netflix không đóng thuế, hoạt động trái phép đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2018. Theo nhóm Liên minh Công lý kinh tế (CCEJ), Chính phủ Hàn nên yêu cầu Netflix phải trả phí mạng như các nhà cung cấp nội địa khác. Cụ thể, các công ty đia phương như Naver và Kakao đã trả phí hằng năm lần lượt là 70 tỷ won và 30 tỷ won cho các dịch vụ internet địa phương (ISP) trong nước. Trong khi đó, Netflix chỉ trả phí sử dụng mạng ở Mỹ và Pháp.

Phía Netflix khẳng định họ đã ký thỏa thuận sử dụng mạng với một số ISP trong nước và họ không có nghĩa vụ phải trả phí thêm.

Song, đến tháng 3/2020, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) mới tiến hành điều tra dịch vụ phát trực tuyến Netflix vì từ chối trả phí sử dụng mạng cho các nhà cung cấp ISP. Đến cuối tháng 7/2020, KT (dịch vụ mạng internet tại Hàn Quốc) xác nhận đã đạt được thỏa thuận hợp tác nội dung với Netflix nhưng các quan chức KT từ chối tiết lộ chi phí hợp đồng.

Cũng trong tháng này, Chính phủ Indonesia đã quyết định đánh thuế VAT 10% đối với các công ty công nghệ trong đó có Amazon, Netflix, Spotify và Google. Theo quy định của Indonesia, các công ty nước ngoài có doanh thu ít nhất 600 triệu Rupiah (khoảng 41 nghìn USD) từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Indonesia hoặc có ít nhất 12.000 lượt truy cập mỗi năm sẽ phải trả 10% thuế VAT. Phản hồi về yêu cầu này, hãng Reuters cho biết đại diện Netflix cam kết sẽ tôn trọng quy định của chính quyền Indonesia.

Trong một chuyến thăm và làm việc của ông ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến Việt Nam và được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp kiến, đại diện Netflix cho biết mong muốn được đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam, tuân thủ luật pháp Việt Nam trong đó có nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chỉ dừng lại ở lời cam kết.

Luật sư Trương Quốc Hòe thừa nhận, câu chuyện làm thế nào để thu được thuế của các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới là một bài toán rất khó đối với nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam. Vì vậy, đã có hàng loạt sửa đổi theo hướng chống thất thu thuế được đưa ra trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi để trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ VII. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, không có cơ sở thường trú ở Việt Nam phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một giải pháp được đưa ra là cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, thống kê các số lượng giao dịch xuyên biên giới, doanh thu để cơ quan nhà nước quản lý và thu được thuế.

Cụ thể phải có sự phối hợp giữa các bên thương mại điện tử với ngân hàng thương mại, các cơ quan thuế, thông tin truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng, viễn thông để từ đó làm nền tảng để truy xuất các giao dịch đã được thực hiện trên nền tảng đó.

Trong đó, điểm mấu chốt của vấn đề là phải nắm được các dòng tiền chuyển đi và chuyển về. Một giải pháp được đưa ra là cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, thống kê các số lượng giao dịch xuyên biên giới, doanh thu để cơ quan nhà nước quản lý và thu được thuế.

“Chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, những thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam cần phải nghiêm túc loại trừ. Thế hệ người Việt Nam phải được giáo dục lịch sử, hiểu rõ quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của Việt Nam, mọi thông tin liên quan đến chủ quyền phải được kiểm duyệt. Do vậy, để tránh những trường hợp như Netflix, thiết nghĩ chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể về vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như cần thiết có những chế tài thật nghiêm khắc đối với những sai phạm tương tự”, luật sư Trương Quốc Hòe cho hay.

Thảo Dung
.
.