Nhà báo đi “đòi” chính sách

Thứ Năm, 25/12/2014, 08:10
Gần 20 năm qua, một trong những thành công làm nên thương hiệu của An ninh thế giới (ANTG) chính là chất nhân văn trong mỗi bài viết. ANTG không chỉ là cầu nối nhân ái giữa nhà hảo tâm với những cảnh đời kém may mắn mà còn là nơi để những người oan khuất tìm đến, và đã có những số phận được thay đổi sau một bài báo…

1. Bốn năm rồi tôi mới trở lại ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Vũ Thị Việt ở xóm 13, xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Gặp lại người quen, chị mừng rỡ khoe vừa đi trông cháu ngoại ở trong Khánh Hòa về được mấy tháng. Hai cô con gái giờ đều đang công tác ở Công an tỉnh Khánh Hòa nên năm nào chị cũng vào, ở vài tháng lại ra vì còn phải về phụ giúp cho vợ chồng cậu con trai cả trông nom nhà cửa ruộng vườn với 5ha rừng nữa.

Nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh anh Nguyễn Trọng Lập và tấm bằng "Tổ quốc ghi công", chị bảo 4 năm nay, từ ngày anh được công nhận liệt sĩ, không chỉ 4 mẹ con chị mà cả bố mẹ, anh em anh Lập đều như trút được món nợ với người đã khuất, với riêng chị, giờ đây con cái đều trưởng thành cả nên thoải mái tinh thần, vì thế dù đã gần 60 tuổi rồi, công việc nhà nông vất vả quanh năm nhưng chả ốm đau gì.

Chị nói: "Ngày xưa có nhiều lúc ốm chỉ vì nghĩ nhiều quá về việc của anh mà không biết làm thế nào, cũng may ngày ấy có Báo ANTG nói giúp chứ không việc của anh chắc bị bỏ quên".

2. Nghe chị nhắc lại chuyện cũ, tôi lại nhớ cái lần đầu gặp chị cách đây đã hơn 6 năm. Đó là một ngày cuối tháng 8/2008, một người đàn ông lạ gọi điện cho tôi. Anh tự giới thiệu là Vũ Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng.

Sau khi tự giới thiệu, anh Tâm bảo rằng chỉ biết tôi qua đọc Báo ANTG nhưng anh muốn tôi giúp cho một việc: "Việc này nếu nhà báo không giúp được thì cũng không biết nhờ chỗ nào nữa". Đó là trường hợp của một anh Phó công an xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, dù hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã 9 năm mà không được hưởng chế độ gì.

Nhà báo Nguyễn Như Phong, khi đó là Phó Tổng Biên tập phụ trách Chuyên đề ANTG, nghe tôi báo cáo liền chỉ đạo từ trường hợp này, cần làm việc với Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an để lấy thêm tư liệu và viết thành loạt phóng sự điều tra về những bất hợp lý của chính sách đối với lực lượng Công an xã.

Một tuần sau, tôi lên Đoan Hùng. Tiếp tôi trong căn nhà xây 3 gian đổ mái bằng nằm ngay cạnh Quốc lộ 2 nhưng đã lâu không được tu sửa nên cũ kỹ, mốc loang lổ là một người phụ nữ gày gò với gương mặt khắc khổ. Chị vừa khóc vừa nói đã 9 năm qua chị đã làm đơn gửi rất nhiều cơ quan từ huyện, tỉnh tới Trung ương để đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh, nhưng chẳng có kết quả gì nên lần này chị tìm nhà báo và chỉ còn biết hy vọng báo Công an "nói hộ".

Nói rồi, chị mở tủ lấy ra một chồng đơn và các loại văn bản do các cơ quan trả lời cùng bản án của tòa xét xử kẻ đã bắn chết anh Lập đêm 25/11/1999.

Giờ đây mẹ con chị Việt luôn tự hào vì sự hy sinh của anh Lập.

Theo nội dung vụ án thì khoảng 20h30 phút ngày 25/11, Phạm Văn Quang, Thiếu úy chuyên nghiệp thuộc Trung đoàn 406 - Quân khu 2, cùng hai chiến sĩ chuẩn bị đi tuần tra khu vực đơn vị đóng quân. Khi đi, Quang mặc áo khoác dân sự, đầu trùm khăn len, chân đi dép tông và mang theo 1 khẩu súng K54 có 3 viên đạn. Ra khỏi đơn vị, Quang đi ra ngoài phạm vi tuần tra của đơn vị.

Giữa đêm, gia đình bà Nguyễn Thị Lâm và gia đình anh Nguyễn Văn Giáp (ở thôn 10, xã Tiêu Sơn) đã đi ngủ, Quang không quen biết các gia đình này nhưng vẫn vào nhòm ngó, sờ vào khóa cửa, đi lại quanh nhà, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Khi bị anh Giáp phát hiện, hỏi thì Quang không trả lời, khi bị hỏi nhiều lần, Quang trả lời quanh co.

Thấy vậy anh Giáp đã đến báo cáo anh Lập. Khi anh Lập và anh Giáp đến gặp Quang, anh Lập yêu cầu Quang cho kiểm tra giấy tờ và về trụ sở Ủy ban xã làm việc. Nhưng Quang không chấp hành mà định bỏ đi. Khi anh Lập tiếp tục yêu cầu Quang làm việc nghiêm túc, lúc này Quang và anh Lập đứng đối diện nhau, cách nhau khoảng 1m, Quang rút súng ra cầm tay phải, hướng nòng súng vào người anh Lập và nói: "Ông chán sống rồi à". Anh Lập trả lời: "Không ai chán sống nếu vì nhiệm vụ...".

Ngay lúc đó, Quang bóp cò, anh Lập ngã xuống đường. Sau khi bắn anh Lập, thấy mọi người la hét, Quang nói: "Còn thằng nào chán sống nữa?", rồi giắt súng vào bụng, bỏ xe máy chạy về đơn vị...

Bản án phúc thẩm của Tòa án Quân sự Trung ương đã kết luận "hành vi phạm tội của Phạm Văn Quang là rất nghiêm trọng...", tuyên phạt Quang 20 năm tù về hai tội "giết người" và "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"...

Sau khi có bản án, dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Phú Thọ đã làm hồ sơ gửi lên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Lập nhưng không được chấp nhận với lý do "căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 28/CP của Chính phủ thì trường hợp chết của ông Lập chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ".

Thậm chí, Bộ LĐ-TB&XH có công văn gửi ngược UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết theo thẩm quyền…

Anh Lập hy sinh để lại cho vợ 3 đứa con nhỏ dại và món nợ mấy chục triệu đồng vay để xây nhà khiến cuộc sống của 4 mẹ con càng cơ cực vì anh em họ hàng hai bên cũng chẳng ai khá giả gì. Vì không có tiền mà đứa lớn học hết cấp ba phải nghỉ học ở nhà lao động giúp mẹ nuôi hai em. Một người em trai của anh là bộ đội công tác ở Nha Trang phải giúp chị bằng cách đưa hai đứa con gái nhỏ vào trong ấy nuôi giúp.

Nhưng hơn cả sự vất vả trong cuộc sống ấy là nỗi day dứt của cả đại gia đình với câu hỏi vì sao anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà không được công nhận là liệt sĩ? Thậm chí, trong lễ truy điệu anh, người ta cũng nói tránh đi là "từ trần trong khi làm nhiệm vụ".

Suốt 9 năm trời, người đàn bà lam lũ ấy không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá đơn gửi đi khắp nơi. Chị kể rằng ban ngày thì còn đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, đến đêm, khi con đã ngủ, chị lại hì hụi ngồi viết đơn, có những hôm vừa viết vừa khóc; gửi đơn đi lại hy vọng. Nhưng rồi tất cả chỉ trả lời chung chung hoặc là chỉ dẫn gửi đơn sang một cơ quan khác.

Ngôi nhà anh Lập xây cho vợ con trước khi hy sinh.

Cho tới tháng 6/2008, khi gặp anh Tâm, người bạn của anh Lập suốt 9 năm trời rất nhiệt tình trong việc giúp chị tìm các loại văn bản quy định của Nhà nước về chính sách với người có công và chỉ cho chị những nơi phải gửi đơn, chị than thở "nhà em mất gần 10 năm rồi anh ạ, gửi bao nhiều đơn vậy mà người ta cứ trả lời thế này thì chắc là không được rồi".

"Nghe tôi nói thế, bác Tâm bảo rằng lần này chắc phải tìm nhà báo hoặc luật sư để họ giúp thôi cô ạ. Mấy tuần sau, bác Tâm bảo tôi rằng đã tìm được điện thoại của một nhà báo ở Báo ANTG, nhà báo đã hứa sẽ lên tận nơi tìm hiểu sự việc"…

3. Sau khi có đầy đủ tư liệu về trường hợp hy sinh của anh Lập, tôi sang làm việc với Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an để lấy tư liệu về một số trường hợp khác cũng đã hy sinh nhiều năm mà không được công nhận liệt sĩ.

Nghe tôi kể về trường hợp của anh Lập, Đại tá Lương Ngọc Dương, hiện là Phó Cục trưởng, ngày ấy là Trưởng phòng 3, cũng rất bức xúc vì cách làm việc máy móc của những cán bộ làm chính sách nhiều khi chỉ "chẻ câu, chẻ chữ" mà không chịu nhìn nhận sự hy sinh của anh em một cách có hệ thống để có sự vận dụng linh hoạt.

Tháng 10/2008, phóng sự 2 kỳ "Nỗi niềm Công an xã" được đăng trên Chuyên đề ANTG, trong đó ngoài trường hợp của anh Lập là một "ví dụ điển hình" về những bất hợp lý và sự vô cảm của những người làm chính sách còn nêu hàng chục trường hợp anh em công an xã hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ mà không được hưởng chính sách đãi ngộ gì.

Sau khi báo đăng đã  nhận được sự phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 12/2008, Sở LĐ-TB&XH có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập. Tháng 2/2009, UBND tỉnh Phú Thọ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập.

Nhưng, đầu tháng 8/2009, anh Tâm lại điện cho tôi thông báo  hồ sơ của anh Lập sau khi hoàn chỉnh ở tỉnh, đưa về Bộ LĐ-TB&XH thì lại tắc nên "chú thử sang Bộ hỏi giúp thế nào chứ thế này thì chẳng khác nào suốt 9 năm trước".

Tôi điện thoại cho ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Thương binh, liệt sĩ và người có công. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Thái tư vấn trường hợp của anh Lập chỉ còn một cách, đó là làm thế nào để UBND tỉnh Phú Thọ có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH công nhận liệt sĩ và giải quyết chế độ cho anh Lập.

Nghe tôi báo lại, anh Tâm nhận lời ngay. Sau này, anh Tâm mới kể lại rằng vì có mối quen biết với bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phụ trách mảng văn - xã nên anh quyết định gửi cho bà một cái "thư công tác" với lời lẽ rất… thống thiết, rằng "là phụ nữ, em xin chị hãy có sự cảm thông và chia sẻ với một người phụ nữ…". Ngoài lá thư, anh Tâm còn kẹp vào cả hai kỳ báo ANTG kèm theo lời nhắn "chị hãy bớt chút thời gian đọc hết bài báo này".

Sau đó, bà Hải yêu cầu cho kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của anh Lập. Ngày 27/10/2009, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH  khẳng định: "Ông Nguyễn Trọng Lập là Phó công an xã Tiêu Sơn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm có những hành động vì sự bình yên của nhân dân, cương quyết chống lại đối tượng nghi vấn là tội phạm. Đối chiếu với chế độ chính sách của Nhà nước ban hành, UBND tỉnh Phú Thọ kính đề nghị Cục Người có công, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng bằng "Tổ quốc ghi công" đối với ông Nguyễn Trọng Lập".

Ngày 20/7/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1238/QĐ-TTg công nhận liệt sĩ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập. Vậy là sau 11 năm chờ đợi, nỗi day dứt của 4 mẹ con chị Việt cùng cha, mẹ, anh, em của anh Lập đã được giải tỏa. Hôm dự lễ truy tặng danh hiệu liệt sĩ nhận tấm bằng "Tổ quốc ghi công", chị Việt vừa khóc vừa nói tấm bằng này đã trả lại danh dự cho anh.

Còn với chúng tôi, ngoài niềm vui cũng cảm thấy nhẹ lòng khi làm được một việc nghĩa.

Nguyễn Thiêm
.
.