Nhà toán học đam mê tranh sơn mài

Thứ Năm, 20/12/2018, 10:22
Có những niềm đam mê chưa bao giờ tắt và đã đi theo họ suốt cả cuộc đời như là một duyên nghiệp. Với Phó giáo sư - tiến sĩ toán học Đặng Khánh Hội, thì vẽ như một định mệnh khó chối bỏ.

Là thầy giáo 40 năm trên bục giảng, từng có nhiều công trình nghiên cứu về toán học được in và dịch thành sách ra hai thứ tiếng Nga và Đức, nhưng vẽ tranh lại là một duyên nghiệp, như một người tình mà ông theo đuổi suốt 10 năm nay. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dốc toàn bộ tâm ý cho môn nghệ thuật màu sắc đa chiều này.

Nằm ở cuối thành phố, qua cầu Đen Hà Đông, trong con ngõ nhỏ bên dòng sông Nhuệ thơ mộng là ngôi nhà của Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) toán học Đặng Khánh Hội. Trước cửa nhà là giàn gấc chi chít quả, mảnh sân vườn đầy nắng vừa đủ rộng để hằng ngày ông thả hồn phiêu diêu vào thế giới của hội hoạ.

Ngay tại phòng khách được thiết kế để làm nơi trưng bày triển lãm tranh, những bức tranh được vẽ theo trường phái ấn tượng với những thân hình phụ nữ khỏe mạnh, mềm mại, đang tắm dưới trăng.

Vẻ đẹp nảy nở tròn đầy của người phụ nữ dưới bàn tay phiêu linh của ông đẹp huyền bí, gợi cảm đến mê hoặc. Ánh trăng ấy khi tinh quái, lúc hiền hoà và luôn biến hoá. Những bức vẽ đầy ắp sự lãng mạn, gợi cảm mời mọc thị giác người xem. Thật là lạ, tác giả của những bức tranh đầy lãng mạn ấy là một người thầy hơn 40 năm đứng trên bục giảng, hai lần sang Cộng hoà liên bang Nga làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ toán học, người đã từng thành công làm sách về Toán học được dịch ra tiếng Nga và tiếng Đức.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Khánh Hội bên những tác phẩm tranh sơn ta.

Tháng 10 vừa qua, ông vừa có Triển lãm tranh tại Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Và đây là lần thứ hai triển lãm tranh của PGS.TS toán học Đặng Khánh Hội  được tổ chức trong nước, lần đầu vào năm 2016 ở   Hàng Bài.

PGS.TS toán học Đặng Khánh Hội sinh ra ở mảnh đất quê lụa Hà Đông trong một gia đình có ba anh chị em, anh trai của ông là GS.TS Đặng Ứng Vận là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước chuyên ngành hoá học, và ông còn có một chị gái làm giảng viên toán học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sinh thời bố ông là một người đam mê với nghề vẽ, ông cụ rất thích vẽ và từng đỗ vào Đại học Mỹ thuật Đông Dương, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ tiền đóng học nên đành phải bỏ học giữa chừng. Nỗi buồn ấy ám ảnh ông cụ cho đến suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Sau đó ông lấy vợ và sinh được ba người con, kì lạ thay, tình yêu và năng khiếu hội hoạ lại truyền vào hai người con trai là GS.TS hoá học Đặng Ứng Vận và PGS.TS toán học Đặng Khánh Hội.

Nhưng ông cụ bảo với hai người con trai: “Các con đừng chiều theo cảm xúc, đừng nối bước của cha, làm nghề vẽ nghèo lắm, đi theo nghề này không đủ tiền để nuôi con đâu. Mà đàn ông là phải làm người trụ cột trong gia đình…”.

Chùa Trăm gian.

Lời cha nói cứ thấm dần vào hai cậu con trai nhưng niềm đam mê vẽ trong họ vẫn không hề tắt. PGS.TS Đặng Khánh Hội kể lại, thủa ông 17 tuổi, vật bất ly thân của ông là một cái túi cói, trong cái túi cói bao giờ cũng có vài tờ giấy và chiếc bút chì để ông kí hoạ chân dung. Đối tượng kí hoạ của ông là các bạn trong lớp trong trường. Mặc dầu từ những năm tháng trên ghế nhà trường khi đang còn là cậu con trai học rất giỏi các môn tự nhiên nhưng niềm đam mê vẽ trong cậu cứ như sóng biển cuộn trào.

Năm thi vào đại học, người cha hằng ngày phải khuyên giải rằng : “Các con phải đi theo ngành sư phạm không nên theo nghề vẽ, vẽ chỉ là phù phiếm thôi, cuộc sống cần phải có cơm ăn áo mặc…”.

Vậy là chàng thanh niên Đặng Khánh Hội đăng ký thi và trúng tuyển vào khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường ông có đến 10 năm dạy học tại vùng núi cao Yên Bái. 

Năm 1974, khi ấy chàng thanh niên Đặng Khánh Hội vừa tròn 27 tuổi, lấy vợ cùng là giáo viên hoá học dạy cùng trường. Hai người nên duyên chồng vợ sau một thời gian công tác cùng nhau dưới mái trường vào những năm đất nước còn chiến tranh. Đất nước thống nhất, một thời gian sau vợ ông theo chồng về quê chồng sinh sống và công tác tại đây.

Vợ PGS.TS Đặng Khánh Hội là một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, bà rất ngại chụp ảnh và chỉ khép nép bên chồng. Biết chồng tuy là một nhà khoa học nhưng ông còn mang trái tim đa cảm của người nghệ sĩ nên hằng ngày bà đều tạo không khí đầm ấm, mát mẻ cho gia đình. Ngay tại phòng khách là hai lọ hoa tươi, một lọ cúc vàng lung linh sinh động và ở một góc khác là lọ hoa hồng thơm mát dịu dàng.

Khắp phòng khách là những bức tranh phụ nữ khoả thân của nhà toán học tài hoa, tôi nghĩ chắc không một người vợ nào lại thích chồng vẽ tranh khoả thân nhiều đến vậy, tuy rằng bức tranh thật đẹp và vô cùng gợi cảm. Nhưng phụ nữ là một tâm hồn rất nhạy cảm và ít nhiều giông bão, càng yêu thì càng lại muốn giữ riêng cho mình.

Được mùa.

Ông kể: Tuy theo con đường toán học nhưng dường như chưa lúc nào ông nguôi ngoai đam mê vẽ cả. Suốt những năm tháng còn là sinh viên Trường Đại học sư phạm, hay đến 40 năm đứng trên bục giảng thì khi trở về với căn phòng làm việc hay về nhà là ông lại phiêu diêu cùng với những bức vẽ, khi là kí hoạ cho học sinh của mình, lúc thì vẽ phong cảnh đất nước. Trong lúc tôi đang trò chuyện cùng ông thì vợ ông bảo: “Ông nhà tôi có hàng tệp tranh kí họa, toàn vẽ cho học trò của mình thôi. Những học trò của Việt Nam và những học trò ở nước ngoài nữa”. 

Ngoài những kí hoạ bằng chì, ông còn dùng bột màu và sơn ta để vẽ. Những bức sơn ta (tranh sơn màu) phải dùng một khối lượng vàng và bạc không hề nhỏ, ông kể. Suốt 40 năm đứng trên bục giảng, bằng số tiền lương ít ỏi của cả hai vợ chồng, đã gom góp chắt chiu để dành được một cuốn sổ tiết kiệm và cách đây tròn chục năm thì cả hai vợ chồng đã quyết định dùng số tiền ấy để cho ông mua vàng và bạc vẽ tranh. Sơn ta quả là ngốn bạc và vàng kinh khủng. Vậy là toàn bộ số tiền tiết kiệm để hai ông bà nhà giáo khi về hưu đã được quy ra vàng để dốc hết vào những bức tranh sơn ta của ông.

Và ông có một đặc điểm nữa là đam mê vẻ đẹp của người phụ nữ nên ngoài những bức kí hoạ và phong cảnh, ông dành phần lớn thời gian cho niềm say mê vẽ những bức phụ nữ khoả thân dưới ánh trăng đêm. Và chỉ có thể là dưới ánh trăng lung linh và hiền hoà thì vẻ đẹp nguyên bản của người đàn bà mới được phơi bày tuyệt hảo qua các mảng sáng tối đối lập. Và cũng chỉ dưới ánh trăng khi người phụ nữ khoả thân thì năng lượng sống và con người mới thật sự trở về bản thể hồng hoang từ thời nguyên thuỷ.

Phong cảnh.

Nhưng để được những bức vẽ đầy thăng hoa lãng mạn đó, thì nhà toán học thú nhận ông cần có người mẫu thực sự chứ không phải vẽ theo trí tưởng tượng. Ngay khi về hưu, hàng ngày ông ra xưởng vẽ của những người yêu hội hoạ như ông ở thành phố nơi ông sống. Khi thì mấy người hoạ sĩ chung tiền để thuê một cô người mẫu vẽ khoả thân, lắm khi có những bức vẽ kì công ông phải thuê nguyên một cô người mẫu vẽ làm việc đến tám buổi. Mỗi buổi làm việc ba tiếng, cứ làm việc 45 phút lại nghỉ 15 phút.

Thời kì đầu suốt cả năm trời để hoàn thành những bức thiếu nữ tắm dưới trăng thì ông ra xưởng vẽ. Xưởng vẽ là nơi làm việc chung của chừng 6 hoạ sĩ, rộng chừng 100m2. Ông cũng thú thực nhiều hoạ sĩ nhìn ảnh khoả thân để vẽ nhưng ông bảo ông vẽ nhiều bằng cảm xúc nên ông cần cảm giác thực, ông phải chiều theo thị giác thì mới có cảm giác thực. Nhờ có cảm giác thực mà ông mới có thể thăng hoa và những bức vẽ mới có sự sống động và gợi cảm đến vậy.

Ông cũng thật là tốt phúc vì vợ ông là một người phụ nữ cả đời chỉ biết dạy học và chăm lo cho chồng con. Thời kì đầu thấy ông chăm chăm say mê vẽ tranh khoả thân, bà cũng ít nhiều buồn rầu nhưng sau này bà hiểu đấy là lẽ sống và niềm đam mê của chồng nên bà đành chiều theo như một lẽ tự nhiên. Ông cũng ý nhị và kín đáo, vẽ và làm việc tại xưởng để vợ không phải chứng kiến những gì diễn ra trước mắt. Chỉ đến khi bức vẽ đã hoàn thành ông mới mang về nhà treo lên như một chiến lợi phẩm, và vợ thì không hiểu mấy về hội hoạ những vẫn trầm trồ thán phục rằng bức tranh của chồng quả thực rất có hồn.

Thậm chí sau khi thấy tranh của chồng đã đủ nhiều, bà còn chủ động bàn với ông sửa lại nhà để bảo quản tranh. Thế là hai vợ chồng già hì hụi gọi thợ đến để sửa lại phòng khách làm nơi treo tranh. Không may trong một lần treo tranh, một người thợ do bất cẩn đã làm hỏng mất một bức tranh của ông. Công lao hoàn thành bức vẽ suốt nửa năm trời bị một vết rách khiến cho ông cứ buồn suốt. Từ sau sự cố hôm đó, ông đã tự treo tranh và quyết không để tình trạng tương tự xảy ra. Ông kiêm nhiệm tất, từ việc lắp đèn chiếu sáng cho đến treo tranh. Bà phục vụ ăn uống và cổ vũ ông.

Tranh của ông đã được đưa đi triển lãm nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam thì được triển lãm hai lần, nhưng tiếc thay đều chưa bán được bức nào. Với một bức tranh sơn ta tỉ lệ được trộn vàng và bạc cũng khá nhiều, công sức suốt cả nửa năm trời mới hoàn thành bức vẽ thì giá hàng nghìn đôla cũng là xứng đáng, nhưng không phải ai cũng hiểu hết giá trị của tranh sơn mài. Hỏi phòng trưng bày tranh, họ bảo: “Tranh của anh họ khen đẹp nhưng chẳng ai hỏi mua cả”. Thây kệ, điều ấy cũng chẳng hề làm cho ông nản lòng, ông vẫn cứ đam mê vẽ như say mê người tình, khi càng yêu thì càng say đắm, vấn vương, và không thể rời bỏ.

 Ông cũng tự an ủi mình rằng: Lắm hoạ sĩ họ vẽ để chiều theo thị hiếu khán giả, còn ông, ông chiều theo sở thích của chính mình. Vẽ tranh chính là để giải toả nội tâm. Và sự thật được phơi bày hết lên tranh. Ông cũng nói rằng ngay kể cả bây giờ lắm hoạ sĩ họ không phải bán tranh mà là bán cái tên, khi đã có tên thì tranh cứ theo tên để mà định giá. Vậy là kể từ ngày ông về hưu cho đến nay đã vừa vặn chục năm trời, ông đã hoàn thành những bức vẽ để đóng khung treo trang trọng ở phòng khách như một thành tích cao để thoả thuê thị giác và được no nê nơi tâm hồn.

Làm một nhà khoa học, chính sự lô gíc của toán học đã giúp ông rất nhiều trong việc trở thành hoạ sĩ, đó là bố cục chặt chẽ của bức tranh hay những tỉ lệ cân đối trong tranh. Cũng không có gì là mâu thuẫn giữa một nhà khoa học với một trái tim rung cảm phiêu linh và khả năng tài hoa một hoạ sĩ thực thụ trong một con người.

Ở ông không phải chỉ mười năm nay từ ngày nhận sổ hưu mà ngay từ quãng đời ấu thơ cho đến khi trưởng thành, thời kì đất nước nước chiến tranh hay những năm thống nhất đất nước, hoà bình lập lại rồi những năm đầu của đổi mới và suốt những năm tháng sau này, xuyên suốt cả một chặng đường dài là tình yêu không mệt mỏi với hội hoạ.

Ngày nhỏ khi chưa có tiền ông vẽ kí hoạ bằng chì, lớn lên một chút là màu nước và sau này là sơn ta. Tranh của ông dù dùng chất liệu nào, xong ta thấy ở đó là sự bung toả hết mình. Chỉ có nghệ thuật mới cho con người cảm giác được thăng hoa đến thế, cũng chỉ có ở nghệ thuật mới bộc lộ rõ nhất: “Bạn là ai?!”. Thì giờ đây ở tuổi tròn 70 mươi, người ta đã thấy rõ chân dung của một họa sĩ trong con người của PGS.TS toán học Đặng Khánh Hội.

Trần Mỹ Hiền
.
.