Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow: Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi

Thứ Năm, 18/10/2018, 12:10
Tràn đầy năng lượng nhưng nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn là những gì mà Catherine Karnow, nữ nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, vốn nổi tiếng với những tấm chân dung chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc tả về bản thân khi tôi hỏi bà về những tính từ biểu trưng cho con người của Catherine.

Và sau hơn ba giờ đồng hồ phỏng vấn cũng như được nghe Catherine thuyết giảng về kỹ năng chụp ảnh qua những tấm hình bà chụp tại Việt Nam, tôi nhận thấy nữ nhiếp ảnh gia này còn là một người có tình cảm sâu đậm với dải đất hình chữ S.

Hẹn gặp Catherine Karnow ngay trước buổi thuyết giảng của bà về kỹ năng chụp ảnh con người tại Trung tâm Văn hóa Mỹ (Hà Nội), tôi được một chuyên viên phụ trách báo chí nhắc nhở rằng mình chỉ có 40 phút để thực hiện cuộc phỏng vấn này. 

Thực sự, ban đầu tuy có chút lăn tăn về thời lượng đặt ra và số câu hỏi đã chuẩn bị trước đó, nhưng với sự chuyên nghiệp và ở tầm của một nhiếp ảnh gia “gắn mác” National Geographic, những gì mà tôi nhận được từ Catherine sau cuộc phỏng vấn thì “không còn gì phải bàn”. Chúng tôi ngồi kế bên cửa sổ ở thư viện của trung tâm theo gợi ý Catherine. Đôi mắt xanh dịu dàng của người phụ nữ Mỹ này phản chiếu ánh sáng bầu trời thu Hà Nội hút tôi vào những câu chuyện một cách kỳ lạ.

Mối lương duyên với Việt Nam

Phần lớn, người Việt Nam biết đến Catherine Karnow với tư cách là một nhiếp ảnh gia, qua những bức ảnh mà bà gọi là “thành tựu” khi chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước khi chọn con đường nghệ thuật gắn liền với ống kính máy ảnh, bà từng là một nhà sản xuất phim chuyên nghiệp và đã có tác phẩm điện ảnh được công chiếu rộng rãi tại liên hoan phim quốc tế. 

Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow trong buổi phỏng vấn. Ảnh: An Nhiên.

“Điều khiến tôi chuyển hẳn sang làm một nhiếp ảnh gia toàn thời gian chính là vì tôi thực sự yêu thích công việc này ở mọi mặt. Với vị trí của một nhà sản xuất phim, bạn phải có một ekip hỗ trợ cùng với các kế hoạch làm việc cụ thể. Còn tính chất công việc của một nhiếp ảnh gia lại rất khác, linh hoạt hơn, độc lập hơn. Bạn có thể đi bất cứ đâu mình muốn vào bất kỳ thời điểm nào bạn thích. Ý tưởng có thể có trước hoặc trong khi bạn lang thang ở một nơi nào đó. Đơn giản chỉ là xách máy lên và đi thôi”, Catherine nói.

Có lẽ, sự linh hoạt mà Catherine Karnow nhắc tới cũng lý giải được phần nào việc trong suốt gần ba thập kỉ qua, hầu như năm nào nữ nhiếp ảnh gia này cũng quay trở lại Việt Nam. Bà chia sẻ, mối thân tình giữa bà và dải đất hình chứ S gói gọn trong một chữ “duyên”.

Catherine kể, trước đây mẹ của bà từng sống tại Việt Nam. Cha của bà là Stanley Karnow, chủ bút Tạp chí Time Life và là phóng viên cho tờ The Washington Post cũng từng đưa bà đến Việt Nam vào năm 1990, khi ông viết bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và về cuộc chiến ở Việt Nam.

Nhưng thực sự Catherine cảm thấy mình “đủ duyên” với đất nước này là vào năm 1994, khi bà là phóng viên ảnh nước ngoài duy nhất đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần quay trở lại đầu tiên của ông vào khu rừng ở vùng cao nguyên phía Bắc Việt Nam, nơi Đại tướng đã lên kế hoạch cho trận Điện Biên Phủ và làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”. Rồi từ đó, mối duyên ấy theo bà cho đến tận bây giờ.

Những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nhận thấy rằng Catherine dành cho người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam một sự tôn trọng rất thành kính. Cái cách mà người phụ nữ Mỹ này đổi tư thế sang ngồi thẳng lưng và sử dụng nhiều hơn ngôn ngữ cơ thể để say sưa kể lại những câu chuyện liên quan tới Đại tướng khiến tôi cảm thấy như chính mình cũng được tiếp thêm rất nhiều năng lượng.

Catherine Karnow và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp năm 1994.

Catherine kể: “Tôi đã nhảy lên vì vui mừng khi trong một lần quay trở lại Việt Nam và thăm gia đình Đại tướng, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghé vào tai tôi và hỏi rằng cháu có muốn cùng ta trở lại Điện Biên Phủ trong lần đầu tiên ta trở lại nơi đó không?”. Catherine cho biết, bà đã ngay lập tức đồng ý và gọi điện cho cha bà để khoe. 

“Ông ấy (bố bà, ông Stanley Karnow - PV) đã chúc mừng tôi và nói rằng tôi nên bình tĩnh lại một chút và nên nghĩ xem mình phải làm gì”, nữ nhiếp ảnh gia kể lại. Bà cũng cho hay: “Để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi cùng Đại tướng, tôi đã đọc lại rất nhiều tài liệu cha tôi viết về Việt Nam và về Tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thực sự chưa bao giờ phỏng vấn ông ấy, chỉ đơn giản là trò chuyện một cách phải phép và thân thiết với Đại tướng và gia đình của ông, để góp nhặt cho mình thêm nhiều ý tưởng cho bộ ảnh lúc bấy giờ”.

Đề cập tới bức chân dung nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Ngọn núi lửa phủ tuyết”, Catherine chia sẻ bà chụp bức ảnh này trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, vào năm 1994. Với công nghệ máy ảnh thời đó chưa hiện đại như bây giờ, bà đã rất mất công để tìm được một vị trí với ánh sáng tự nhiên ưng ý. Sau một hồi đi lại quan sát trong nhà Đại tướng, bà đã chọn bậc cầu thang trong bếp, nơi có nguồn ánh sáng từ cửa sổ rọi xuống. 

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đặc biệt và bức chân dung này cũng vậy. Điều tôi gửi gắm trong đó chính là hai khía cạnh mà tôi cảm nhận được rõ nét nhất từ Đại tướng. Hãy chú ý vào đôi mắt, nếu bạn che đi một nửa của tấm chân dung thì có thể nhận thấy ông là một người giàu lòng trắc ẩn, ấm áp và luôn dành sự quan tâm sâu sắc cho người dân Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam và cho cả gia đình của ông nữa. Và một nửa còn lại thì quyết liệt và dữ dội đúng như cách lãnh đạo của một vị tướng trên chiến trường vậy”.

Nối dài những yêu thương

Nói về  mục đích của việc trở lại Việt Nam lần này, Catherine cho hay, bà đang tích cực thúc đẩy hơn nữa một dự án có liên quan tới các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Việt Nam. “Tiếp tục nối dài những đóng góp của cha tôi trước kia trong việc giúp người Mỹ thấy được Việt Nam và hiểu được cuộc chiến tranh thật sự là gì, thì nay, thông qua những bức ảnh của mình, tôi muốn Việt Nam và Mỹ gắn kết với nhau hơn. Tôi muốn giúp người Mỹ nâng cao nhận thức về việc tiếp tục phải xử lý, làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam và đặc biệt là vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho những trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng lớn do tội ác chiến tranh để lại”.

Catherine Karnow thuyết giảng về nhiếp ảnh qua bức chân dung “Ngọc núi lửa phủ tuyết” chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Linh Đan.

Nhưng thứ tình cảm mà Catherine dành cho Việt Nam không dừng lại ở đó. Vài năm trở lại đây, Catherine năm nào cũng tới Việt Nam vào mỗi mùa thu để mở những khóa đào tạo về nhiếp ảnh. Ý tưởng này nảy ra sau chuyến sang Việt Nam năm 2013, khi bà được gia đình Đại tướng trao cho một ưu tiên là nhiếp ảnh gia nước ngoài duy nhất được phép chụp gần đám tang và lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Đại tướng trong lòng tôi có lẽ cũng giống với Đại tướng trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Trên đường hộ tống linh cữu của ông về với đất mẹ, tôi rất bất ngờ vì hai bên đường, người dân Việt Nam giơ cao chân dung của Đại tướng để tỏ lòng thành kính, và những bức chân dung đó lại chính là do tôi chụp. Tôi thấy đó thực sự là một thành tựu và nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó thật ý nghĩa và hướng tới tương lai cho đất nước này. Cuối cùng tôi nảy ra ý tưởng tổ chức các buổi học và chia sẻ về nhiếp ảnh, với hy vọng giúp ươm mầm và chắp cánh cho thế hệ nhiếp ảnh hiện đại của Việt Nam”.

Gửi gắm tới những người trẻ Việt Nam yêu nhiếp ảnh, Catherine bày tỏ: "Nghe thì có vẻ sách vở nhưng các bạn hãy cứ theo đuổi đam mê của mình. Thực tế là điều đó không hề sách vở như các bạn vẫn nghĩ, nếu các bạn không ngừng đặt ra các câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình từ cuộc sống". Catherine đồng thời nhắc nhở các bạn trẻ rằng nếu đã chọn nhiếp ảnh là công việc thì hãy nghĩ đến cả mặt kinh tế mà nó mang lại, bởi phần thù lao mà bạn nhận được phải xứng đáng với công sức các bạn bỏ ra, và nó cũng là động lực để bạn tận hưởng công việc mà bạn lựa chọn.

Ngoài ra, trong buổi thuyết giảng của mình tại Trung tâm Văn hóa Mỹ, Catherine Karnow đã bật mí một số mẹo về nghệ thuật chụp ảnh con người. “Dù bạn sở hữu một bộ đồ nghề đơn giản hay đắt tiền thì hãy luôn là một người tràn đầy năng lượng tích cực. Sự cởi mở, nhảy cạm với nền văn hóa nơi mình đặt chân tới, tôn trọng những người mà mình tiếp xúc là chìa khóa cho những tác phẩm tuyệt vời”, nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng chia sẻ.

Cũng trong lần trở lại này, nhiếp ảnh gia Catherine Karnow ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách ảnh mang tên “Việt Nam: 25 năm ghi lại một đất nước thay đổi”. Catherine Karnow cho biết, cuốn sách ảnh này như một món quà từ tận đáy lòng mà bà muốn gửi tặng đến người dân Việt Nam. Catherine chia sẻ: “Cứ tới Việt Nam là tôi lại nảy ra rất nhiều ý tưởng. Trong chặng đường tiếp tục khám phá mảnh đất mà tôi coi là quê hương thứ hai của mình, bất cứ khi nào những người bạn hay có ai đó người Việt Nam cần đến tôi, tôi luôn sẵn sàng”.

Sinh ra và lớn lên tại Hongkong, là con gái của nhà báo Mỹ kỳ cựu Stanley Karnow, Catherine Karnow được biết đến là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Tạp chí National Geographic. 

Bà bắt đầu nghiên cứu về nhiếp ảnh từ thời trung học và tốt nghiệp Đại học Brown (Mỹ) chuyên ngành Văn học so sánh và Học thuật. Trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia toàn thời gian vào năm 1986, bộ phim “Brooklyn Bridge” của bà từng được công chiếu tại Liên hoan phim Berlin năm 1984.

Các tác phẩm về nhiếp ảnh của bà được đánh giá cao và xuất hiện trên nhiều ấn phẩm danh tiếng quốc tế như National Geographic, National Geographic Travelerm Smithsonian, GEO (Pháp và Đức)... 

Bà bắt đầu việc dạy kỹ năng nhiếp ảnh từ năm 1995 tại Mỹ. Trước đó, vào năm 1994, bà là phóng viên ảnh duy nhất không phải người Việt Nam được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần quay trở lại lịch sử đầu tiên của ông vào khu rừng ở vùng cao nguyên phía Bắc Việt Nam, mà ở đó ông đa älên kế hoạch cho trận Điện Biên Phủ.

Năm 2013, bà là người nước ngoài duy nhất được phép chụp gần đám tang và lễ îan táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam năm 1990, bà đã ghi lại sự thay đổi của dải đất hình chữ S trong suốt 28 năm qua. 

“Tôi yêu thích nhiếp ảnh từ những năm học trung học và phát triển đam mê ấy từ những kinh nghiệm cá nhân. Có thể nói, tôi sống vì nhiếp ảnh, đồng thời cũng rất tâm huyết với việc truyền thụ lại kiến thức và kỹ năng của mình cho giới trẻ. Công việc này sẽ giúp họ thể hiện được những cảm nhận bên trong họ về cái đẹp, thông qua ống kính máy ảnh”, Catherine Karnow chia sẻ.       

Linh Đan
.
.