Nước Nga và cuộc tranh giành dầu khí Bắc Cực

Thứ Năm, 14/10/2010, 08:35
Các lãnh đạo của Nga từng tuyên bố: Bảo vệ những lợi ích của nước Nga tại Bắc Cực chính là "bổn phận của họ đối với hậu thế". Đó là lý do tại sao có quá nhiều chuyên gia về Bắc Cực trên thế giới tỏ vẻ ngạc nhiên khi được mời tham gia diễn đàn mới đây ở Moskva - có tên gọi là "Bắc Cực - Vùng đất đối thoại" - để lắng nghe một thông điệp hoàn toàn khác. Lúc này nước Nga muốn Bắc Cực là "một khu vực hòa bình và hợp tác".

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát - trong đó gồm cả những vị khách tại diễn đàn ngày 23/9/2010 - cho rằng thế giới nên chờ đợi và nhìn xem. Các quốc gia có phần lãnh thổ gắn liền với Bắc Cực - Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy (tất cả đều là thành viên của NATO) và Nga - đã xây dựng những trạm quân sự ở phía bắc Vòng Bắc Cực. Mức độ tăng cường quân sự hóa này tùy thuộc rất lớn vào sự khẳng định của nước Nga trong nhiều năm.

Sự việc bắt đầu vào giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh lạnh, khi đó Bắc Cực được bố trí vũ khí hạt nhân nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Sau đó, khi Liên Xô sắp tan rã, cuộc chạy đua vũ trang ở Bắc Cực giảm dần và gần như ngưng hẳn sau khi lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố trong tháng 10/1987 rằng Bắc Cực sẽ trở thành "một khu vực hòa bình và hợp tác có lợi".

Vào cuối thập niên 80, Nga không có khả năng tài chính để tiến hành cuộc chạy đua vũ trang tại những khu vực vùng Cực. Do không còn sự đe dọa nhiều nữa từ phía Nga cho nên 4 cường quốc Bắc Cực khác bắt đầu cho dừng các hoạt động triển  khai quân sự về phương bắc của họ lại. Nhưng mọi chuyện thay đổi sau năm 2001, khi giá dầu tăng lên vùn vụt và chính quyền Putin bắt đầu đổ tiền bạc ồ ạt cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của họ ở Bắc Cực. Canada và các quốc gia Bắc Cực khác cũng vội vã phản ứng lại bằng việc tăng cường tập trung quân sự hóa khu vực này.

Lúc đó mọi người đều thấy rõ vấn đề là các chỏm băng vùng Cực đang tan chảy nhanh và khả năng khoan tìm dầu khí ở Bắc Cực chẳng mấy chốc sẽ là rất đáng coi trọng. Các cường quốc Bắc Cực bất ngờ đối mặt với ranh giới năng lượng, với 1/4 trữ lượng dầu khí trên thế giới chưa khai thác và thế là cuộc tranh giành tuyên bố chủ quyền ở khu vực này bắt đầu.

Vào cuối năm 2014, Liên Hiệp Quốc sẽ nhận được những tuyên bố tranh giành những phần đất Bắc Cực từ Canada, Đan Mạch và Nga - những quốc gia này sẽ sử dụng những mẫu đất ở đáy biển Bắc Cực để chứng minh những khu vực giàu dầu hỏa là phần kéo dài của thềm lục địa của họ, do đó thuộc chủ quyền của họ. Nhưng cho dù Liên Hiệp Quốc có quyết định được cơ sở khoa học đằng sau những tuyên bố này có là đúng đắn hay không (Liên Hiệp Quốc từng bác bỏ một tuyên bố của Nga năm 2001 do chứng cứ chưa đủ), thì công việc vạch những đường biên giới cũng không là trách nhiệm của cơ quan này. Đó sẽ là vấn đề giải quyết của các cường quốc Bắc Cực, và đây chính là đầu mối của nhiều xung đột.

Ngày 15/9 vừa qua, Nga và Na Uy bắt đầu giải quyết cuộc tranh cãi đường biên giới của hai nước ở Bắc Cực vốn đã nhức nhối từ 4 thập niên qua. Paul Berkman, Giáo sư khoa Địa chính trị vùng biển Bắc Cực ở Đại học Cambridge, nói: "Chúng ta đang ở vào thời kỳ quá độ. Và, theo quan điểm phương Tây, nước Nga từng là một thực thể cố chấp và hiện đang mời cộng đồng quốc tế tham gia".

Lý do đằng sau sự thay đổi thái độ của nước Nga được nhận định là mang tính thực dụng lẫn chính trị. Chính sách về Bắc Cực có phần nhẹ nhàng hơn đi cùng với nỗ lực của Tổng thống Medvedev nhằm lôi kéo phương Tây về phía mình mà thể hiện rõ nét nhất là sự xây dựng mối quan hệ bạn bè với Tổng thống Barack Obama trong thời gian sau này (người ta còn nhớ hai lãnh đạo cùng ăn món khoai tây chiên giòn ở nhà hàng Ray's Hell Burger trong tháng 6 vừa qua).

Đồng thời nước Nga cũng nhận thức được rằng việc khai thác tiềm năng năng lượng ở Bắc Cực sẽ khó khăn hơn nhiều nếu như khu vực này bị rơi vào xung đột. "Khi rơi vào tình thế mất ổn định, không một khả năng khai thác năng lượng nào có thể xảy ra", Berkman nhận xét. Nhưng mặc dù vậy, các cường quốc vẫn không ngừng gia tăng quân sự hóa về phía Bắc Cực.

Một núi băng trôi, tách ra từ băng hà đang tan chảy, ở miền nam Greenland.

Trong tháng 8 năm nay, Mỹ, Đan Mạch và Canada đã tiến hành  những cuộc tập trận trong khu vực lần đầu tiên. Rob Huebert, chuyên gia về chiến lược quân sự Bắc Cực ở Đại học Calgary của Canada, nói: "Đó là một bàn cờ mà nước nào cũng muốn có phần của mình. Chúng ta đang nhảy múa quanh bàn cờ này và nói chuyện về quan hệ đối tác trong hòa bình, nhưng thành thật mà nói thì họ đang chuẩn bị những khả năng để chống lại người Nga.

Trong tháng 6/2008, một tướng lĩnh Nga nói, nước Nga đã bắt đầu chuẩn bị những đội quân sẵn sàng cho Bắc Cực sau khi vài quốc gia tuyên bố chống lại quyền khai thác thềm lục địa giàu năng lượng ở Bắc Cực. Nhưng trong bài diễn văn tại diễn đàn "Bắc Cực - Vùng đất đối thoại" vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Putin đã bác bỏ mọi dự đoán về một cuộc chiến tranh đang hiện ra lờ mờ ở Bắc Cực. Nước Nga cũng bác bỏ việc họ đã chuẩn bị bất cứ lực lượng đặc biệt nào cho vùng Bắc Cực.

Robert Corell, chuyên gia khí hậu hàng đầu thế giới lãnh đạo phái đoàn Mỹ tại diễn đàn ngày 23/9/2010, nói: Bài diễn văn của ông Putin là một bước ngoặt quan trọng và qua đó cuộc tranh cãi về Bắc Cực sẽ trở nên ôn hòa hơn. Nhưng dù sao thì thực tế vẫn cho thấy sự tranh giành Bắc Cực của các cường quốc vẫn cứ tiếp tục

Thục Miên (tổng hợp)
.
.