Nước Nga với chính sách “hướng Đông”

Thứ Bảy, 14/11/2020, 11:33
Chính sách “hướng Đông” được Nga khởi xướng vào cuối những năm 2000 không chỉ là một dự án ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông. Tuy nhiên, để phát triển một vùng đất vốn xưa nay bị coi là “quên lãng” thì việc đề ra những chính sách hoặc khẩu hiệu suông là chưa đủ.

Lý do dẫn tới điều này là những mâu thuẫn sâu sắc giữa cách tiếp cận của chính quyền trung ương liên bang và của chính những người được cho là “phục hưng Viễn Đông” đối với những vấn đề căn bản: Để làm gì và cho ai?

Trên thực tế, “hướng Đông” là một dự án để Nga có được tính chủ động về chính trị và văn minh, tương xứng với điều kiện hiện đại. Đây là một lựa chọn chiến lược có lợi cho phần đang phát triển của thế giới. Chỉ có chính những cư dân của vùng Viễn Đông mới có thể trở thành người dẫn đường cho một lựa chọn như vậy. Đó là lý do tại sao mục tiêu chính trong chính sách hướng Đông lại nhắm đến con người. Kế hoạch này sẽ phải phụ thuộc vào cách người dân sinh sống ở vùng Viễn Đông và những gì họ sẽ được thụ hưởng.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin (bên trái) trong chuyến đến thăm cảng Magadan.

Vào năm thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông, mùa thu năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tại hội nghị Câu lạc bộ Valdai rằng “nếu không tập trung nỗ lực vào giáo dục và sức khỏe của người dân, vào việc hình thành trách nhiệm lẫn nhau giữa chính quyền và mỗi người dân và cuối cùng là khôi phục lòng tin trong xã hội, thì chúng ta sẽ thua trong cuộc cạnh tranh lịch sử”. Công thức liên quan đến vùng Viễn Đông được nhân lên với tình trạng lịch sử và địa lý của khu vực, nhân với 8,2 triệu người dân sống ở đó.

Bộ ba chính sách

Chính sách phát triển Viễn Đông của Nga đặt ra nguyên tắc “3 bên” làm thước đo cho sự phát triển của khu vực.

Cấp chiến lược, đó là lựa chọn về địa chiến lược văn minh, vị trí của Viễn Đông trong việc Nga giành được một vai trò mới trong Chiến lược Đại Âu - Á. Cấp doanh nghiệp (cho đến nay chủ yếu là liên bang) thì tập trung thực hiện các dự án kinh tế lớn, tạo các điểm tăng trưởng, chủ yếu là định hướng xuất khẩu. Cấp khu vực tập trung phát triển vùng Viễn Đông, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi vai trò của khu vực này đối với đất nước.

Đến nay, khá nhiều việc đã được thực hiện ở cấp độ đầu tiên và cấp độ thứ hai, trong 5 năm tới điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi các nhà máy lớn nhất đi vào hoạt động, các cảng được hiện đại hóa và hậu cần được thành lập. Nhưng, đã đến lúc liên kết điều này với lợi ích và quan điểm của cư dân trong khu vực. Viễn Đông phải được gắn kết với phần còn lại của nước Nga bằng cách hỗ trợ họ tham gia tối đa các dự án, các cộng đồng, nền tảng tương tác toàn Nga và liên quốc gia.

Một góc thành phố cảng Vladivostok, cửa ngõ châu Á của nước Nga.

Có nhiều người lo ngại rằng sự phát triển của vùng Viễn Đông sẽ dẫn đến việc xây dựng các ngôi làng Potemkin, sự khởi đầu của dự án phải chăng chỉ để trình diễn cho các ông chủ lớn đến thăm, hay những hành vi trộm cắp nào đó có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Đối với vấn đề “nhập khẩu”, các chuyên gia có trình độ cao, triển vọng tạo ra các khu vực thịnh vượng mang tính tương phản cũng đáng báo động. Người ta e ngại việc nhập khẩu ồ ạt lao động giá rẻ của nước ngoài.

Tất cả những ám ảnh này đều có một điểm chung - đó là sự nghi ngờ rằng Viễn Đông đang bị “cướp khỏi tay cư dân địa phương”. Sự quan tâm không đầy đủ đến các lĩnh vực xã hội, tư tưởng, văn hóa và quan trọng nhất là thành phần con người trong chính sách “hướng Đông” đã trở thành một trở ngại lớn cho sự phát triển của nó. Và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình của chính sách này bị giảm tốc. Và ngay cả trước khi xảy ra tình trạng bất ổn ở Khabarovsk, tiến trình “hướng Đông” cũng đã bị đình trệ. Cần phải thừa nhận rằng không thể chỉ quản lý khu vực này trên phương diện kinh tế và kỹ thuật.

Tìm ra những điểm chung

Dù ở đâu đi chăng nữa, sự phát triển của vùng Viễn Đông không nên được coi như sự trả nợ của chính quyền trung ương liên bang. Đó phải là một khoản đầu tư rõ ràng cho tương lai. Toàn bộ logic của chính sách “xoay trục” cần xác định rằng Viễn Đông, và về lâu dài là toàn bộ Siberia, cần trở thành một trung tâm của nước Nga trong thế kỷ 21. Đó phải là trung tâm hoạt động kinh tế tiên tiến, trung tâm hợp tác quốc tế hàng đầu, thu hút nguồn nhân lực tốt nhất cả nước.

Từ đó, các khoản đầu tư vào giáo dục, cải thiện tình hình kinh tế, thiết kế môi trường đô thị, cải tạo và mở rộng nguồn cung nhà ở đã được đánh giá. Triển vọng của một số vùng và khu vực ở Viễn Đông trong thế kỷ 21 sẽ quyết định khả năng những nơi này trở thành cửa ngõ của nước Nga vào châu Á.

Tuy nhiên, cửa ngõ vào châu Á không chỉ có Vladivostok. Các tỉnh và thành phố khác cũng có tiềm năng tương ứng, như Sakhalin Oblast và Kamchatka Krai, Khabarovsk, Blagoveshchensk, vùng biên giới của Vành đai phía Nam, Buryatia. Cửa ngõ châu Á không chỉ là cửa ngõ kinh tế, địa lý mà còn là cửa ngõ văn hóa. Sự độc đáo của văn hóa Nga, Công hòa Buryatia và Yakutia phải được sử dụng giống như sự giàu có của thiên nhiên Viễn Đông.

Kamchatka Krai nổi tiếng với những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Nói đến các cửa khẩu, không chỉ là về các trung tâm hậu cần ở 2 hoặc 3 tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc và một số cảng của Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà cần phải nói về việc người Nga ở châu Á nói chung đã khám phá ra sự đa dạng của nó như một trung tâm quyền lực văn minh mới - một trung tâm không chỉ dựa vào kinh tế mà còn dựa vào nhân khẩu học, lịch sử và văn hóa.

Bất kỳ trung tâm quyền lực nào cũng bắt đầu bằng sự nhận diện, định nghĩa về tính chủ thể của nó. Thật không may, cho đến nay, cư dân của vùng Viễn Đông coi miền Trung nước Nga là một đô thị, là nơi tốt để sinh sống nhưng lại không muốn làm ăn với khu vực đó. Bởi thế, Viễn Đông cần tự cảm thấy mình là người dẫn dắt lợi ích cho phần còn lại của Nga ở châu Á. Đây mới chính là sự nhận diện về những người “phục hưng Viễn Đông”.

Nước Nga sẽ không thể là chính mình ở châu Á nếu chỉ dựa vào tương tác quân sự - chính trị và mua bán nguyên liệu thô. Lợi ích cần được đặt vào tay các cư dân của Viễn Đông, những người mà châu Á từ lâu đã không còn xa lạ đối với họ.

Mấu chốt của chính sách xoay trục

Có 3 cách tiếp cận chính để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Viễn Đông. Ở cấp độ mô hình, mỗi cách trong số này có thể chia thành các kịch bản cụ thể tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài và số lượng hỗ trợ tài chính nhưng sự khác biệt cơ bản là đơn giản.

Con đường thứ nhất là sử dụng chính sách xã hội làm chức năng đảm bảo sự khai thác kinh tế của khu vực. Đây là cách mà chính sách xoay trục đã được nhận thức ở Viễn Đông cho đến gần đây và thực tế sự áp đặt này chưa chứng minh hiệu quả.

Cách thứ hai, chính sách xã hội đóng vai trò đảm bảo sự khai thác kinh tế của khu vực với sự phân phối lợi ích công bằng hơn từ trung ương, đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Theo nhiều góc nhìn, đây là sự lặp lại của mô hình Liên Xô cũ, đã bắt đầu tính đến xuất khẩu thay vì chỉ tự cung tự cấp. Tuy nhiên, giới hạn của cách này là vẫn chưa coi người dân cũng như sự phát triển của vùng Viễn Đông là trung tâm.

Nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang vùng Viễn Đông của Nga, trong đó có Việt Nam.

Cách thứ ba là liên kết. Cách này đưa ra giả định về dũng khí hoặc sự hào phóng ở mức độ nhất định trong các cơ hội và việc xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa trung ương và địa phương, vốn đang rất thiếu. Con đường này rất dài và khó khăn nhưng cũng là con đường ổn định duy nhất trong trung hạn. Trong khuôn khổ của cách tiếp cận này, không có dự án liên bang nào gây phương hại đến các dự án và sáng kiến khu vực. Ngay cả các chi nhánh của những bảo tàng phát triển nhất của đất nước cũng nên mở trong khu vực nhưng cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ các bảo tàng trong khu vực.

Điều quan trọng không phải là mở chi nhánh của các trường đại học ở Moscow, mà là các chương trình liên kết của các trường đại học tốt nhất trong nước với các trường đại học địa phương, để khởi động các chương trình trao đổi và phát triển chuyên môn, thực tập và nghiên cứu. Không nên có sự thay thế của liên bang cho khu vực, mà là sự tăng cường của khu vực với sự trợ giúp của trung ương. Nếu không, bản sắc vùng miền, cảm giác thân thuộc với nơi cư trú, sẽ nhanh chóng bị lu mờ, nhiều cư dân địa phương vốn đã khá nhạy cảm về mặt này vì gia đình họ mới chuyển đến Viễn Đông chỉ 1 hoặc 2 thế hệ.

Cách tiếp cận này giả định có sự tham gia tối đa của người dân vùng Viễn Đông trong việc thực hiện chính sách xoay trục. Ưu tiên tài trợ cho các dự án ở Viễn Đông trong khuôn khổ các chương trình do các bộ liên bang giám sát. Khuyến khích tối đa quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện cho việc kinh doanh của các công dân đang hoạt động tại địa phương.

Nhớ lại thời điểm trong lịch sử, khi Viễn Đông trở thành vùng lãnh thổ của những cơ hội mới cho đế chế và khi nó trở thành tiền đồn chính ở châu Á thì khu vực này không chỉ nhận được sứ mệnh, mà còn là cơ sở hạ tầng tiên tiến vào thời điểm đó: Tuyến đường sắt xuyên Siberia (Transsib) vào thế kỷ 19; mạng lưới các sân bay và hải cảng trong thế kỷ 20. Từ đó mà thấy, đầu tàu tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 21 không thể như hiện nay. Cửa ngõ vào châu Á của Nga phải có cơ sở hạ tầng kinh doanh và xã hội hiện đại, hấp dẫn.

Trong một chuyến thị sát bến tàu cá của cảng Magadan, nơi ông đến thăm trong chuyến công du đầu tiên tới vùng Viễn Đông với tư cách là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã nói: “Tôi muốn nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng: Bạn có thể kiếm sống bằng 2 cách: hoặc được cho cần câu, hoặc được cho con cá. Tôi ngạc nhiên là chúng ta có cần câu và con cá nhưng kết quả nhận được lại khá buồn chỉ vì không có cơ sở hạ tầng”.

Viễn Đông của Nga thay đổi thì cả châu Á, thậm chí là thế giới cũng sẽ thay đổi. Và đó là điều đang được mong chờ.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.