Nước máy Hà Nội có nhiễm thạch tín?

Thứ Ba, 31/03/2009, 21:35
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước ở hai nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình. Kết quả này cho thấy chỉ tiêu thạch tín (Arsenic) ở trong nước của hai nhà máy nói trên đạt chuẩn chứ không báo động như một số phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, kết quả ấy so với kết luận của một số nhà khoa học lại trái ngược nhau.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện của cả hai chiều ý kiến gồm ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và GS Trần Hồng Côn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội để từ đó bạn đọc có thể nhìn nhận, đánh giá về chất lượng nước được cấp từ các nhà máy hiện nay tại Hà Nội.

Ông Lê Anh Tuấn: “Chúng tôi “trung thành” với kết quả xét nghiệm của chúng tôi”

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết tại sao lại có cuộc kiểm tra đột xuất mẫu nước của hai nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân trong khi theo đúng quy định của Nhà nước, đối với các chỉ tiêu thạch tín, amoni (gọi là giám sát B), chỉ kiểm tra mỗi năm/lần?

Ông Lê Anh Tuấn: Hiện nay ở Hà Nội có 12 nhà máy cung cấp nước sạch hay còn gọi là các công ty kinh doanh nước sạch. Các công ty này do Sở Xây dựng Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, về  chất lượng nước được cấp từ đây cho các hộ dân ở Hà Nội lại do Sở Y tế Hà Nội giám sát.

Theo đúng quy định, việc giám sát này được thực hiện trên nguyên tắc: đối với các chất asen hay còn gọi là thạch tín, amoni (NH4+) kiểm tra mỗi năm/ lần. Đây còn được gọi là giám sát B. Trừ trường hợp đặc biệt sẽ có ngoại lệ: kiểm tra đột xuất. Và lần kiểm tra này được coi là đột xuất. Còn đối với các chỉ tiêu nitrit và nitrat - hai chất được sinh ra trong quá trình chuyển hóa của amoni khi gặp không khí trong quá trình khai thác nước từ dưới tầng địa chất lên - kiểm tra mỗi tháng/ lần. Quá trình kiểm tra ấy gọi là giám sát A.

Ngoài ra, chúng tôi còn kiểm tra các tiêu chí lý học, vi sinh khác... Chưa kể chất lượng nước mỗi khi được cấp ra, các nhà máy đều kiểm tra tất cả các chỉ tiêu.

Trung tuần tháng 3 vừa rồi, sau khi có bài báo của tác giả Trần Văn Nhị  thông tin về việc nước của một số nhà máy kinh doanh nước sạch Hà Nội, đặc biệt là nước ở hai nhà máy Hạ Đình và Pháp Vân nhiễm thạch tín với chỉ số vượt quá “ngưỡng” cho phép, theo chỉ đạo của UBNDTP Hà Nội, Sở Y tế phải kiểm tra chất lượng nước của hai nhà máy trên để xác định kết quả có đúng như thông tin trong bài báo.

Thực hiện yêu cầu như vậy, chúng tôi đã kiểm tra đột xuất mẫu nước của hai nhà máy Pháp Vân và Hạ Đình về chỉ tiêu thạch tín, amoni. Ngoài ra chúng tôI còn kiểm tra cả chỉ tiêu nitrit và nitrat.

PV: Thưa ông, kết quả kiểm tra mẫu nước cụ thể như thế nào?

Ông  Lê Anh Tuấn: Chúng tôi đã lấy 7 mẫu nước để xét nghiệm, trong đó 2 mẫu lấy tại nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân (mỗi nhà máy 1 mẫu) và 5 mẫu lấy tại các hộ dân sử dụng nước do hai nhà máy này cung cấp. Mẫu được lấy theo hình thức trực tiếp tại vòi của nhà dân. Còn ở nhà máy, mẫu lấy tại nơi “đầu vào” các hộ dân, “đầu ra” của nhà máy. Sau khi lấy mẫu xong, chúng tôi mang đến xét nghiệm trực tiếp tại các phòng thí nghiệm chứ không “test” tại nơi lấy nước.

Những phòng thí nghiệm mà chúng tôi lựa chọn để xét nghiệm nước đều là những nơI có uy tín trong ngành kiểm nghiệm như: Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng của Sở Y tế Hà Nội cũng trực tiếp xét nghiệm.

Sau 3 ngày tập trung kiểm nghiệm, 3 phòng thí nghiệm này đã cho kết quả: với chỉ tiêu thạch tín có chỉ số: dao động từ dưới cho đến 0,01mg/lít; amoni: có kết quả dao động hơn, mẫu thấp nhất có chỉ số: 10mg/lít, mẫu cao nhất có chỉ số: 28mg/lít. Còn lại dao động trong khoảng 2 chỉ số này.

PV: Như vậy, so với giới hạn cho phép, những kết quả xét nghiệm nói trên có vượt ngưỡng cho phép không, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Đối với thạch tín, chỉ số cho phép 0,01mg/lít. So với “ngưỡng” này, chắc chắn kết quả của hai nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân đạt tiêu chuẩn. Đối với amoni thì các chỉ số cho thấy vượt từ 6 đến 18 lần. Vì giới hạn cho phép của amoni dựa theo “ngưỡng” cho phép của nitrit là: 3mg/lít và nitrat: 50mg/lít trong khi như đã nói: kết quả xét nghiệm dao động từ 10mg/lít đến 28mg/lít.

Tuy nhiên, như Giáo sư Nguyễn Bá Đức, chuyên ngành về ung thư cho biết: amoni là sản phẩm chuyển hóa của nông nghiệp và công nghiệp, không phải là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mức độ nhiễm amoni phải ở chỉ số 200mg/kg thể trọng của con người thì mới gây nguy hiểm. Còn với kết quả xét nghiệm thì con số đó vẫn nhỏ so với mức độ “báo động”.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chỉ số amoni vượt con số cho phép như vậy?

Ông  Lê Anh Tuấn: Có thể xuất phát từ tình trạng rác thải sinh hoạt ngấm vào nguồn nước và hệ thống dẫn nước, đặc biệt là những đoạn ống dẫn bằng bêtông dễ sinh ra amoni do rong rêu đọng hoặc do chính xi măng trong bêtông sinh ra. Cũng vì nguyên nhân xây dựng bằng xi măng mà bể chứa nước của nhiều gia đình có chất amoni. 

PV: Trở lại với việc giám sát, năm nào, tháng nào các chỉ tiêu nói chung đều được kiểm tra đều đặn. Vậy thưa ông, tại sao những lần kiểm tra trước không phát hiện ra amoni mà lần kiểm tra này mới phát hiện?

Ông Lê Anh Tuấn: Nguyên nhân dẫn đến sự việc này có thể bắt đầu từ thời gian lấy mẫu xét nghiệm khác nhau thì dẫn đến kết quả khác nhau. Ngoài ra, các chỉ số cũng dao động theo mùa hoặc theo thời gian.

PV: Có ý kiến cho rằng thực tế nước máy nhiễm amoni đã phát hiện từ lâu. Nhưng chúng ta không xử lý do “tốn kém”?

Ông  Lê Anh Tuấn: Tại cuộc họp báo để công bố kết quả xét nghiệm nước do Sở Y tế tổ chức, ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do số người sử dụng nước ngày càng tới mức chóng mặt mà tầng địa chất khai thác lại chỉ có vậy. Cho nên việc xử lý tình trạng nhiễm amoni trong nước máy rất khó.

Hiện nay, theo giải pháp chung của Sở Y tế và Sở Xây dựng, các đường dẫn nước, bể chứa và lọc của các nhà máy cấp nước sẽ được súc rửa thường xuyên, nhất là đối với những đường dẫn, bể lọc bằng bêtông để hạn chế sự phát triển của amoni. Thay đổi tốc độ lọc thông qua vật liệu lọc mới nhằm giảm lượng amoni có trong nước xuống tối đa.

Bên cạnh đó, giảm công suất khai thác từ 30.000m3/ngày xuống 20.000m3/ngày đối với hai nhà máy Pháp Vân và Hạ Đình. Và đối với khu vực phía Nam Hà Nội tuyệt đối không mở rộng khai thác các bãI giếng nữa.

PV: Ông có ý kiến như thế nào khi kết quả xét nghiệm do Sở Y tế Hà Nội công bố trái với kết luận của một số nhà khoa học?

Ông  Lê Anh Tuấn: Với chức năng giám sát, chúng tôi chỉ xét nghiệm mẫu nước và đưa ra kết quả. Còn không bàn luận hay phủ nhận nghiên cứu của ai. Chúng tôi giữ nguyên kết quả xét nghiệm của mình.

PV: Ngoài nhà máy nước Hạ Đình và Pháp Vân, đối với 10 nhà máy cung cấp nước còn lại, Sở Y tế có kiểm tra chất lượng nước với các chỉ tiêu như đã kiểm tra và công bố vừa rồi không?

Ông  Lê Anh Tuấn: Trong đợt này thì tất cả các nhà máy đều được kiểm tra chất lượng. Nhưng 10 nhà máy nước còn lại thì việc kiểm tra do chính các nhà máy nước thực hiện.

Giáo sư Trần Hồng Côn: “Kết quả nước máy nhiễm thạch tín vẫn còn nguyên giá trị”

PV: Thưa Giáo sư, ông đã tham gia khảo sát nghiên cứu chất lượng nước, trong đó đặc biệt đối với nước sạch được cấp từ các nhà máy nước ở Hà Nội từ thời gian nào?

GS. Trần Hồng Côn: Từ năm 1998 đến 2007, tôi đã cùng với các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (CETADS), Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội phối hợp với Viện Công nghệ Môi trường Thụy Sĩ (EAWAG) tiến hành khảo sát nước ngầm và nước đã qua xử lý trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra chúng tôi còn nghiên cứu theo dự án nước sạch của Liên Hiệp Quốc (UNICEP)...

PV: Những lần khảo sát, nghiên cứu như vậy, kết quả về chất lượng nước của nước máy ở Hà Nội như thế nào, thưa ông?

GS Trần Hồng Côn: Theo kết quả phân tích, trong số các nhà máy cung cấp nước, chỉ có Nhà máy nước Mai Dịch là bảo đảm tốt nhất về hàm lượng thạch tín. Còn lại các nơI khác như: Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ... nguy cơ thạch tín, amoni nhiễm trong nước rất cao. Mức độ nhiễm (từ cao đến thấp) của các nhà máy theo đúng trình tự như tôi vừa nói.

Từ năm 1998 đến 2002, kết quả xét nghiệm thạch tín của các nhà máy nói trên dao động ở các chỉ số: từ 0,01mg/lít đến 0,08mg/lít, thậm chí hơn thế. Nhưng tựu trung, các chỉ số  vượt giới hạn cho phép  từ 8 đến 10 lần. Còn từ năm 2004 đến 2006, thạch tín cao gấp 3-4 lần so với “ngưỡng” cho phép. 

PV: Nhưng với kết quả phân tích cách đây hơn 2 năm, theo ông, vào thời điểm hiện nay còn giá trị?

GS Trần Hồng Côn: Có thể tiến hành khảo sát, nghiên cứu cách đây 2 năm hoặc gần 10 năm, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, kết quả ấy về cơ bản không thay đổi nếu như không muốn nói là tồi  tệ hơn. Bởi khai thác nước ngầm gia tăng sẽ dẫn đến hình thành phễu hạ thấp mực nước. Mà nước ngầm giảm thì nồng độ thạch tín tăng. Do vậy, chỉ số thạch tín có được sau khi phân tích kiểm nghiệm cách đây 2 năm đến nay không hề mất giá trị.

PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng nước máy nhiễm thạch tín?

GS Trần Hồng Côn: Có thể bắt đầu từ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm từ cuộc sống công nghiệp hóa... Nguồn nước ngầm này sau khi được các nhà máy khai thác lại không được xử lý qua hệ thống “khử” thạch tín. Vì hiện nay chưa có một nhà máy nào có hệ thống xử lý này mà chỉ dựa trên công nghệ xử lý sắt, để loại trừ thạch tín. Bởi trong quá trình thảI sắt, một phần thạch tín sẽ theo ra ngoài. Nếu xử lý theo công nghệ như vậy, thì thạch tín không được loại trừ với hiệu quả cao.

PV: Vậy, chỉ có thể bằng cách các nhà máy phải đầu tư hệ thống xử lý thạch tín mới hy vọng giảm chỉ số này ở trong nước máy?

GS Trần Hồng Côn: Nhất thiết phải vậy chứ không còn cách nào khác trong hoàn cảnh này.

PV: Thưa ông, tuy nhiên hiện nay các nhà máy nước cho rằng cách xử lý thạch tín của họ bảo đảm chất lượng nước đạt chuẩn cho người tiêu dùng?

GS Trần Hồng Côn: Như tôi đã nói ở trên, với cách xử lý thạch tín hiện nay của các nhà máy không mang lại  hiệu quả cao. Do công nghệ xử lý chính là sắt, sau đó thạch tín mới “ăn theo” ra ngoài. Và với cách loại trừ thạch tín như vậy, không bảo đảm chất lượng nước.

PV: Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi

Tú Anh (thực hiện)
.
.