Ồn ào thị trường âm nhạc Việt: Đành méo mó có hơn không

Thứ Năm, 15/12/2016, 08:15
Sôi động với hàng loạt các chương trình biểu diễn quy mô lớn, giải thưởng “đình đám” nhưng sau những ồn ào, âm nhạc Việt vẫn chưa hẳn có những cuộc bứt phá ngoạn mục. Rất nhiều chương trình, sản phẩm được ào ạt đón nhận nhưng dường như vẫn chỉ như là một món ăn nhanh trong đời sống công nghiệp, làm ấm dạ người nghe trong phút đói lòng.

Những bữa tiệc âm nhạc tuy lạ mà lại quen

Chỉ trong chưa đầy 3 tháng cuối năm, liên tiếp 3 chương trình biểu diễn có sự hiện diện của những ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới cùng “khuấy đảo” làng giải trí Việt: Đêm nhạc của Boney M & Chris Norman – Smokie; Thomas Anders của nhóm nhạc lừng lẫy một thời Modern Talking và ban nhạc của anh tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) và sắp tới là sự hiện diện của nhóm nhạc được yêu thích ở châu Á là Michael Learns to Rock tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó không xa là “cơn lốc” của ban nhạc Scorpions trong lễ hội âm nhạc Gió mùa.

Chỉ có điều, những sự khuấy đảo ấy không chỉ đến từ sự đặc biệt về công nghệ âm thanh, ánh sáng, từ tài năng đang tỏa sáng của nghệ sĩ trên sân khấu mà yếu tố chiếm phần quan trọng còn là ký ức của chính người xem bởi nghệ sĩ đứng trên sân khấu hôm nay đều là những thần tượng của khán giả Việt từ các thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Trừ lễ hội Gió mùa, các chương trình còn lại đều là những “bữa tiệc âm nhạc” của các thương hiệu dành để tri ân khách hàng của mình.

Riêng chương trình của Thomas Anders và ban nhạc của anh có đặc biệt hơn khi từ một đêm biểu diễn tri ân khách hàng, nhận thấy nhu cầu khán giả rất cao, nhà tổ chức đã nhanh nhạy “nhân” thêm một đêm để dành riêng bán vé. Nhưng, sự khuấy đảo của cựu thành viên Modern Talking với làng nhạc Việt cũng không khác nhiều hơn gì.

Khán giả “rồng rắn” xếp hàng chờ vào xem chương trình của Thomas Anders.

Thực tế, từ  trước cuối tháng 11 khá lâu, sự xuất hiện của Thomas Anders – “linh hồn” chính của ban nhạc huyền thoại Modern Talking một thời cùng ban nhạc mới của chính Thomas Anders đã khuấy đảo làng giải trí Việt. Sau cơn sốt vé cả tháng trời trước khi đêm nhạc chính thức diễn ra, Thomas Anders và ban nhạc đã có đêm nhạc đầu tiên đầy hứng khởi. Sự hứng khởi của cả những nghệ sĩ biểu diễn lẫn công chúng trong khán phòng.

Nhưng, cũng không khó để nhận thấy, sự hứng khởi ấy chỉ đặc biệt lan tỏa rộng khắp khán phòng khi những ca khúc quen thuộc một thời như You Can Win If You Want,Brother Louie,No Face, No Name, No Number, Youre My Heart, Youre My Soul vang lên trên sân khấu. Ca khúc một thời vang bóng của huyền thoại âm nhạc Michael Jackson – Billie Jean được Thomas Anders biểu diễn lại cũng nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của khán giả.

Với những ca khúc quen thuộc này, dù thiếu vắng thành viên còn lại của ban nhạc, dù không giống 100% những gì đã được nghe qua băng đĩa của nhiều thập kỷ từ thế kỷ trước nhưng Thomas Anders vẫn rất thành công khi thu hút một số lượng lớn khán giả trong khán phòng rời khỏi ghế, đứng lên hòa mình hát theo. Người hát không còn như xưa, tiết mục biểu diễn có khác nhưng những ca khúc của Modern Talking đã ăn sâu vào ký ức của không chỉ một thế hệ người Việt.

Từng phổ biến khắp đường làng ngõ phố, đặc biệt là mỗi dịp lễ tết, các đám cưới “làng” trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, những giai điệu của Modern Talking cũng đã trở nên quen thuộc với lớp khán giả này. Quen thuộc đến mức có thể họ không nhớ tên bài hát, không thuộc lời nhưng giai điệu cất lên là nhớ.

Có lẽ khán giả hôm nay không phải chỉ thưởng thức nghệ thuật âm nhạc mà chủ yếu là xem bằng ký ức. Bởi, với những ca khúc quen ấy, người đứng lên hòa giọng hát cùng nam ca sĩ khó có thể dành trọn tâm trí để nghe anh hát. Ngược lại, với những ca khúc mới của chính Thomas Anders và ban nhạc, sự hưởng ứng của khán giả không nhiều.

Đêm nhạc thứ hai của Thomas Anders và ban nhạc, cũng tại Trung tâm hội nghị quốc gia, những đoạn thoại kiểu như “đã chuẩn bị sẵn sàng để quẩy chưa? – Rồi! giày dép đã chuẩn bị cho hết đêm cũng được” khá phổ biến trước thềm bước vào rạp. Chương trình giống như một sự kiện để tụ hội bạn bè, người thân quen để vui chơi hơn là thưởng thức nghệ thuật.

Trái hẳn với cơn sốt vé trước chương trình và những “cơn sốt” lan truyền trong cộng đồng mạng với mức giá được “thổi” đến cả chục triệu đồng/1 vé, số phe vé chúng tôi gặp trao đổi trước thềm buổi biểu diễn cũng đều cho biết, “vé chợ đen” của ngày thứ hai rớt giá thê thảm. Nếu đêm thứ nhất, giá vé có thể còn giữ nguyên hoặc cao hơn so với giá gốc thì đêm thứ hai, chỉ với 500.000 đồng, thậm chí đến giờ gần biểu diễn, chỉ cần 300.000 đồng, người quan tâm chương trình cũng có thể sở hữu một tấm vé vào cửa.

Tận thu buổi xế chiều

Các chương trình được đảm bảo bằng tài năng, tên tuổi của các huyền thoại âm nhạc một thời vang bóng và cũng bởi tâm lý của hiếm thành ra quý không hẳn quá xa lạ với người Việt. Từ nhiều năm trước, những nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt là những nghệ sĩ hải ngoại, từng bị cấm biểu diễn trong nước một thời gian dài trở về được săn đón nồng nhiệt không kém các huyền thoại âm nhạc thế giới nói trên. Sau những Ý Lan, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, giọng ca sầu muộn Giao Linh, nhạn trắng Gò Công - Phương Dung cũng trở lại.

Tiếp nối vị trí “bảo trợ” cho nhiều chương trình bán vé, các nghệ sĩ này trở thành những cái tên “bảo trợ” cho nhiều chuỗi chương trình phát sóng truyền hình. Bolero sau một thời gian dài bị dán nhãn “nhạc sến, nhạc vàng”, bị cấm cửa ở nhiều nơi, nay trở lại như nấm mọc sau mưa. Dấu ấn thấy rõ trên sóng truyền hình của lớp nghệ sĩ và dòng nhạc này không thể không kể đến các chuỗi chương trình Tình khúc vượt thời gian, Sol vàng…

Gọi là chương trình tôn vinh ca khúc, nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt song trong nhiều khoảng thời gian đầu, chiếm phần lớn nội dung chuyển tải đều là các gương mặt, tên tuổi gắn với bolero. Có nghệ sĩ được vinh danh, dù dấu ấn tên tuổi “đóng đinh” trong cả nhạc truyền thống cách mạng lẫn bolero nhưng được chọn làm trung tâm chương trình vẫn là bolero.

Trở về Việt Nam biểu diễn muộn mằn hơn so với nhiều đồng nghiệp trong cùng thế hệ, đến tận mùa biểu diễn cuối năm nay, Khánh Ly, Chế Linh vẫn là gương mặt được bầu sô mời gọi với những chương trình riêng hoành tráng. Trong khi Chế Linh vẫn tiếp tục là tên tuổi “tung hoành” làng giải trí phía Bắc với liveshow “cháy vé” mới đây thì giọng ca Khánh Ly bắt đầu có dấu hiệu bão hòa với thị trường. Dù vẫn là giọng ca được đón đợi nhưng chương trình “Khánh Ly – concert in Sài Gòn” đầu tháng 12 tại sân vận động Quân khu 7 đã không lấp đầy được khán giả như mong đợi.

Khánh Ly từng được săn đón nồng nhiệt, tại chương trình mới nhất đã không đón được lượng khán giả như mong đợi.

Có “hoàn cảnh” tương tự nhưng thuộc thế hệ sau và dòng nhạc khác nhưng sự trở lại của nam ca sĩ Bằng Kiều cũng không là một ngoại lệ. Sau các thông tin người hâm mộ săn lùng tìm mua vé xem chương trình của thời gian mới trở về thì tại mùa biểu diễn năm nay, chương trình của anh không còn tạo được những kỷ lục như trước. Bằng Kiều cũng trở thành gương mặt phổ biến hơn với sự xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền hình phủ sóng cả nước.

“Thức ăn nhanh”

Đối ngược với việc “tận thu” tên tuổi các nghệ sĩ của “một thời vang bóng” và hoài niệm của công chúng là dấu ấn và xu hướng “đến nhanh, qua nhanh” của những tên tuổi mới trong đời sống âm nhạc Việt. Từ chỗ tạo những cơn sốt trong cộng đồng mạng, những tên tuổi ấy dần bước ra ngoài đời thực.

Những giải thưởng dành riêng cho cộng đồng này cũng được ra đời và dần khẳng định vị thế của mình trong đời sống. Trong đó, giải thưởng “đình đám” nhất hàng năm phải kể đến Zing Music Awards. Năm 2016, khá nhiều những tên tuổi còn xa lạ với sân khấu ngoài đời thực tiếp tục “đổ bộ” vào danh sách bình chọn: Lip B, MONSTAR, Uni5, Rocker Nguyễn, SooBin Hoàng Sơn.

Với Pop Awards, giải thưởng dành cho nghệ sĩ cũng được “đo đếm” bằng công cụ kỹ thuật số, trong đó có giải thưởng cho lĩnh vực âm nhạc, người theo dõi cũng từng chứng kiến những kỷ lục bất ngờ. Những thông tin kiểu “công chúa triệu view” cho những giọng hát còn rất mới, đôi khi là rất lạ từ đơn vị này cung cấp đã giống như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Ngay cả giới chuyên môn, những nhạc sĩ, nghệ sĩ có uy tín trong đời sống âm nhạc Việt, sau nhiều năm gắn bó với giải thưởng âm nhạc trực tuyến, đặc biệt là Zing Music cũng không dưới một lần thừa nhận, âm nhạc trong cộng đồng trực tuyến đang có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt. Chỉ có điều, những người làm nên dấu ấn trong cộng đồng này hầu hết đều trẻ, nắm bắt xu hướng, kỹ thuật âm nhạc mới rất nhanh, hình thành những trào lưu âm nhạc mới rất nhanh nhưng những trào lưu, kể cả những tên tuổi của trào lưu ấy cũng rất nhanh chóng bị lấp đi bởi các trào lưu âm nhạc khác.

Thomas Anders và ban nhạc “khuynh đảo” trên sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Vòng đời của các trào lưu, sản phẩm, tên tuổi âm nhạc ấy có khi nhanh đến mức mà người gắn bó lâu năm như các nghệ sĩ trong hội đồng nghệ thuật của giải thưởng chưa kịp thẩm thấu thì chúng đã qua đi mất. Sở dĩ chúng “đọng” lại được tới bước bình chọn trong giải thưởng là bởi các chỉ số ghi nhận từ hệ thống đo đếm kỹ thuật của đơn vị làm cầu nối với người sử dụng.

Ngay với đội ngũ các nhà báo theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật cả nước, những người được ban tổ chức mời tới bỏ phiếu bình chọn cho các gương mặt mà hệ thống đã liệt kê có số lượng người xem, bình chọn, yêu thích nhất trong cộng đồng mạng, không ít mùa giải, người cầm lá phiếu để bình chọn nhưng cũng ngỡ ngàng không biết chọn sao cho đúng vì tên tuổi trong danh sách còn… lạ hoắc? Việc bỏ phiếu bình chọn như thế, cả ban tổ chức và người trong cuộc đều hiểu, độ chính xác của giải thưởng đến mức như thế nào.

Không thể phủ nhận những giá trị về mặt giải trí của những chương trình, hoạt động âm nhạc nói trên trong đời sống xã hội nhưng chắc chắn, nếu chỉ có thể gây tiếng vang bằng những thành tựu cũ, mượn công nghệ để khuất lấp những hạn chế bởi sự bào mòn của thời gian,  nếu chỉ có những ồn ào quanh các trào lưu, sản phẩm âm nhạc đến nhanh, qua nhanh và quên nhanh, chắc chắn, câu chuyện phát triển âm nhạc Việt sẽ còn nhiều vấn đề, chưa kể, sự phát triển ấy bền vững đến đâu.

Minh Hải
.
.