Phát hành phim tư nhân: Thừa mánh lới, lắm chiêu trò

Thứ Sáu, 08/12/2017, 15:10
Ngày càng có nhiều những dự án phim được quảng bá theo cách “bóc ngắn cắn dài”, thậm chí người xem cảm thấy như... bị lừa.

Đối lập với việc gần như bỏ trắng công tác quảng bá nhằm thu hút sự chú ý của công chúng với các tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất, hầu hết các dự án phim truyện điện ảnh do tư nhân bỏ vốn đầu tư đều được quảng bá một cách khá bài bản.

Việc tổ chức truyền thông liên tục từ khi mới “rục rịch” chuyển động dự án cho đến khi hoàn thiện bộ phim đã kích thích sự chú ý của công chúng, góp phần đáng kể trong thu hút khán giả mua vé vào rạp, mang doanh thu về cho nhà sản xuất.

Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt trên hành trình phát triển thành ngành công nghiệp thực thụ, nếu như không ngày càng có nhiều những dự án được quảng bá theo cách “bóc ngắn cắn dài”, thậm chí người xem cảm thấy như... bị lừa.

Lấy cảnh “nóng” nuôi... phim

Trước khi ra mắt khán giả không lâu, nhà sản xuất phim “Mẹ chồng” đã tung một trailer “gây sốc” khi nội dung có khá nhiều “cảnh nóng” giữa vai nữ chính - siêu mẫu Thanh Hằng và Song Luân. Thế nhưng, trong nội dung phim chính thức công chiếu sau đó, những cảnh quay trong trailer này gần như không có khiến người xem cảm thấy như bị nhà sản xuất lừa.

Cảnh phim “Mẹ chồng” trong trailer giới thiệu nhưng không có trong nội dung phim phát hành.

Trước đoạn trailer gây nhiều tò mò, phán đoán và tranh cãi, dự án phim “Mẹ chồng” đã tạo sự chú ý ngay khi công bố dàn người đẹp sẽ tham gia diễn xuất gồm siêu mẫu Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Hoa khôi áo dài 2014 - Lan Khuê, Midu và nghệ sĩ Diễm My. Khả năng diễn xuất của Thanh Hằng và Midu đã được ít nhiều biết đến qua một số dự án phim, MV ca nhạc trước đó.

Nghệ sĩ Diễm My không chỉ được bảo chứng tên tuổi bởi quá trình lao động nghề nghiệp mà còn bởi sự nổi tiếng trở lại sau khá nhiều những hình ảnh xuất hiện cùng du thuyền hạng sang, các thông tin về sự giàu có và xa xỉ...

Riêng Lan Khuê là cái tên rất mới với thị trường điện ảnh. Tất nhiên, nhìn vào dàn người đẹp này, có lẽ, không ít khán giả khi mua vé vào rạp đều chuẩn bị tâm thế “xem phim do người đẹp đóng”. Mua vé xem phim cũng đồng nghĩa với cách thỏa hiệp sẽ không đòi hỏi, không quá khắt khe và trông đợi một tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Thế nhưng, xem “Mẹ chồng” thật không thể không... “hồi hộp”. Những câu thoại lơ lớ và đơ đớ như người nước ngoài nói tiếng Việt, cách đi đứng sinh hoạt trong nhà mà như đang đi trên sàn catwalk của các người mẫu trong một bộ phim truyện điện ảnh có thể khiến nhiều fan của họ hỉ hả nhưng cũng khiến người yêu điện ảnh, dù dễ dãi cũng muốn... “đau tim”.

Cảnh con dâu cả Ba Trân (Thanh Hằng) đau đớn vào báo tin cho mẹ chồng - bà Hai Lịnh (Diễm My) rằng chồng cô đã chết, xác vừa được tìm thấy, là một điểm cao trào. Đây cũng là đoạn rất “đắt” trong phim, đòi hỏi diễn xuất vô cùng tinh tế. Nhưng yêu mến Thanh Hằng đến đâu, người xem cũng chỉ có thể “cảm ơn trời, cô ấy khóc được kìa!”.

Rất may, càng về cuối phim, diễn xuất của Thanh Hằng đã tốt hơn và nhiều cảnh, cô đã thực sự lấy được nước mắt của người xem. So với Lan Khuê, Ngọc Quyên, thì rõ ràng diễn xuất của Thanh Hằng còn khá hơn nhiều.

Cảnh đầu tiên Lan Khuê xuất hiện là trong một lễ hội của Đại Điền, khán giả không hiểu cô là ai, có vai trò gì trong phim. Phải mất khá nhiều thời gian để đoán định, người xem mới hiểu được vai của Lan Khuê trong phim là con dâu cả của Ba Trân. Tất nhiên, những tình tiết thiếu logic như thế trong phim không phải là ít... Với dàn diễn viên nữ như thế, diễn xuất của nghệ sĩ Diễm My trở thành những điểm sáng nhất trong phim “Mẹ chồng”.

“Ăn theo” thảm án 

Thực tế, với điện ảnh Việt, kiểu quảng bá một đằng, nội dung, chất lượng có khi là một thái cực khác như “Mẹ chồng” không phải là chuyện “xưa nay hiếm”. Thậm chí, nếu so với thời cực thịnh của dòng phim giải trí với những “Gái nhảy” hay “Chuông reo là bắn” thì có lẽ những chiêu trò trong ê-kíp của đạo diễn Lê Hoàng đã quá... lỗi thời. Vì ít nhất, thời của Lê Hoàng còn “thật thà” kiểu quảng cáo có cảnh này và phim chiếu đúng là có cảnh mà nhà sản xuất tung ra nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.

“Mất xác” với thông tin mượn ý tưởng từ vụ án nổi tiếng - thẩm mỹ viện Cát Tường và “giàu” cảnh nóng nhưng vẫn thất bại.

Với phim truyện điện ảnh “Mất xác” của đạo diễn Đỗ Thành An, người làm công tác truyền thông còn “bá đạo”. Không chỉ gây chú ý bằng “cảnh nóng”, ê-kíp thực hiện còn “khuyến mãi” thêm thông tin gây sốc khi tuyên bố phim được lấy cảm hứng từ vụ án của thẩm mỹ Cát Tường - vụ án từng xôn xao dư luận về độ tàn nhẫn và chưa kịp lắng hẳn xuống khi dự án phim chào đời.

Cũng tương tự như “Mất xác”, mới đây, ê-kíp làm phim “K” của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng khiến công chúng bất ngờ khi tuyên bố phim lấy ý tưởng từ vụ án về nữ nghệ sĩ Thanh Nga.

K” được giới thiệu là dự án phim trinh thám - hình sự, tâm lý tội phạm. Sự xuất hiện của bộ đôi nghệ sĩ từng “làm mưa làm gió” màn bạc một thời: Chánh Tín, Thương Tín cùng nhiều gương mặt trẻ ăn khách Hứa Vĩ Văn, Kinh Quốc, Lan Phương, Diễm My 9X ít nhiều giúp Nguyễn Hữu Hoàng tạo thêm được sự chú ý trong lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch của một dự án phim truyện điện ảnh.

Tuy nhiên,việc khơi lại một vụ án nổi tiếng trong lịch sử về nữ nghệ sĩ tài danh một thời mới là thông tin đánh vào sự tò mò của công chúng hơn cả.

Chuyện lấy ý tưởng từ các vụ án nổi tiếng để làm phim như nhà sản xuất “Mất xác” hay “K” công bố không phải chuyện hiếm của điện ảnh nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với những vụ án còn quá mới như thẩm mỹ viện Cát Tường, khi nỗi đau đớn về cái chết thảm khốc của nạn nhân như vết thương chưa kịp khép lại trong lòng người thân của họ là thiếu nhân đạo.

Thông tin phim “K” lấy ý tưởng từ vụ án cố nghệ sĩ Thanh Nga bị gia đình phản đối ê-kíp.

Dù cố ý hay vô tình, việc một dự án điện ảnh khơi lại nỗi đau này để PR cho bộ phim hoàn toàn đi ngược lại tính nhân văn cần có của người làm nghệ thuật. Vì vậy, không khó hiểu khi ê-kíp làm phim phải chịu nhiều sự chỉ trích từ công luận ngay sau đó.

Với dự án phim “K”, người thân của cố nghệ sĩ Thanh Nga cũng đã buộc phải lên tiếng phản đối. Nỗi đau mất người thân bởi một thảm kịch đâu dễ gì xóa nhòa, dù rằng, cậu bé Hà Linh thuở nào nay đã là người đàn ông trưởng thành về mọi mặt. Vì vậy, sau đó, cả 2 ê-kíp làm phim nói trên đã phải lên tiếng đính chính, thậm chí xin lỗi trực tiếp hoặc gián tiếp những người liên quan bị ảnh hưởng bởi hành động mượn thảm án để gắn cho dự án điện ảnh của mình.

Riêng với những phim được truyền thông, quảng bá theo cách “treo đầu dê, bán thịt chó” như “Mẹ chồng”, chắc chắn, với người xem, đó không chỉ là sự thất vọng mà còn là cảm giác như bị lừa mua hàng giả. Với người làm văn hóa, làm nghệ thuật - những công việc luôn được xã hội đề cao vì gắn liền với tri thức thì đây là điều khó chấp nhận được.

Dù rằng, có thể sẽ có nhiều cách lý giải, với những lý do nằm ngoài ý muốn chủ quan của nhà sản xuất. Bởi lẽ, đã là người làm nghề chuyên nghiệp thì không thể không nắm được “luật chơi” nếu chấp nhận dấn thân vào bất cứ “cuộc chơi” nào. Quảng cáo thứ mình không có, khác nào buôn bán hàng giả?

Chưa kể, khi những hình ảnh nhạy cảm trong đoạn trailer quảng bá phim được hồn nhiên giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng trên fanpage của nhà phát hành CGV, chẳng đặng đừng, một đạo diễn trẻ nhưng có uy tín trong cộng đồng làm phim đã lên tiếng phản ứng. Lý do, fanpage đăng tải các hình ảnh này vốn dành cho mọi lứa tuổi.

Rất đông người theo dõi trang là trẻ em. Ngay ở các quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhất trên thế giới như Mỹ, việc đăng tải những hình ảnh, video như thế luôn bắt buộc có các cảnh báo người xem đi kèm, không thể đăng khơi khơi như trường hợp này.

“Màng lọc” bị vô hiệu hóa

Một thực tế khác là hiện nay, chúng ta đang nỗ lực phân loại phim chiếu rạp như một cách cởi mở hơn trong quản lý, phát hành tác phẩm điện ảnh, vừa khai thác, phục vụ đa dạng đối tượng người xem hơn, nhưng cũng định hướng đối tượng, lứa tuổi phù hợp hơn cho mỗi bộ phim.

Ngay với các kênh phát hành phim nước ngoài hiện nay qua Internet, các kênh TV chuyên về phim nổi tiếng, thậm chí ngay cả mạng xã hội cũng đều có những điều kiện kèm theo, những cảnh báo nhất định cho người xem trước khi phát sóng. Nếu khâu truyền thông, quảng bá tác phẩm thiếu những “màng lọc” hiệu quả, những nỗ lực quản lý, định hướng nói trên sẽ vô tình bị vô hiệu hóa.

Quảng bá, truyền thông cho từng tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, mỗi dự án phim truyện điện ảnh nói riêng là vô cùng cần thiết trong thời của công nghệ tiếp thị như hiện nay.

Nói như chia sẻ của đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng thì với các nhà sản xuất, kể cả các nhà sản xuất phim nổi tiếng trên thế giới, đây là một trong những khâu quan trọng nhằm đưa tác phẩm tiếp cận với công chúng. Việc nhà sản xuất các siêu phẩm điện ảnh thế giới mạnh tay chi đến một nửa kinh phí để phục vụ công tác quảng bá tác phẩm lâu nay không là chuyện mới lạ.

Tuy nhiên, cách làm của họ rất chặt chẽ, phải tuân thủ theo những quy trình nghiêm ngặt. Các diễn viên, đạo diễn cho đến nhân viên kỹ thuật đều phải tuân thủ quy trình này. Nếu cá nhân nào vi phạm, để lộ lọt thông tin, dù là trên trang cá nhân, có thể ảnh hưởng đến quy trình chung rất có thể bị phạt hợp đồng, phải bồi thường. Ở Việt Nam, các hoạt động như thế chưa hẳn được chú ý đúng mức cần thiết...

Trao đổi nhanh quanh câu chuyện trailer quảng bá phim “Mẹ chồng” nói riêng, những cách quảng cáo một đằng, nội dung, chất lượng một nẻo của các dự án sản xuất phim lâu nay nói chung, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Hội đồng thẩm định phim của Cục Điện ảnh chỉ xem xét về mặt nội dung phim. Phân loại phim phải do Hội đồng quyết định không phải do nhà sản xuất quyết định. Việc quản lý các nội dung và hoạt động quảng cáo phim thuộc về Cục Văn hóa cơ sở.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc kiểm soát khâu quảng cáo chưa hẳn chặt chẽ. Việc phát hành sản phẩm được “dán nhãn” là văn hóa nghệ thuật nói chung qua mạng Internet, đã có những trường hợp được cơ quan quản lý văn hóa đẩy sang bên cơ quan quản lý về thông tin truyền thông.

Ngược lại, không ít trường hợp, “trái bóng” trách nhiệm được đẩy trả lại cho cơ quan quản lý văn hóa với lý do, chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm văn hóa phải là cơ quan quản lý văn hóa. Ngay với các trường hợp quảng cáo không như nội dung sản phẩm khi phát hành nêu trên cũng chưa được quan tâm xử lý...

Minh Hà
.
.