Phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội

Chủ Nhật, 19/01/2020, 10:16
Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là lúc mùa lễ hội chuẩn bị diễn ra trên cả nước. Đây cũng là thời điểm các địa phương, đặc biệt là địa phương có lễ hội lớn đều bắt tay chuẩn bị cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Mỗi địa phương, mỗi lễ hội có cách thức quản lý, tổ chức đặc thù nhưng một giải pháp chung được ban tổ chức các lễ hội nhắc đến nhiều năm qua là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lễ hội.

Giảm hình ảnh phản cảm

Hẳn nhiều du khách còn chưa quên cảnh chen lấn, giành giật ở ngày khai mạc lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) 2017. Khi một vị sư phát lộc là chiếc dây đỏ có gắn tượng phật màu vàng. Cả biển người sẵn sàng chen lấn, đè lên nhau để giành giật cho bằng được. 

Lực lượng an ninh rất vất vả khi diễn ra màn cướp lộc tre (lễ hội Đền Sóc 2017).

Cũng chùa Hương, mùa lễ hội 2018, nhà chùa thực hiện nghi lễ Mông Sơn thí thực (lễ tạ và cũng là lễ khao) tại sân Thiên Trù. Ngay sau khi kết thúc buổi lễ, người dân tham dự lại chen lấn, xô đẩy tranh giành lộc gây hình ảnh xấu xí, phản cảm đúng vào ngày kết thúc mùa lễ hội.

Một lễ hội khác, dù đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vẫn không tránh được hình ảnh tranh cướp phản cảm, đó là hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội). Năm 2017 trở về trước, không năm nào không có màn cướp hoa tre. Hoa tre tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. 

Hoa tre sau khi dâng lên đền Thượng sẽ được rước xuống đền Hạ. Sau lễ, hoa tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Bởi thế, năm nào trong nghi thức này cũng diễn ra tình trạng tranh cướp vô cùng lộn xộn, ẩu đả giữa những thanh niên tham gia lễ hội, khiến công tác an ninh vô cùng khó kiểm soát.

Trước tình trạng đó, năm 2018, theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc đã bỏ tục lệ cướp hoa tre, nhiều người cũng tiếc nuối khi mất đi tục lệ này. Tuy nhiên, thực tế 2 mùa lễ hội vừa qua tại đền Sóc đã chứng minh, bỏ đi nghi thức tranh cướp vừa đảm bảo tính tôn nghiêm của lễ hội, vừa giữ gìn hình ảnh đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, không còn hình ảnh phản cảm từng diễn ra trong nhiều năm qua.

Nói đến lễ hội ở miền Bắc, không thể không kể đến lễ hội đền Trần (Nam Định). Hẳn trong tâm trí của mỗi người khi nghĩ đến lễ hội đền Trần là hình ảnh chen lấn để lấy được lộc ấn, thậm chí, không ít người phải thức suốt đêm, xếp hàng từ nửa đêm để sáng hôm sau mới xin được một vài cánh ấn đền Trần. Lý do là vì ban tổ chức phát ấn ngay sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương, khai ấn (0 giờ ngày rằm tháng Giêng) tạo nên một "cơn khát" ngay trong giờ cao điểm. 

Sau đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu địa phương phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, tìm phương pháp để hạn chế tình trạng này. Năm 2016, lần đầu tiên lễ hội đền Trần không phát ấn lúc 0 giờ, mở rộng thời gian phát ấn. Điều này đã giảm hẳn tình trạng chen lấn, xô đẩy để xin ấn. Nhưng, không phải lễ hội nào cũng dễ dàng đạt được kết quả khi thay đổi cách thức tổ chức.

Năm 2019, lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) đã bị tạm dừng tổ chức. Thời điểm ấy, theo ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, thừa nhận: "Dù chúng tôi đã tổ chức các lớp an ninh rất kỹ lưỡng, tuy nhiên vẫn không có cách ngăn cản thanh niên ùa vào cướp phết. Hội phết có truyền thống nhiều năm nên việc dừng lễ hội rất khó thực hiện. Nó phụ thuộc nhiều vào những người cao tuổi ở địa phương".

Sau đó, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Phú Thọ yêu cầu ban tổ chức lễ hội, UBND xã Hiền Quan không tiếp tục tổ chức đánh phết vào ngày thứ hai diễn ra lễ hội. Yêu cầu huyện Tam Nông, xã Hiền Quan và ban tổ chức lễ hội nghiêm túc thực hiện, nếu không sẽ vĩnh viễn dừng việc tổ chức đánh phết trong những năm sau. 

Đáng tiếc là cho đến thời điểm này, lãnh đạo huyện Tam Nông cho biết, địa phương vẫn đang bàn thảo với cộng đồng để tìm giải pháp cho mùa lễ hội tới. "Nhưng, phải thú thực là rất khó!" - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phan Văn Ngọc chia sẻ. 

Cũng theo ông Phan Văn Ngọc, đối với việc tổ chức hội Phết Hiền Quan, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiền Quan xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới phần đánh phết. Nhưng từ năm 2016-2019, nội dung này vẫn liên tục bị "vỡ trận" mặc dù đã có nhiều phương án được đưa ra.

Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vi phạm quy định tại Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội vẫn diễn ra.

Cũng tại Phú Thọ, năm 2019, lễ hội chọi trâu Phù Ninh đã phải xin dừng tổ chức. Lý do là UBND huyện Phù Ninh đang tích cực phối hợp để hoàn chỉnh đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội. 

Các lễ hội lớn năm 2019 đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách thập phương. Tiêu biểu tại các lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội, không còn tái diễn hình ảnh tranh cướp lộc phản cảm như mùa lễ hội 2017, 2018. 

Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã kiểm soát tốt việc phát giò hoa tre, trầu cau cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Lễ hội đền Trần không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy tranh cướp ấn, cướp lộc hoặc tung tiền vào các nơi thờ tự, triển khai phương án bố trí khoa học các vòng kiểm soát an ninh; lắp camera giám sát... Đây là sự chuyển biến rõ rệt và đáng kể so với 1-2 mùa lễ hội trước

Đừng đi lễ hội chỉ vì a dua

Giới nghiên cứu văn hóa chỉ rõ, sự thiếu hiểu biết về di tích, lễ hội, sự nhầm lẫn về lễ hội là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều lễ hội trở nên xô bồ, hỗn loạn.

GS Trần Lâm Biền cho biết: "Rất nhiều người tổ chức, quản lý, tham gia lễ hội hiện nay không hiểu rõ lễ hội là gì. Phần đông cứ cho rằng lễ là cúng bái, hội là vui chơi. Thực chất, lễ hội là một cặp phạm trù thống nhất. Hội là tập hợp một cộng đồng lớn nhỏ để thực hiện những điều về lễ, trong đó, việc cúng bái chỉ là một nghi thức trong rất nhiều những nghi thức của lễ. 

Lễ bao gồm những ứng xử mang tính chân thiện mỹ của con người đối với thần linh, đối với vũ trụ, đối với họ hàng thân tộc và ứng xử đối với chính mình. Ý nghĩa của lễ hội là thúc đẩy tinh thần yêu quê hương, dân tộc, đỉnh cao tột cùng của lễ hội là con người vượt qua chính bản thân mình, làng xã mình để yêu quê hương, đất nước.

Các trò chơi dân gian trong lễ hội cũng gắn với những ý nghĩa hết sức cao cả. Chẳng hạn như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, không đơn giản là chọi trâu. Tích truyện nói rằng hai con trâu ở dưới nước lên bờ chọi nhau, khi trận chọi quyết chiến xong xuôi, trâu lặn xuống nước, đó là sự vận động của thủy triều. Con người muốn diễn lại hình ảnh đó nên tổ chức lễ hội. 

Hay như trò chọi gà, con gà trống xưa vốn được coi là biểu tượng, là linh hồn của mặt trời, sự chọi gà ấy là biểu hiện cho sự vận động của mặt trời. Nay chúng ta nhìn chọi gà là một thứ trò chơi đơn thuần, hò hét, cổ vũ, thậm chí thành nơi cá cược, sát phạt nhau, dẫn đến những biến tướng, tiêu cực"...

"Chúng ta nên dùng cái đầu để ứng xử với di tích, lễ hội chứ không phải dùng chân tay, phải dựa trên nền tảng trí tuệ thì cái tâm mới sáng được. Nói cách khác, khi đến với di tích, lễ hội mà thiếu sự hiểu biết thì dễ dẫn đến sự mù quáng" - GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Để tuyên truyền không chỉ là khẩu hiệu

Để nâng cao hiểu biết cho người dân, không có con đường nào khác là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Điều này cũng phù hợp với bài học kinh nghiệm qua nhiều năm quản lý và tổ chức lễ hội được các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội nêu ra, đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia lễ hội.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 110, triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền đối với chủ thể văn hóa và công chúng về bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội. "Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội; đẩy mạnh vai trò truyền thông của báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội, di tích, định hướng những hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội..." - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy yêu cầu.

Theo đại diện Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương, để thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, địa phương đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội.

Đối với lễ hội đền Trần, trong năm 2019, hiện tượng người dân đi theo đoàn rước kiệu ném tiền vào kiệu ấn đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Theo ban quản lý khu di tích đền Trần - chùa Tháp, điều này có được một phần lớn do địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. 

Bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định chia sẻ: "Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức: như trên pano, băng rôn - khẩu hiệu, hệ thống cờ hội...; đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của ban quản lý với nội dung và thời lượng phù hợp. Với người cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định, những quy định về thực hiện hành vi, nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội được lãnh đạo tỉnh, thành phố quán triệt trong các cuộc họp giao ban để nâng cao ý thức người tham gia. Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt cũng được công khai nếu cán bộ, công chức, viên chức tham gia lễ hội bị phát hiện có hành vi không đẹp như tranh giành lộc, ném tiền lẻ lên kiệu ấn...".

"Do làm tốt vai trò quản lý nhà nước trên tất cả mọi lĩnh vực tuyên truyền giáo dục, biết phát huy công tác xã hội hóa, nêu cao vai trò cộng đồng trong việc giữ gìn, tôn tạo và xử lý các vi phạm trong khu di tích thắng cảnh, nhận thức của nhân dân địa phương tham gia phục vụ lễ hội, du khách trẩy hội về thực hiện nếp sống văn hóa đã có chuyển biến tích cực trong cả ý thức và hành động" - ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương; Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực sự không chỉ là khẩu hiệu mà là một trong những biện pháp hiệu quả trong quản lý và tổ chức lễ hội. Giải pháp này cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả ở các địa phương hướng tới mùa lễ hội 2020 thực sự đảm bảo an toàn vui tươi, tạo không khí phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Thảo Nguyên
.
.