Phẫu thuật thẩm mỹ và thông điệp từ những bức ảnh

Thứ Sáu, 17/08/2018, 14:06
Nhiều bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Ji Yeo về những người phụ nữ với hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ đã gây sửng sốt cộng đồng mạng. Liệu thông điệp từ Ji Yeo có giúp giới trẻ nghĩ lại trước khi nhờ đến dao kéo để có được nhan sắc như mong muốn?

Thời niên thiếu, Ji Yeo có hai ước muốn. Một là, cô ước mình có thể học tại một trường đại học danh giá. Hai là, cô mong muốn được thực hiện một cuộc “đại trùng tu” toàn bộ vẻ bề ngoài của mình, từ đầu đến chân. Và khi đã vào được đại học tại Hàn Quốc, Ji Yeo bắt tay vào thực hiện ước mơ còn lại của mình.

Ji Yeo khi thực hiện dự án “Hãy vẽ lên người tôi”.

Thông điệp từ những bức ảnh

Vào những năm cuối của thời niên thiếu, Ji Yeo đã hẹn gặp vài bác sĩ thẩm mỹ, khoảng hơn 12 người tất cả. Hồi tưởng về quá khứ, Ji Yeo tâm sự: “Vào thời điểm đó, tôi không hề thích bản thân mình chút nào. Lòng tự trọng của tôi rất thấp. Tôi thậm chí còn ghét cả ngón chân của mình! Tôi không thích tóc của mình. Tôi không thích cả lông mày của mình nữa”.

Tuy nhiên, những lần tham khảo ý kiến bác sĩ đã khiến Ji Yeo thật sự lo âu về những ca phẫu thuật này. Ji Yeo cho biết: “Càng hỏi bác sĩ về phẫu thuật thẩm mỹ tôi lại càng lo lắng. Bởi không một bác sĩ nào chịu giải thích rõ ràng quá trình phẫu thuật sẽ như thế nào hoặc những biến chứng có thể xảy ra. Tôi cảm thấy không thể tiếp tục. Tôi đã mong chờ cả đời để được giải phẫu thẩm mỹ, nhưng tôi nhận thấy dường như phần lớn khao khát ấy của mình là do tác động từ bên ngoài.”

Để kiểm tra lại những nhận định của mình, Ji Yeo thôi không tham khảo ý kiến bác sĩ nữa mà thay vào đó, cô bắt đầu dự án mang tên “Phòng phục hồi sắc đẹp”. Ji Yeo liên lạc với các phụ nữ thông qua diễn đàn phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến ở Hàn Quốc và xin họ cho phép cô được chụp lại hình ảnh của họ sau ca giải phẫu, khi còn đang bị băng bó, bầm tím, hình thành sẹo và đôi khi những vết thương còn rỉ nước. Đổi lại, trong vài trường hợp, cô đã nhận chăm sóc những phụ nữ này. Khoảng 10 người đồng ý và kế hoạch thành công ngoài mong đợi. 

Trong một nền văn hóa mà những người phụ nữ bị đánh giá về vẻ ngoài già nua, mất cân đối hoặc nhàm chán, những bức ảnh này đã phản ánh một phần của quá trình phẫu thuật mà ít người biết. Những bức ảnh được lan truyền nhanh chóng trên mạng và cả trong những buổi triển lãm do Tạp chí Wired hỗ trợ. Ji Yeo đã lọt vào danh sách sơ tuyển cho giải nhiếp ảnh Taylor Wessing năm 2013 và cũng chính nhờ dịp này mà bức ảnh người phụ nữ mang đôi tất y khoa và băng đầu được xuất hiện tại Triển lãm ảnh quốc gia tại London.

Ji Yeo cũng đã triển lãm những bức ảnh của mình tại Brighton, miền Nam nước Anh cũng như cuộc trưng bày tại 3 phòng triển lãm ở Mỹ. Bên cạnh đó, Ji Yeo cũng thực hiện các bộ ảnh về những người phụ nữ trong một nhóm hỗ trợ chứng rối loạn ăn uống và một dự án mô tả cơ sở vật chất của nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc.

Ji Yeo cho biết: “Những thẩm mỹ viện ở đây có quy mô rất lớn, gần giống như bệnh viện chứ không còn là một phòng khám chuyên biệt. Ở đây có hẳn một tòa nhà 14 tầng bao gồm các phòng giải trí và nhiều dịch vụ khác”.

Ji Yeo với những vết mực vẽ trên người. Những phản hồi tích cực của mọi người đã giúp cô Tự tin hơn.

Năm 2010, Ji Yeo mặc một bộ quần áo bó màu da và đi đến khu chợ ngoài trời tấp nập người qua lại ở Brooklyn với tấm biển ghi: “Tôi muốn trở nên hoàn hảo. Hãy vẽ lên người tôi. Hãy vẽ lên những nơi mà tôi cần phẫu thuật thẩm mỹ”. Cô kể lại: “Tôi vô cùng hồi hộp trước ý tưởng tự đặt mình vào tình thế dễ bị tổn thương và tôi thậm chí không thích cách mọi người nhìn mình trên phố”.

Đôi lúc, Ji Yeo còn nhận thấy những người đàn ông đang nhìn chằm chằm vào một số bộ phận trên cơ thể mình. “Nhưng trong suốt buổi hôm đó tôi đã rất dễ chịu khi mọi người đến bên tôi và nói rằng họ bất ngờ trước ý tưởng của tôi” - Ji Yeo kể lại. Mọi người vẽ nguệch ngoạc lên lớp áo bó và trên da của Ji Yeo, rằng “cô xinh đẹp khi là chính cô”, “cô đã hoàn hảo rồi” và cả dòng chữ “không phải ở vùng này” dọc theo đùi của cô. Ji Yeo tâm sự: “Cảm giác thật tuyệt. Điều đó không có nghĩa là tôi đã có thể vượt qua mọi sự sợ hãi và yếu đuối nhưng chúng đã giúp tôi phần nào”.

Ji Yeo cho biết: “Việc nói chuyện và tiếp xúc với những người phụ nữ đó đã tác động đến tôi rất nhiều”. Thoạt đầu, Ji Yeo đã rất bất ngờ nhưng rồi bắt đầu thấu hiểu được những phụ nữ này. Ji Yeo kể lại: “Có một phụ nữ chuẩn bị tiến hành nâng ngực bằng tiền vay được từ ngân hàng, vì cô ấy không có tiền”. Kết quả kiểm tra cho thấy một bên ngực của cô ấy có vấn đề, như vậy nghĩa là sẽ không có cuộc phẫu thuật nào diễn ra. “Nhưng thay vì nâng ngực, cô ấy đã nâng mũi và độn cằm”.

Khởi phát từ xứ sở Kim Chi

Theo ước tính, Hàn Quốc là thị trường giải phẫu thẩm mỹ lớn nhất thế giới. Năm 2009, một cuộc khảo sát ở Hàn Quốc đã cho thấy cứ 5 người từ độ tuổi 19 đến 49 thì có 1 một người đã từng tham gia làm đẹp nhờ dao kéo. Virginia Blum, nữ Giáo sư người Mỹ và là tác giả của cuốn sách (xuất bản năm 2005) “Vết thương phần mềm: Văn hóa phẫu thuật thẩm mỹ” đã từng cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ có khả năng gây nghiện.

Virginia bình luận: “Bởi vì những người đã từng có được cảm giác tự tin tăng vọt, họ sẽ muốn có được cảm giác ấy lần nữa. Tôi nghĩ rằng, đây chính là một phần của việc tham gia phẫu thuật thẩm mỹ. Bạn tham gia vào quá trình làm mới bản thân này, tinh thần cũng từ đó trở nên vô cùng phấn chấn và bạn sẽ lại muốn duy trì cảm giác này. Tôi cho rằng, bằng cách này hay cách khác thì một khi bạn đã tham gia, bạn sẽ bị cuốn theo mãi. Bạn có thể có kết quả không như mong đợi và phải thực hiện lại lần nữa hoặc có thể kết quả hoàn toàn mỹ mãn, bạn vẫn sẽ muốn tìm lại cảm giác thích thú đó.

Bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Ji Yeo về người phụ nữ với hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ đã gây sửng sốt cộng đồng mạng.

Phụ nữ lớn lên khi bên cạnh là hàng đống những tạp chí thời trang, nơi mà chúng ta nhận ra rằng có thể thay đổi những phần trên cơ thể rồi từ đó phân loại ra và giải quyết từng mục tiêu một. Và dường như việc sắp xếp từng vùng để đi chỉnh sửa này ít khi diễn ra ở nam giới mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng số lượng những người đàn ông tham gia vào việc này đang bắt đầu tăng lên”.

Trong khi cả thế giới thích thú với các nhóm nhạc nam nữ nổi tiếng như Girls' Generation, 2NE1 và Big Bang, thì nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy lo ngại K-pop đang làm bùng nổ một xu hướng khác - phẫu thuật thẩm mỹ ở tuổi thiếu niên. Trên nhiều trang web hâm mộ K-pop bàn tán sôi nổi về chuyện các thần tượng có các đường nét khuôn mặt hoàn hảo là tự nhiên hay do có sự can thiệp của dao kéo?

Thường kèm theo những câu chuyện như thế là những bức ảnh chụp mới nhất của ngôi sao K-pop đặt bên cạnh số ảnh chụp thời thơ ấu của họ để mọi người so sánh và kết luận. Chắc chắn, phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc là thứ được quảng cáo rầm rộ trong nhiều năm qua.

Tháng 4-2012, Tạp chí Anh The Economist báo cáo Hàn Quốc có số dân sửa sắc đẹp nhiều nhất thế giới - dựa theo dữ liệu từ cuộc điều tra năm 2010 của Hiệp hội Quốc tế các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ (ISAPS). Cách đây khoảng chục năm, tuyệt đại đa số người Hàn Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ ở độ tuổi 20 và 30.

Nhưng về sau xu hướng phổ biến trong giới thiếu niên đến mức vào năm 2011, Bộ Giáo dục Hàn Quốc phải phát hành một tập sách nhỏ cảnh báo những học sinh trung học về "hội chứng phẫu thuật thẩm mỹ". Trong cuốn sách, hình ảnh các nhân vật nổi tiếng như Michael Jackson được dùng để nhấn mạnh những hậu quả tiềm ẩn của phẫu thuật thẩm mỹ.

Bìa cuốn sách “Vết thương phần mềm: Văn hóa phẫu thuật thẩm mỹ” .

Cuốn sách của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng nêu sự việc một phụ nữ địa phương có gương mặt phồng to vì quá mê sửa sắc đẹp với dao kéo và cuối cùng người này đã treo cổ tự vẫn vì ca phẫu thuật cải tạo hàm không thành công. Sharon Lee, nữ Giáo sư Khoa Phân tích văn hóa và xã hội thuộc Đại học New York và là người nghiên cứu về sự lan rộng của phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc cũng như cộng đồng người Mỹ gốc châu Á, nhận định các ngôi sao K-pop ngày càng trẻ hơn và các đối tượng hâm mộ họ chủ yếu cũng là giới trẻ cho nên sự tác động là không nhỏ.

Các bác sĩ thẩm mỹ ở Seoul cũng lưu ý rằng độ tuổi của các khách hàng ngày càng thấp. Như Park Hyun-cheol, bác sĩ Bệnh viện Thẩm mỹ OZ ở Seoul, xác nhận khoảng 20% số khách hàng của ông dưới 20 tuổi và tin rằng nhóm khách hàng nhỏ tuổi này chịu ảnh hưởng rất mạnh từ các ngôi sao K-pop cũng như những nhân vật nổi tiếng khác của Hàn Quốc.

Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ tăng mạnh ở giới trẻ Hàn Quốc đã làm bùng phát làn sóng phản đối từ các tổ chức xã hội của nước này. Ví dụ như Korean Womenlink (tiếng Hàn là Yosong Minuhoe) - một tổ chức nữ quyền ở Hàn Quốc - đã phát động chiến dịch tập trung vào các cô gái trẻ. Chiến dịch có tên gọi "Love your body" (tạm dịch: Hãy yêu cơ thể của bạn), khuyến khích các cô gái tôn trọng và yêu thương vẻ ngoài con người tự nhiên của mình.

Các thành viên của chiến dịch chặn các cô gái vị thành niên giữa đường phố, đề nghị họ viết ra giấy những gì mà bản thân yêu thích về cơ thể của mình, hay ký tên vào một bản thỏa thuận đại loại như là không mạo hiểm với chế độ ăn kiêng hay sửa sắc đẹp cho đến khi trở thành người lớn.

Một thanh niên ở Busan trước (trái) và sau phẫu thuật thẩm mỹ sửa đổi toàn bộ gương mặt.

Đối với Ji Yeo, cô cho rằng phản ứng của mỗi nơi đối với những bức ảnh của cô là khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa. Cô tâm sự: “Ở Mỹ và châu Âu người ta thường bất ngờ trước những bức ảnh của tôi nhiều hơn ở Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường nhìn vào bức ảnh và ngay lập tức cố gắng tìm ra xem những người trong ảnh đã phẫu thuật ở đâu. Vì vậy, tất cả trở thành một trò đố vui, rằng: “Ồ, cô này đã sửa mắt và mũi” hay là “Cô này đã hút mỡ”.

Sống giữa hai nền văn hóa, Ji Yeo vẫn còn mong muốn được phẫu thuật chỉnh sửa sắc đẹp, một ngày nào đó cô có thể căng da mặt. Tuy nhiên, luôn có một phần nào đó trong Ji Yeo không ngừng mách bảo “bạn vẫn đẹp khi là chính bạn”, vậy liệu cô có thể sống hạnh phúc với những gì mình có? “Tôi nghĩ là tôi đã quen với mọi thứ”, Ji Yeo tâm sự.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.