Quản livestream, dọn “rác” trên mạng xã hội

Thứ Hai, 26/07/2021, 11:15
Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Điều đáng chú ý là những quy định mới nhằm siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam.

Động thái này cùng với những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và Luật An ninh mạng đang được kỳ vọng sẽ phần nào “dọn rác” trên mạng xã hội.

Báo động về văn hóa ứng xử trên mạng

Từ khi có mạng xã hội, có một cụm từ mới đó là "cộng đồng mạng". Cộng đồng này tồn tại vô hình, ảo, nhưng được điều khiển bởi những con người thật, đại diện cho những con người thật. Cộng đồng này có một "sức mạnh" to lớn mà không quy luật nào có thể lý giải. Có thể tung hô một người lên tận mây xanh, nhưng cũng có thể đẩy người khác xuống bùn, chỉ trong vài ngày, thậm chí là một ngày.

"Cô gái được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook, Google, TikTok hôm nay đây rồi. Vào để nhận link nhé mọi người!". Sau lời thông báo trên nhóm mạng xã hội là hàng chục ngàn bình luận: "Xin link bạn ơi!"… Cứ thế, các video clip 18+ của một diễn viên quần chúng lan truyền với tốc độ “siêu ánh sáng”. Rất nhiều lời chửi bới, thóa mạ, làm nhục cô gái, trong khi dù với bất cứ lý do gì thì cô vẫn là nạn nhân trong vụ việc xâm hại quyền riêng tư cá nhân.

Cộng đồng mạng là ảo, nhưng lại được điều khiển bởi những con người thật.

Rác trên mạng còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác như nhạc chế nhảm nhí; phim chiếu mạng bạo lực rẻ tiền; phim hài, clip nhạt nhẽo chú trọng hở hang, nói tục để câu khách; những quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng… Đáng buồn hơn, góp mặt trong thứ "rác văn hóa" này là những người "có tiếng" được công chúng quen mặt biết tên.

Lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh của thông tin trong không gian mạng, những năm gần đây, mạng xã hội trở thành nơi để tấn công cá nhân, bằng việc lập các nhóm để nói xấu, chế ảnh để công kích một người nào đó, nhất là giới nghệ sĩ và những ai đang sở hữu nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội. Cùng với đó, nhiều người coi mạng xã hội là nơi để công kích, thậm chí là chửi mắng người khác, công khai chuyện riêng tư của người khác.

Mới đây, việc lợi dụng công nghệ để livestream "bóc phốt giới nghệ sĩ" đã ghi nhận đến hơn 225.000 người theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ. Ở khía cạnh nào đó, ngoài chủ đề "bóc phốt nghệ sĩ" được nhiều người quan tâm, thì rõ ràng, sự việc một lượng lớn người theo dõi những buổi livestream như trên gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hay việc một cô cựu người mẫu xuất hiện trên mạng xã hội với những clip chửi khách hàng cho đến nhân viên với những ngôn từ chát chúa khiến người xem chỉ biết ngao ngán.

Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm các nước không được đánh giá cao. Microsoft cho biết khảo sát này nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên và người trưởng thành trên 25 quốc gia về cuộc sống trên mạng và những trải nghiệm của các đối tượng này đối với 21 rủi ro do các hành xử không đúng mực gây ra.

Cũng theo khảo sát này, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%)... Một điều đáng lưu ý là những hành vi này diễn ra khá thường xuyên và gần đây. Cụ thể, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải 1 trong 21 hành xử không đúng mực trong 1 tháng gần đây; 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.

Đồng bộ nhiều chế tài để siết chặt quản lý

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Và điều kiện để các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức là các tài khoản, trang, kênh này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Hiện nay mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền.

Cũng theo dự thảo dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ.

Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.

Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TT&TT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.

Trước đó, Bộ TT&TT cũng có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn…

Bộ TT&TT cũng đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy định khá rõ ràng đối với từng đối tượng như: Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Trước đó, ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Theo đó, có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng. Một trong những điều bị cấm trong Luật An ninh mạng là việc sử dụng không gian mạng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Có một thực tế rằng, chính công chúng, khán giả hiếu kỳ… là những người đã “nuôi” các streamer, youtuber… trên mạng xã hội. Khi livestream, làm clip mà không có người xem thì chắc chắn các        streamer, youtuber sẽ không tiếp tục làm.

Bởi vậy, ngoài những chế tài quản lý của pháp luật, điều cần thiết là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội. Không cổ súy, không theo dõi những livestream, clip có nội dung xấu.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Quy tắc tham gia mạng xã hội về bản chất là vấn đề văn hóa. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội hiện nay là vấn đề rất đáng lo ngại. Chúng ta phải chấn chỉnh kịp thời nếu không sẽ có những tác hại rất to lớn. Bốn năm trước Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo đề ra 4 điều được làm và 8 điều không được làm. Nếu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có quy tắc sử dụng mạng xã hội như vậy thì sẽ hạn chế được rất nhiều những tiêu cực. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý. Với xã hội khuyến nghị là chính, nhưng phải có chế tài để tạo chuyển biến thực sự”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, ngoài những quy định của pháp luật để hạn chế mặt trái của mạng xã hội thì cần tăng cường truyền thông, trên tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. “Trước sự phát triển không kiểm soát được của mạng xã hội như hiện nay, những livestream phản văn hóa mặc nhiên xuất hiện, nếu truyền thông chính thống không đủ năng lực để kịp thời đáp trả thì mặt trận văn hóa sẽ bị lệch lạc, báo chí không lên tiếng phê phán thì sẽ “thua” trên mặt trận văn hóa”- Nhà báo Hồ Quang Lợi nhận định.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết, ngoài việc xử phạt, cần nâng cao ý thức của những người sử dụng mạng xã hội.

"Cần tăng cường xử phạt những trường hợp vi phạm, nhưng nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trên không gian này. Những bộ quy tắc đạo đức, Bộ luật Dân sự dành riêng chế tài các hành vi không gian mạng (không chỉ là Luật An ninh mạng) sẽ phải là những ưu tiên để chúng ta thực hiện trong thời gian tới"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải, để hình thành nên ứng xử văn minh trên môi trường mạng, chúng ta nên bắt đầu từ người sử dụng. Khi chúng ta trang bị cho người sử dụng một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt trong việc sử dụng mạng xã hội, chúng ta sẽ không quá lo lắng về tác động tiêu cực của mạng xã hội. Để làm được điều đó, cần có những chính sách phù hợp, công tác truyền thông tích cực. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật cũng là những biện pháp không thể tránh được trong quản lý mạng xã hội. Chúng ta cũng cần kiểm soát những gì là tốt, bổ ích đối với người Việt Nam, những gì cần phải hạn chế.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành thì cho rằng, không gian xã hội ngoài đời thực và không gian mạng có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế, các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Do vậy, việc ban hành một bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội chung, các quy định quản lý mạng xã hội để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cần trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên ngay từ trường học cũng như có các lớp thảo luận trên lớp, trong câu lạc bộ, kênh truyền thông đại chúng để tạo "sức đề kháng" cho mỗi người. Người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ nên tự trang bị cho mình nhiều thú vui lành mạnh như đọc sách, xem phim, tập thể thao, nghiên cứu khoa học…

Phải coi những thứ nhảm nhí, phản cảm đã và đang tồn tại trên mạng là rác – rác văn hóa, để chúng ta tránh xa, đồng thời mạnh tay loại bỏ tận gốc, tránh hệ lụy khôn lường tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai.

Thảo Nguyên
.
.