Stéphane Breitwieser - “Vua trộm” tranh

Thứ Năm, 22/11/2007, 10:35
Stéphane Breitwieser như người bị sức mạnh của các bức tranh quyến rũ, thu hút và cảm thấy phải có những bức tranh đó bằng mọi giá, từ đó anh ta trở thành một tên trộm nghệ thuật lớn nhất trên thế giới và làm hư hại rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Stéphane Breitwieser, 36 tuổi, đã ra tù năm 2005. Anh ta được tôn là “vua trộm”. Cuốn sách của "vua trộm" Breitwieser mang tên “Lời tự thú của một tên trộm nghệ thuật” đã được phát hành ở Đức.

Trong cuốn sách của mình, Breitwieser đã kể lại rất chi tiết con đường biến chàng trai trẻ rụt rè thành một trong những tay chôm chỉa bức tranh nghệ thuật bậc thầy ở Đức.

Trong vòng 7 năm Breitwieser đã lấy cắp tổng cộng 239 bức tranh, tượng ngà voi và các loại vũ khí từ thời cổ đại, trị giá khoảng 10 triệu euro từ nhiều bảo tàng khác nhau ở châu Âu.

Breitwieser là tay trộm các tác phẩm nghệ thuật thuộc diện độc nhất vô nhị vì không lấy trộm để bán mà để lưu giữ những tác phẩm anh ta ưa thích. Breitwieser treo các tác phẩm lấy trộm được lên tường, cất giấu trong tủ và cả dưới gậm giường.

Stéphane Breitwieser như người bị sức mạnh của các bức tranh quyến rũ, thu hút và cảm thấy phải có những bức tranh đó bằng mọi giá, từ đó anh ta trở thành một tên trộm nghệ thuật lớn nhất trên thế giới và làm hư hại rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Ngày nay, hễ ra đường Stéphane Breitwieser luôn tránh không đi qua các cửa hàng bán đồ cổ. Anh ta nói, tuy đã “cai nghiện tranh” thành công, nhưng sự thèm khát các tác phẩm nghệ thuật vẫn ăn sâu trong lòng vì thế buộc anh ta phải tránh xa chúng để không bị "tái nghiện".

Breitwieser là một người lịch lãm, khiêm tốn, có phần e dè. Có lẽ đây là những đặc tính làm cho anh ta dễ chôm chỉa. Breitwieser luôn chú ý đến việc ăn mặc chải chuốt chả thế mà báo chí Pháp đặt tên anh ta là “Tên trộm lịch lãm”.

Breitwieser buồn rầu kể “Tôi không phải bị ngồi tù 4 năm, mà bị tù chung thân. Nếu kẻ nào đó phạm tội giết người thì sau 20 năm sẽ được tự do; còn tôi phải trả giá suốt cả cuộc đời”.

Năm 1995, ở tuổi 23 Breitwieser bắt đầu lấy trộm tranh. Tại Gruyères ở Fribourg, Thụy Sĩ, Breitwieser đã dễ dàng tháo bức tranh cỡ 30x26cm, một cách dễ dàng. Hơn 1 tháng sau, anh ta lấy bức tranh thứ hai tại bảo tàng Solothurn bằng cách dùng chìa khóa ôtô tháo bức tranh vào lúc giữa trưa khi mọi người đang nghỉ.

Chưa bao giờ Breitwieser đột nhập một viện bảo tàng hoặc phải vô hiệu hóa hệ thống báo động tự động, tóm lại anh ta không có bất cứ một kỹ thuật ăn trộm đặc biệt nào. Breitwieser trở thành một tên trộm các tác phẩm nghệ thuật bậc thầy không phải vì có tài năng gì cao siêu, mà chủ yếu chỉ vì hành động cực kỳ liều lĩnh, táo bạo, một hành động của kẻ khi lên cơn nghiện.

Hơn nữa, qua thực tế cho anh ta thấy việc trộm tranh ở các bảo tàng nhỏ quá dễ nên đã không thể chống lại được sự cám dỗ, thôi thúc.

Thường, Breitwieser hay đi với người bạn gái tới các triển lãm hoặc bảo tàng. Dụng cụ hành nghề của anh ta thường là chìa khóa xe ôtô và con dao nhíp để cạy, cắt dây hoặc vặn ốc vít.

Có lần, anh ta nhanh nhẹn cuộn bức thảm tranh lấy được đứng trên tầng hai ném xuống một bụi rậm ven đường sau đó bình tĩnh đánh xe ôtô lại vị trí đó và đàng hoàng cho tấm thảm vào cốp xe rồi phóng thẳng.

Các chuyên gia nghệ thuật xác nhận Breitwieser đặc biệt ưa thích các tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy người Hà Lan trong thế kỷ XVII và XVIII. Điều này chứng tỏ anh ta là người rất am hiểu và sành về nghệ thuật.

Breitwieser đã 69 lần lấy trộm tranh ở Thụy Sĩ, 68 lần ở Pháp, 19 lần ở Bỉ, 11 lần ở Đức, 7 lần ở Hà lan và 2 lần ở Đan Mạch. Anh ta lấy trộm tranh liên tục đến mức cảnh sát cho rằng đây là hoạt động của cả một băng chuyên nghiệp.

Vụ trộm lớn nhất diễn ra ngày 1/10/1995, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 24 của Breitwieser. Anh ta coi bức "Chân dung nữ Bá tước Sibyller von Cleve", cỡ 21x15,5cm, giá hồi đó khoảng 60.000 mác của họa sĩ Lucas Cranach con (thế kỷ XVI) là quà sinh nhật dành cho mình. Breitwieser lấy bức tranh đó tại Baden - Baden trong dịp giới thiệu trước kỳ bán đấu giá.

"Vua trộm" đã lấy bức tranh của Lucas Cranach.

Tất cả những thứ lấy được anh ta đều cất trong căn hộ hai buồng rộng khoảng 30m2. Để bảo vệ tranh, bao giờ Breitwieser cũng hạ rèm cửa. Sau khi đi làm bồi bàn tại một nhà hàng ở Basel về thì mê mẩn ngắm những tác phẩm rất có giá trị đó.

Ngày 18/11/2001, Breitwieser bị tóm trong Bảo tàng Richard - Wagner ở Luzern, trước đó hai ngày anh ta đã từng ăn cắp một cái tù và 400 năm tuổi. Một người đã nhận ra Breitwieser bị đeo còng số 8, trông thấy cô bạn gái của mình đã chạy trốn và miệng câm như hến. Nay, nhiều đêm trằn trọc nhớ lại cái hôm định mệnh đó, anh ta nghĩ giá như cô bạn gái không chạy về nhà báo với mẹ anh ta thì anh ta không trở thành con nợ cả triệu euro.

Bởi, mẹ anh ta đã cuống cuồng đến mất trí: bà phá mấy bức tranh, vứt một lô tượng ngà voi, đồ sứ cổ và nhiều đồ vàng bạc châu báu xuống hệ thống kênh Rhein - Rhone. Dần dà người ta cũng tìm lại được một số nhưng cuối cùng vẫn bị mất khoảng 60 bức tranh và nhiều vật báu khác.

Hiện nay, Breitwieser sống trong căn hộ của cô bạn gái mới ở ngoại ô thành phố Straburg, trên tường treo rất nhiều tranh đẹp. Và anh ta thường đến các nhà thờ để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật vì bị cấm không được lai vãng đến các viện bảo tàng ở Pháp và Thụy Sĩ

V.P. (theo Fr-online)
.
.