Tokyo, ấm lòng một câu kinh Việt

Thứ Năm, 22/01/2015, 10:15
Tiếng tụng kinh siêu độ, tiếp dẫn hương linh siêu thoát, vang lên trong đài hỏa táng, là chốt chặn cuối cùng của cả một cơn mưa nước mắt của bạn bè, thân nhân người tử nạn. Suốt mấy ngày nay, những du học sinh Việt này đã phải kìm nén đau thương và cả sự hoang mang, sợ hãi, trước cái chết đột ngột của người thân nơi đất khách quê người. Sự hiện diện của một ni sư người Việt, với những thủ tục pháp sự thuần Việt, khiến họ cảm thấy được an ủi, như gần lắm thân thương nơi quê nhà…

1. Chùa Nisshin Kutsu nằm bên trong một quần thể cao ốc hiện đại cao chừng 20 tầng, tọa lạc tại khu Minato-ku, một trong những khu vực trung tâm của thủ đô Nhật, ngay gần tháp truyền hình Tokyo. Từ nhiều năm nay, ngôi chùa Nhật Bản này trở thành nơi sinh hoạt tâm linh chủ đạo của cộng đồng người Việt trên địa bàn Tokyo.

Trong tòa nhà nằm tại khu đất vàng của thành phố, mà mỗi tấc đất còn đắt hơn tấc vàng, cộng đồng phật tử Việt Nam được dành riêng 2 tầng lầu rộng thênh thang để phục vụ công tác tu tập, Phật sự, đảnh lễ, nương tựa tâm linh… Đây cũng là nơi  cộng đồng bà con người Việt, không chỉ trên địa bàn Tokyo, tập trung sinh hoạt trà đạo, thư pháp, tụng kinh, thuyết giảng và tổ chức ngày tu tập cho cộng đồng.

Sự ưu ái của vị Đại Hòa thượng trụ trì chùa Nisshin Kutsu dành cho cộng đồng Phật giáo và phật tử Việt Nam tại Nhật còn nhiều hơn thế nữa. Hai tầng lầu không nằm ở trên cao, mà tọa lạc ngay gần sát mặt đất. Một con đường riêng từ ngay mặt đường lớn, thông qua một cầu thang riêng, đi thẳng lên khu chùa Việt, vừa đảm bảo tính riêng tư, vừa thuận lợi cho các phật tử lui tới.

Từ ngay cửa vào, toàn bộ sàn nhà của cả tầng được lát gỗ. Chính điện, tiền điện kiêm giảng đường rộng thênh thang hàng trăm mét vuông, được bài trí theo cung cách Phật giáo Việt Nam. Phía sau chính điện là nơi sinh hoạt của phật tử, với đầy đủ bếp núc, khu ăn nghỉ dành cho những ai muốn nghỉ lại chùa. Toàn bộ không gian được thiết kế một cách gần gũi, ấm cúng, khoa học, nhưng không làm mất đi sự trang nghiêm.

2. Nguồn cơn một ngôi chùa Nhật Bản lại trở thành nơi phật tử Việt Nam nơi xứ người hội tụ, là một câu chuyện dài. Lùi lại ước chừng hơn 50 năm có lẻ, Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi, trụ trì chùa Nisshin Kutsu, khi ấy còn đang tu tập tại chùa Tăng thượng - Shiba. Trong quãng thời gian đó, Hòa thượng Daichi đã giao lưu với các chư tăng Việt Nam sang Nhật du học, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Quá trình giao lưu Phật học ấy đã tạo nên những mối thiện duyên nhân quả. Hòa thượng Daichi đã theo chân các chư tăng Việt về tận Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh. Mối nhân duyên với Việt Nam kéo dài xuyên suốt 50 năm không gián đoạn, Hòa thượng Daichi đã rất nhiều lần về Việt Nam để thi hành Phật sự, làm từ thiện, và hỗ trợ những tăng ni trẻ có ước nguyện sang Nhật Bản tu tập.

Ít ai biết, Đại lão Hòa thượng Daichi chính là người khởi xướng chương trình tặng hoa anh đào cho Việt Nam. Những lễ hội hoa anh đào được tổ chức trọng thể, thu hút hàng vạn người tham dự tại các thành phố lớn của Việt Nam, hóa ra lại ẩn khuất bóng dáng của vị cao tăng đã hàng chục năm nay phát nguyện lời thề gìn giữ và phát triển dòng chảy giao lưu Phật giáo giữa hai quốc gia đã có nhiều duyên nợ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo lời Đại lão Hòa thượng Daichi, sự giao thoa văn hóa Phật giáo Việt - Nhật bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử từ thời Phật giáo Nara hưng thịnh, khi đó ngôi chùa Đông Đại được xây dựng với pho tượng Tỳ Lô Giá Na bằng đồng nặng 500 tấn. Khi đó, vị thầy trụ trì cung thỉnh các bậc cao tăng trong khu vực Đông Á quang âm dự lễ Lạc thành, trong đó có vị cao tăng Việt Nam là ngài Phật Triết A Nan. Trong chuyến hải hành sang đất nước mặt trời mọc ấy, Phật Triết A Nan đã có công truyền thừa điệu múa Champa và cách tán tụng kinh điển của Phật giáo Việt Nam đến Nhật Bản.

Dấu ấn giao lưu văn hóa đặc biệt ấy, cụ thể là điệu múa Champa, vẫn còn được lưu giữ trong Phật giáo Nhật Bản đến tận bây giờ. Ngày nay, khi Thiên hoàng Nhật hay Bộ Ngoại giao Nhật đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và các đại sứ, vẫn thường tổ chức lễ nhã nhạc cung đình.

…Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi suốt nửa thế kỷ, năm 2013, trong Quyết định số 416/QĐ/HĐTS của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Đại lão Hòa thượng Daichi, cùng với Hòa thượng Thích Trí Quảng, đã vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc trách và bổ nhiệm với vai trò Ban chứng minh.

Những buổi lễ tụng kinh và thuyết pháp được tổ chức hằng tuần tại chùa Nisshin Kutsu đã trở thành sinh hoạt quen thuộc của nhiều học sinh và tu nghiệp sinh tại Tokyo.

3. Trong lúc chờ đợi thủ tục hỏa táng tại nhà tang lễ ở khu Shibuya cho người sinh viên Việt xấu số chẳng may đột tử ở Tokyo, qua những lời trò chuyện chia sẻ, PV Chuyên đề ANTG mới biết vị ni sư đích thân đến làm lễ chính là ni sư Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản.

Đối với rất nhiều phật tử từ Nam chí Bắc, ni sư Thích Tâm Trí không phải là người xa lạ. Từ bao năm nay, vị ni sư có vóc người nhỏ nhắn nhưng nặng gánh Phật sự, có một tấm lòng nhiệt thành hoằng pháp này đã bôn ba khắp nơi, đủ mọi miền  từ Việt Nam cho đến Nhật Bản…

Ít ai biết, con đường từ một tiểu ni ở một ngôi chùa tại quận 4, TP HCM, cho đến vai trò Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, của ni sư Thích Tâm Trí, lại trải đầy cơ duyên và nhân duyên đến vậy. Năm 1998, Đại lão Hòa thượng Daichi đã hữu duyên gặp tiểu ni Tâm Trí tại Giới Đàn Chùa Ấn Quang và Từ Nghiêm. Khi đó, vị tiểu ni này, bên cạnh việc chuyên tâm tu tập, đã bắt đầu học tiếng Nhật. Bẵng đi chừng 2 năm, đến năm 2000, vị tiểu ni Tâm Trí đã có mặt ở Nhật Bản, thực hiện khóa tu học kéo dài 7 năm tại Tịnh thất Kasukabe-Saitama.

Sau khi hoàn thành việc tu tập, Hòa thượng Daichi đã mời ni sư Tâm Trí về chùa Nisshin Kutsu làm Phật sự và truyền bá Phật pháp cho cộng đồng phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Khối lượng Phật sự mà ni sư Tâm Trí đã làm cho đồng bào tại đất Nhật, cho đến nay, có thể nói là khổng lồ: tổ chức các khóa tu hàng tháng; hướng dẫn phật tử sinh hoạt tụng kinh, thuyết pháp hằng tuần; hướng dẫn sinh viên trẻ quy hướng Tam Bảo, học giáo lý và duy trì truyền thống Việt Nam; tổ chức mừng Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Vu lan, Trung thu… hằng năm; làm công tác Phật sự, cầu an và cầu siêu cho cộng đồng người Việt; liên kết với các tông phái Nhật Bản để giao lưu học hỏi; tổ chức các sinh hoạt tương tế và từ thiện…

Nhưng dấu ấn nhân nghĩa sâu đậm nhất, mà chùa Nisshin Kutsu nói chung và ni sư Thích Tâm Trí nói riêng, đã làm và gây tiếng vang lớn nhất, là giúp đỡ cộng đồng người Việt trong cơn động đất sóng thần khủng khiếp tàn phá Nhật Bản năm 2011.

Ngày 14/3/2011, khi nhận được tin báo của Sứ quán Việt Nam rằng "các em sinh viên, tu nghiệp sinh gần 100 người ở nhiều vùng đông bắc đang hoảng loạn, bất an. Với số lượng như vậy, có thể nhờ nhà chùa hỗ trợ cưu mang giúp đỡ có được không?".

Sau khi thỉnh thị Hòa thượng Daichi, ni sư đã cùng các phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đón gần 100 người từ Fukushima, Sendai và Morioka… đến chùa Nisshin Kutsu bình an.

Trải qua gần một tháng sống tại chùa, khi tình hình ổn định, có những người đã quay lại trường học, quay lại công ty làm việc, có những người đã trở về nước an toàn… Và cũng chính từ việc làm công đức vô lượng ấy, danh tiếng của chùa Nisshin Kutsu đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Khi pháp danh lan tỏa, cũng là khi Phật sự của Ni sư Thích Tâm Trí thêm bộn bề: làm thông dịch viên và tháp tùng các hội đoàn viếng thăm, tặng quà và làm lễ cầu nguyện tại vùng đông bắc Nhật Bản; kết hợp với Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản làm đại lễ cầu siêu một năm động đất sóng thần; làm đại lễ cầu siêu cho những chiến sĩ trận vong bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, tham sự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc; làm nhiệm vụ thị giả, tháp tùng và thông dịch viên cho Hòa thượng Daichi trong các chuyến hoằng pháp giao lưu tại Việt Nam…

4. Sự tận tâm, sốt sắng và chu toàn của ni sư Tâm Trí đã khiến cho tất thảy lưu học sinh tham dự tang lễ hôm ấy thực sự ấm lòng.

Khi về đến chùa Nisshin Kutsu, đông đảo phật tử cũng là các lưu học sinh Việt Nam tại Tokyo, nghe lời hiệu triệu của ni sư, đã có mặt, cùng tụng kinh siêu độ cho người xấu số. Sau khi tất cả thủ tục pháp sự đã xong xuôi, ni sư gọi mọi người ngồi lại quây quần, rủ rỉ tâm sự về sự sinh tử vô thường, về cõi niết bàn cực lạc… Sau khi dùng bữa cơm chay các phật tử đã chuẩn bị chu đáo, những lưu học sinh đã thanh thản hơn rất nhiều, bái tạ ni sư ra về, trong lòng ấm áp hơn nhiều.

…Trời Tokyo hôm đó đổ mưa, làm cái rét của những ngày đầu đông thêm tê tái. Đích thân Đại lão Hòa thượng sau khi làm lễ cầu chúc cho người xấu số trở về Việt Nam an toàn, rồi ngài căn dặn ni sư chỉ dẫn người thân nạn nhân ra sân bay thật chu toàn. Bóng áo cà sa, đầu trần, dưới trời mưa lạnh, kiên trì đứng chờ vẫy được một chiếc xe taxi, dặn dò người lái xe cẩn thận, rồi đứng vẫy tay từ biệt, làm ấm áp biết bao phận Việt đang còn bôn ba nơi xứ lạ!

Việt Đông
.
.