Trẻ em gái và một tập tục tàn nhẫn

Thứ Bảy, 12/12/2020, 20:30
Cho đến nay, vài cộng đồng Hồi giáo ở một số quốc gia trên thế giới vẫn xem việc cắt bỏ âm vật trong bộ phận sinh dục của trẻ em gái là cần thiết vì nó “giảm thiểu những ham muốn xác thịt đồng thời giúp những đứa bé này có thể giữ gìn trinh tiết đến tuổi trưởng thành, cũng như bảo vệ danh dự khi kết hôn...”.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc xem hành động cắt bỏ âm vật trẻ em gái là vi phạm nhân quyền, còn nhiều quốc gia khác hoàn toàn nghiêm cấm vì nó là một tập tục tàn nhẫn...

Mặc dù chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nhưng bé gái này đã khóc thét lên khi bị bắt nằm xuống.

1. Vài ngày sau khi con gái của Rizman, 34 tuổi, chuyên gia truyền thông người Malaysia hiện đang làm việc tại Singapore chào đời, cha mẹ vợ anh đã hỏi rằng khi nào thì anh đưa con gái đi làm “sunat” - là một thuật ngữ dùng để chỉ việc cắt bỏ âm vật trong bộ phận sinh dục nữ.

Theo Rizman, hơn 30 năm trước, em gái anh cũng đã bị cắt âm vật. Mặc dù anh không nhìn thấy nhưng anh vẫn nhớ cái khoảng thời gian mà nó được đưa đến một phòng khám gần nhà. Rizman giải thích: “Như một phần của đạo Hồi, chúng tôi hiểu rằng đó là điều cần thiết. Vì vậy, khi con gái tôi được 3 tháng tuổi, vợ chồng tôi cũng đã đưa cháu đến gặp một nữ bác sĩ Hồi giáo. Bác sĩ nói thủ thuật sẽ rất nhanh và chỉ cần cắt bỏ một chút là ổn”.

Ở Singapore, phụ nữ Malaysia theo đạo Hồi chiếm khoảng 7% dân số (420.000 người). Một khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện năm 2016 ước tính 60% phụ nữ Hồi giáo Malaysia đã che giấu việc cắt âm vật con gái họ vì nó là chủ đề nhạy cảm, chỉ có thể phổ biến trong cộng đồng bởi ngày càng có nhiều phản đối.

Bà Miranda Dobson, Giám đốc truyền thông của Orchid Project - là tổ chức Anh quốc hoạt động từ thiện nhằm chấm dứt việc cắt âm vật nữ - cho biết một số phụ nữ Malaysia khi được hỏi đã nói dối bằng cách làm như tin rằng việc cắt bỏ âm vật chỉ xảy ra tại “một nơi nào đó xa lắm, ở vùng nông thôn nghèo đói, trình độ dân trí thấp chứ không phải ở một nơi văn minh, hiện đại như Singapore”.

Với Saza Faradilla, cũng sống ở Singapore thì chỉ đến lúc trưởng thành, cô mới biết mình đã bị cắt âm vật khi còn nhỏ. Với sự cởi mở, Saza Faradilla đồng ý cho Orchid Project chụp và đăng ảnh cô như một lời cảnh báo về tập tục tàn nhẫn này.

Cô nói: “Năm 2016, nhân dịp sinh nhật lần thứ hai của em họ tôi, một người thân trong gia đình đã nói với tôi rằng em họ tôi bị cắt âm vật hồi tuần trước. Khi tôi thể hiện sự phẫn nộ của mình, người thân của tôi nói thêm rằng tôi cũng đã bị cắt. Lúc ấy quai hàm tôi căng cứng vì tức giận. Trước đây, tôi chưa bao giờ biết về vết cắt này và tôi hoàn toàn không biết rằng mình cũng từng là nạn nhân”.

Đem sự việc ra hỏi cha mẹ, họ khẳng định đây là chuyện bắt buộc và họ đã làm điều đó vì lợi ích của Saza Faradilla. Theo Saza Faradilla, cô không biết có bao nhiêu trẻ em gái bị cắt âm vật với sự đồng ý của cha mẹ chúng. Sự phẫn nộ của Saza Faradilla đã khiến cô dành suốt thời gian tại trường đại học để hoàn tất bản luận án nhằm vận động chống lại việc cắt âm vật nữ ở Singapore, một hủ tục mà cô cho rằng nó rất man rợ.

Cô nói: “Tôi đang tổ chức những chiến dịch chống lại việc cắt bỏ âm vật của các bé gái, giúp cha mẹ họ và cộng đồng nâng cao nhận thức về những tác hại, cũng như cung cấp cho họ những biện pháp ngăn chặn để nó đừng xảy ra”.

Đồng hành với Saza Faradilla là Sya Taha, người đã thành lập nhóm Hồi giáo Crit Talk. Thông qua nhóm này, Sya Taha tổ chức các buổi hội thảo nhằm khuyến khích tín đồ đạo Hồi ở Singapore nói về việc cắt bỏ âm vật, cũng như cung cấp những quan điểm chính thống về phương diện y học, sinh học, tâm lý học cùng nhiều thông tin khác, giúp các bậc cha mẹ đưa ra quyết định trước khi nghĩ đến việc hành hạ thân xác con gái mình.

Sya Taha nói: “Thật là hạnh phúc vì cho đến nay, tất cả những người tham gia với chúng tôi đã đồng loạt tuyên bố rằng họ sẽ không làm điều đó với con gái họ. Không những thế, họ còn tiếp tục quảng bá quan điểm “không cắt âm vật” trên diễn đàn của trang web Crit Talk...”.

Nghi lễ cắt âm vật cho một bé gái ở Uganda.

2. Với Salsa Djafar, cô bé người Indonesia mới 18 tháng tuổi thì mọi chuyện còn kinh khủng hơn. Vào ngày bị cắt bỏ âm vật, cô được mẹ đội cho một chiếc vương miện bằng vàng lấp lánh với sợi ruy băng cùng chiếc váy màu tím sáng. Lễ cắt bỏ âm vật của cô có sự tham dự của tất cả người thân. Arjun Djafar, cha cô bé nói với hãng tin AFP: “Thật khó để nhìn thấy con gái tôi khóc thét khi việc cắt bỏ âm vật hoàn toàn không có thuốc gây tê nhưng đó là truyền thống”.

Tại Indonesia, việc cắt bỏ âm vật trẻ em gái là việc rất phổ biến ở tỉnh Gorontalo, một khu vực bảo thủ trên đảo Sulawesi, nơi nghi lễ thường đi kèm với các thủ tục phức tạp. Một khảo sát của chính phủ ước tính hơn 80% trẻ em gái từ 11 tuổi trở xuống ở Gorontalo đều đã bị cắt bỏ âm vật, so với khoảng 50% trẻ em gái cùng trang lứa trên toàn quốc. Bất chấp nỗi đau mà nó gây ra và sự phản đối ngày càng tăng cả ở trong lẫn ngoài nước, cư dân Gorontalo - chủ yếu là nông dân nghèo - coi việc cắt bỏ âm vật cho con là một nghĩa vụ.

Hơn nữa, theo Khadijah Ibrahim, người thừa kế công việc của mẹ cô khi bà qua đời vài năm trước, nói rằng những cô gái không được cắt âm vật có nguy cơ phát triển những khuyết tật thể xác và khuyết tật tinh thần? Việc cắt âm vật giúp các cô gái “không lăng nhăng trong cuộc sống tình cảm sau này”, đồng thời những lời cầu nguyện của phụ nữ Hồi giáo không cắt cắt âm vật sẽ không được đức Allah chấp nhận?

Tuy nhiên, việc cắt âm vật không chỉ giới hạn tại những vùng xa xôi ở Indonesia mà nó vẫn phổ biến trong các gia đình Hồi giáo, ngay cả ở thủ đô Jakarta. Mặc dù các bác sĩ Hồi giáo tại đây thường thực hiện một thủ thuật ít khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như chỉ chọc kim vào mũ âm vật nhưng không phải người Hồi giáo nào cũng ưa chuộng hình thức ấy.

Bác sĩ Mohanned Sikkim nói: “Trong một nỗ lực nhằm dung hòa giữa văn hóa và tôn giáo, thay vì ngăn chặn hoàn toàn như trước đây, chính phủ đã tìm cách loại bỏ các thủ thuật nguy hiểm và thay vào đó là các phương pháp an toàn như châm kim để không ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục nữ”. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc không đồng ý với lập trường của Chính phủ Indonesia vì cắt bỏ âm vật là “thủ thuật có hại cho cơ quan sinh dục nữ mà không vì mục đích y tế”.

Vẫn theo bác sĩ Mohanned Sikkim, cắt âm vật phụ nữ đã được thực hiện trong nhiều thế hệ trên khắp Indonesia, quốc gia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới và được cộng đồng Hồi giáo xem là một nghi thức vượt cạn. Và mặc dù Liên Hợp Quốc đã lên án tập tục này cũng như chính phủ đã từng tìm cách cấm đoán nhưng sự phản đối của các lãnh tụ tinh thần tôn giáo và sự chấp nhận rộng rãi của số đông, đồng nghĩa với việc cắt bỏ âm vật khó có thể được dập tắt.

Và không chỉ ở Singapore, Indonesia cùng một số quốc gia theo đạo Hồi ở châu Á, Trung Đông, châu Phi cũng là nơi mà tục cắt bỏ âm vật vẫn được xem là một nghi lễ không thể thiếu với trẻ em gái. Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF năm 2016, có hơn 200 triệu trẻ em gái đã phải trải qua tục lệ khắc nghiệt  này, tập trung chủ yếu ở 27 nước châu Phi như Yemen, Djibouti, Ai Cập, Eritrea, Guinea, Mali, Sierra Leone, Somalia, Sudan... Độ tuổi phải bị cắt bỏ cũng khác nhau, vài năm sau khi sinh hoặc đến tuổi dậy thì, tùy theo từng quốc gia, bộ tộc.

Ngay cả ở Mỹ, một nghiên cứu thực hiện hồi tháng 1-2016, phối hợp giữa Cơ quan Dịch vụ Y tế, Nhân sinh (HHS) và Trung tâm Kiểm soát, Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy có khoảng 513.000 trẻ em gái và phụ nữ Hồi giáo sống ở Mỹ đã trải qua hoặc có nguy cơ bị cắt âm vật.

Dữ liệu thu được từ một nghiên cứu tiến hành năm 2010 cho thấy phụ nữ ở miền bắc Somali, châu Phi, những người đã bị cắt âm vật thì có đến 45,6% bị rối loạn lo âu, 13,9% rối loạn nhân cách, chưa kể đến những biến chứng tai hại vì ở nhiều vùng thuộc Somali chẳng hạn, người thực hiện thủ thuật cắt âm vật không dùng thuốc tê, không sát trùng bộ phận bị cắt, không đeo găng tay, không dao mổ mà đơn giản chỉ là một lưỡi dao lam hoặc mảnh chai. Cắt xong, nạn nhân cũng không được cho dùng kháng sinh chống nhiễm trùng. Nếu chảy máu, nạn nhân sẽ được đắp bằng một vài loại lá cây nên cũng hiểu vì sao vết cắt thường để lại sẹo lớn, đôi khi còn làm tắc đường tiểu.

3. Theo bà Miranda Dobson, Giám đốc truyền thông của tổ chức Orchid Project, Anh quốc: “Chấm dứt việc cắt bỏ âm vật là vấn đề mang tính quy mô trên thế giới vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến các trẻ em gái, không chỉ ở châu Phi, châu Á, Trung Đông, mà là cộng đồng Hồi giáo toàn cầu. Hủ tục này đã ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tâm lý cho phụ nữ ở các trình độ học vấn khác nhau, sắc tộc khác nhau, tầng lớp và địa lý khác nhau”.

Và mặc dù nhiều người Malaysia ở Singapore vẫn ủng hộ việc cắt bỏ âm vật vì “thủ thuật này chỉ là một vết cắt nhỏ, không gây hại cho trẻ em gái” nhưng theo bà Dobson, quan niệm ấy cực kỳ sai lầm bởi lẽ nó có thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng về mặt tâm thần, nó tiềm ẩn những rủi ro, lắm khi kéo dài đến suốt đời.

Hiện tại, ở Singapore vẫn không có luật nào cấm việc cắt bỏ âm vật ở trẻ em gái. Các nhà vận động và các tổ chức nhân quyền tích cực chống lại hủ tục này đã vấp phải sự im lặng từ chính phủ. Thậm chí năm 2013, Hội đồng Tôn giáo Hồi giáo của Singapore (Majlis Ugama Islam Singapura - viết tắt là MUIS), đã đưa ra một tuyên bố nói rằng việc cắt âm vật là bắt buộc nhưng tất cả các đề cập về chuyện này đã bị xóa khỏi trang web của MUIS. 

Để giảm thiểu hệ lụy phát sinh từ hành vi phản khoa học ấy, năm 2012, Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố coi việc cắt âm vật, bỏ âm vật là hành vi vi phạm nhân quyền đồng thời bỏ phiếu nhất trí tăng cường những nỗ lực chống lại hủ tục ấy bởi lẽ cắt bỏ âm vật là “thủ thuật có hại cho cơ quan sinh dục nữ không vì mục đích y tế”.

Vẫn theo Liên Hợp Quốc, nếu việc cắt bỏ âm vật còn tồn tại, nó được xem là nghiêm trọng dựa theo Quy ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về các quyền của trẻ em và quy ước liên quan đến tình trạng của những người không thể phản kháng. Với những quốc gia khác như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Đan Mạch..., cắt bỏ âm vật là bất hợp pháp và là tội hình sự vì đã “xâm phạm sức khỏe, nhân thân và quyền con người”.

Gần đây nhất, một hội nghị quốc tế về hủ tục cắt bỏ âm vật đã được tổ chức tại Cairo, Ai Cập với sự tham dự của các học giả Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia, trong đó có 2 giáo sĩ hàng đầu Ai Cập là Mohammed Sayed Tantawi và Grand Sheik thuộc Viện Thần học Hồi giáo Al-Azhar dòng Sunni. Kết thúc hội nghị, tất cả đều tuyên bố cắt bỏ âm vật ở trẻ em gái là trái với đạo Hồi và là một hành vi cần được hình sự hóa. Hội nghị kêu gọi tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới ngừng thực hiện hủ tục ấy vì giáo lý đạo Hồi “nghiêm cấm gây tổn hại cho bất kỳ ai...”.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng khuyến cáo tất cả các cơ sở giảng dạy giáo lý đạo Hồi cùng các cơ quan truyền thông về vai trò của mình trong việc giải thích cho người Hồi giáo để loại bỏ nó...

Vũ Cao (Thao Orchid Project)
.
.