Trung Quốc – EU: Cuộc chiến kinh tế mới

Thứ Sáu, 07/10/2016, 16:30
Vào tháng 12 tới Trung Quốc (TQ) có thể đạt được quy chế kinh tế thị trường của Liên minh châu Âu. Điều này có thể làm sụp đổ rào cản chống bán phá giá từng bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước các sản phẩm của TQ được bán với giá rẻ bèo.

Liệu châu Âu sẽ phải nhượng bộ áp lực của TQ không? Ủy ban châu Âu phải chấp nhận quy chế kinh tế thị trường cho TQ? Đây là một quyết định sau đó phải được Quốc hội và Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Cho đến mùa xuân, các ủy viên dường như đã sẵn sàng làm điều đó để tránh các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.

Ngày 27-1 khoảng 30 nghị sĩ và cố vấn châu Âu đã tụ họp tại Quốc hội châu Âu ở Brussels để thảo luận về quy chế kinh tế của Trung Quốc (TQ) với sự có mặt của đại sứ TQ tại Liên minh châu Âu, bà Dương Yến Di. Trong bộ vest đen, bà Di đọc một bài diễn thuyết thật dài, liên tục răn đe sẽ trừng phạt thương mại nếu quy chế kinh tế thị trường không được áp dụng cho TQ.

Đại sứ Ý Nicola Caputo nhắc nhở bà nên nhường lời để bắt đầu thảo luận. Nhưng bà Di vẫn lớn tiếng: “Tôi không đến đây để nghe quý vị mà để quý vị lắng nghe tôi”. Nhiều đại biểu bực dọc rời khỏi phòng họp.

Sự cố ngoại giao này cho thấy khi bà Đại sứ TQ mất bình tĩnh, đó là vì chủ đề thảo luận rất quan trọng. Đó là hàng tỉ euro mà các công ty TQ sẽ chia nhau nếu EU chấp thuận quy chế kinh tế thị trường cho TQ vào ngày 11-12 tới. Theo nguyên tắc thương mại quốc tế, quy chế này sẽ giúp tránh bị đánh thuế theo luật hải quan trong trường hợp có nghi ngờ cạnh tranh không lành mạnh.

Để hiểu rõ điều này, chúng ta phải đi ngược lại ngày 11-12-2001, tại Geneva, TQ đã ký kết nghị định thư tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó là giờ phút lịch sử, đánh dấu sự chuyển bước sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng theo điều 15 của nghị định thư, TQ không phải là nền kinh tế mậu dịch, do vậy các thành viên khác trong WTO có quyền lập ra những rào cản chống phá giá.

Đồng thời, Điều 15 cũng quy định rằng, sau 15 năm, điều khoản phân biệt này sẽ không còn hiệu lực. Nói tóm lại TQ sẽ đương nhiên được hưởng quy chế kinh tế thị trường.

Vào đầu năm 2016, các đại sứ châu Âu đã phản đối việc cấp quy chế này dưới trướng của nhóm hành động MES China Action Group, khiến cho các luật gia phải nghiên cứu về chủ đề này. “Theo họ, nghị định thư dự trù rằng quy chế kinh tế thị trường chỉ được cấp cho TQ nếu nước này hội đủ mọi tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường. Nhưng hiện nay điều kiện này hoàn toàn chưa đạt được” - dân biểu châu Âu Edouard Martin nhấn mạnh.

Tín dụng được cấp bởi những ngân hàng công theo lệnh Bắc Kinh, sự trợ giúp của nhà nước được ngụy trang... TQ sử dụng mọi mánh khóe để tiếp tục đẩy mạnh guồng máy xuất khẩu. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh mà châu Âu cố chống lại bằng những đạo luật chống phá giá nhằm tăng giá cả các sản phẩm TQ thêm 40%.

Để chứng minh rằng một số công ty TQ bán sản phẩm dưới giá thành, trước tiên các điều tra viên ở Brussels phải tính toán giá sản xuất lý thuyết. Để làm thế, họ đối chiếu theo giá của Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil tùy theo loại sản phẩm để có được một mức giá chuẩn để áp dụng luật thuế hải quan. Đó là phương pháp “đất nước tương tự” chỉ được WTO chấp nhận vì TQ bị xếp trong danh sách các nước phi mậu dịch. Nếu nước này nhận được quy chế kinh tế thị trường, 90% các biện pháp chống phá giá sẽ sụp đổ.

Trung Quốc xuất siêu hàng hóa.

“Hiện nay, quy chế này là thành trì cuối cùng để bảo vệ châu Âu trước làn sóng sản phẩm TQ tràn ngập thị trường với giá rẻ bèo và sẽ gây tổn hại cho một phần ngành công nghiệp của chúng ta vốn không thể cạnh tranh được” - nghị sĩ châu Âu Franck Proust thuộc Ủy ban Thương mại quốc tế cho biết.

Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách kinh tế ở Washington, có từ 1,7 đến 3,5 triệu việc làm tại châu Âu sẽ bị đe dọa từ nay đến năm 2020, trong đó chỉ riêng nước Pháp có từ 183.000 đến 367.000 người.

Nhưng phía TQ không muốn biết gì cả. “Chuyện này đã được giải quyết, quy chế này đương nhiên thuộc về chúng tôi, chấm hết” - một thành viên trong phái bộ TQ cạnh EU khẳng định. Nếu Bắc Kinh tỏ ra không lay chuyển về vấn đề này, TQ sẽ phải đối mặt với vấn đề siêu sản xuất, nhất là trong ngành thép, sắt, nhôm, xi măng hay silicium. Đó là kết quả của một sự siêu đầu tư mãn tính trong khi sức cầu của nước ngoài đang sụt giảm còn thị trường trong nước nguội lạnh. Siêu sản xuất của các xí nghiệp silicium TQ gấp 2,5 lần tổng mức sản xuất của thế giới hiện nay.

“Trong một đất nước kinh tế thị trường, người ta sẽ đóng cửa các xưởng máy để điều chỉnh mức sản xuất, nhưng điều này đòi hỏi phải sa thải hàng triệu công nhân. Do vậy để ổn định xã hội, Bắc Kinh tiếp tục cho guồng máy hoạt động” - giáo sư Dominique de Rambures ở Đại học Paris I giải thích.

Kế hoạch là xuất khẩu bằng bất cứ giá nào, dù phải bán lỗ. TQ có 3.000 tỉ đôla dự trữ bằng ngoại tệ, vì thế có thể chờ đợi. Trong thời gian đó, nước này tăng cường công việc vận động hành lang. Về mặt áp lực, TQ có nhiều lựa chọn. Mức xuất khẩu của châu Âu sang TQ hằng năm là 170 tỉ đôla. Do vậy hãng xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen không thể táo bạo cắt đứt với gã khổng lồ châu Á đó vốn là đầu ra lớn nhất của hãng.

Hãng Peugeot-Citroen của Pháp cũng thế, khi vừa được cứu khỏi phá sản bởi Hãng Dongfeng của TQ. Chưa nói đến lĩnh vực rượu: gần 1/2 số rượu nhâm nhi tại TQ là của Pháp. Và chỉ cần Bắc Kinh “quên” ký giấy phép xuất khẩu, thế là tất cả sẽ bị ứ đọng tại các cảng.

TQ thích chiến lược “củ cà rốt và cây gậy” của tiền nhân, đồng thời hứa hẹn cho mỗi nước những món đầu tư kếch sù, mở cửa thị trường khổng lồ trong nước. Với các quốc gia thành viên nhỏ trong EU, TQ còn đi xa hơn. Từ nhiều năm nay, TQ đã lập ra nhóm “16+1” gồm 16 nước Trung và Đông Âu, trong đó có 11 nước là thành viên EU. “Đó là một nhóm phi chính thức để các tổng thống và thủ tướng gặp nhau ngoài những định chế châu Âu” - một dân biểu Pháp tiết lộ và đã cảnh báo với bà Ủy viên Thương mại châu Âu Cécilia Malmstrom nhưng tạm thời không thành công.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa sẽ đầu tư từ 5 đến 10 tỉ đôla cho kế hoạch Juncker, một loại kế hoạch Marshall của ngành công nghiệp châu Âu. “Điều này khiến TQ có phương tiện gây áp lực vì châu Âu khó thể nói không với món hời kếch sù này” - Chủ tịch Pervenche Berès của phái bộ Pháp trong Nghị viện châu Âu rất rành rẽ về guồng máy chính trị của TQ. Liệu châu Âu sẽ phải nhượng bộ áp lực của TQ không? Ủy ban châu Âu phải chấp nhận quy chế kinh tế thị trường cho TQ?

Ủy ban châu Âu vốn đang phải nỗ lực dập tắt ngọn lửa Brexit, sẽ bị cám dỗ chơi trò “nhập nhằng” pháp lý. Những biện pháp bù đắp sẽ thay thế “từng cái 1” các biện pháp chống phá giá. Như thế sẽ giúp TQ không bị mất mặt, còn châu Âu sẽ cứu được ngành công nghiệp, ít ra là trong một thời gian.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.