Gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân:

Trưởng thành từ tấm gương của bố và đức hy sinh của mẹ

Thứ Ba, 12/01/2016, 17:15
Gia đình dòng họ Nguyễn Lân với 7 tiến sĩ, 6 giáo sư và phó giáo sư lâu nay nổi tiếng khắp lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ thế hệ của Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân và các con, mà thế hệ các cháu của cụ đã và đang trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho xã hội...


Mối duyên trời định

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân (GS-NGND) Nguyễn Lân xuất thân trong một gia đình nghèo, là con út trong gia đình có 17 người con. Cụ được người anh cả nuôi ăn học.

Trong hồi ký giáo dục của mình, Giáo sư Nguyễn Lân đã viết: "Anh tôi lúc đó được lương 40 đồng Đông Dương mỗi tháng. Hai vợ chồng lại phải phụng dưỡng bố già, cho em vào để học nội trú ở Trường Gagelin phải trả những 17 đồng một tháng, tức là gần một nửa lương tháng của anh tôi rồi. Hồi đó giá gạo chỉ có 2 đồng một tạ. Ấy thế mà anh tôi và chị dâu tôi vẫn quyết tâm cho tôi được học. Cái tinh thần cao cả ấy suốt đời tôi không dám quên".

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.

Năm 1920 cụ thi vào trường Bưởi và đỗ với số điểm cao. Trong suốt quá trình học, cụ bao giờ cũng học giỏi đứng nhất nhì trường nên hoàn toàn được học bổng (28 đồng một tháng), ra trường cụ được xếp việc làm ngay ở một trường tư thục và lương 150 đồng một tháng.

Ngược lại với hoàn cảnh của mình, vợ nhà giáo Nguyễn Lân, cụ Nguyễn Thị Tề, lại là con nhà danh gia vọng tộc, sống trong nhung lụa, gấm vóc. Bố bà giàu nhất nhì Bắc Kỳ thời bấy giờ, cùng ông Trịnh Văn Bô, là một trong những người tích cực nhất trong việc vận động Tuần lễ vàng ủng hộ kháng chiến. Mối duyên thiên định được bắt đầu khi cụ Nguyễn Lân được mời làm phù rể trong khi đó, cô phù dâu là Nguyễn Thị Tề.

Trong hồi ký của mình, cụ viết: "Biết cô ấy học Trường Xơ Saine Marie ở Hà Nội, tôi bắt chuyện bằng tiếng Pháp. Cô ấy trả lời rất thông thạo, nhưng chỉ cúi mặt không nhìn tôi. Khi ra về, tôi đã cảm thấy đó là một phụ nữ vừa có sắc, vừa có học thức lại dịu hiền... Ít lâu sau, Trường Xơ mở cuộc chợ phiên, tôi đến dự. Khi mới đến nơi, tôi thấy cô Tề đương đứng trên sân khấu hát đồng ca. Tôi đến thăm cái phòng trưng bày những tác phẩm thủ công của học sinh bày bán. Thấy một bức tranh lụa vẽ hoa rất đẹp, tôi hỏi mua, người bán hàng giới thiệu đó là bức tranh của cô Tề, tôi liền mua bức tranh đem về treo trong nhà. Từ bấy tôi cứ nghĩ: Đây là một phụ nữ có sắc có tài, làm thế nào mà mình kết duyên được".

Sau đó, vì biết em trai của cô Tề, nhà giáo Nguyễn Lân đã liều viết một bức thư gửi tới cụ Nguyễn Hữu Tiệp, cha cô Tề, xin được làm rể cụ. Hai hôm sau thì được cụ gọi tới ăn cơm và đồng ý nhưng cụ nói thêm: "Nhưng còn một điều quan trọng nữa là em nó có đồng ý hay không chứ".

Đám cưới của nhà giáo Nguyễn Lân và cô dâu Nguyễn Thị Tề đã diễn ra sau đó không lâu. Sau khi lấy nhau bà hoàn toàn tách khỏi gia đình giàu sang, bắt đầu cuộc sống theo chồng.

Sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn, cụ Nguyễn Lân đã chia sẻ: "Lấy nhau xong tôi đã hướng dẫn cho vợ tôi mọi việc và do bản chất thông minh chịu khó và hiền dịu nên chỉ hai tháng sau đã quán xuyến mọi việc trong gia đình. Khi theo tôi lên Việt Bắc lúc đó vợ tôi đã sinh cháu thứ năm rồi. Lúc đó tôi được giao cho làm Giám đốc Giáo dục khu Việt Bắc, lương là 53kg gạo, tôi đã dùng 20 kg để đem đi công tác, nên ở nhà 6 mẹ con còn 33kg thôi. Lúc đó tôi đã có 6 con, 5 trai và 1 gái. Con cả tôi là Lân Tuất 16 tuổi đã xung phong vào bộ đội. Với 33 kg thì ăn cháo cũng chẳng đủ nên vợ tôi phải giao việc ở nhà cho cô con gái Nguyễn Tề Chỉnh quán xuyến rồi đi buôn bán quần áo cũ của đồng bào miền xuôi mang lên miền ngược bán lấy tiền đổi gạo.

Có lần đi bị sốt rét rừng hành cho ốm gần hai tháng trời. Được cái các con tôi rất ngoan và ham học. Mặc dù rất nghèo chúng tôi vẫn cố gắng cho các cháu theo lớp. Cháu nào cũng giỏi. Có nhiều bạn của bà từ vùng địch tạm chiếm ra buôn bán rủ vợ tôi vào trong thành xin một ít vàng bạc ra làm vốn nuôi con nhưng bà cương quyết không vào, vẫn một mực chấp nhận cái đói, cái nghèo thanh bạch theo kháng chiến đến ngày toàn thắng. Gia đình tôi được như ngày nay là do công lớn nhất của vợ tôi. Từ lời nói, đến cử chỉ, cách xử sự mọi việc không ai có thể chê bà ấy và ngược lại, bà ấy cũng không bao giờ chê ai.

Có thể nói, về gia đình, tôi hoàn toàn yên tâm. Đến nay, các con tôi đều theo nghề dạy học và nghề y. Nhiều người từng hỏi tôi về phương pháp dạy con, tôi chỉ nói rằng, ngày xưa tình thương vô hạn của gia đình đã khiến tôi không thể sao nhãng chuyện học hành, nên khi làm bố, làm mẹ, chúng tôi luôn phải tận tâm với con, các con sẽ không phụ lòng cha mẹ, đồng thời phải phấn đấu ứng xử làm gương tốt cho các con, từ cách làm việc, tác phong, quan hệ, ứng xử với hàng xóm, với con cái. Mặc khác, như các cụ nói thương cho roi, cho vọt, tôi ứng dụng đôi lần với con cả, nhưng thấy không có hiệu quả. Từ đó với cả 8 người con của tôi, tôi chỉ biết lấy lời tâm sự thiệt hơn rất chân tình của cha mẹ để thực sự là người bạn lớn của các con mình”.

Trưởng thành từ tấm gương của bố và đức hy sinh của mẹ

GS-NGND Nguyễn Lân có hàng chục đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, các giáo trình dạy và học, cũng như rất nhiều bộ sách từ điển, đặc biệt là cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” một công trình được cụ bắt đầu đặt bút viết năm cụ 90 tuổi để 5 năm sau, đã trở thành Bộ từ điển đồ sộ với 2200 trang in.

Ảnh chụp gia đình năm 1991.

Tấm gương của ông là một minh chứng về sự làm việc không ngừng nghỉ cho đến tận những ngày cuối cuộc đời. Các con của cụ nối nghiệp cha và đã trở thành những bậc học giả nổi tiếng trong nước và quốc tế. Bây giờ, thế hệ thứ 3 của cụ Nguyễn Lân cũng là những người trẻ đang có những cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Thế hệ thứ tư đã có cháu giảng dạy ở bậc đại học hoặc đang tu nghiệp ở nước ngoài.

Cố Nhạc sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất từng chia sẻ: "Một trong những câu hỏi mà đồng nghiệp ngoại quốc (và các phóng viên) thường đặt cho tôi là: Bố mẹ của anh có ai là nhạc sĩ hay văn nghệ sĩ không? Trước đây, trong những trường hợp đó, bao giờ tôi cũng trả lời là cái gien văn nghệ chắc là tôi được tiếp thu từ mẹ tôi, một họa sĩ nghiệp dư. Đến tận hôm nay, tôi vẫn mường tượng ra được trước mắt những bức tranh lụa màu nước mà mẹ tôi vẽ ở Huế mà tôi được nhìn thấy hàng ngày trong thời thơ ấu của mình. Nhưng bây giờ, sau khi cha tôi mất đi, sau những đêm nằm suy nghĩ về cuộc đời cha mình, tôi thấy rằng, có lẽ tôi còn được hưởng cả cái gien văn nghệ từ người cha, nhà văn Từ Ngọc - Nguyễn Lân nữa. Khi nghĩ đến điều đó thì trong trí nhớ của tôi dần dần sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở kinh đô Huế đẹp và thơ.

Những đêm trăng cùng cha mẹ đi dạo chơi thuyền trên sông Hương, những buổi nghỉ cuối tuần mà cha tôi thường xuyên tổ chức trên núi Ngự Bình, những cuộc đi thăm các lăng tẩm có cái đồ sộ nguy nga (Lăng Khải Định), có cái gần gũi thiên nhiên (Lăng Minh Mạng), những buổi thăm viếng thường xuyên các cung điện, chùa chiền... đã cho tôi thấy rõ hơn tâm hồn lãng mạn của cha tôi, tâm hồn nghệ sĩ mà vóc dáng của nhà giáo, cây cổ thụ của nền giáo dục Việt Nam đã làm phai lãng. Cha tôi hình như đã cố tình giấu đi cái tâm hồn lãng mạn của mình, tâm hồn mà sau này chỉ còn thể hiện trong những bài thơ Tết lạc quan yêu đời và nhất là trong những vần thơ tràn đầy nước mắt khi em gái độc nhất và người mẹ yêu quý của tôi qua đời".

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng kể: "Năm 1952, khi mới 19 tuổi và đang còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cậu bé nhà quê”. Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Sau này nhà văn Nguyễn Khải đánh giá: Cha tôi là một trong những người viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Cha tôi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932 và gắn bó với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Cha tôi rất khỏe mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập trong 2 giờ liền và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.

Cha tôi là một tấm gương cho chúng tôi về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta. Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho xã hội. Đó là tấm gương về lòng nhân ái, cha tôi luôn xót thương cho những số phận bất hạnh, luôn cảm thông cho những lỗi lầm do ít kinh nghiệm hoặc thiếu kiến thức. Nhưng cha tôi lại là người hết sức bất bình với những hành vi tham lam, vị kỷ dối trá, lừa lọc, vô đạo đức...

Tôi còn nhớ, năm Nguyễn Lân Việt được làm Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cha tôi vui sướng đến ngạc nhiên, cụ bảo: Này, con đang được giữ vị trí của cụ Hồ Đắc Di ngày xưa cơ à. Phải cố gắng mà làm cho tốt. Năm nay, Nguyễn Lân Việt được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, tôi tin rằng, nơi chín suối cha mẹ tôi mãn nguyện lắm”.

GS.TS Nguyễn Lân Việt cũng chia sẻ: "Trong số 8 anh chị em của gia đình, tôi là người có vinh dự được gần ba mẹ tôi nhiều nhất. Lý do thật đơn giản vì vợ chồng tôi đều là bác sĩ nên việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho các cụ là thích hợp nhất. Là một người thầy thuốc, tôi cố tự lý giải xem vì sao ba tôi lại có được một sức khỏe cùng khả năng làm việc bền bỉ, dẻo dai đến vậy. Vì đứng về mặt tố chất, ba tôi không có được sự thuận lợi nào cả. Nhưng bù lại có lẽ là nghị lực vươn lên mạnh mẽ một cách nghĩ và cách sống luôn thẳng thắn, một sự tự rèn luyện rất tự giác và nghiêm túc về cả chế độ sinh hoạt, tập luyện và chế độ làm việc.

Trước hết về mặt tinh thần: Ba tôi luôn tự bằng lòng với cái mình có được. Cụ luôn cho rằng, căn phòng mình đang ở, cái giường mình nằm, cái bàn mình đang ngồi viết... tất cả là tốt lắm rồi. Thứ hai về mặt suy nghĩ và phát biểu: Nếu cụ nghĩ là đúng thì luôn nói thật ý nghĩ của mình, không vòng vo, không nói tránh hay ngại sẽ có thể đụng đến một số người, kể cả người có quyền chức. Chính cách suy nghĩ và cách làm như vậy đã khiến trong lòng cụ luôn luôn thanh thản, không có gì phải day dứt và băn khoăn cả. Về chế độ sinh hoạt của cụ thì không thể chê vào đâu được. Anh em chúng tôi cũng cố học tập nhưng trên thực tế thì quả là không đủ nghị lực để thực hiện được một chế độ sinh hoạt đều đặn và nghiêm túc đến như vậy".

Ông Nguyễn Lân Hùng, người bạn thân thiết của nhà nông đã chia sẻ: "Anh em chúng tôi coi cha là một tấm gương. Chúng tôi thường xuyên duy trì các buổi họp mặt gia đình. Đó là ý nguyện của cha tôi. Cả nhà ngót nghét 50 người. Ai cũng nói to như cha. Đã vào chuyện là say như hội. Mỗi người ở một lĩnh vực khoa học nên nhiều chuyện lắm. Có hôm, Lân Việt, Nguyên hiệu trưởng Trường đại học Y giơ tay mãi mà không được nói. Cậu em út, Lân Trung to mồm nhất. Nó còn kiêm nhiệm là người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cơ mà. Nhưng lấn át hơn cả vẫn là anh Lân Dũng. Anh có rất nhiều chuyện, toàn thông tin mới lạ, kể cả tiếu lâm. Anh Lân Cường thì bỗ bã, chuyện cứ như là mới đào dưới âm phủ lên. Ít nói nhất vẫn là Lân Tráng. Thế nhưng hễ nói ra là câu nào là làm cho mọi người cười lăn lộn. Những lần gặp gỡ ấy cũng là lúc để anh em chúng tôi giúp đỡ nhau làm việc sao cho tốt hơn. Trước khi cha tôi mất, tôi vào chăm ông ở viện, dứt cơn đau, ông nói khẽ với tôi: Các con phải chăm lo cho nhau nhé! Tôi không phải là con trưởng, nhưng với con nào ông cũng dặn thế và đó đã trở thành truyền thống của đại gia đình chúng tôi...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.