VCPMC và Cục NTBD cùng các nhạc sĩ: Cuộc đấu tố chưa có hồi kết

Thứ Hai, 05/03/2012, 08:45

Chưa có lúc nào mà giới âm nhạc lại nóng như lúc này, đó là việc ầm ĩ của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt tên giao dịch của tổ chức này là VCPMC) đã tổ chức họp với sự có mặt của hàng chục nhạc sĩ đến trụ sở Hội Âm nhạc Hà Nội tại 19 Hàng Buồm vào ngày 16/2 vừa qua để “đấu tố” và “vạch tội” cơ quan chức năng của Nhà nước là Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), thuộc Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch (VH-TT&DL).

Đỉnh điểm của sự việc này là một lá đơn do VCPMC chắp bút có 57 chữ ký của những nhạc sĩ, trong đó có nhiều nhạc sĩ lão thành tên tuổi được gửi đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Và, ngay lập tức Cục NTBD cũng có hành động đáp lại là cử người đi xác minh sự thật về những chữ ký trong tờ đơn kiến nghị kia.

Cũng thật bất ngờ, nhiều nhạc sĩ, hay người nhà nhạc sĩ ký trong tờ đơn mà VCPMC soạn thảo gửi Cục NTBD đã không biết được nội dung trong lá đơn viết gì. Bởi, đơn giản, họ đã ký trước khi VCPMC chắp bút. Thế là sự việc này lại tiếp tục trở nên ngày một trầm trọng hơn.

Quá nhiều chuyện lình xình quanh việc Bản quyền âm nhạc Việt Nam

Sau khi VCPMC muốn lôi kéo các nhạc sĩ vào phe của mình để gửi đơn "kiến nghị" với lời lẽ khá gay gắt buộc tội cơ quan chức năng Nhà nước là Cục NTBD dường như đã tiếp tay cho các đơn vị tổ chức biểu diễn để trốn trả tiền bản quyền âm nhạc, vi phạm nghiêm trọng vào bảo vệ tác quyền, thì trong những ngày này lại xảy ra một sự việc phức tạp khác là một số nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Quốc Trung, NSND Trần Bình (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)… lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong việc thu chi của VCPMC.

Khi công bố con số tiền khủng thu về trong năm 2011 của VCPMC là 41 tỉ đồng thì nhiều người tỏ ra hồ nghi số tiền họ nhận được từ VCPMC thực chất đã đúng với số tiền họ có được hay chưa? Những nhạc sĩ này đã lấy nhiều dẫn chứng cụ thể và bất lợi cho VCPMC. Như hoạt động gần 10 năm mà VCPMC chưa có barem thu tiền tác quyền âm nhạc cụ thể, thu tác quyền bài hát không đồng nhất, không xuất trình được "Hợp đồng ủy thác thu tác quyền" cho người đến nộp tiền tác quyền khi họ có yêu cầu muốn xem  bản hợp đồng, cũng như không có cơ quan kiểm toán của Nhà nước vào làm việc với VCPMC mà công tác tài chính của VCPMC được kiểm toán bởi công ty kiểm toán của Anh là Grant Thornton. 

Vậy là, trên hai trang báo mạng, một của VCPMC (do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc) và một trang báo mạng nữa là Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn của Cục NTBD đã xảy ra đôi co, đấu khẩu gay gắt. Loạt bài giữa hai bên với lời lẽ mỉa mai, giễu cợt, thậm chí là ném đá nhau không thương tiếc.

Trên trang báo mạng của Cục NTBD chỉ trích với những cái tít như:  "Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lừa dối ra sao?", "Sai phạm của VCPMC. Luật sư hàng đầu Việt Nam lên tiếng"… Trước đấy, có một câu chuyện khá hài hước là các nhạc sĩ đình đám của nền nhạc Việt đã liên tiếp tố nhau. Trả lời báo chí, nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Phú Quang… đều cho rằng VCPMC không minh bạch trong việc thu, chi trả tác quyền âm nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Trung gọi VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc là thu "tùy tiện", "sai pháp luật", "không đúng chức năng"… Nhạc sĩ Phó Đức Phương lại cho rằng, nhạc sĩ Quốc Trung "thiếu cơ sở", "chụp mũ" và "kém hiểu biết". Nhạc sĩ Phú Quang nói nhạc sĩ Phó Đức Phương "tham lam vô độ" hay "lừa dối các nhạc sĩ", "bịp bợm". Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương thì cho rằng nhạc sĩ Phú Quang là "chua ngoa", "không chuẩn xác" và "nói lấy được"…

 Và trong những ngày này, trang web của Cục NTBD ra một loạt bài điều tra về sai phạm của VCMC. Trên trang web của VCPMC đáp trả lại bằng loạt bài "hồi âm bài báo…". Nghĩa là VCPMC sẽ mỏi mồm hồi âm hoặc tự thanh minh cho mình nếu không có cơ quan chức năng khác can thiệp, tình hình này không biết sẽ đi đến đâu  (?!).

Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên.

Chân tướng sự việc…

Để tìm hiểu thực hư của vấn đề,  phóng viên Chuyên đề ANTG gặp ông Trần Đức Thọ - Phó tổng biên tập tạp chí Nghệ thuật Biểu diễn, người vừa được Cục NTBD ủy nhiệm làm việc với  nhạc sĩ Phó Đức Phương - người đứng đầu VCPMC. Ông Thọ cho hay, ngày 21/2 VCPMC gửi đơn kiến nghị đến Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL về vấn đề bản quyền.

Trong kiến nghị có đoạn: "Việc Cục NTBD và một số sở VH-TT&DL nhiều năm nay cấp giấy phép biểu diễn cho các cá nhân tổ chức biểu diễn mà không cần các cá nhân và tổ chức này chứng minh rằng đã xin phép và được sự đồng ý của các tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hoàn toàn không đúng".

Theo ông Trần Đức Thọ, việc VCPMC ép Cục NTBD như vậy là đòi hỏi quá đáng và không thực tế. Bởi chức năng của Cục NTBD là xem xét, kiểm duyệt chất lượng nội dung bài hát và hình thức thể hiện của buổi biểu diễn chứ Cục không có chức năng đòi nợ. Việc đòi nợ đã có Trung tâm bản quyền lo rồi. Ông Trần Đức Thọ cũng cho hay trong buổi làm việc giữa hai bên, nhạc sĩ Phó Đức Phương thừa nhận đã cho mọi người ký trước rồi soạn thảo nội dung sau. Ông Thọ cho biết Cục NTBD đã liên lạc với nhiều nhạc sĩ, nhà thơ và họ xác nhận ký khi chưa được đọc nội dung của lá đơn gửi Cục NTBD.

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục NTBD cũng đã khảng khái trả lời: "Yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ biểu diễn, diễn viên thực hiện đúng nội dung chương trình đã được cấp phép và quy định trong quy chế biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành. Theo đó, Luật không yêu cầu  đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép. Vì thế cơ quan cấp phép chỉ yêu cầu họ cam kết thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ chứ không thể ép buộc họ phải nộp hóa đơn đã trả tác quyền rồi mới được cấp phép.

NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cho rằng: "Việc anh Phương (nhạc sĩ Phó Đức Phương-PV) vận động một số nhạc sĩ phản đối Cục NTBD thì tôi cho cũng không đúng. VCPMC là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ,  anh hoàn toàn dựa trên cơ sở thỏa thuận, thỏa thuận không được, một trong hai bên vi phạm, anh đưa việc ấy lên chính quyền, các cấp để thụ lý và xử lý. Trên thế giới đều như vậy cả. Chứ không ai bắt cơ quan quản lý đi đòi tiền hộ". 

NSND Trần Bình cho hay: "Nếu đòi tiền, trung tâm ấy do nhà nước thành lập thì chắc gì anh Phương đã được làm giám đốc, vì anh đã về hưu rồi. Vừa rồi tạo ra sự bức xúc không cần thiết như vận động một loạt  hơn 40 nhạc sĩ ký vào đơn rồi đưa đơn lên Cục NTBD thì theo tôi là không đúng luật. Vì nếu muốn ký thì anh phải đưa toàn bộ cái bản ấy để người ta đọc và hiểu sau đó người ta mới ký vào chứ không phải đưa cho mọi người ký trước rồi soạn thảo nội dung sau. Làm như thế là vi phạm vào luật khiếu nại tố cáo".

Các Nghệ sĩ họp công kích VCPMC về việc trả tác quyền.

"Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc" người vỗ tay, kẻ quay mặt…

Trở lại với việc ồn ã trong những ngày qua giữa VCPMC và một số nhạc sĩ. Nói gì thì nói, từ khi thành lập VCPMC thì nhiều nhạc sĩ lại trở nên có tiền vì thi thoảng, một quý, một năm, hoặc vài năm những tác giả như nhạc sĩ, nhà thơ… lại được Trung tâm gọi đến nhận một khoản. Con số này theo như VCPMC có người đã nhận đến số tiền khủng từ tác quyền là 300 triệu/năm. Và khoảng chục người nhận tiền tác quyền trên dưới 100 triệu/năm. Vậy là, có khá nhiều nhạc sĩ, tác giả thơ cảm thấy vui và phấn chấn khi có người đi đòi tiền hộ và đang dưng thì thêm đồng ra đồng vào nên họ cũng chấp nhận mất chi phí dịch vụ.

Nhưng một số người lại không nghĩ như thế, trong số đó có các nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Phú Quang, NSND Trần Bình… Số nghệ sĩ này đã cực lực phản đối rằng số tiền của họ cũng như các tác giả khác nhận về từ VCPMC đã bị đánh cắp không thương tiếc vì chi phí % quá lớn, và giấy tờ không minh bạch.

Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Phú Quang giải thích cho sự im lặng của nhiều nhạc sĩ: "Người nghệ sĩ thì chỉ có lương hưu thôi mà nhận được 2 hoặc 3 triệu tiền tác quyền của một quý, hoặc một tháng là quý lắm rồi. Nếu không có trung tâm này thì họ không có tiền ấy nhưng họ quên mất người ta bị "ăn cắp 10 lần" tiền người ta được lĩnh. Thành lập trung tâm bản quyền bao lâu rồi mà chỉ nói thu vào chứ không công bố chi ra. Mà ngay cả khi tôi lĩnh tiền bản quyền từ VCPMC cũng không biết đơn vị tổ chức âm nhạc nào dùng ca khúc của mình. Chỉ biết ký nhận tiền mà không biết tiền đến từ đâu? Tôi thấy đấy là sự tham lam quá đáng". 

Theo nhạc sĩ Phú Quang có nhạc sĩ nào được lĩnh tiền bản quyền của một bài hát vượt qua 300 ngàn đâu mà tại sao VCPMC bắt ông bầu lại phải đưa 4 triệu/1bài hát (thực chất việc này đã không thực hiện được vì không được sự thỏa thuận của cả hai bên).

Đứng trước sự việc trên, nhạc sĩ Quốc Trung lên tiếng: Người ta không xin vào Hội Bảo vệ bản quyền nhưng ông trừ tiền bản quyền phần lời của nhà thơ rồi thì ông phải có  trách nhiệm trả cho người ta chứ (?!). VCPMC không bảo vệ quyền của tác giả nhà thơ khi người ta chưa xin vào Hội Bảo vệ quyền tác giả  nhưng đã trừ tiền liên quan đến âm nhạc. Bây giờ thì mới thấy hóa ra là nhạc sĩ nào đến thắc mắc thì mới được nhận tiền, còn nhạc sĩ nào không thắc mắc thì bị mất tiền. Việc thu tùy tiện và chi cũng tùy tiện. Cũng bài hát ấy lúc thì thu 2 triệu, khi thì thu 1 triệu, lúc lại 1 triệu rưỡi, hoặc hôm lại chỉ còn 800 nghìn. Cũng là bài hát ấy năm ngoái 2 triệu bây giờ là 900 trăm nghìn.

Cái biểu giá anh đưa ra phải rõ ràng và hợp lý. Hiện nay, Bộ Tài chính thì chưa được duyệt, Nhà nước cũng không quản lý được giá bản quyền. Đó là thỏa thuận dân sự,  ông tự thỏa thuận với nhau, Nhà nước không quản lý. Chức năng của Trung tâm giờ là chức năng khai thác. Còn bảo vệ thì anh phải xây dựng những thông giá, những chế tài. "Đây là một tổ chức tập thể phi lợi nhuận". Phi lợi nhuận là anh không được lấy tiền lương. Thế mới gọi là phi lợi nhuận.

Nhiều nhạc sĩ tỏ ra bực mình vì nhạc sĩ Phó Đức Phương đã than phiền với truyền thông rằng ông phải gác chuyện sáng tác nhạc để lo chuyện thiên hạ... Nhạc sĩ Phú Quang đã có thư riêng cho nhạc sĩ Phó Đức Phương khi mỉa mai số tiền mà thiên hạ đồn 45 triệu một tháng của Giám đốc VCPMC, nếu cao như thế thì ai mà chả muốn làm.

Thời ông Trần Đăng Tuấn còn làm Phó giám đốc Truyền hình Việt Nam ông đã nói với nhạc sĩ Phú Quang một năm đưa cho VCPMC với số tiền là 750 triệu đồng để chia đều cho các nhạc sĩ. Dẫn chứng cụ thể về việc bản quyền mập mờ, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: Trung tâm ký hợp đồng khai thác với truyền hình thì trung tâm phải có phương án chi trả chứ. Hỏi tiền thì Trung tâm bảo truyền hình chưa gửi thống kê sang. Tại sao  anh cứ nhận một đống tiền về rồi lại bảo không biết ai để trả (?!).  Truyền hình là sóng Nhà nước phát gì lên phải có sổ chứ. Mà đến bây giờ là 2 năm rồi, mình chưa nhận được đồng nào.

Nhạc sĩ Quốc Trung thốt lên: "Kinh khủng nhất là ông thu tiền của nhà mạng cho download. Việc cho phát và download trên mạng là vi phạm bản quyền. Ông lại đến thu phí". Nhạc sĩ này cho biết ngày hôm  nay ông làm ra đĩa đảm bảo ngày hôm sau có đĩa lậu ngay. Nhạc sĩ Quốc Trung bức xúc: "Tôi họp báo lúc 4 giờ ngày 7, đến 8 giờ đáp máy bay xuống Nội Bài thì bài hát của mình đã có ở trên mạng. Ngày mồng 8 tôi mới bán đĩa. Vậy tôi còn bán cho ai? Người ta thích nghe việc gì phải mua đĩa nhạc làm gì? Nghe luôn ở trên mạng. Anh là trung tâm bảo vệ bản quyền mà lại thu tiền của nó. Ông này bán đồ ăn cắp mà cơ quan thuế lại đến thu thuế thì hóa ra đồng lõa với bọn ăn cắp".

"Nên có nhiều trung tâm bảo vệ bản quyền khác ra để người ta lựa chọn bây giờ độc quyền muốn thu của ông bầu này bao nhiêu là thu" - các nhạc sĩ này kết luận.

*Ảnh: Minh Trí

Trần Mỹ Hiền
.
.