Vừa học vừa phòng dịch: Chuyển đổi để thích nghi

Thứ Ba, 15/09/2020, 21:15
Để dạy, học trực tuyến thực sự trở thành một phương pháp giảng dạy hiệu quả và phổ biến, góp phần tạo sự chuyển đổi số trong ngành giáo dục, cần sự quyết tâm đổi mới từ nhà trường, giáo viên đến học sinh và phụ huynh. Bởi nếu chỉ dựa hoàn toàn vào công nghệ, chăm chăm áp dụng các phần mềm dạy học trực tuyến thì tự điều này không thể tạo nên sự thay đổi đột phá.

Và sự nỗ lực chuyển đổi vào thời điểm đầy khó khăn này cũng rất cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời của toàn xã hội.

Thầy Bùi Văn Hiến - Hiệu trưởng Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (thứ hai từ trái qua) đã vượt đèo dốc, sương mù đến thăm lán học dựng giữa đường và tặng quà cho nhóm học sinh học trực tuyến.

Thay đổi từ trường học...

Sự chuyển đổi từ dạy, học trực tiếp sang dạy, học trực tuyến (DHTT) đã kéo theo rất nhiều “thay đổi vệ tinh”. Hay nói cách khác, để đi đến sự thay đổi căn bản từ việc dạy học truyền thống sang hình thức mới mẻ, hiện đại này cần rất nhiều sự chuyển dịch xung quanh nó.

Ở các nhà trường, ban giám hiệu vừa động viên, khích lệ vừa quyết liệt chỉ đạo giáo viên áp dụng DHTT, tạo thành phong trào dạy học sôi nổi. Mùa hè năm 2020 tuy ngắn như không hề trầm lắng bởi không khí tập huấn DHTT ở nhiều trường học trong cả nước. Đường truyền Internet tại các trường học được lắp đặt tăng cường. Những phòng tin học với nhiều máy tính kết nối mạng đã sẵn sàng để phục vụ việc DHTT trong năm học mới.

Để lan tỏa tinh thần học trực tuyến tới các bậc cha mẹ, thầy Hà Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã chọn cách họp phụ huynh trực tuyến ngay từ khi học sinh phải nghỉ học do COVID-19 đợt đầu năm 2020. Mỗi tối, thầy Vinh lên lịch họp với phụ huynh của từng lớp để nêu chủ trương áp dụng việc DHTT của nhà trường. Có lẽ đó là lần đầu tiên các ông bố bà mẹ ngồi nhà mà vẫn được họp phụ huynh kiểu mới, bàn về việc dạy học theo kiểu mới.

Cách kết nối online của thầy hiệu trưởng giữa mùa dịch đã tạo ra hiệu quả chuyển đổi bất ngờ khi bố mẹ nào cũng hào hứng hỗ trợ con học online. Dù ở vùng quê nghèo nhưng nhà nào cũng cố gắng hết mức để có máy tính, điện thoại thông minh, lắp đặt Internet tại nhà để con theo học. Một số ít gia đình chưa có điều kiện mua sắm thiết bị, nhà trường chủ trương mua lại những chiếc điện thoại thông minh để tặng các em. Chính vì thế, việc DHTT ở Trường THPT Đức Hợp đã được triển khai thuận lợi.

Nhiều trường học còn cho một số học sinh quá khó khăn mượn máy tính xách tay và thiết bị phát wifi để học theo nhóm nhỏ. Đầu năm học này, rất nhiều trường học tiến hành một việc chưa có tiền lệ, đó là rà soát điều kiện trang bị mạng, máy móc ở các gia đình để có kế hoạch cụ thể về việc DHTT.

Nhiều phụ huynh quan sát các con học tại nhà, thậm chí học cùng con và có phản hồi tích cực với giáo viên.

Trong hoàn cảnh đặc biệt phải áp dụng đồng loạt việc DHTT, đội ngũ giáo viên đã có những thay đổi nhanh chóng cả về tâm thế và kĩ năng. Cô Trần Mỹ Dung - giáo viên tiếng Anh của Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) đã bộc bạch về sự chuyển đổi tâm thế mang tính bước ngoặt này: “Khi tôi còn đang lúng túng với ấp ủ truyền tải những bài học tới học sinh thì ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra những quyết sách hiệu quả. Khóa tập huấn online về phần mềm DHTT đã khai mở cho tôi những phương cách giảng dạy thú vị. Tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh hiện tại và sẵn sàng cho cả tương lai... Từ một người rất yếu về công nghệ, tôi miệt mài tìm hiểu cách dùng phần mềm dạy học. Tôi học từ chuyên gia của nhà trường, từ đồng nghiệp, từ học trò và từ những đứa con của mình. Tôi nhận ra có quá nhiều sự hấp dẫn từ những bài học đó”.

Các thầy cô nhận ra rằng cần việc dạy học đâu không chỉ là thuyết giảng một chiều, mà là sự trao đổi, thảo luận, truyền cảm hứng cho học sinh, hướng dẫn các em làm việc nhóm. Dạy học đâu phải đơn thuần chỉ có phấn trắng bảng đen, mà là sự dẫn dắt học sinh tham gia cuộc chơi kiến thức nhờ vào phần mềm dạy học. Quá trình DHTT cũng đồng thời là quá trình các thầy cô học hỏi, trao đổi, hỗ trợ nhau trong giảng dạy. Nhiều thầy cô giáo tỏ ra hứng thú, say mê với việc soạn giáo án và giảng dạy trực tuyến. Một cô giáo trước đây xa lạ với CNTT giờ cũng đã sắm cho mình một chiếc máy tính để quen dần với việc dạy và quản lý học sinh từ xa. Khi làm chủ được công nghệ, các thầy cô mang tâm thế tự tin và chủ động hơn.

Theo cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp thì trong cái khó ló cái khôn, khi việc DHTT hạn chế phần nào tính tương tác, giáo viên có thể dựa vào những tính năng sẵn có của các phần mềm để thiết kế hoạt động dạy học. Ví dụ, trong giờ học, thay vì phát biểu trực tiếp, học sinh có thể dựa vào cửa sổ chat để điền đáp án, câu trả lời ngắn gửi tới giáo viên. Hoặc các em có thể nhấn nút “like” nếu đồng ý với những quy tắc mà cô giáo đưa ra. Những thao tác này khiến các em hứng thú với bài học hơn là việc ngồi trước máy tính nghe giảng.

Những thay đổi ở nhà

“Nếu không có những tháng học trực tuyến vừa qua, em sẽ không bao giờ biết đến việc học online sẽ diễn ra như thế nào. Có những trải nghiệm rất thú vị vì trong quá trình học được chơi trò chơi, trình bày ý tưởng, làm ra một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Việc sử dụng máy tính cũng thành thạo hơn” - đó là những chia sẻ của em Nguyễn Đức Tùng - học sinh Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc học trực tuyến.

Trong quá trình DHTT, cô Đỗ Thu Hà - giáo viên dạy ngữ văn của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận ra chính hình thức học mới mẻ này đã tạo nên những thay đổi tích cực từ phía học sinh. Nhiều em khi học trên lớp rất nhút nhát nhưng khi học online lại tự tin, mạnh dạn phát biểu ý kiến xây dựng bài. Có những học sinh bộc lộ khả năng giải quyết nhiệm vụ học tập ở nhà rất tốt. Các em bắt nhịp nhanh với hình thức kiểm tra đánh giá trên máy tính và hào hứng với việc làm bài kiểm tra.

Thời gian qua, các thầy cô giáo đã được tập huấn cách thức tổ chức và quản lý giờ dạy trực tuyến.

Không chỉ các em, mà chính các bậc phụ huynh cũng dần thay đổi. Thời gian đầu mùa dịch, nhiều phụ huynh kêu ca không có thời gian hỗ trợ con, không biết giám sát con thế nào. Nhưng sau một thời gian tập dượt, giờ đây nhiều ông bố bà mẹ đã bắt nhịp được nếp học mới, giúp con cài đặt các ứng dụng học trực tuyến. Rất nhiều bố mẹ quan sát các con học tại nhà, thậm chí học cùng con và có phản hồi tích cực với giáo viên.

Trước kia, không ít bố mẹ lo sợ con tiếp cận mạng Internet sẽ lợi bất cập hại, chểnh mảng việc học hành nên cấm dùng Facebook, Zalo, Viber. Nhưng khi học trực tuyến, con phải vào tham gia các nhóm để liên hệ, nhận bài tập của thầy cô thì bố mẹ cũng phải thay đổi quy định. Thay vì cấm đoán, bố mẹ cho phép con vào mạng, vừa kiểm soát con hợp lý vừa hướng dẫn con sử dụng mạng Internet một cách hữu ích để phục vụ học tập.

Cần sự đồng hành từ nhiều phía

Trước những khó khăn trong học tập trực tuyến của học sinh, việc đầu tư và ưu tiên hỗ trợ thiết bị điện tử và kết nối Internet cho tất cả học sinh, đặc biệt là vùng nông thôn và khó khăn cần được quan tâm sát sao. Bởi nếu không có sự hỗ trợ, chung tay của toàn xã hội thì DHTT vẫn sẽ là mảng trắng ở nhiều địa phương trong cả nước. Trang bị cơ sở hạ tầng mạng một cách đồng bộ chính là chìa khóa vượt qua khó khăn của ngành giáo dục giai đoạn này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, Bộ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT chung tay hỗ trợ, tài trợ ngành giáo dục các điều kiện về hoạt động CNTT gồm hạ tầng CNTT, đường truyền Internet, miễn phí phần mềm DHTT, hỗ trợ giáo viên tổ chức DHTT. Hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ý nghĩa này.

Cô Đỗ Thu Hà - Giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) trong giờ dạy trực tuyến.

Thời gian qua đã có không ít địa phương kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của người dân đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tinh thần, vật chất, các trang thiết bị thông tin như điện thoại di động, máy tính, tín hiệu đường truyền Internet... để giúp các em hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập trong điều kiện phải học trực tuyến tại nhà.

Ở thời điểm dịch bệnh khó khăn này, một hành động nhỏ giúp các em học sinh nhưng có ý nghĩa lớn lao. Đó có thể là những chiếc thẻ sim điện thoại 3G, 4G tặng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em vào mạng. Đó có thể là hình thức bán điện thoại trả góp, cho mượn máy cũ để hỗ trợ học sinh có phương tiện học tập. Ở mỗi cơ sở giáo dục, cần phát động các em học sinh ủng hộ gây quỹ mua thiết bị học tập cho các bạn nghèo.

Những tháng qua, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội phát động và kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thiếu thiết bị học tập, đặc biệt là học sinh đang học lớp 9 và lớp 12. Những chiếc máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng mới hoặc đã qua sử dụng vẫn còn dùng được đã trở nên đặc biệt có ý nghĩa với các em học sinh nghèo Thủ đô trên hành trình học tập nhiều gian khó.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Để DHTT phát huy tối đa hiệu quả thì việc thay đổi về kĩ thuật, công nghệ chỉ là phần ngọn, sự thay đổi về tư duy nền tảng mới là phần gốc. Tức là phải thay đổi từ cách soạn giáo án, cách thức tổ chức bài giảng đến việc kiểm tra đánh giá để phù hợp với DHTT. Thay vì những bài truyền thụ kiến thức lớp lang thì giáo án phải chuyển thành những nội dung nghiên cứu để giao việc cụ thể cho người học tự tìm hiểu, nắm bắt, tự giải quyết nhiệm vụ học tập. Vai trò của người dạy trên lớp là nắm bắt, định hướng, giải đáp thắc mắc, chốt lại kiến thức dựa trên hoạt động của người học”.
Huyền Châm
.
.