Bóng đá Việt Nam được gì khi áp dụng “cơ chế bong bóng”?

Thứ Năm, 26/08/2021, 21:46

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang áp dụng “cơ chế bong bóng” cho ĐTQG và đội U23 Việt Nam với mục đích hướng đến thành tích cao ở các giải đấu sắp tới. Đây là cơ chế tốt cho thầy trò HLV Park Hang-seo, khi họ có cơ hội tập luyện cùng nhau trong thời gian dài chưa từng thấy. Nhưng lợi ích của ĐTQG cũng đánh đổi với thiệt hại các CLB của V.League và tương lai bất ổn  cả hệ thống thi đấu chuyên nghiệp.

 “Cơ chế bong bóng” là gì?

“Cơ chế bong bóng” không phải là khái niệm mới trong bóng đá. Nó đã được Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) thực hiện thành công ở các trận đấu cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022, các bảng đấu tại AFC Champions League, AFC Cup gần đây. Nó cũng là cơ chế mà bóng đá Châu Âu áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh với các đội bóng.

anh 1.jpg -0

Các tuyển thủ quốc gia là số ít các cầu thủ không chịu ảnh hưởng lớn từ việc V.League hủy giải.

Hiểu một cách đơn giản, khi áp dụng “cơ chế bong bóng”, tất cả các thành viên của một đội bóng sẽ ở trong một vòng tròn khép kín, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ví dụ như đến UAE thi đấu vào tháng 6-2021, Đội tuyển Việt Nam đi máy bay riêng, đi xe riêng từ sân bay về khách sạn, nhận phòng và coi như tự cách ly tại đây. Việc di chuyển đến sân tập, sân thi đấu đều khép kín. Trong thời gian từ khi đến UAE cho đến khi thi đấu xong trận cuối cùng, lịch trình di chuyển của các thành viên đội tuyển chỉ gói gọn từ khách sạn đến sân tập, địa điểm thi đấu và ngược lại.

Thậm chí, các thành viên trong đội cũng phải giãn cách trong lúc di chuyển và ăn ở. Để đảm bảo điều này, ban tổ chức sắp xếp riêng hai xe buýt cỡ lớn cho Đội tuyển Việt Nam và chỉ phục vụ đội tuyển trong suốt thời gian thi đấu. Tương tự như vậy, các phòng thay đồ định sẵn cho các đội tuyênển cũng không cho phép người không liên quan đi vào.

Các thành viên bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với người lạ bên ngoài “bong bóng”, và không được phép đi lại tự do. Những quy tắc này giúp các cầu thủ tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ cộng đồng. Ngay cả khi có một hai thành viên nào đó không may mắc bệnh, “cơ chế bong bóng” cũng giúp đa số các thành viên khác tránh khỏi việc phải cách ly.

anh 2.jpg -0

HLV Park Hang-seo có lẽ là người hài lòng nhất khi đội U23 và đội tuyển Việt Nam áp dụng “cơ chế bong bóng” trong thời gian dài hạn.

Ngoài ra, việc xét nghiệm COVID-19 cho các cầu thủ trước ngày thi đấu, kiểm tra thân nhiệt… đều là quy tắc cơ bản, không riêng gì trong “cơ chế bong bóng”.

Đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng “cơ chế bong bóng” nếu muốn giữ quyền chủ nhà trong 5 trận đấu trên sân nhà tại Mỹ Đình, bởi lẽ đây là yêu cầu của AFC. Đầu tháng 8, Chính phủ đã bật đèn xanh cho VFF cùng các ban ngành liên quan thực hiện cơ chế này với các đối thủ của Đội tuyển Việt Nam. Theo lịch, chúng ta sẽ tiếp đội Australia vào ngày 7-9-2021, Nhật Bản vào ngày 11-11, A-rập Xê-út vào ngày 16-11, Trung Quốc vào ngày 1-2-2022 và Oman vào ngày 24-3-2022.

Theo ước tính của các chuyên gia, một trận sân nhà của Đội tuyển Việt Nam có thể sẽ đưa khoảng 300 người vào cùng một bong bóng, bao gồm cả chủ lẫn khách. Trong thời gian áp dụng quy tắc này, ngay cả các quan chức của VFF cũng không được phép về nhà hay tiếp xúc với người thứ ba bên ngoài bong bóng.

Lợi ích trước mắt

Do lịch thi đấu của Đội tuyển Việt Nam từ nay đến cuối năm dày đặc, bao gồm các trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và AFF Cup 2021, chúng ta chỉ có thể áp dụng “cơ chế bong bóng” một cách hiệu quả nhất khi tất cả các cầu thủ ăn ở tập trung liên tục, không ngắt quãng trong nhiều tháng liền. Đây là điều dễ hiểu trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Đội tuyển Việt Nam không thể đưa một cầu thủ ra khỏi bong bóng và đưa anh ta trở lại chỉ sau 2, 3 tuần mà đảm bảo không có rủi ro.

anh 3.jpg -0

Tương lai của gần 1.000 cầu thủ, trong đó có những cầu thủ bị nợ lương của Than Quảng Ninh trở thành vấn đề nhức nhối.

Bóng đá Châu Âu và một số giải đấu Châu Á như Nhật Bản đã thành công trong việc áp dụng “cơ chế bong bóng” vào cấp CLB, nhưng Việt Nam có những khác biệt khiến chuyện này không thể xảy ra. Cũng chính vì thế, V.League 2021 đã bị đẩy sang tháng 2-2022, theo kế hoạch ban đầu của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và VFF.

Việc ĐTQG tập trung dài hạn - dự kiến kéo dài 5 tháng là chuyện chưa có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Việc này giúp ích rất nhiều cho HLV Park Hang-seo cũng như các tuyển thủ, bởi lẽ họ sẽ được làm việc với nhau hàng ngày như ở cấp CLB, tạo ra sự tương tác, gắn kết và ăn ý gấp nhiều lần bình thường. Bản thân HLV người Hàn Quốc cũng có thừa thời gian để truyền tải ý đồ chiến thuật và cùng các học trò thực hành một cách trơn tru nhất trên sân tập.

Với việc thầy trò HLV Park Hang-seo tạo nên kỳ tích lịch sử, giúp Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, sự ưu ái mà VFF dành cho đội tuyển là điều có thể hiểu được.

Nhưng song song với lợi ích cho  ĐTQG, chúng ta cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Đầu tiên, chính là số phận bấp bênh của V.League. Sau nhiều lần cố gắng hoãn mùa giải 2021 sang tháng 2-2022 không thành công, VFF và VPF đã đồng ý hủy giải. Quyết định này sẽ giúp các CLB giảm bớt gánh nặng tài chính trong hoàn cảnh vốn dĩ rất khó khăn hiện tại. Với phần lớn các CLB vẫn đang hoạt động theo cơ chế bao cấp, dựa vào nguồn ngân sách từ tỉnh rót xuống, việc kết thúc mùa giải sớm chỉ có lợi chứ không có hại.

anh 4.jpg -0

V.League có nguy cơ xuống cấp khi trở lại vào năm 2022.

Tuy nhiên, đứng về phía ban tổ chức - cụ thể là VPF, việc kết thúc sớm mùa giải 2021 sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng và những hệ quả không thể lường trước trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà VPF đã “chiến đấu” đến cùng với các CLB để cố gắng hoãn giải hết lần này đến lần khác, và đưa ra cả phương án dời giải đến tháng 2-2022.

Việc hủy V.League 2021 khi giai đoạn một còn chưa kết thúc sẽ khiến VPF tổn hại uy tín, hình ảnh và đặc biệt là kinh tế. Các nguồn thu từ việc tổ chức trận đấu, chia sẻ bản quyền truyền hình, bán quảng cáo, khai thác hình ảnh… đều bị mất quá nửa so với dự tính ban đầu.

Các nhà tài trợ cũng sẽ rút lui, thậm chí khởi kiện VPF, đòi bồi thường và tương lai, liệu có một tập đoàn nào muốn rót tiền cho một giải đấu không thể tự quyết định số phận? Cần biết rằng bản thân V.League đã không còn nhiều sức hút từ trước khi đại dịch xảy ra. Trong 5 mùa giải gần nhất, giải đấu thay đến 4 nhà tài trợ chính và không ai dám chắc tương lai V.League sẽ đi về đâu.

Theo một lãnh đạo của VPF, việc hủy giải chỉ là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Bên cạnh vấn đề kinh tế, cả hệ thống thi đấu quốc gia cũng bị ảnh hưởng, V.League có nguy cơ mất các suất dự cúp Châu Á. Với tình hình hiện tại, việc lên lịch trình thi đấu cho mùa giải 2022 ra sao cũng là dấu hỏi lớn.

Quan trọng không kém là số phận của gần 1.000 cầu thủ chuyên nghiệp. Dịch bệnh đã khiến nhiều CLB phải cắt giảm lương cầu thủ từ 30%, 50% cho đến 70%. Chưa kể, nhiều cầu thủ hết hợp đồng và gần như chắc chắn rơi vào cảnh thất nghiệp ít nhất đến khi mùa giải mới khởi tranh.

Về lâu dài, việc hủy giải có thể đánh tụt trình độ của cả một nền bóng đá. Ngoài các tuyển thủ được hỗ trợ điều kiện tốt nhất và được cọ sát ở đẳng cấp cao nhất, phần còn lại sa sút là điều không thể tránh khỏi. Không phải số ít các tuyển thủ, số đông các cầu thủ chuyên nghiệp này mới là những người tạo ra hình ảnh và chất lượng thực sự cho V.League. Và trong tương lai gần thôi, khi thế hệ vàng hiện tại già đi, Đội tuyển Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tài năng, không có lớp kế cận xứng đáng chỉ vì cái nôi V.League không được vận hành trơn tru.

Đơn Ca
.
.