Châu Âu cầu cứu nguồn dầu từ Trung Đông

Thứ Hai, 16/05/2022, 10:52

Khí đốt của Nga quá cảnh Ukraine đến châu Âu đã giảm mạnh sau khi Kiev tuyên bố “khóa van” đoạn đường ống dẫn quan trọng chạy qua nước này do Moscow đẩy mạnh hoạt động quân sự. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng chiến dịch của Điện Kremlin ở nước láng giềng thân phương Tây có thể khiến nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine bị cắt đứt vào thời điểm giá tăng vọt. Các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông có thể giúp đỡ. Nhưng họ có muốn không?

Bài toán tìm nguồn cung năng lượng thay thế

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, nhưng họ đã tránh áp đặt lệnh trừng phạt đối với các đường ống khí đốt quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không có tác dụng trừ khi châu Âu (và thế giới) giảm sử dụng dầu và khí đốt của Nga.

Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine ngày càng leo thang, các lời kêu gọi tẩy chay dầu mỏ của Nga cũng ngày càng nhiều. Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tuần trước, 465 tổ chức (trong đó có Greenpeace, Extinction Rebellion và Fridays for Future) tại 50 quốc gia đã gửi thư ngỏ yêu cầu chính phủ của họ ngừng sử dụng năng lượng của Nga.

Châu Âu cầu cứu nguồn dầu từ Trung Đông -0
Người biểu tình phản đối chiến tranh yêu cầu chính phủ của họ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Theo một phân tích thị trường dầu mỏ do Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford công bố tuần trước, Nga được xếp hạng là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trên thế giới, riêng trong năm 2021 đã “bơm” khoảng 14% tổng sản lượng dầu thô của thế giới. Khoảng 60% sản lượng dầu thô của Nga được xuất sang châu Âu, và 35% sang châu Á. Các chuyên gia cho biết chỉ riêng châu Âu mỗi ngày trả cho Nga khoảng 350 triệu euro (hơn 380 triệu USD) để mua dầu thô. Theo các tác giả ký tên vào bức thư và những nhân vật khác, trong đó có Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, nếu thế giới tiếp tục sử dụng dầu và khí đốt của Nga, điều đó sẽ phủ nhận các lệnh trừng phạt và tẩy chay của quốc tế nhằm thuyết phục Nga rút khỏi Ukraine.

Tầm quan trọng của dầu mỏ Nga là một phần lý do tại sao họ không bị trừng phạt. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, một lệnh cấm tiềm năng của EU đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến thiếu hụt 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày và 1,2 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ khác. Ngay cả khi các chính phủ muốn cấm dầu của Nga, họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế và quan trọng nhất là khó tránh khỏi việc giá dầu tăng chóng mặt. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá dầu vẫn ở mức cao.

Khi thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu cao hơn dự kiến đã phải đối mặt với nguồn cung yếu từ các nước sản xuất dầu mỏ. Do chiến tranh ở Ukraine và lo ngại thị trường tiếp tục bị gián đoạn, giá dầu hiện đang tiếp tục tăng cao. Hôm 9-5, giá một thùng dầu thô Brent đã tăng lên 139 USD, gần với mức giá kỷ lục 147,50 USD hồi năm 2008. (Dầu Brent đặt tiêu chuẩn về giá cho khoảng 2/3 lượng dầu thế giới). Theo báo cáo của Viện Oxford, các nhà phân tích kỳ vọng giá dầu trung bình ở mức khoảng 116 USD/thùng trong năm nay.

Giá dầu tăng rõ ràng có lợi cho Nga và cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế phương Tây. Vì vậy, việc tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho dầu của Nga cũng như các biện pháp chống tăng giá năng lượng, càng trở nên cấp thiết.

Trung Đông có thể giúp giải tỏa cơn khát dầu?

Một phần của câu trả lời có thể nằm ở nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Arabia.

Cùng với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia được cho là hai nhà sản xuất dầu lớn duy nhất có thể tăng sản lượng dự phòng một cách tương đối dễ dàng. Amena Bakr, trưởng đại diện OPEC tại mạng lưới phân tích năng lượng Energy Intelligence, cho biết hai quốc gia này chiếm tỷ trọng lớn trong công suất dự phòng có thể sẵn sàng bơm ra thị trường của OPEC, ở mức khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhà sản xuất lớn nhất OPEC là Saudi Arabia đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Mỹ về tăng sản lượng vượt hạn ngạch từng nhất trí với Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ khác ngoài OPEC, và giờ đây cũng không chắc họ quan tâm đến lời kêu gọi tăng sản lượng của châu Âu.

Châu Âu cầu cứu nguồn dầu từ Trung Đông -0
Các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông đang chống lại áp lực toàn cầu đòi tăng sản lượng dầu và khí đốt.

Karen Young, Giám đốc sáng lập Chương trình Kinh tế và Năng lượng tại Viện Trung Đông, có trụ sở tại Washington, cho biết dầu của Saudi Arabia vẫn sẽ khó thay thế nhanh chóng nguồn cung từ Nga. Bà giải thích: “Tăng sản lượng không có nghĩa là tăng xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu. Các thị trường dầu mỏ không dễ chuyển hướng như vậy”. Bà nói thêm rằng sự khác biệt lớn nhất mà Saudi Arabia có thể tạo ra là sản xuất nhiều dầu hơn để hạ giá trên thị trường toàn cầu. Giữa tháng 2 vừa qua, ngay cả trước khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Saudi Arabia và UAE bơm thêm dầu để giảm giá.

Theo các nhà phân tích, việc chuyển hướng phân phối các lô hàng hiện tại vốn được xuất cho các khách hàng châu Á có thể khiến các quốc gia Arab Vùng Vịnh phải trả giá. Robin Mills, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn năng lượng Qamar Energy có trụ sở tại Dubai, cho biết điều này chỉ có thể thực hiện được nếu “các hợp đồng dài hạn có điều khoản linh hoạt hoặc theo thỏa thuận với các khách hàng ở châu Á”. Giới phân tích cho rằng ngay cả khi các chuyến tàu chở dầu từ Vùng Vịnh được chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển giữa khu vực Vùng Vịnh với khách hàng chính của họ là Trung Quốc.

Tại cuộc họp mới đây nhất của OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu), các thành viên đã nhất trí không đi chệch kế hoạch sản lượng được đưa ra hồi đầu năm. Trong cuộc họp kéo dài chỉ có 13 phút hôm 2-3-2022, 23 thành viên của OPEC+ tuyên bố họ sẽ tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 theo thỏa thuận và thậm chí không đề cập cuộc chiến Ukraine trong tài liệu cuối cùng của họ.

Không nên kỳ vọng?

Hasan Alhasan, chuyên gia nghiên cứu về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, giải thích: “Chính sách lâu nay của OPEC là không thay đổi kế hoạch sản xuất hoặc cung cấp dựa trên các sự kiện địa chính trị. Họ chỉ thay đổi để đáp ứng với những thay đổi trong các nguyên tắc cơ bản của thị trường”.

Châu Âu cầu cứu nguồn dầu từ Trung Đông -0
Dầu thô Brent hôm 9-5 giao dịch ở mức 139 USD, gần với mức giá kỷ lục 147,50 USD hồi năm 2008.

Tuy nhiên, nhận thức của Saudi Arabia về cuộc xung đột ở Ukraine có thể thay đổi, nếu cuộc chiến tiếp tục tồi tệ và các nước khác - hay thậm chí cả NATO - tham gia, hoặc nếu lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu của Nga được áp đặt. Chuyên gia Alhasan nhận định việc thiếu các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga làm suy yếu lập luận của châu Âu. Nếu không có các biện pháp trừng phạt đó, “rất khó để thuyết phục các quốc gia Vùng Vịnh chấp nhận rủi ro”.

Sự phản đối toàn cầu đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bao gồm cái gọi là chiến lược tự trừng phạt, cũng có thể tác động đến khả năng Saudi Arabia thay đổi chính sách sản lượng. Các công nhân cảng trên khắp thế giới đã từ chối bốc dỡ dầu của Nga, trong khi các nhà tài chính, lo sợ các lệnh trừng phạt, từ chối cung cấp tín dụng hoặc phương thức thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ của Nga.

Ngoài Saudi Arabia và UAE, liệu có nhà sản xuất dầu mỏ nào khác ở Trung Đông có đủ năng lực kỹ thuật cũng như sự sẵn sàng để giúp châu Âu bù đắp sự thiếu hụt dầu mỏ từ Nga? Theo Yousef Alshammari, Giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại CMarkits ở London, về lý thuyết Iraq có thể bơm thêm 660.000 thùng/ngày. Quốc gia Trung Đông này hiện sản xuất khoảng 4,34 triệu thùng/ngày và có công suất tối đa 5 triệu thùng, nhưng sự chia rẽ bè phái và tình trạng bế tắc chính trị ở Baghdad khiến châu Âu không thể trông cậy vào nước này để bù đắp nguồn cung dầu mỏ. Hơn nữa, Iraq cũng thiếu cơ sở hạ tầng để tăng sản lượng và việc đầu tư vào các dự án dầu mỏ có thể phải mất nhiều năm trước khi gặt hái được thành quả. Chuyên gia Bakr nhấn mạnh: “Bạn phải hiểu rằng dầu mỏ không phải luôn có sẵn trong đường ống. Nó cần sự đầu tư, và khoản đầu tư này cần thời gian để phát huy tác dụng”.

Nhìn sang Libya, các mỏ dầu của quốc gia Trung Đông-Bắc Phi này thường xuyên bị gián đoạn do căng thẳng chính trị tiếp diễn. Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết nước này đã mất hơn 550.000 thùng/ngày do các nhóm chính trị chống đối phong tỏa các mỏ dầu và cảng xuất khẩu chính của quốc gia. Một nhà máy lọc dầu bị hư hại nặng sau các cuộc đụng độ vũ trang. Đầu tháng này, NOC đã tạm thời dỡ bỏ phong tỏa một cảng dầu, nhưng sự cố gián đoạn vẫn là nguyên nhân chính gây lo ngại. Chuyên gia Alshammari cho rằng “hầu như không thể dựa vào Libya” vì một phần hoạt động sản xuất của nước này đã bị gián đoạn trong nhiều năm do nội chiến và các trường hợp bất khả kháng lặp đi lặp lại đối với các mỏ dầu quan trọng.

Sau UAE và Saudi Arabia, Iran có lẽ là quốc gia được trang bị tốt nhất để có thể bơm thêm dầu ra thị trường, nhưng nước này vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc rơi vào tình trạng bế tắc. Theo các nhà phân tích, Iran có thể đóng góp tới 1,2 triệu thùng/ngày nếu lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Công ty dữ liệu Kpler ước tính Iran có 100 triệu thùng trong kho nổi tính đến giữa tháng 2 vừa qua, có nghĩa là nước này có thể tăng sản lượng 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung toàn cầu trong khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ “ký một thỏa thuận tồi với Iran chỉ để có thêm dầu ra thị trường”.

Theo một số nhà phân tích thị trường, Mỹ và châu Âu lẽ ra phải cẩn thận vun đắp các mối quan hệ ở Trung Đông hơn, đặc biệt là giờ đây khi cuộc chiến Ukraine khiến các nhà sản xuất dầu mỏ trong khu vực trở nên quan trọng. Cinzia Bianco, chuyên gia về khu vực Vùng Vịnh tại Văn phòng Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (có trụ sở tại Berlin), nêu rõ: “Ngay cả khi ngoại giao phương Tây thành công trong việc đưa các quốc gia Trung Đông vào cuộc, họ (các nước Trung Đông) cũng lo ngại rằng điều đó sẽ chỉ là tạm thời”. Trong khi đó, Dina Esfandiary, cố vấn cho Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, cho rằng tầm quan trọng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ Arab kiểu lên voi xuống chó. Theo bà, về dài hạn, các nhà sản xuất năng lượng ở Vùng Vịnh cũng nhận ra rằng ngày nay họ không còn quan trọng như thời kỳ thế giới phụ thuộc nhiều vào họ”.

Các quốc gia nằm ngoài khu vực Trung Đông có khả năng dự trữ tiềm năng, bao gồm Nigeria và Venezuela, cũng đang gặp nhiều vấn đề. Chuyên gia cấp cao Alshammari giải thích, khi một quốc gia được đánh giá là có năng lực dự trữ dầu mỏ, điều đó có nghĩa là quốc gia đó “có khả năng cung cấp lượng dầu nhất định ra thị trường trong vòng 30 ngày và duy trì công suất đó trong ít nhất 90 ngày”. Rất ít nhà sản xuất có thể đạt được khả năng này. Do đó, lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga “có thể gây bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu”. Điều đó khiến châu Âu có một lựa chọn tiềm năng khác là Mỹ. Nhưng ngay cả khi Mỹ bơm nhiều hơn, cũng sẽ không đủ và không phù hợp với nhu cầu của châu Âu vì dầu thô của Mỹ là loại dầu rất nhẹ. Mills cho biết “dầu thô rất nhẹ của Mỹ không phải là sản phẩm lý tưởng đối với thị trường châu Âu và cũng không phù hợp để sản xuất thêm dầu diesel - thứ mà châu Âu đang khát”.

Các quốc gia Trung Đông nắm giữ gần một nửa trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng của thế giới và phần lớn năng lực sản xuất chưa được khai thác, song việc thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các cuộc xung đột, đấu đá chính trị và các lệnh trừng phạt là những lý do khiến khu vực này không thể “giải cứu” châu Âu khỏi cơn khát dầu.

Trần Ánh
.
.