Đến Làng Teng

Thứ Sáu, 10/09/2021, 09:23

Không chỉ có thổ cẩm được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngày nay người Làng Teng còn biết làm du lịch từ văn hóa truyền thống vốn có. Bây giờ đang dịch giã thế thôi, nay mai hết dịch rồi thì lại phải trở lại như xưa, lại lấy du lịch, thu hút du khách để bảo tồn văn hóa cộng đồng vốn có chứ. Người Làng Teng vẫn luôn tin vậy.

Dệt nên những sắc màu thổ cẩm

Cô gái xinh đẹp Phạm Thị Y Hòa (24 tuổi, hướng dẫn viên của Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cũng là người Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) hồ hởi kể về những đổi thay của làng mình. Đó là ngôi làng đẹp bình yên nằm bên quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên) bên dòng sông Liêng hiền hòa. Y Hòa bảo, con gái dân tộc H’rê trong làng nổi tiếng vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Không chỉ biết dệt vải, mà giờ còn biết làm du lịch nữa.

Làng Teng vốn là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm. Là nơi cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng này. Và văn hóa của người Làng Teng phóng khoáng như tâm hồn thảo nguyên của người Hrê nhưng cũng tinh tế và sáng tạo nhờ được lưu truyền qua bao thế hệ vậy. Y Hòa bảo, bây giờ dù ngôi làng khiêm tốn nằm bên dòng sông Liêng thơ mộng không còn giữ cái trật tự mang tính truyền thống của người H’rê xưa. Duy chỉ có những bộ áo, váy thổ cẩm là không lẫn vào đâu được. Nó vẫn ở đó, nguyên vẹn như những buổi đầu của người H’rê cổ xưa. Đó dường như là sợi dây kết nối cuối cùng, níu giữ chút kí ức đẹp đẽ còn sót lại của một thời vàng son ấy.

Đến Làng Teng -0
Một góc Làng Teng.

Trong tiềm thức của nhiều người Làng Teng và cả những ngôi làng xung quanh đây thì Làng Teng là ngôi làng duy nhất biết trồng bông và dệt thổ cẩm. Hằng năm, cứ đến mùa, cây bông trồng trên triền núi thấp. Khi những cây bông trổ trắng cả triền núi, người làng hái về, quay vòng xe thành sợi. Khi con gái mang gùi đi hái trái về kéo sợi thì con trai lại ngược về phía núi kiếm rễ hay vỏ cây rừng về làm màu, ngâm sợi. Từ những sợi bông đã nhuộm màu, qua bàn tay người phụ nữ Làng Teng sẽ trở thành những tấm thổ cẩm độc đáo. Đối với những người phụ nữ ở vùng cao này, nghề dệt chính là thước đo cho sự khéo léo. Đứa trẻ H’rê khi sinh ra đã thấy người mẹ miệt mài bên khung dệt. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách xe chỉ, nhuộm màu. Để rồi theo năm tháng, nghề dệt thổ cẩm cứ len lỏi trong từng mạch máu của những người con nơi núi rừng.

Theo các già làng, những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bùng lên ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên Làng Teng đua nhau vào bộ đội, du kích hoặc đi dân công gánh gạo nuôi quân, tải vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Người H’rê không chỉ ở Làng Teng, mà ở cả Ba Tơ đều chung một lòng tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng kẻ thù, thống nhất đất nước. Khi những người con trai ra trận, con gái Làng Teng mang trong mình bóng hình thương nhớ khi ở lại làng càng say sưa bên khung cửi, để dệt tấm thổ cẩm cho riêng mình với người thương trong ngày cưới, rồi làm quà cho bố mẹ chồng và xa hơn là dệt tấm địu để mai này địu con trên lưng lên rẫy, ra nương.

Thời gian trôi qua và những thay đổi của lịch sử, đặc biệt là qua thời kỳ chống Pháp đến thời chống Mỹ đã làm cho nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây bị mai một nhiều. Không chỉ thế, nghề dệt vải từ sợi bông đến nay đã không còn và nghề dệt vải bông cũng rất khó khôi phục vì sợi dệt công nghiệp ngày nay đã phát triển và thịnh hành hơn. “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của làng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Lớp trẻ bây giờ khéo tay, mắt cũng tinh hơn nên dệt vải đẹp hơn lớp già như chúng tôi nhưng mừng là có nhiều người trẻ đã mê thổ cẩm của làng. Thổ cẩm của làng không còn lo thất truyền nữa”, bà Phạm Thị Pót (70 tuổi), nghệ nhân cao tuổi ở Làng Teng, vừa dệt tấm vải khổ lớn, vừa vui mừng nói.

Lấy du lịch để bảo tồn văn hóa

Niềm mong mỏi của người Làng Teng đã thành hiện thực, khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở thôn Làng Teng được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng” được xây dựng trên diện tích 1,48ha, tại xã Ba Thành (Ba Tơ), do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng (vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng ngân sách tỉnh) cũng được triển khai.

Đến Làng Teng -0
Người Làng Teng làm du lịch cộng đồng nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Khi nhà và các công trình phụ được dựng lên, nhiều vị trí chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà, chòi lúa đặt chưa phù hợp, Ban Quản lý dự án lại phải mời các già làng, người uy tín có hiểu biết ra hiện trường thi công góp ý. Tại hiện trường, già làng Phạm Văn Néo đã góp ý rất nhiều để khu bảo tồn này được hoàn thiện nhất, đúng với văn hóa của làng nhất, như chuyện cái chòi lúa phải dời ra xa nhà ở, vì ở gần, khi cháy nhà thì cháy cả chòi lúa, mất đi cái ăn. Mô hình, hiện vật là đúng truyền thống rồi, chỉ còn việc bố trí lại cho đúng để con cháu sau này biết. Phục dựng thì phải đúng, phải mang nét văn hóa ngày xưa của ông bà, tổ tiên.

Bây giờ, cuộc sống đổi thay và hiện đại hơn, những ngôi nhà sàn dần thưa vắng, thay vào đó là nhà ngói. Con gái Làng Teng giờ nhiều người học đại học, cao đẳng rồi về công tác ở địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về Ba Tơ thăm di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và những thắng cảnh trên địa bàn, đến khi được xem những cô gái Làng Teng nhảy múa, uốn người theo điệu cồng, điệu chiêng, đều xuýt xoa, tán thưởng.

Bây giờ, khi khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng trên mặt bằng rộng gần 1,5 ha với nhà văn hóa và 3 nhà sàn truyền thống đã đưa vào hoạt động. Mục đích làm nơi dạy nghề dệt thổ cẩm, tổ chức hát dân ca, dân nhạc. Những cô gái Làng Teng càng có điều kiện phô diễn vẻ đẹp, sự giỏi giang của mình để những đấng mày râu lại đến tìm người thương. Thanh niên Làng Teng cũng hiện thực hóa mô hình du lịch cộng đồng của mình bằng tên gọi “Du lịch thanh niên” với rất nhiều chương trình, phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào H’rê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Anh Phạm Văn Xuân (quê Làng Teng), Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ, nói: “Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng đã được đưa vào hoạt động. Công trình gồm các hạng mục mang tính quần thể văn hóa Làng Teng nói riêng và của người H’rê Ba Tơ nói chung, gồm: Không gian sinh hoạt, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, kho lúa, chuồng trâu, cây nêu và nhiều hạng mục khác. Trong nhà văn hóa sẽ trưng bày các vật dụng sưu tầm; phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, dân ca, dân nhạc...”.

Gần 2 năm nay, du lịch thanh niên ở Làng Teng được đưa vào hoạt động. Từ khi khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng bắt đầu được xây dựng, người Làng Teng, thanh niên Làng Teng đã ấp ủ hy vọng sẽ xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng từ mạch nguồn văn hóa của làng. Nhằm phát huy hiệu quả khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, chính quyền xã Ba Thành đã phối hợp với đoàn thanh niên và cộng đồng người H’rê địa phương tổ chức sinh hoạt, truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào H’rê cho thanh niên. Đồng thời, quảng bá, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Huyện Ba Tơ đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào. Qua việc truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi, nhiều nam, nữ thanh niên H’rê đã thuộc các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, biết đánh chiêng 3, chiêng 5 và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống.

Đến Làng Teng -0
Đến Làng Teng -1
Hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng Teng được tổ chức thường xuyên.

Làng Teng là điểm đến trong tour du lịch về với vùng An toàn khu Ba Tơ. Từ khi Nhà nước đầu tư, quan tâm, nghề dệt nơi này như được tiếp thêm luồng gió mới. Những người già không chỉ truyền nghề trong phạm vi gia đình, mà còn dạy nghề cho nhiều người ở địa phương. Cũng từ nhu cầu của du khách, chị Phạm Thị Sung (nghệ nhân dệt thổ cẩm Làng Teng) đã dùng thổ cẩm để may thành quần áo, nâng cao giá trị của thổ cẩm làng mình. Như một mạch nguồn, nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng có sức sống bền bỉ. Để rồi, những tấm vải thổ cẩm được dệt bởi đôi tay khéo léo của phụ nữ Làng Teng không chỉ tạo nên những trang phục đầy sắc màu cho các mế, các chị trong những ngày hội của làng, mà sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao này đã được nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Chị Sung cho biết, ngày trước những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công xong, rồi mang đi bán ở các chợ truyền thống.

Bây giờ, nhờ có mạng xã hội nên nhiều người đưa lên mạng giới thiệu, quảng bá về thổ cẩm làng mình. Chính sự nắm bắt nhanh nhẹn và thoát ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống, mà thổ cẩm Làng Teng còn dùng để may vest nam, đầm dạ hội, kể cả đầm cưới phối thêm ren, lưới với những đường may tinh xảo. Một tấm thổ cẩm bình thường giá 800.000 đồng nhưng đem may thành bộ áo quần thì có giá 950.000 đồng. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thổ cẩm, tại cơ sở của chị Sung, du khách có thể tìm thấy những vật dụng về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc H’rê như nỏ, chiêng, gùi tre hay vật trang sức của đồng bào là những chiếc kiềng đồng.

Giờ làng văn hóa dân tộc H’rê thôn Làng Teng không chỉ có thổ cẩm, mà còn có rất nhiều hoạt động du lịch cộng đồng, người làng đã phục dựng lại rất nhiều phong tục truyền thống như dạy đánh cồng chiêng, dạy làm các loại bánh và ẩm thực H’rê, rượu cần, dạy dệt vải và rất nhiều hoạt động khác nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Những khởi sắc về du lịch cộng đồng, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp, có giá trị gia tăng cao đã khiến rất nhiều nam thanh nữ tú trong làng hào hứng. Từ đó, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng sơn cước này, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ  những giá trị văn hóa truyền thống quê hương.

Tiêu Dao
.
.