Chống xe quá tải: Đường dài lắm nỗi gian nan…

Thứ Hai, 29/12/2014, 11:10
Cho tới thời điểm này, sau gần 1 năm triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập đang tồn tại cần sự giải quyết đồng bộ từ các bộ, ngành tới từng địa phương…

1. Trạm cân xe tỉnh Bắc Kạn đặt tại Km 116 + 100 Quốc lộ 3B (QL3B) thuộc địa phận xã Yên Đĩnh huyện Chợ Mới, tiếp giáp với địa phận tỉnh Thái Nguyên và cách thị xã Bắc Kạn 44 km. Giữa nơi "đồng không mông quạnh", vì thế để có chỗ ngồi làm việc trực 24/7, anh em phải dựng cái nhà bạt di động ngay bên cạnh xe chuyên dụng chở thiết bị trạm cân. Gọi là nhà nhưng chỉ có tác dụng tránh mưa, nắng thôi vì không thể buông hết bốn bức "tường" xuống được nên dù giữa trưa nhưng gió rét căm căm vẫn lùa tứ phía. Ban ngày còn đỡ, chứ đêm xuống còn lạnh hơn nhiều.

Ở trạm cân này, hồi giữa tháng 6/2014, đã từng có vụ hai đối tượng đi xe máy với tốc độ cao lao thẳng vào giữa hai bàn cân, làm đứt dây cáp nối bàn cân số 2 với máy tính chủ, làm trạm cân không hoạt động được. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trạm cân hoạt động, ngoài Cảnh sát giao thông, Công an Bắc Kạn còn tăng cường cả Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự tham gia trạm cân và hoạt động khép kín 3 ca liên tục với tần suất ca ngày là 9 tiếng, ca đêm là 7 tiếng rưỡi.  

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tải Bắc Kạn, cho biết trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 126km, trong đó có hơn 66km QL3B, đây là con đường mà xe quá tải hay chạy qua vì nối liền Thái Nguyên với Cao Bằng, mà chủ yếu là các xe tải tự đổ, xe thùng để chở hàng hóa lên cửa khẩu Cao Bằng, các xe vận chuyển quặng từ Cao Bằng về Thái Nguyên, xe vận chuyển vật liệu xây dựng… Vì thế dù trạm cân đã 3 lần thay đổi địa điểm nhưng đều "bám trụ" trên tuyến QL3B này.

Theo ông Tuấn, trước khi triển khai trạm cân, lượng xe container từ Hải Phòng lên Cao Bằng, Lạng Sơn đi qua QL3B rất lớn; Ngoài xe container, một lượng lớn xe tải chở quặng từ Cao Bằng về Thái Nguyên cũng thường "cày xới" trên con đường này. Do ở thế "nằm giữa" nên đã có lúc UBND tỉnh Bắc Kạn cùng với việc  gửi công văn sang cả Thái Nguyên, Cao Bằng đề nghị phối hợp để xử lý xe quá tải thì cũng ra quyết định không cho xe trọng tải lớn đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng xe container đã giảm đáng kể. Cùng với trạm cân lưu động, tỉnh còn lập tổ công tác liên ngành gồm 17 người dùng cân xách tay đi kiểm tra các tuyến đường khác nên xe quá tải đã giảm mạnh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, một cán bộ Thanh tra giao thông nói vui rằng, ở Bắc Kạn chống xe quá tải rất quyết liệt vì Chủ tịch tỉnh cũng rất hay "vi hành" ra đường kiểm tra; ngoài Chủ tịch tỉnh thì còn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia mới được luân chuyển lên làm Phó Bí thư tỉnh ủy, cũng rất sát sao việc này nên "lính tráng bên dưới không làm là chết với lãnh đạo".   
Kiểm tra xe tại trạm cân lưu động tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Sở GT-VT Nguyễn Anh Tuấn, cái khó ở Bắc Kạn trong việc chống xe quá tải hiện nay là dù đã được vận động, tuyên truyền nhưng các cơ quan quản lý các điểm mỏ, bến bãi, kho hàng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất hàng. Trong khi đó biên chế của lực lượng TTGT, CSGT rất mỏng trong khi ngoài thực hiện nhiệm vụ của trạm cân còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng được giao; các lái xe thì luôn tìm cách trốn tránh, làm quyết liệt trên quốc lộ thì họ tìm cách tránh vào các đường tỉnh, đường liên huyện vào ban đêm.

Một cái khó nữa là yêu cầu hạ tải với các phương tiện vi phạm chưa được thực hiện triệt để do thiếu nhà kho, sân bãi để tập kết phương tiện vi phạm; thiết bị cân thường bị sự cố do không chịu được thời tiết mưa nắng… Vì thế, mới đây Sở GT-VT Bắc Kạn đã kiến nghị với UBND tỉnh bố trí kinh phí để gia cố 3 điểm đặt trạm cân trên quốc lộ 3B; lắp điều hòa trong xe cân để đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, lâu dài, lắp camera giám sát hoạt động của trạm cân; trang bị cho lực lượng CSGT, công an các huyện, thị xã trong tỉnh cân xách tay để tuần tra, xử lý xe quá tải trên các tuyến đường tỉnh… 

2. Cái khó của Bắc Kạn cũng đang là cái khó chung ở nhiều địa phương. Theo đánh giá của Bộ GT-VT và Bộ Công an, một trong những khó khăn hiện nay là đa số các địa phương không đủ lực lượng để bố trí làm việc liên tục 24/24 giờ do còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác của địa phương.

Không chỉ thiếu lực lượng, tại một số tỉnh hiện còn có tình trạng thiếu thống nhất về phân công nhiệm vụ trong công tác phối hợp giữa TTGT và CSGT tại các trạm cân. Bởi sau khi ký kế hoạch liên bộ với Bộ Công an kế hoạch số 12593 thì Bộ GT-VT còn ký quy chế phối hợp với UBND các tỉnh, trong đó việc phân công nhiệm vụ giữa TTGT và CSGT đã có sự khác nhau, dẫn tới tình trạng không thống nhất, tỉnh thì phân công nhiệm vụ theo quy chế ký giữa UBND tỉnh với Bộ GT-VT, tỉnh thì phân công theo kế hoạch 12593 Bộ Công an và Bộ GT-VT. 

Theo quy định, khi phát hiện xe chở quá tải trọng, lực lượng chức năng phải dừng xe đúng nơi quy định, xử phạt, niêm phong xe và chỉ cho phép lưu thông trở lại sau khi lái xe, chủ xe, hoặc chủ hàng thực hiện hạ tải đúng mức cho phép. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng để đặt cân bãi hạ tải dẫn đến việc chỉ lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi quá trọng tải cho phép nhưng không buộc hạ tải ngay mà giao cho lái xe tự hạ tải nên xe quá tải sau khi bị phạt lại tiếp tục lưu hành.  

Mới đây, UBND TP HCM vừa đồng ý duyệt dự toán kinh phí 10,3 tỉ đồng trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm trật tự ATGT để Sở GT-VT đầu tư xây dựng 2 bãi hạ tải (tại đường Vành đai Đông, quận 2 và tại khu vực nút giao thông Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) phục vụ công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải.

Để kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc, Bộ GT-VT đã trang bị 63 xe kiểm tra tải trọng xe lưu động. Để phục vụ hoạt động của 63 trạm cân này, lực lượng Công an đã bố trí 957 cán bộ, chiến sĩ (trong đó ngoài 738 CSGT còn có 219 Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự); ngành Giao thông vận tải bố trí 752 cán bộ (559 thanh tra viên, 193 chuyên viên thanh tra) hoạt động 24/7. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông toàn quốc hiện khoảng 260.000 km, trong đó khoảng 17.000km quốc lộ, 42.000 km tỉnh lộ; vậy mà cả nước hiện mới chỉ có 63 trạm cân lưu động, 2 trạm cân cố định và cân xách tay do lực lượng Công an, TTGT trang bị nên chưa đủ để kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong cả nước mà chỉ tập trung kiểm soát được trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc. Vì vậy, tại nhiều địa phương, ngoài trạm cân lưu động, Công an tỉnh còn bố trí lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến đường không có trạm cân để xử lý xe quá tải.

3. Sau gần 1 năm triển khai việc cân xe trên toàn quốc, cũng đã có quy định phải kiểm tra tải trọng từ nơi xuất hàng, nhiều địa phương cũng tổ chức cho lái xe, doanh nghiệp vận tải ký cam kết không xếp hàng lên xe quá tải trọng nhưng đối với nhiều lái xe, chủ xe, việc chấp hành chở đúng tải vẫn mang tính đối phó hơn là tự giác. Các cơ quan quản lý kho cảng, bến bãi chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý tốt việc việc xếp hàng hóa trên xe ôtô, vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất phát nên có cơ hội là họ vẫn chở quá tải.
Những chiếc xe chở gỗ quá tải bị bắt tại Hải Dương rạng sáng 5/12.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong tháng 11, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên cả nước đã tiến hành kiểm tra 43.800 xe, trong đó có 4.219 xe vi phạm (chiếm 9,6%), buộc hạ tải 2.603 xe với khối lượng 14.798 tấn, phạt tiền 25,8 tỉ đồng.

Gần đây nhất, vào rạng sáng ngày 7/12, các lực lượng tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Hải Dương đã phát hiện, vây bắt đoàn xe tới 10 chiếc của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (trụ sở ở phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) chở thép quá tải trọng.

Đoàn xe này xuất phát từ Hải Phòng, để tránh hai trạm cân trên Quốc lộ 5 là An Hưng (Hải Phòng) và Ba Hàng (Hải Dương), các lái xe đã thuê cò dẫn chạy đường vòng rẽ vào tỉnh lộ 391. Đến tỉnh lộ 391 khu vực xã Tái Sơn, các đối tượng cò dẫn đường phát hiện xe của lực lượng chức năng bám theo nên nhanh chóng báo cho lái xe. Đoàn xe hàng lập tức trốn vào công trường đang thi công cầu vượt của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rồi đóng cửa, tắt đèn cố thủ. Đến khoảng 5 giờ 30 phút, các lái xe mới chấp hành yêu cầu đưa xe về trạm cân.

Theo lời khai của các lái xe và giấy tờ liên quan, các phương tiện trên chở hàng từ Cảng Nam Hải, Hải Phòng lên Thái Nguyên. Kết quả kiểm tra 10 xe đầu kéo đều vượt quá 71-116% tải trọng cho phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, phạt lái xe và chủ xe tổng cộng 120 triệu đồng, buộc các phương tiện hạ tải theo quy định; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép của 10 lái xe trong hai tháng.

Trước đó vào đêm 5/12, cũng tại tỉnh lộ 391, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã bắt đoàn gồm 8 xe chở gỗ quá tải trốn trạm cân theo lộ trình trên. Trong đó có xe chở tới hơn 400%. Các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng quá tải trọng với tổng tiền phạt 96 triệu đồng; đồng thời buộc tất cả các phương tiện phải hạ phần hàng quá tải theo quy định.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cả một đoàn xe cả chục chiếc chở hàng vượt tải trọng tới hơn 400% lại có thể xuất bến, chạy nghênh ngang đi trên quốc lộ hàng chục kilomet mới bị bắt ở một địa bàn khác như vậy?

Vì vậy, mới đây trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Bộ Công an và Bộ GT-VT đã thống nhất cùng với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm; phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, rà soát bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho sát, đúng, phù hợp thực tế; giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kho, cảng, bến bãi, nhà ga, chủ xe, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ôtô ngay tại gốc đảm bảo đúng tải trọng mới cho xuất phát; tăng cường xử lý vi phạm ngay từ nơi xuất hàng. Đặc biệt là xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu chủ doanh nghiệp vận tải, người quản lý kho, cảng, bến bãi nếu để xe xếp hàng quá tải trọng lưu thông trên đường.

Từ 1/1/2015 tăng mức xử phạt với xe quá tải

Ngày 17/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 171, trong đó quy định tăng nặng mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép.

Xử phạt 12-14 triệu đồng đối với cá nhân và 24-28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60% quy định; xử phạt 14-16 triệu đồng đối với cá nhân và 28-32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% đến 100%) quy định. Xử phạt 16-18 triệu đồng đối với cá nhân và 32-36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 100%) quy định.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện như: xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 40%.

Phạt tiền từ 7 triệu đến 8 triệu đồng khi chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.

Nguyễn Thiêm
.
.